HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15c/2010/NQ-HĐND | Huế, ngày 09 tháng 12 năm 2010 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 51/2010/QH12 ngày 08 tháng 11 năm 2010 của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011;
Quán triệt Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011;
Sau khi xem xét tờ trình và báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do Uỷ ban nhân dân tỉnh trình, đồng thời nhấn mạnh:
Năm 2011 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, năm tiếp tục thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 và Quyết định số 86/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Để chủ động tranh thủ tối đa thời cơ, ứng phó linh hoạt trước mọi khó khăn, thách thức, phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh và kết quả đạt được trong những năm qua, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, năm 2011 tập trung vào một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu sau:
I. Mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu:
1. Mục tiêu: Duy trì tăng trưởng kinh tế cao và bền vững; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; tập trung nguồn lực đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ xứng tầm là trung tâm lớn của miền Trung và cả nước; tạo tiền đề xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2014.
2. Các chỉ tiêu cụ thể:
- Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng từ 12,5 - 13%;
Trong đó: Các ngành dịch vụ tăng 12 – 12,5 %;
Công nghiệp - xây dựng tăng 16 - 17%;
Nông nghiệp tăng 2 - 2,3%.
- Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GDP) 1300 USD.
- Giá trị xuất khẩu hàng hoá 260 triệu USD.
- Tổng đầu tư toàn xã hội: 12.000 tỷ đồng.
- Thu ngân sách nhà nước đạt 3.300 – 3.500 tỷ đồng.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,3‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,14%.
- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% so với năm 2010
- Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 16%.
- Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề 44%.
- Tạo việc làm mới cho 16.500 người.
- Tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch 55%.
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 85%
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý 80%
- Trồng 4.500 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,6%.
II. Các chương trình trọng điểm:
Tập trung thực hiện 8 chương trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; trong đó ưu tiên 4 chương trình trọng điểm sau đây:
1. Chương trình nâng cấp và phát triển đô thị, trọng tâm là đô thị Huế, Thuận An, Hương Trà và thị xã Hương Thủy.
2. Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
3. Chương trình xây dựng và phát triển Khu kinh tế, đô thị Chân Mây - Lăng Cô.
4. Chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội.
III. Các dự án và công trình trọng điểm:
1. Chỉnh trang đô thị Huế, Thuận An, Tứ Hạ, Hương Thủy; chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc (Phong Điền).
2. Cầu qua sông Hương, hoàn thành đường Thủy Dương - Thuận An (đoạn từ Thủy Dương đến tỉnh lộ 10A, C); hoàn thành giai đoạn I đường La Sơn - Nam Đông; xúc tiến Bến số 2 Cảng Chân Mây, đê chắn sóng Cảng Chân Mây.
3. Dự án đầu tư mở rộng Sân bay quốc tế Phú Bài; Cảng xăng dầu của Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam; Dự án Khu du lịch Laguna Huế.
4. Các dự án thủy lợi: Hồ Tả Trạch, hồ Thủy Yên - Thủy Cam.
5. Nâng cấp Bệnh viện Trung ương Huế; đẩy nhanh tiến độ Bệnh viện đa khoa phía Bắc, Trường Trung học cơ sở chất lượng cao Nguyễn Tri Phương.
6. Dự án xây dựng nhà ở xã hội cho những đối tượng thu nhập thấp; các khu tái định cư.
7. Trùng tu di tích khu vực Đại Nội; xúc tiến xây dựng Bảo tàng Lịch sử Cách mạng; di dời Nghĩa trang Ngự Bình.
IV. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1. Huy động tối đa mọi nguồn lực, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải; tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, ưu tiên thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, xem đây là giải pháp bứt phá để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Điều chỉnh quy hoạch vùng theo hướng đô thị toàn tỉnh. Xây dựng Đề án điều chỉnh phạm vi địa giới hành chính của thành phố Huế gắn với nâng cấp đô thị Thuận An, Hương Trà, Bình Điền. Lập thủ tục thành lập thị xã Hương Trà, Thuận An.
Hoàn thành sớm các quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất, tạo quỹ đất bán đấu giá. Thực hiện chủ trương “Đấu giá quyền sử dụng đất, không giao, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư ở các khu đô thị”; rà soát, sắp xếp lại các “khu đất vàng”, trụ sở các cơ quan, đơn vị; thu hồi các khu đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích để tổ chức bán đấu giá, tăng nguồn thu ngân sách. Khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Có giải pháp cụ thể để khai thác tối đa nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, nhất là của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế; thu hút vốn tín dụng ưu đãi, vốn đầu tư trực tiếp FDI, ODA. Xã hội hóa mạnh hơn công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án lớn tại các vùng kinh tế động lực Huế, Chân Mây – Lăng Cô, vùng đầm phá, ven biển, khu du lịch, khu công nghiệp. Kiểm tra, rà soát và xử lý các dự án đầu tư theo quy định.
2. Khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh và lợi thế so sánh của vùng đất văn hoá di sản để nâng cao chất lượng, hiệu quả của ngành du lịch, dịch vụ.
Phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm với vùng đất văn hóa, di sản, thành phố Festival của Việt Nam với các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng để chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia (2012). Tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án trọng điểm: Laguna, Bãi Chuối, Khu du lịch Phong Phú và một số khách sạn cao cấp. Xem đây là hướng đột phá để phát huy đúng tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Có chính sách khuyến khích phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ có nhiều lợi thế và tiềm năng, trọng tâm là dịch vụ về y tế, giáo dục, bất động sản, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, dịch vụ bổ trợ ở các khu công nghiệp... chú trọng các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
3. Phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu xây dựng tiêu chí nông thôn mới mang tính đặc thù của nông thôn Thừa Thiên Huế.
Tập trung đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn, gắn với ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.
Có chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cung ứng vốn và đầu tư phát triển sản xuất ở địa bàn nông thôn. Gắn xây dựng các khu dân cư đô thị, các khu tái định cư với xây dựng nông thôn mới và phát triển ngành nghề ở nông thôn.
4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách tạo việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; giải quyết tốt các vấn đề xã hội và môi trường; chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.
Huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm, Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, Chương trình hỗ trợ các hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo, cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, tăng cường công tác dân số ở cơ sở. Quản lý chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã và thị trường thuốc chữa bệnh.
Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện đề án “Phát triển văn hóa nông thôn” và phong trào ”đền ơn, đáp nghĩa”, thực hiện các chính sách trợ giúp và xã hội hóa các chính sách xã hội.
Chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Chú trọng đầu tư bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; xúc tiến sớm việc lập quy trình vận hành liên hồ.
5. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tập trung lãnh đạo bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân gắn với kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính theo hướng hiện đại và đơn giản hoá nhằm tạo ra chuẩn mực mới trong công tác quản lý hành chính. Thực hiện có hiệu quả Đề án 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính, không để phát sinh các thủ tục hành chính không hợp lý, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người dân.
Có chính sách và chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ công chức chuyên nghiệp; chuẩn bị bộ máy cho việc hình thành đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Triển khai quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
6. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp đối với công tác quốc phòng, an ninh. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng khu vực phòng thủ.
Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, tổ quốc; đấu tranh phòng chống tội phạm đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để giúp các doanh nghiệp trong quan hệ đối ngoại, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy đầu tư, khai thác Sân bay quốc tế Phú Bài và Cảng Chân Mây, Thuận An.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành phổ biến, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi toàn thể cán bộ, quân và dân trong tỉnh nêu cao tinh thần làm chủ, đoàn kết, nhất trí, phát huy những kết quả đạt được, huy động mọi nguồn lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch năm 2011, tạo tiền đề hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp thứ 15 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 12/2010/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 2Nghị quyết 153/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 3Nghị quyết 40/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 86/2009/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 51/2010/QH12 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do Quốc hội ban hành
- 4Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành
- 5Nghị quyết 12/2010/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2010 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2011 do thành phố Cần Thơ ban hành
- 6Nghị quyết 153/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2011 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 7Nghị quyết 40/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
Nghị quyết 15c/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- Số hiệu: 15c/2010/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 09/12/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
- Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/12/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực