Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2021/NQ-HĐND

Cà Mau, ngày 04 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ, NỘI DUNG CHI VÀ MỨC CHI BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019);

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Căn cứ Thông tư số 28/2019/TT-BTC ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2018/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

Xét Tờ trình số 192/TTr-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Nghị quyết quy định định mức phân bổ, nội dung chi và mức chi kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau; Báo cáo thẩm tra số 119/BC-HĐND ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định định mức phân bổ, nội dung chi và mức chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ban An toàn giao thông tỉnh.

2. Công an tỉnh.

3. Sở Giao thông vận tải.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau.

5. Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố Cà Mau.

6. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc lập, phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Định mức phân bổ nguồn kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và nguồn ngân sách địa phương

1. Đối với số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông của cấp tỉnh được phân bổ theo tỷ lệ sau:

a) Phân bổ 70% (bảy mươi phần trăm) trên tỷ lệ số thu xử phạt của cấp tỉnh cho Công an tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông của ngành Công an.

b) Phân bổ 10% (mười phần trăm) trên tỷ lệ số thu xử phạt của cấp tỉnh cho Sở Giao thông vận tải (Thanh tra giao thông) để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

c) Phân bổ 20% (hai mươi phần trăm) trên tỷ lệ số thu xử phạt của cấp tỉnh cho Ban An toàn giao thông tỉnh để thực hiện chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông và một số nhiệm vụ chi đặc thù như: Thăm hỏi nạn nhân tai nạn giao thông; hỗ trợ khi huy động các lực lượng khác (ngoài lực lượng Công an, Thanh tra giao thông) để tham gia giải quyết khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông; thực hiện công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

2. Đối với số thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông của các huyện, thành phố được phân bổ theo tỷ lệ sau:

a) Phân bổ 70% (bảy mươi phần trăm) trên tỷ lệ số thu xử phạt của các huyện, thành phố cho Công an tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông của Công an các huyện, thành phố.

b) Phân bổ 30% (ba mươi phần trăm) trên tỷ lệ số thu xử phạt của huyện, thành phố cho Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố để thực hiện chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương và một số nhiệm vụ chi đặc thù như thăm hỏi nạn nhân tai nạn giao thông; hỗ trợ khi huy động các lực lượng khác (ngoài lực lượng Công an, Thanh tra giao thông) để tham gia giải quyết khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông; thực hiện công tác tuyên truyền tại địa phương.

3. Đối với ngân sách địa phương (ngân sách cấp tỉnh và ngân sách các huyện, thành phố): Hằng năm, căn cứ vào tình hình trật tự an toàn giao thông và khả năng cân đối ngân sách của từng cấp, Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định bố trí bổ sung kinh phí từ nguồn ngân sách cấp mình cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn phù hợp theo quy định.

Điều 4. Nội dung chi và mức chi

1. Nội dung chi chung: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 01/2018/TT-BTC và khoản 1, khoản 2 Điều 1, Thông tư số 28/2019/TT-BTC.

2. Một số nội dung và mức chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của địa phương

a) Chi xây dựng kế hoạch và biện pháp phối hợp các ban, ngành và chính quyền các cấp (bao gồm cả cấp xã) trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông (Trưởng Ban An toàn giao thông phân công cụ thể đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, biện pháp phối hợp quy định tại điểm này, mức hỗ trợ này tính trên sản phẩm cuối cùng bao gồm cả tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh) với mức chi cụ thể như sau: Cấp tỉnh là 200.000 đồng/văn bản, cấp huyện là 100.000 đồng/văn bản.

b) Chi hỗ trợ cho cán bộ, chiến sỹ, công chức thực hiện quá trình điều tra tai nạn giao thông 150.000 đồng/người/ngày.

c) Chi bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ, công chức tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào ban đêm (sau 22 giờ): 100.000 đồng/người/ca (01 ca từ đủ 04 giờ trở lên).

d) Chi sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình sở chỉ huy, đội, đồn, trạm kiểm soát giao thông, nơi tạm giữ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông thanh toán theo quy định hiện hành và trong phạm vi dự toán được giao của đơn vị.

đ) Chi hỗ trợ xây dựng các chương trình, đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhân rộng các mô hình điểm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Cấp tỉnh là 1.000.000 đồng/01 chương trình, đề án, mô hình điểm; cấp huyện là 500.000 đồng/01 chương trình, đề án, mô hình điểm.

e) Chi hỗ trợ công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc phối hợp hoạt động của các ngành, các tổ chức và các đoàn thể trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn, công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hạn chế hậu quả do tai nạn giao thông gây ra đối với các chức danh sau:

Trưởng Ban An toàn giao thông: Cấp tỉnh 1.000.000 đồng/tháng; cấp huyện 500.000 đồng/tháng;

Phó Trưởng Ban An toàn giao thông: Cấp tỉnh 500.000 đồng/tháng; cấp huyện 300.000 đồng/tháng;

Ủy viên chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh 300.000 đồng/tháng;

Cán bộ kiêm nhiệm cán bộ Thường trực Ban An toàn giao thông cấp huyện làm nhiệm vụ tham mưu trực tiếp cho lãnh đạo Ban về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng.

g) Chi thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông

Trong các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Chi hỗ trợ 5.000.000 đồng/người bị tử vong và 2.000.000 đồng/người bị thương nặng;

Trong dịp Tết Nguyên đán, “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”: Chi thăm hỏi 2.000.000 đồng/người đối với nạn nhân bị thương nặng, gia đình nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn.

h) Chi hỗ trợ các lực lượng khác được huy động tham gia giải quyết khắc phục hậu quả tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông: 150.000 đồng/người/ngày.

i) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ, chiến sỹ, công chức bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Tùy theo tính chất, mức độ thương tật, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức chi không quá 02 (hai) lần mức lương cơ sở áp dụng đối với cơ quan hành chính sự nghiệp/người.

k) Chi hỗ trợ cho các tổ, đội đi tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông thuê mướn địa điểm để đóng trạm tại địa phương: 5.000.000 đồng/địa bàn/tháng.

l) Chi hỗ trợ vận hành số điện thoại đường dây nóng về trật tự an toàn giao thông cấp tỉnh (Ban An toàn giao thông tỉnh, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông) là 500.000 đồng/số điện thoại/tháng; cấp huyện (Thường trực Ban An toàn giao thông cấp huyện, Công an cấp huyện) mỗi đơn vị là 300.000 đồng/số điện thoại/tháng.

m) Chi xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông thực hiện theo Thông tư số 26/2012/TT-BGTVT ngày 20 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc xác định và xử lý vị trí nguy hiểm trên đường bộ đang khai thác; thanh toán thực tế có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được giao của đơn vị, đảm bảo không trùng lắp với các nguồn kinh phí khác.

n) Chi hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ phối hợp tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông phát sinh đột xuất trong năm với các sở, ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh với mức chi 100.000 đồng/người/ngày.

o) Chi hỗ trợ vận hành hệ thống camera giám sát an toàn giao thông do Công an tỉnh quản lý; thanh toán thực tế phát sinh theo hợp đồng, hóa đơn và chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp thẩm quyền giao cho đơn vị; thủ trưởng đơn vị vận hành hệ thống camera giám sát an toàn giao thông chịu trách nhiệm về quyết định chi của mình.

p) Chi công tác phí, hội nghị, tập huấn triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 22/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và chế độ chi tiếp khách trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

q) Chi tập huấn nghiệp vụ về trật tự an toàn giao thông thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định một số mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

r) Chi khen thưởng theo quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và các quy định hiện hành của địa phương.

3. Ngoài các nội dung và mức chi phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định tại khoản 2 Điều này, các nội dung chi còn lại phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo mức chi, chế độ hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp nội dung chi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện thanh toán theo thực tế phát sinh có hợp đồng, hóa đơn, chứng từ hợp pháp, phải đảm bảo nguyên tắc không vượt quá phạm vi dự toán được giao, thủ trưởng đơn vị ký duyệt và chịu trách nhiệm về quyết định chi của mình.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

3. Trường hợp các văn bản được dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Khóa X, Kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 04 tháng 12 năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị quyết số 12/2018/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định định mức phân bổ, nội dung chi và mức chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Tiến Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 13/2021/NQ-HĐND quy định về định mức phân bổ, nội dung chi và mức chi bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 13/2021/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 04/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Nguyễn Tiến Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản