Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 146 /2009/NQ-HĐND

Tam Kỳ, ngày 22 tháng 7 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ, GIÁO VIÊN CỦA NGÀNH GD&ĐT TỪ ĐỒNG BẰNG LÊN CÔNG TÁC TẠI CÁC HUYỆN MIỀN NÚI VÀ TỪ MIỀN NÚI VỀ ĐỒNG BẰNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 27/3/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK);
Xét Tờ trình số 2149/TTr-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về Đề án luân chuyển cán bộ, giáo viên của ngành GD&ĐT từ đồng bằng lên công tác tại các huyện miền núi và từ miền núi về đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam; báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất thông qua Đề án "Luân chuyển cán bộ, giáo viên của ngành GD&ĐT từ đồng bằng lên công tác tại các huyện miền núi và từ miền núi về đồng bằng thuộc tỉnh Quảng Nam" do UBND tỉnh trình tại Tờ trình số 2149/TTr - UBND ngày 23 tháng 6 năm 2009, với các nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu:

Tiếp tục thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, giáo viên (CB,GV) công tác lâu năm ở các huyện miền núi được luân chuyển về đồng bằng, thành phố, địa phương nơi gia đình thường trú hoặc các huyện, thành phố lân cận ở đồng bằng (nơi gia đình thường trú).

Thực hiện chế độ chính sách ưu đãi của tỉnh đối với CB, GV công tác ở đồng bằng được cấp có thẩm quyền quyết định điều động luân chuyển hoặc tình nguyện lên phục vụ công tác tại các huyện miền núi, kế hoạch luân chuyển, tuyển mới CB,GV công tác ở đồng bằng lên thay thế cho CB,GV miền núi đã chuyển đi.

II. Nguyên tắc thực hiện:

1. Luân chuyển, tuyển mới CB,GV phải bảo đảm theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước; đảm bảo cân đối ổn định được quy mô, số lượng, chất lượng CB,GV giữa các vùng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục ở các huyện miền núi của tỉnh.

 2. Hằng năm UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan có kế hoạch luân chuyển giáo viên. Việc xét luân chuyển CB,GV thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn và qui trình các bước tiến hành. Các huyện, thành phố ở đồng bằng có trách nhiệm bố trí CB,GV có chất lượng luân chuyển lên các huyện miền núi và tiếp nhận, phân công công tác đối với CB,GV ở các huyện miền núi được chuyển về hằng năm. Riêng các huyện, thành phố ở đồng bằng có xã miền núi, xã đảo việc luân chuyển CB,GV do huyện, thành phố thực hiện theo thẩm quyền.

3. CB,GV ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh trong độ tuổi quy định đều có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành quyết định điều động và luân chuyển lên công tác tại các huyện miền núi để tham gia xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi của tỉnh.

4. CB,GV ở huyện đồng bằng, thành phố kết nghĩa, sau khi hoàn thành nghĩa vụ công tác phục vụ tại các huyện miền núi được luân chuyển về địa phương nơi công tác ban đầu, thì địa phương đó phải có trách nhiệm tiếp nhận bố trí công tác. Đồng thời quyết định điều động luân chuyển CB,GV khác lên thay thế theo yêu cầu của các huyện miền núi. Đối với các trường THPT, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở GD&ĐT thì Sở GD&ĐT có trách nhiệm luân chuyển CB,GV giữa miền núi và đồng bằng, thành phố.

5. Trong trường hợp CB, GV thuộc diện luân chuyển lên công tác ở các huyện miền núi mà không chấp hành sự điều động, phân công của cấp có thẩm quyền hoặc trong thời gian làm nghĩa vụ mà tự ý bỏ việc thì bị kỷ luật tùy theo mức độ vi phạm và chịu trách nhiệm bồi hoàn cho Nhà nước về kinh phí trợ cấp luân chuyển đã hưởng (nếu có).

III. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi: Áp dụng luân chuyển CB,GV hiện công tác tại các huyện đồng bằng, thành phố lên công tác tại các huyện miền núi và luân chuyển CB,GV trong biên chế Nhà nước của ngành GD&ĐT công tác lâu năm ở huyện miền núi về công tác tại các huyện, thành phố ở đồng bằng.

2. Đối tượng:

2.1 Luân chuyển lên: Gồm CB,GV trong biên chế, hưởng lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước đang công tác ở các huyện, thành phố ở đồng bằng được bố trí lên công tác tại các huyện miền núi theo yêu cầu của từng cấp học, bậc học, bộ môn ở các cơ sở giáo dục (theo điểm 2, mục II Nghị quyết này).

- Giáo viên tuyển mới tại các huyện miền núi.

- Các đối tượng sau đây được miễn thực hiện nghĩa vụ luân chuyển lên vùng đặc biệt khó khăn (trừ trường hợp tự nguyện):

+ Con liệt sĩ; bản thân là thương binh, bệnh binh; con Thương binh và con của những người hưởng chính sách như Thương binh;

+ Nam quá 45 tuổi;

+ Nữ quá 40 tuổi;

+ Nữ đang có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi;

+ Đã có thời gian công tác ở xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo từ 03 năm trở lên;

+ Bản thân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự;

+ Có vợ (hoặc chồng) đang công tác tại các huyện miền núi;

+ Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không đảm bảo sức khỏe).

 + Các trường hợp đặc biệt khác do Hội đồng xét luân chuyển của UBND huyện, thành phố và Sở GD&ĐT xem xét, quyết định.

2.2 Luân chuyển về: Gồm cán bộ, giáo viên (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm) đã công tác ở huyện miền núi của tỉnh thời gian đủ 05 năm (đối với nam), 03 năm (đối với nữ) được xét luân chuyển về lại địa phương nơi gia đình thường trú, nơi công tác của vợ (chồng), hoặc các huyện, thành phố lân cận ở đồng bằng (nơi gia đình thường trú).

- Nếu chưa đủ thời gian công tác ở các huyện miền núi mà được cử đi học, sau khi học xong phải trở về thì tiếp tục bố trí công tác đủ thời gian quy định, sau đó mới được xét luân chuyển về lại địa phương hoặc các huyện, thành phố lân cận ở đồng bằng (nơi gia đình thường trú). (Thời gian đi học không được tính vào thời gian công tác ở miền núi).

- Trong thời gian công tác theo quyết định luân chuyển, CB,GV nếu bị kỷ luật (từ khiển trách trở lên), hoặc bị đình chỉ công tác thì chưa được xét giải quyết luân chuyển về. Chỉ sau khi chấm dứt hiệu lực kỷ luật, hoặc hết thời gian bị đình chỉ công tác, CB,GV mới được xét giải quyết luân chuyển về. Thời gian bị kỷ luật, hoặc bị đình chỉ công tác không được tính vào thời gian phục vụ trong thời hạn luân chuyển.

IV. Lộ trình thực hiện:

1. Luân chuyển về: Lộ trình luân chuyển về cụ thể như sau:

- Năm 2010: Ưu tiên giải quyết cho số CB,GV có thời gian công tác ở các huyện miền núi từ đủ 10 năm trở lên đối với nam và từ đủ 08 năm trở lên đối với nữ (Đối với những huyện có số CB,GV chuyển về các huyện đồng bằng, thành phố với số lượng đông).

- Năm 2011: Ưu tiên giải quyết cho số CB,GV có thời gian công tác ở các huyện miền núi từ đủ 07 năm trở lên đối với nam và từ đủ 05 năm trở lên đối với nữ.

- Năm 2012: Giải quyết cho số CB,GV có thời gian công tác ở các huyện miền núi quá 05 năm trở lên đối với nam và quá 03 năm trở lên đối với nữ.

- Năm 2013 - 2015: Tiếp tục giải quyết luân chuyển về cho số CB,GV công tác ở các huyện miền núi đã đủ niên hạn theo quy định.

2. Luân chuyển lên: Thực hiện từ năm 2010 đến năm 2015. UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện, thành phố, Sở GD&ĐT xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể hằng năm.

V. Một số chế độ chính sách ưu đãi của tỉnh đối với CB,GV thuộc diện luân chuyển:

1. Đối với cán bộ, giáo viên từ miền núi về đồng bằng, thành phố:

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công tác tại các xã miền núi thuộc các huyện miền núi của tỉnh (thời gian đủ 05 năm đối với nam, đủ 03 năm đối với nữ), cán bộ, giáo viên được các cấp quản lý có thẩm quyền xét luân chuyển trở về nơi công tác ban đầu hoặc nơi gia đình thường trú hoặc các huyện, thành phố lân cận ở đồng bằng (nơi gia đình thường trú).

 2. Đối với cán bộ, giáo viên được cấp có thẩm quyền quyết định điều động luân chuyển lên công tác tại các huyện miền núi:

a. Phụ cấp thu hút:

+ CB,GV luân chuyển lên hoặc giáo viên tuyển mới công tác ở những nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,5 trở lên (trừ xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn): được hưởng phụ cấp thu hút bằng 40% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+ CB,GV luân chuyển lên hoặc giáo viên tuyển mới công tác ở những nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,4 và 0,3 (trừ xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn): được hưởng phụ cấp thu hút bằng 30% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

+ CB,GV luân chuyển lên hoặc giáo viên tuyển mới công tác ở những nơi có hệ số phụ cấp khu vực 0,2 và 0,1: được hưởng phụ cấp thu hút bằng 10% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Phụ cấp này được chi trả cho các đối tượng nêu trên, theo cùng kỳ lương hằng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè) và không dùng để tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.

b. Trợ cấp lần đầu:

CB,GV luân chuyển lên hoặc giáo viên tuyển mới công tác tại các cơ sở giáo dục ở các xã có hệ số phụ cấp khu vực 0,3 trở lên (trừ xã, thôn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thuộc các huyện miền núi: được hưởng trợ cấp lần đầu 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) cho một người.

Ủy ban nhân dân các huyện miền núi, các trường THPT, các Trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc các huyện miền núi có trách nhiệm tiếp nhận CB,GV, chi trả chế độ trợ cấp lần đầu sau khi CB,GV đã nhận công tác.

VI. Một số chế độ, chính sách khác:

1. Trợ cấp thêm:

- CB,GV được luân chuyển lên các xã thuộc các huyện miền núi (kể cả xã, thôn ĐBKK) có con dưới 18 tuổi cùng sinh sống với cha hoặc mẹ tại nơi công tác: được trợ cấp thêm 1/3 mức lương tối thiểu/cháu/tháng. Thời gian hưởng trợ cấp đồng thời với thời gian cha hoặc mẹ được hưởng chế độ chính sách luân chuyển của tỉnh.

- Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công tác phục vụ tại các huyện miền núi (thời gian đủ 05 năm đối với nam, đủ 03 năm đối với nữ), nhưng chưa được các cấp quản lý có thẩm quyền sắp xếp luân chuyển trở về nơi công tác ban đầu hoặc nơi gia đình thường trú, hoặc các huyện, thành phố lân cận ở đồng bằng (nơi gia đình thường trú), mà ở lại phục vụ công tác thì tiếp tục được hưởng các chế độ chính sách như quy định tại Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ (đối với CB,GV công tác tại xã, thôn ĐBKK) hoặc quy định tại tiết a khoản 2 mục V Điều này (đối với CB,GV công tác tại các xã miền núi thuộc các huyện miền núi). Tổng thời gian được hưởng chế độ chính sách ưu đãi không quá 08 năm/ người.

Hết thời hạn công tác nói trên, nếu có nguyện vọng đưa gia đình đến định cư hoặc xây dựng gia đình và định cư tại các xã miền núi thuộc các huyện miền núi thì được hưởng thêm khoản kinh phí hỗ trợ di dân theo quy định hiện hành.

2. CB,GV trong diện luân chuyển lên phục vụ công tác ở các xã thuộc các huyện miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được học tiếng (nếu đã có tài liệu hoặc giáo trình giảng dạy) và phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình và thời gian quy định, trước khi luân chuyển.

- CB,GV đã được luân chuyển lên phục vụ ở các huyện miền núi không may mắc bệnh hiểm nghèo hoặc gặp rủi ro đặc biệt khác, không đủ điều kiện tiếp tục công tác, có nguyện vọng chuyển về nơi công tác trước đó, thì UBND huyện miền núi báo cáo Ban chỉ đạo cấp tỉnh biết, đồng thời trực tiếp làm việc với UBND huyện đồng bằng, thành phố để thống nhất giải quyết cho về lại địa phương.

Điều 2. Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khoá VII, kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 22 tháng 7 năm 2009./.

 

 

Nơi nhận:
- VP QH, VP CP;
- CácBộ: Nội vụ, GD&ĐT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL- BTP;
- Ban TV Tỉnh uỷ; TTHĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;
- VP: Tỉnh ủy, UBND tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thành phố;
- TTXVN tại QNam; Báo QN, Đài PT-THQN;
- CPVP Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Các Phòng chuyên môn, CV;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sỹ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 146/2009/NQ-HĐND về luân chuyển cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục và đào tạo từ đồng bằng lên công tác tại các huyện miền núi và từ miền núi về đồng bằng do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa VII, kỳ họp thứ 21 ban hành

  • Số hiệu: 146/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 22/07/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Sỹ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 11/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản