Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/2010/NQ-HĐND

Tân An, ngày 23 tháng 3 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG HUYỆN CẦN GIUỘC, TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2025.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHOÁ VII, KỲ HỌP THỨ 23

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP, ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Sau khi xem xét Tờ trình số 166/TTr-UBND ngày 12/01/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản nhất trí thông qua quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2025 (có hồ sơ đồ án kèm theo); cụ thể một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đồ án, giới hạn quy hoạch:

- Tên đồ án: quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đến năm 2025.

- Vị trí giới hạn quy hoạch: toàn bộ địa giới hành chính huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An (gồm 16 xã và 1 thị trấn) với diện tích: 21.019,8 ha.

2. Mục tiêu và quan điểm phát triển vùng:

- Phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực, lấy thị trấn Cần Giuộc là đô thị hạt nhân. Xây dựng hệ thống đô thị trên toàn vùng, liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị, đặc biệt là vùng đô thị trung tâm.

- Phát triển khu Đông Cần Giuộc thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng hiện đại, kết nối hệ thống đô thị trong vùng, kết nối vùng huyện Cần Giuộc với vùng lân cận. Phát triển khu Tây Cần Giuộc chủ yếu là nông nghiệp.

3. Tính chất vùng:

- Phát huy lợi thế tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh và cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông để phát triển đô thị cảng và khu công nghiệp quy mô lớn với tốc độ tăng trưởng cao. Cơ cấu kinh tế của huyện trong tương lai là công nghiệp - thương mại dịch vụ và nông nghiệp, với thế mạnh là công nghiệp và dịch vụ cảng. Trong đó:

+ Khu Tây Cần Giuộc chủ yếu phát triển nông nghiệp.

+ Khu Đông Cần Giuộc là vùng đô thị, công nghiệp với loại hình ít ô nhiễm, sử dụng công nghệ cao, ít sử dụng nước, ít sử dụng lao động và dịch vụ cảng.

- Liên kết vùng: phía đông kết nối với khu đô thị cảng Hiệp Phước, phía tây kết nối với huyện Bến Lức, phía Nam nối kết với huyện Cần Đước và thành phố Tân An dự báo có tốc độ tăng trưởng, đô thị hóa cao. Quốc lộ 50 nối huyện Cần Giuộc với huyện Cần Đước, các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long và nhất là nối với khu đô thị nam thành phố Hồ Chí Minh.

- Trong vùng huyện Cần Giuộc có các tuyến giao thông chính như Quốc lộ 50, đường vành đai 4, trục Tân Tập - Long Hậu. HL12, HL19, các tuyến tỉnh lộ, sông Soài Rạp, sông Cần Giuộc có khả năng lưu thông vận tải hàng hóa cao và thuận tiện kết nối với các vùng, tỉnh, thành lân cận.

4. Hệ thống các trung tâm, công trình hạ tầng xã hội:

4.1. Các đô thị trung tâm:

- Thị trấn Cần Giuộc sẽ được đầu tư xây dựng thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của huyện Cần Giuộc, đồng thời đóng vai trò là đô thị hạt nhân của tiểu vùng phía Tây huyện Cần Giuộc.

- Tại khu vực xã Phước Lại, hình thành đô thị trung tâm thứ hai, vị trí nơi tiếp cận của đường Tân Tập - Long Hậu và đường Vành Đai 4 với vai trò là đô thị vệ tinh của thị trấn Cần Giuộc, đồng thời đóng vai trò là đô thị hạt nhân của khu Đông.

- Tại các xã còn lại, quy hoạch xây dựng khu trung tâm xã với quy mô mỗi trung tâm xã từ 2.000 - 3.000 dân.

4.2. Công trình công cộng, thương mại, dịch vụ:

- Đảm bảo đủ các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong vùng.

- Thị trấn Cần Giuộc hình thành trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học, nghệ thuật... phục vụ toàn vùng.

- Xây dựng hệ thống các trường dạy nghề, trường đại học đào tạo các ngành phục vụ các ngành công nghiệp trong vùng.

- Phát triển mạng lưới y tế hiện đại, chất lượng dịch vụ y tế cao, trở thành trung tâm của tỉnh và khu vực.

- Phát triển hệ thống cây xanh - thể dục thể thao bố trí tập trung thành từng mảng lớn, bố trí cây xanh trong các khu dân cư, cây xanh cách ly, cây xanh dọc sông rạch.

- Huyện Cần Giuộc có hệ thống sông rạch nối với Tiền Giang và cửa sông Soài Rạp hướng ra biển Đông thuận lợi phát triển du lịch sông nước. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái tại khu vực xã Đông Thạnh.

5. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

5.1. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

Cao độ nền khu vực thị trấn Cần Giuộc và các khu dân cư, đô thị; khu, cụm công nghiệp: H = +2,3m.

Khi san nền các khu vực xây dựng mới phải đảm bảo cao độ thấp hơn các tuyến đường giao thông chính đã hoàn chỉnh trong khu vực tối thiểu là 0,1m.

5.2. Về hệ thống giao thông thủy - bộ:

- Nâng cấp và mở rộng các tuyến giao thông trục hiện hữu theo quy hoạch ngành giao thông – vận tải đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Mở thêm một số tuyến mới theo trục đông tây như đường Tân Tập – Long Hậu, đường dọc sông Soài Rạp kết nối với đường vành đai 3, vành đai 4, Quốc lộ 50 và các trục giao thông chính của thành phố Hồ Chí Minh.

- Phát triển hệ thống giao thông đô thị theo từng dự án đã phê duyệt quy hoạch, tương thích và đồng bộ với các tuyến chính.

- Xây dựng các cầu trên các tuyến đường vượt qua sông lớn như sông Cần Giuộc, sông Rạch Cát, rạch Dơi, sông Kênh Hàng,...

- Phát triển giao thông đường thủy: Sông Soài Rạp, sông Cần Giuộc, sông Rạch Cát,... đẩy mạnh đầu tư phát triển cảng Long An và xây dựng thêm một số cảng sông.

- Tuyến đường sắt: quy hoạch song song với đường vành đai 4 nối từ khu công nghiệp, cảng Hiệp Phước đến tuyến đường sắt chính thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ.

5.3. Cấp nước: nguồn nước mặt: sông Vàm Cỏ Đông, kênh Đông. Nguồn nước ngầm: từ các công trình hiện hữu và xây dựng mới các nhà máy nước ngầm tại vị trí phù hợp để cấp nước cho vùng.

5.4. Cấp điện: Từ trạm 110/22kV Cần Đước – 16 + 40 MVA, trạm 110/22kV khu công nghiệp Long Hậu – 2x40MVA đang xây dựng. Về lâu dài xây dựng thêm một số trạm 110/22 kV tại vị trí phù hợp để đảm bảo cấp điện cho huyện Cần Giuộc.

5.5. Xây dựng hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo phục vụ cho vùng. Các đường dây thông tin liên lạc trong các khu xây dựng mới phải đặt ngầm, từng bước ngầm hóa đường dây trên không hiện hữu.

5.6. Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang:

- Tại các đô thị, khu dân cư tập trung, khu cụm công nghiệp xây dựng hệ thống thoát nước thải tách riêng với hệ thống thoát nước mưa. Tiêu chuẩn lưu lượng nước thải tính bằng 80% lượng nước cấp. Nước thải được xử lý đạt TCVN mới được xả ra mạng lưới thoát nước chung và môi trường tự nhiên.

- Bố trí 1 trạm trung chuyển rác và 1 nhà máy xử lý rác diện tích khoảng 25 ha tại xã Long An thuộc khu Tây Cần Giuộc và 1 trạm trung chuyển rác tại khu Đông với diện tích khoảng 2 ha.

- Các nghĩa trang hiện hữu sẽ tiến hành chỉnh trang phù hợp với quy hoạch. Quy hoạch mới các nghĩa trang tại xã Phước Lại và Tân Tập.

6. Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Dự án khu cảng Long An.

- Dự án đường Long Hậu – Tân Tập.

- Dự án đường cặp sông Soài Rạp.

- Dự án đường Hương Lộ 19 (Quốc lộ 50 - Cảng Long An).

- Dự án đường Hương Lộ 12.

- Dự án đường Ấp 3 - Long Hậu.

- Mở rộng đường tỉnh 835A, 835B và đường tỉnh 826.

- Nâng cấp hệ thống sông phục vụ giao thông thủy.

- Dự án xây dựng hệ thống cấp nước chung cho các khu, cụm công nghiệp và các dự án lớn.

- Trung tâm chẩn đoán y khoa. Trung tâm chấn thương chỉnh hình.

- Xây dựng, vận hành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao.

- Xây dựng và phát triển nhà ở công nhân.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và của Đại biểu Hội đồng nhân tỉnh, hoàn chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Cần Giuộc tỉnh Long An đến năm 2025, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định pháp luật.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khoá VII, kỳ họp thứ 23 thông qua ngày 19 tháng 3 năm 2010./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VII;
- Các sở, ban ngành tỉnh (Đảng, Chính quyền, Đoàn thể);
- TT. HĐND, UBND huyện, thành phố;
- VP ĐĐBQH và HĐND tỉnh;
- VP.UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Đỗ Hữu Lâm