Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/2010/NQ-HĐND

Hải Dương, ngày 08 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 – 2015.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ 18

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2005;

Sau khi xem xét báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 – 2015), báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 của tỉnh với một số nội dung sau:

A. Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong giai đoạn 2006 – 2010 dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền các cấp, sự giám sát của HĐND các cấp, sự giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương cùng tinh thần đoàn kết phấn đấu cao của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh ta đã giành được nhiều thành tựu quan trọng, đạt và vượt 10/18 chỉ tiêu chủ yếu của KH 5 năm 2006 – 2010 đã đề ra. Kinh tế của tỉnh phát triển khá, đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 9,7%/năm. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích và có bước phát triển mới. Công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt một số tiến bộ. Văn hoá, thể dục thể thao tiếp tục phát triển. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực. Đời sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng được mở rộng.

B. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Từng bước tái cơ cấu kinh tế, tạo bước chuyển biến về chất lượng tăng trưởng. Chủ động, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng hiện đại hoá – công nghiệp hoá. Giải quyết hài hoà, bền vững các vấn đề xã hội. Giữ vững ổn định chính trị xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, quân sự địa phương; từng bước xây dựng nền hành chính vững mạnh. Tạo nền tảng vững chắc để Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Về kinh tế

1- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 11%/năm, trong đó:

+ Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 1,8%/năm.

+ Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 12,6%/năm trở lên.

+ Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 12,2%/năm.

2. Cơ cấu kinh tế Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản – công nghiệp, xây dựng - dịch vụ năm 2015 là: 19,0% - 48,0% - 33,0%.

3. Cơ cấu lao động năm 2015: nông, lâm, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ là 43% - 30% - 27%.

4. Giá trị xuất khẩu tăng bình quân 17%/năm trở lên.

5. Thu ngân sách nội địa tăng 15%/năm.

6. GDP bình quân đầu người vào năm 2015 đạt khoảng 1.800 USD.

7. Tổng vốn đầu tư xã hội trong 5 năm đạt 145 -150 ngàn tỷ đồng.

Về xã hội

8. Huy động 45% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 96,5% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào THCS; 98% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lên.

9. Hàng năm giải quyết việc làm mới cho 3,2 vạn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55% trở lên.

10. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5%/năm.

11. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đến năm 2015 xuống dưới 16%.

12. Đến năm 2015 có 7,5 bác sỹ/1 vạn dân; 30 giường bệnh/1 vạn dân (kể cả giường bệnh ở cấp xã).

13. Giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,18%0.

14. Đến năm 2015 có 65% làng, khu dân cư được công nhận làng, khu dân cư văn hoá, 85% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn cơ quan đơn vị văn hoá.

15. Hàng năm có trên 75% số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến và xuất sắc trở lên.

16. Đến năm 2015 hoàn thành xây dựng nông thôn mới cho 25% số xã theo tiêu chí của Chính phủ.

Về môi trường

17. Đến năm 2015, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%.

18. Đến năm 2015, 100% khu, cụm công nghiệp hoạt động có lắp đặt và sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

C. NHIỆM VỤ CHÍNH TRÊN CÁC LĨNH VỰC

1. Phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ổn định diện tích lúa đến năm 2015 khoảng 60 ngàn ha. Tích cực xử lý hậu quả do tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, nhất là lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, có kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, trước mắt ưu tiên đầu tư cho công tác lập quy hoạch và các công trình: cấp điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc và công trình xử lý rác thải. Phấn đấu giai đoạn 2011 – 2015 hoàn thành 58 xã nông thôn mới.

2. Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng để phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, từng bước hiện đại hoá các cơ sở sản xuất hiện có. Ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

3. Phát triển các ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hoá, mở ra các loại hình dịch vụ mới. Nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ phục vụ sản xuất; đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, môi trường, dịch vụ việc làm… theo cơ chế thị trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

4. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Đầu tư có trọng điểm cho các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn, các ngành công nghiệp và dịch vụ có khả năng tạo giá trị tăng thêm cao.

5. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động KHCN. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống, gắn liền với việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ KHCN nhằm từng bước xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN đủ mạnh để hội nhập, hợp tác, liên kết với các đối tác ngoài tỉnh và quốc tế.

6. Tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển SXKD.

7. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Tập trung lập quy hoạch tổng thể cho các ngành, lĩnh vực then chốt, có vai trò là “chìa khoá” để thúc đẩy phát triển. Đảm bảo phủ kín quy hoạch xây dựng trên toàn tỉnh, gắn với quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh.

8. Tạo bước chuyển biến mới về chất lượng giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng văn hoá, xã hội, phúc lợi công cộng. Đảm bảo tốt hơn an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

9. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản. Hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác sau chuyển đổi ruộng. Quy hoạch, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản. Giải quyết cơ bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.

10. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện tốt công tác xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng tham mưu và sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh; giữ ổn định chính trị xã hội phục vụ phát triển kinh tế.

11. Triển khai thực hiện tốt Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 – 2020. Tạo bước chuyển biến căn bản về cải cách thủ tục hành chính. Từng bước xây dựng nền hành chính công tinh gọn, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

Điều 2. Giao UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

 Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khoá XIV, kỳ họp thứ 18 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Thanh Quyến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 153/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 153/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/12/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Bùi Thanh Quyến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản