Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2011/NQ-HĐND | Lai Châu, ngày 16 tháng 7 năm 2011 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ CÔNG TÁC DI DÂN, TÁI ĐỊNH CƯ DỰ ÁN THUỶ ĐIỆN LAI CHÂU
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XIII, KỲ HỌP THỨ HAI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 40/2009/QH12 ngày 25/11/2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu;
Sau khi xem xét Tờ trình số 772/TTr-UBND ngày 30/6/2011 của UBND tỉnh về công tác di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Lai Châu; Báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua Chương trình thực hiện công tác di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Lai Châu với nội dung sau:
I. Mục tiêu, nhiệm vụ:
Công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Lai Châu là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) của tỉnh Lai Châu và huyện Mường Tè; Đây là vấn đề xã hội lớn, vừa có lợi ích trước mắt, vừa có lợi ích lâu dài, toàn diện và phải được đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phương án điều chỉnh địa giới hành chính, xây dựng nông thôn mới, sắp xếp lại dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Mường Tè và đơn vị hành chính liên quan, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, đảm bảo cho đồng bào tái định cư và đồng bào bị ảnh hưởng do thực hiện Dự án từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ.
Việc di dân, tái định cư dự án thủy điện Lai Châu phải tạo được các điều kiện để đồng bào đến nơi ở mới từng bước có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư phải đảm bảo tính bền vững và ổn định lâu dài. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư đảm bảo chất lượng hiệu quả và chỉ tổ chức di chuyển cho các hộ tái định cư tới nơi ở mới khi đã cơ bản hoàn thiện các công trình thiết yếu.
Tổ chức tái định cư cho đồng bào nằm trong vùng ngập và vùng bị ảnh hưởng phải đảm bảo an toàn và hoàn thành trước khi hồ thủy điện Lai Châu tích nước.
II. Phương án quy hoạch, bố trí tái định cư:
Quy hoạch, bố trí tái định cư cho các hộ trong vùng ngập lòng hồ và các hộ bị ảnh hưởng được thực hiện chủ yếu trên địa bàn huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu:
1. Tái định cư tập trung nông thôn:
- Khu tái định cư Mường Mô, xã Mường Mô: Tái định cư cho khoảng 599 hộ.
- Khu tái định cư Can Hồ, xã Can Hồ: Tái định cư cho khoảng 227 hộ.
- Khu tái định cư Nậm Khao, xã Nậm Khao: Tái định cư cho khoảng 166 hộ.
- Khu tái định cư Mường Tè, xã Mường Tè: Tái định cư cho khoảng 290 hộ.
2. Tái định cư đô thị:
- Khu tái định cư Nậm Hàng: Tái định cư cho khoảng 235 hộ phi nông nghiệp.
- Khu tái định cư thị trấn Mường Tè: Tái định cư cho khoảng 223 hộ.
3. Tái định cư xen ghép và tái định cư tự nguyện di chuyển:
- Tái định cư xen ghép cho khoảng 6 hộ tại xã Bum Tở;
- Tái định cư tự nguyện di chuyển cho khoảng 307 hộ đang sinh sống tại các xã Mường Mô, Can Hồ, Bum Tở, Nậm Khao, Mường Tè và thị trấn Mường Tè.
4. Bố trí các khu tái định cư dự phòng Nậm Manh: Quy mô tiếp nhận khoảng 200 hộ (50 hộ tái định cư phi nông nghiệp, 150 hộ tái định cư nông nghiệp).
Trong quá trình thực hiện Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu được phép điều chỉnh phương án bố trí tái định cư cho phù hợp với điều kiện thực tế tại các khu, điểm tái định cư nhưng không được vượt tổng mức đầu tư Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
III. Về cơ chế, chính sách thực hiện dự án:
1. Về cơ chế: Thực hiện theo cơ chế riêng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 29/01/2011.
2. Về chính sách: Thực hiện theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg ngày 09/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La và các quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg; Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; Các quy định hiện hành có liên quan của Trung ương và của tỉnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản của tỉnh không còn phù hợp để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
IV. Tiến độ thực hiện:
- Năm 2010 di chuyển cho 49 hộ dân tại mặt bằng xây dựng công trình;
- Năm 2012 di chuyển cho khoảng 657 hộ;
- Năm 2013 di chuyển cho khoảng 598 hộ;
- Năm 2014 di chuyển cho khoảng 456 hộ;
- Hoàn thành công tác tái định cư vào tháng 12 năm 2016.
V. Các giải pháp thực hiện:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đầu tư xây dựng dự án thủy điện, về di dân, tái định cư; làm tốt công tác vận động nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, nhân dân các dân tộc. Đặc biệt là nhân dân tái định cư và dân sở tại.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, thực hiện các chủ trương, chính sách di dân tái định cư; quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở tại các khu điểm tái định cư đủ điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo công tác tái định cư, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Triển khai quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư đảm bảo đồng bộ, phù hợp với tập quán, điều kiện sống của nhân dân các dân tộc; xây dựng phương án sản xuất cho từng khu, điểm tái định cư phù hợp với tiềm năng của từng vùng; giải quyết tốt các vấn đề về đất ở, đất sản xuất, nước sản xuất, nước sinh hoạt, xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhân dân tái định cư; quan tâm thực hiện chính sách tái định cư đúng, đủ, kịp thời.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này tổ chức thực hiện.
Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu khoá XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2011./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 02/2007/QĐ-TTg Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Nghị quyết 40/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu do Quốc hội ban hành
- 5Quyết định 34/2010/QĐ-TTg ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 188/QĐ-TTg năm 2011 về Cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thủy điện Lai Châu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Chỉ thị 10/2008/CT-UBND đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác di dân, tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 8Chỉ thị 11/2006/CT-UBND đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả công tác di dân, tái định cư các dự án thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Nghị quyết 16/2011/NQ-HĐND về công tác di dân, tái định cư Dự án thuỷ điện Lai Châu
- Số hiệu: 16/2011/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 16/07/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
- Người ký: Giàng Páo Mỷ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra