Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/NQ-HĐND

Khánh Hòa, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ ĐẤT CÔNG ÍCH 5% TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 04 tháng 12 năm 2015;

Xét Tờ trình số 52/TTr-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thống nhất nội dung Báo cáo số 229/BC-ĐGS ngày 07 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề về công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Kết quả đạt được

Nhìn chung, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đều thực hiện việc trích lập Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích 5% (sau đây gọi tắt là Quỹ đất công ích). Thực hiện quy định pháp luật đất đai qua các thời kỳ (Luật Đất đai 1993, 2003, 2013), một số địa phương đã tổ chức quản lý, sử dụng.

Công tác quản lý, sử dụng Quỹ đất công ích 5% khá hiệu quả, hợp lý. Quỹ đất công ích được sử dụng phục vụ các công trình công cộng, bồi thường, hoán đổi cho người bị thu hồi đất, góp phần giảm kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án. Phần lớn Quỹ đất công ích cho hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê sử dụng để sản xuất nông nghiệp tạo thu nhập và đóng góp vào nguồn thu ngân sách xã.

2. Tồn tại, hạn chế

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng quỹ đất công ích tại nhiều địa phương chưa đảm bảo quy định pháp luật; công tác quản lý nhà nước đối với quỹ đất công ích có nơi buông lỏng, chưa được chú trọng, chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, để người dân lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời. Chính quyền đã tuyên truyền, vận động, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng người dân không chấp hành việc tháo dỡ công trình vi phạm, phải tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và làm phát sinh đơn khiếu nại.

Việc quản lý quỹ đất công ích manh mún, nhỏ lẻ, phân tán tại nhiều xã hầu như không thực hiện được. Chấp hành quy định về cho thuê quỹ đất công ích chưa đảm bảo; một số các xã, phường, thị trấn cho thuê không thông qua đấu giá, không đúng đối tượng, không có hợp đồng, vượt thời hạn quy định, cho thuê nhưng không ký hợp đồng và không thu tiền sử dụng đất, có nơi cho mượn không đúng quy định; nguồn thu ngân sách từ việc cho thuê quỹ đất công ích đạt rất thấp và sử dụng chưa đúng quy định.

Một số địa phương lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất công ích không đúng quy định pháp luật. Tình trạng người dân tự ý sử dụng, chuyển mục đích sử dụng; lấn, chiếm quỹ đất công ích để sản xuất, xây dựng, cơi nới nhà ở, lợi dụng để hưởng lợi từ chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp. Việc bổ sung nguồn hình thành quỹ đất công ích chưa được các địa phương chú trọng.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do: các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này chưa nhiều nên nhiều trường hợp phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định pháp luật xử lý, dẫn đến lúng túng, chậm giải quyết ở cấp chính quyền cơ sở.

Khi xây dựng phương án giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ, đa phần đất tập trung thì đã giao cho người dân, còn đất cằn cỗi, nhỏ lẻ, phân tán, nằm rải rác thì đưa vào quỹ đất công ích. Vì vậy, theo yếu tố lịch sử nên hiện nay vẫn còn nhiều diện tích đất công ích nằm trong khuôn viên đất thổ canh, nhỏ lẻ, chưa được thống kê đầy đủ và khó thể hiện trên bản đồ.

Công chức địa chính còn hạn chế về trình độ và ý thức trách nhiệm chưa cao, còn buông lỏng quản lý đối với đất công ích; việc chuyển giao hồ sơ qua các thời kỳ chưa đúng quy định như bàn giao thiếu hồ sơ, chưa xác định rõ vị trí, diện tích, mức thu, thời gian sử dụng đất công ích. Việc quản lý hồ sơ đất công ích còn thiếu chặt chẽ, hợp đồng thuê khoán không đầy đủ, không đúng thủ tục theo quy định.

Điều 2. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với Quỹ đất công ích trong thời gian đến, Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1. Chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất công ích ở địa phương.

2. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường quản lý quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; đồng thời, tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND để kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung phù hợp với tình hình của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.

3. Chỉ đạo tổng rà soát, thống kê diện tích, tình hình quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn tỉnh (xác định rõ vị trí, việc tăng, giảm diện tích hàng năm) và cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

4. Nghiên cứu, xem xét để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 03/2021/QĐ- UBND ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo nguyên tắc phân cấp theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương có diện tích công ích trong phạm vi Khu kinh tế Vân Phong.

5. Chỉ đạo Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất công ích trên địa bàn xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang và phường Cam Phúc Bắc, xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh.

6. Trong thời gian chờ sửa đổi quy định của pháp luật về đất đai, nghiên cứu, xem xét các quy định pháp luật để có chủ trương xử lý đối với các thửa đất công ích diện tích nhỏ, manh mún, phân bán, bị bỏ hoang vì khó sản xuất nhằm tạo điều kiện phù hợp để sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên đất.

7. Hướng dẫn các nội dung liên quan đến vướng mắc của các địa phương về quyết định công nhận đất công ích theo đúng quy định pháp luật đất đai để thống nhất, đồng bộ để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh về quản lý đất công ích.

8. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai nói chung và đất nói riêng với nhiều hình thức thiết thực, nhằm nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, đưa Luật đất đai vào cuộc sống.

9. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trong việc quản lý và sử dụng đất công ích theo đúng quy định pháp luật.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2022./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Mạnh Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 135/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát chuyên đề về công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa

  • Số hiệu: 135/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Trần Mạnh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản