Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 135/2009/NQ-HĐND

Tuy Hòa, ngày 18 tháng 12 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH - QUỐC PHÒNG NĂM 2010

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Trên cơ sở xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo của các cơ quan hữu quan; Báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản tán thành những nội dung đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2009 và nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo của các cơ quan của Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan trình tại kỳ họp; đồng thời nhấn mạnh một số vấn đề sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2009

Năm 2009, nước ta nói chung và Phú Yên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của suy thoái kinh tế thế giới và thiên tai, bão lụt đã gây thiệt hại hết sức nặng nề về tính mạng, tài sản, sản xuất và đời sống của nhân dân..., làm mất đi nhiều thành quả mà toàn tỉnh đã nỗ lực đạt được và đặt ra những thách thức mới trong chỉ đạo, điều hành. Nhưng được sự quan tâm và giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, của các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, nên kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được đảm bảo. Công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả bão lụt được chỉ đạo triển khai kịp thời, không để người dân nào bị đói, bị rét. Việc công bố bộ thủ tục hành chính là bước đột phá mới trong việc rà soát, thống kê thủ tục hành chính, là cơ sở để triển khai bước tiếp theo loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tập trung đẩy mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục, đó là: Một số yếu kém trong chỉ đạo, điều hành chậm được khắc phục, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, cải tiến lề lối làm việc. Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách ở một số địa phương, sở, ngành còn chậm. Một số cơ quan chuyên môn thiếu chủ động trong công tác tham mưu. Thu ngân sách tuy đạt dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao nhưng nguồn thu chưa vững chắc, một số nguồn thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bị giảm sút.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2010

1. Mục tiêu tổng quát:

Tập trung mọi nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2009 và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững. Đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính. Nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

* Chỉ tiêu về kinh tế:

- Tốc độ tăng GDP: 12,5 %

Trong đó:

Nông-lâm-thủy sản tăng 3,9 %

Công nghiệp-xây dựng tăng 16,6 %

Dịch vụ tăng 13,3%

- Sản lượng lương thực có hạt 320. 000 tấn

- Tổng kim ngạch xuất khẩu 120 triệu USD

- Thu ngân sách trên địa bàn 1.130 tỷ đồng

- Tổng vốn đầu tư phát triển 8.440 tỷ đồng

* Chỉ tiêu về xã hội:

- Mức giảm sinh 0,5‰

- Mức giảm trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi 2-2,5%

- Giải quyết việc làm 25.500 lao động

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo 2-2,5%

* Chỉ tiêu về môi trường:

- Tỷ lệ độ che phủ rừng 34,9%

- Tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước hợp vệ sinh 95%

- Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 70%

Điều 2. Để thực hiện tốt Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2010. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Về kinh tế:

- Tiếp tục huy động mọi nguồn lực khôi phục hệ thống kết cấu hạ tầng bị hư hỏng, giúp đỡ nhân dân vùng bị thiệt hại nhanh chóng xây dựng và sửa chữa nhà ở, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Hoàn thành quy hoạch các khu dân cư nông thôn; các dự án tái định cư, di dời dân vùng bị thiên tai. Tổ chức Hội thảo khoa học về công tác phòng tránh thiên tai do biến đổi khí hậu. Tiến hành rà soát và đề nghị với Bộ, ngành Trung ương phê duyệt điều chỉnh quy trình vận hành các hồ thủy điện đã có để vừa làm nhiệm vụ góp phần cắt lũ ở hạ du vừa phục vụ phát triển sản xuất, đồng thời xây dựng và phê duyệt quy trình vận hành liên hồ thủy điện; đầu tư thiết bị quan trắc, góp phần dự báo thời tiết chính xác hơn.

- Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006-2010; tạo bước chuyển mới trong việc phát triển nông-lâm-thủy sản bền vững cả về sức sản xuất, chất lượng, hiệu quả và thị trường tiêu thụ. Chú trọng các chương trình giống cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, gắn với bảo vệ rừng góp phần tăng độ che phủ rừng. Hoàn thành việc cắm mốc và giao rừng, đất lâm nghiệp cho chủ rừng quản lý ở những nơi có điều kiện; kiểm tra và chấn chỉnh quy trình trồng rừng một cách hợp lý, khoa học; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết giám sát số 71/2006/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thực hiện dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã nơi có diện tích đất lâm nghiệp triển khai xây dựng các dự án trồng rừng kinh tế. Ban hành chính sách hỗ trợ lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng trên các nương rẫy. Quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá; nghiên cứu xây dựng thương hiệu cá và chợ đầu mối hải sản; hướng dẫn quy trình và ngư trường khai thác tăng hiệu quả đánh bắt xa bờ. Quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tăng cường kiểm tra chất lượng nguồn giống, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nước. Chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng nuôi.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường. Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp chủ động phòng ngừa suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường. Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính của một số xã chưa được đầu tư để phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiến hành kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010. Tăng cường thanh kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất Tờ trình số 57/TTr-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh năm 2010.

- Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006-2010. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để các doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, lưu ý lựa chọn công nghệ tiên tiến. Nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh và phát triển thêm mặt hàng xuất khẩu mới. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, hỗ trợ khôi phục, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, du nhập phát triển nghề mới...

- Tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ, trong đó tập trung vào các ngành dịch vụ tỉnh có thế mạnh như du lịch, vận tải, đồng thời từng bước phát triển thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại du lịch. Thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng các sản phẩm trong nước. Mở rộng mạng lưới thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến, giảm tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Tăng cường quản lý thị trường, quản lý giá các mặt hàng thiết yếu. Tổ chức triển khai tốt Đề án tổ chức kỷ niệm 400 năm Phú Yên gắn với Năm du lịch Quốc gia 2011. Nâng cao chất lượng và phương tiện dịch vụ vận tải. Phối hợp với ngành hàng không khai thác các tuyến bay đạt hiệu quả cao nhất. Nâng cao chất lượng dịch vụ các tổ chức tín dụng, bưu chính viễn thông.

- Coi trọng và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đồng thời quản lý chặt chẽ quy hoạch; đẩy mạnh triển khai quy hoạch chi tiết các khu chức năng, quản lý chặt chẽ diện tích đất của Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách; làm tốt hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư gắn với cải cách mạnh mẽ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để thu hút mạnh đầu tư và đôn đốc sớm đưa các dự án đã cấp phép đi vào hoạt động. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả đầu tư. Khắc phục tình trạng đầu tư kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí ngay từ khâu quy hoạch, kế hoạch và quyết định chủ trương đầu tư. Bố trí vốn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư dứt điểm các công trình chuyển tiếp, kiên quyết không để tình trạng tồn đọng vốn xây dựng cơ bản, nhất là vốn ứng trước và hỗ trợ có mục tiêu. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình đầu tư phát triển miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển.

Hoàn thành đưa vào sử dụng 9 công trình quan trọng cuối 2010 sau đây: dự án Đầu tư hạ tầng các Khu công nghiệp; dự án Cảng Vũng Rô; dự án Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh; dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng tuyến đường ven biển Độc Lập - Long Thủy - Gành Đá Đĩa; Kè chống xói lở bờ sông, bờ biển khu dân cư thị trấn Sông Cầu (cũ); dự án Cải thiện điều kiện vệ sinh và bảo vệ môi trường thành phố Tuy Hòa; dự án Hệ thống chống ngập lụt thành phố Tuy Hòa; dự án Năng lượng nông thôn II; dự án Khu tái định cư Phú Lạc và một số tiểu dự án của dự án hạ tầng đô thị Nam thành phố Tuy Hòa (Kè chống xói lở bờ Nam hạ lưu sông Đà Rằng, Cầu Hùng Vương). Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất bổ sung 4 dự án cấp bách: Hệ thống kè chống xói lở hạ lưu sông Tam Giang, huyện Sông Cầu; Cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa; Hồ chứa nước Buôn Đức; Hồ chứa nước Kỳ Châu vào danh mục các công trình quan trọng của tỉnh.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án trái phiếu Chính phủ, các dự án ODA, FDI, NGO và các chương trình mục tiêu quốc gia trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế… Lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng miền núi. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả, khởi công dự án nâng cấp quốc lộ 25; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công công trình Khu cảng Hàng không dân dụng Tuy Hòa. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư hoàn thành dự án thủy lợi sau Thủy điện Sông Hinh và sau hồ Đồng Tròn. Hoàn

thành công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng để sớm khởi công công trình Hồ Mỹ Lâm; khởi công xây dựng cảng cá Phú Lạc.

- Chỉ đạo quyết liệt trong thu ngân sách, chống thất thu thuế đảm bảo các yêu cầu chi đã được bố trí. Tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công.

2. Về văn hóa - xã hội:

- Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng hoạt động các lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, văn hóa thể thao, lao động thương binh xã hội.

- Nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô giáo dục và đào tạo. Rút kinh nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2008-2009 để cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập các lớp cuối cấp. Tập trung chỉ đạo hoàn thành việc chuyển các trường trung học phổ thông bán công và các trường mầm non bán công, dân lập thành trường công lập theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; giao Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, quyết định chuyển các lớp bán công trong các trường trung học phổ thông công lập sang lớp công lập. Đôn đốc tiến độ xây dựng trường, lớp đạt chuẩn, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012. Chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng; triển khai phổ cập giáo dục trung học.

- Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tập trung phòng chống dịch bệnh, nhất là cúm A(H1N1), sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy cấp… Đảm bảo kế hoạch di chuyển Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh đến địa điểm mới. Làm tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mức giảm sinh vững chắc; tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Phấn đấu xóa 2.000 nhà ở tạm cho hộ nghèo. Đa dạng hóa các nguồn lực, các phương thức giảm nghèo, coi trọng hỗ trợ và khuyến khích người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức tốt các ngày lễ lớn trong năm, đặc biệt là các hoạt động hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và chuẩn bị kỷ niệm Phú Yên 400 năm gắn với năm Du lịch quốc gia 2011 khu vực duyên hải miền Trung tại Phú Yên.

3. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại:

Tiếp tục củng cố nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng cho các đối tượng. Làm tốt công tác giao quân. Giữ vững an ninh, an toàn vùng biển. Thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; giải quyết kịp thời, triệt để các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự từ cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông.

4. Về kiện toàn bộ máy tổ chức, cải cách hành chính:

- Chuẩn bị tốt nhân sự chính quyền các cấp, các sở, ban ngành trước Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ để phát triển nguồn nhân lực tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và chính sách thu hút, sử dụng trí thức. Thực hiện tốt chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, đảm bảo nhiệm vụ trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người không chuyên trách ở cấp xã. Tổ chức sơ kết thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở 7 huyện và 12 phường; thí điểm chủ trương đồng chí Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp huyện, cấp xã. Tổ chức kiểm tra việc sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp trên địa bàn tỉnh để khắc phục những yếu kém sau giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo ra bước tiến mới về chất, trọng tâm là thủ tục hành chính và trách nhiệm công vụ, đề cao trách nhiệm cá nhân. Hoàn thành việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ, phấn đấu đạt mục tiêu giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành; thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, hợp lý, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành với các địa phương. Đối với các vấn đề được đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận, chất vấn và cử tri quan tâm trong kỳ họp, đã được các cơ quan liên quan giải trình và Chủ tọa đã có kết luận đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung chỉ đạo cụ thể đạt kết quả tốt.

5. Về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung triển khai Nghị quyết 21 của Chính phủ và Kế hoạch 34/KH-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009-2011. Đề cao trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các ngành, các cấp, cơ quan đơn vị đối với công tác đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ nét trong công tác này, nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng vốn, tài sản, nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc liên quan đến tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục nâng cao chất lượng điều tra, truy tố xét xử; đưa ra xét xử các vụ án được dư luận quan tâm đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo thực hiện xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát và một số nhà đầu tư khác.

6. Về công tác tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân. Xây dựng và thực hiện chương trình thanh tra của Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2010 có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp hữu hiệu thực hiện các quyết định xử lý sau thanh tra. Nâng cao chất lượng công tác tiếp và giải quyết các kiến nghị của công dân, tập trung giải quyết cơ bản các khiếu nại, tố cáo tồn đọng; không để khiếu nại đông người, vượt cấp, gây điểm nóng.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác giám sát và động viên mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên khóa V, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 18 tháng 12 năm 2009./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đào Tấn Lộc