Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 135/2020/QH14 | Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2020 |
KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13;
Căn cứ kết quả kỳ họp thứ 10 từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
Quốc hội đã hoàn thành chương trình kỳ họp thứ 10 với các nội dung được xem xét, quyết định như sau:
1. Thông qua 07 luật: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
2. Thông qua 13 nghị quyết: Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế: Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021; Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc; Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
3. Cho ý kiến về 04 dự án luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
4. Tham gia ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; xem xét các báo cáo: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 10; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2020 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan.
5. Quốc hội cơ bản tán thành báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 và thống nhất cho rằng, mặc dù năm 2020 còn những tồn tại, hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, nhưng với sự quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Quốc hội biểu dương và đánh giá cao Chính phủ, các cấp, các ngành, đồng bào và chiến sỹ cả nước đã nỗ lực vượt bậc với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, khắc phục khó khăn để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân.
6. Quốc hội cơ bản tán thành các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện các kế hoạch 05 năm giai đoạn 2016 - 2020 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn. Đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại đã chỉ ra để thực hiện các mục tiêu, cân đối lớn, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nâng cao chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đánh giá sâu hơn về quy mô thu ngân sách, tỷ lệ huy động, cơ cấu chi, bội chi và giải pháp giảm bội chi, trần nợ công, bảo đảm hoạt động vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chú trọng các yếu tố để bảo đảm phát triển bền vững.
Việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 phải bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức, thứ tự ưu tiên theo quy định. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm quốc gia, dự án giao thông có tính liên kết vùng, tuyến đường cao tốc, đường ven biển. Lưu ý bố trí vốn cho một số dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố hệ thống đê xung yếu, kè sông biên giới, hạ tầng cảng nghề cá, khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão, quy hoạch và bố trí lại dân cư vùng bị tác động trực tiếp bởi thiên tai; xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp.
Giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ tài liệu, trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định các kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
7. Quốc hội đánh giá cao cố gắng của Chính phủ, các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 100/2015/QH13. Trong giai đoạn 2021 - 2025, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội quyết định, cần rà soát nội dung, chính sách, đối tượng, địa bàn thụ hưởng, lồng ghép các mục tiêu cần ưu tiên trong các chương trình đề tránh chồng chéo, phân tán, thiếu tập trung, hiệu quả không cao. Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ tài liệu trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cùng với Kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.
8. Quốc hội cơ bản tán thành các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng, công tác xét xử, công tác truy tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong năm 2020. Đồng thời, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cơ quan để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án, góp phần quan trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát huy kết quả đạt được, có giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, Nhân dân.
9. Giao Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là các cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Thành phố trong giai đoạn tới đồng bộ với việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố và bảo đảm hiệu quả quyền giám sát của Nhân dân. Có phương án giải quyết dứt điểm việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Thành phố đã được phê duyệt; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai và quy định của pháp luật có liên quan.
10. Đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng: 1.131,22 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 312,95 ha; rừng sản xuất: 661,08 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 157.19 ha); 431,76 ha rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận (trong đó, rừng phòng hộ đầu nguồn: 100,63 ha; rừng sản xuất: 309,48 ha: rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp: 21.65 ha). Giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, quan tâm sớm ổn định đời sống của các hộ dân phải di dời trong vùng dự án.
11. Nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như sau:
a) Cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 02 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh;
b) Cho phép Tổng công ty Hàng không Việt Nam chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A;
c) Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định:
d) Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục có giải pháp xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động trong điều kiện đại dịch Covid-19 có khả năng chưa thể sớm chấm dứt.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện có hiệu quả và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để sớm đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống; nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến; khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 bảo đảm chất lượng, tiến độ.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
- 1Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006
- 2Luật Cư trú 2006
- 3Luật Phòng, chống ma túy 2000
- 4Luật giao thông đường bộ 2008
- 5Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 6Hiến pháp 2013
- 7Luật đất đai 2013
- 8Luật bảo vệ môi trường 2014
- 9Luật Tổ chức Quốc hội 2014
- 10Luật ngân sách nhà nước 2015
- 11Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Quốc hội ban hành
- 12Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017
- 13Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh do Quốc hội ban hành
- 14Luật Chứng khoán 2019
- 15Nghị quyết 84/2019/QH14 về kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV
- 16Nghị quyết 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án do Quốc hội ban hành
- 17Nghị quyết 101/2019/QH14 năm 2019 về kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
- 18Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020
- 19Nghị quyết 122/2020/QH14 về kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV
- 20Nghị quyết 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Nghị quyết 135/2020/QH14 về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 135/2020/QH14
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 17/11/2020
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1175 đến số 1176
- Ngày hiệu lực: 01/01/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra