Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 123/2018/NQ-HĐND

Hà Tĩnh, ngày 13 tháng 12 năm 2018

 

NGHỊ QUYẾT

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ CƠ CHẾ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, ĐÔ THỊ TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2019-2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Số 490/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020; Số 461/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 403/TTr-UBND ngày 07 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến, thương mại, tín dụng và xây dựng, duy tu bảo dưỡng đường giao thông, rãnh thoát nước hai bên đường giao thông, kênh mương nội đồng, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối với hỗ trợ trực tiếp: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến, thương mại và xây dựng giao thông, kênh mương nội đồng, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến các hoạt động trong phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều này.

b) Đối với hỗ trợ lãi suất: Các pháp nhân, cá nhân (gọi chung là khách hàng) vay vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại các Tổ chức tín dụng để đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến, thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, tiêu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng các điều kiện quy định.

Doanh nghiệp có Dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Đối với hỗ trợ trực tiếp

a) Một nội dung chính sách chỉ được hỗ trợ một lần cho một đối tượng thụ hưởng và khi hoàn thành, đưa vào hoạt động, chưa có chính sách, chương trình, dự án khác của Trung ương và tỉnh hỗ trợ (trừ khoản 5 Điều 19 và các điều được quy định cụ thể trong Nghị quyết này);

b) Đối tượng không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn nơi sản xuất kinh doanh thì vẫn được hỗ trợ theo quy định và được thực hiện tại địa bàn nơi đầu tư sản xuất kinh doanh;

c) Quản lý, sử dụng kinh phí đúng đối tượng, mục đích, đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.

2. Đối với hỗ trợ lãi suất

a) Đối với vay vốn ngắn hạn phục vụ nhu cầu vốn lưu động: Không khống chế số lần hỗ trợ cho một mục đích vay vốn, chỉ khống chế thời gian hỗ trợ tối đa là 8 tháng của 1 món vay. Đối với vay vốn trung, dài hạn: Khách hàng chỉ được vay một lần cho mỗi mục đích (dự án) thuộc diện hỗ trợ (không khống chế số lần giải ngân). Trường hợp, khách hàng tiếp tục vay vốn để mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh thì chỉ được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với phần vốn vay để mở rộng cơ sở;

b) Một khoản vay của khách hàng thuộc phạm vi thụ hưởng của nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay (cả Trung ương và tỉnh) thì khách hàng chỉ được lựa chọn để hưởng một chính sách hỗ trợ lãi suất. Các khoản vay không được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết này, bao gồm: vay không thuộc các đối tượng nêu trên; vay đảo nợ, sử dụng vốn sai mục đích, phạm vi được hỗ trợ lãi suất; vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển;

c) Các khách hàng vay vốn không có hộ khẩu thường trú trên địa bàn vẫn được hỗ trợ lãi suất vay vốn tại địa bàn có đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn;

d) Đối với Doanh nghiệp có Dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thực hiện hỗ trợ lãi suất sau khi dự án hoàn thành được nghiệm thu theo quy định.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Ngân sách tỉnh đảm bảo 100%, bố trí lồng ghép từ các nguồn vốn (Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, kinh phí phát triển kinh tế tập thể và các nguồn vốn hợp pháp khác) để thực hiện chính sách theo Nghị quyết này. Riêng cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng, duy tu, bão dưỡng thường xuyên và phục hồi, nâng cấp mặt đường thực hiện theo cơ chế hỗ trợ quy định tại Chương II Nghị quyết này được bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn hợp pháp khác (riêng cấp huyện, xã có thể bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất).

2. Kinh phí quản lý, chỉ đạo, kiểm tra nghiệm thu chính sách hỗ trợ trực tiếp thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó tự đảm bảo theo chế độ quy định.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ HỖ TRỢ CỤ THỂ

Mục 1. HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, BẢO QUẢN, CHẾ BIẾN

Điều 4. Chính sách phát triển trồng trọt

1. Cây lúa

Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh giống cây trồng theo đúng quy định của pháp luật có Giấy phép đăng ký sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 50% kinh phí mua bản quyền giống lúa mới phù hợp với cơ cấu giống của tỉnh, tối đa 01 tỷ đồng/01 giống lúa thuần.

2. Cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch, quýt Khốp

a) Hỗ trợ 100% kinh phí bình tuyển cây đầu dòng cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch, tối đa 300 triệu đồng/loại cây. Quy trình, thời gian bình tuyển theo quy định hiện hành.

b) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh phí quản lý, chăm sóc, bảo vệ, theo dõi cây đầu dòng cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch, quýt khốp với mức 01 triệu đồng/cây/năm.

c) Hỗ trợ một lần 30% kinh phí đầu tư máy móc, vật tư, thiết bị xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo thiết kế định hình với diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên/tổ chức, cá nhân, tối đa 25 triệu đồng/ha và tối đa 75 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

d) Các tổ chức, cá nhân sản xuất cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch quy mô tối thiểu cấp chứng nhận 5ha (không yêu cầu bắt buộc liền vùng, phạm vi quy mô tính trong thôn) được hỗ trợ một lần 100% kinh phí thực hiện chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tối đa 100 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.

e) Các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng kho bảo quản sản phẩm cam bù, cam chanh, bưởi Phúc Trạch sử dụng một trong các công nghệ: chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học, công suất tối thiểu 500 tấn được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư, tối đa 01 tỷ đồng/cơ sở để mua trang thiết bị, xây dựng cơ sở hạ tầng trong hàng rào về giao thông, điện, nước, xử lý chất thải, nhà xưởng đảm bảo môi trường.

3. Cây chè công nghiệp: Các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng mới chè công nghiệp liên kết (tối thiểu phải liên kết 2 khâu giống và tiêu thụ sản phẩm) được ngân sách hỗ trợ thông qua tổ chức, đơn vị liên kết tiêu thụ:

a) Hỗ trợ chi phí làm đất để trồng mới chè, mức 05 triệu đồng/ha;

b) Hỗ trợ 800 đồng/bầu đối với các giống chè dâm cành năng suất, chất lượng cao (định mức 18.000 bầu/ha).

4. Hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tối thiểu: Đất trồng lúa 05 ha (đối với tổ chức), 03ha (đối với hộ gia đình, cá nhân); đất trồng cây hàng năm khác 03ha (đối với tổ chức), 02ha (đối với hộ gia đình, cá nhân) theo các hình thức (thuê lại quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất) với thời hạn 05 năm trở lên được hỗ trợ 01 lần kinh phí cải tạo đất (làm phẳng mặt bằng, phá bỏ bờ thửa, phân hữu cơ, vôi...) với mức 20 triệu đồng/ha.

Riêng đối với tập trung đất đai theo hình thức thuê lại quyền sử dụng đất thì ngoài mức hỗ trợ trên còn được hỗ trợ kinh phí thuê lại quyền sử dụng đất 15 triệu đồng/ha/năm, thời gian hỗ trợ 02 năm.

Đối với tập trung đất đai theo hình thức góp quyền sử dụng đất bằng cổ phần có Đề án đưa khoa học công nghệ, giải quyết lao động khi góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì sẽ có những chính sách khuyến khích riêng và Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 5. Chính sách phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh

1. Hỗ trợ kinh phí nuôi giữ giống gốc: Tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sản xuất giống theo quy định tại Khoản 1, Điều 19 của Pháp lệnh giống vật nuôi, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo Quyết định số 675/QĐ-BNN ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt các chỉ tiêu định mức kinh tế kỹ thuật cho các đàn vật nuôi giống gốc và cung ứng giống cấp bố mẹ, ông bà trên địa bàn tỉnh, được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Thông tư số 116/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, phân bổ dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí sản phẩm công ích giống nông nghiệp, thủy sản.

2. Hỗ trợ cải tạo giống bò

a) Tổ chức, cá nhân chăn nuôi bò cái sinh sản phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với tinh bò nhóm Zêbu, bò chất lượng cao được hỗ trợ 100% kinh phí mua tinh và vật tư phối giống (ni tơ, ống ghen, găng tay);

Hỗ trợ kinh phí khảo sát, xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai, kiểm tra, hướng dẫn, lập hồ sơ thanh, quyết toán cho công tác phối giống bò, mức 10.000 đồng/liều tinh phối giống được nghiệm thu, quyết toán hàng năm, trong đó: cấp tỉnh 30%, cấp huyện 70%;

b) Hỗ trợ 100% kinh phí mua bình đựng bảo quản tinh cho các điểm chuyển giao tinh tại cấp huyện (đảm bảo mỗi huyện có 02 bình loại 35 lít/bình), tối đa 17 triệu đồng/bình.

3. Hỗ trợ cơ sở sản xuất gà giống: Tổ chức, cá nhân xây dựng mới cơ sở chăn nuôi gà giống cấp bố mẹ trở lên, có quy mô tối thiểu 5.000 con (dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt), được hỗ trợ xây dựng chuồng trại, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt: mức 240 triệu đồng/cơ sở.

4. Hỗ trợ chăn nuôi đạt quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) và xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật (đối với cơ sở chăn nuôi có quy mô tối thiểu: lợn nái 300 con, lợn thịt 500 con hoặc 500 con gồm cả lợn nái và lợn thịt; gà sinh sản 3.000 con, gà thịt 5.000 con; trâu bò nái sinh sản 50 con):

a) Hỗ trợ 100% kinh phí tư vấn, đánh giá để xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt quy trình VietGAHP, tối đa 40 triệu đồng/cơ sở;

b) Hỗ trợ một lần kinh phí xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (chi phí lấy mẫu, xét nghiệm mẫu, phí thẩm định) để cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch: mức 25 triệu đồng/bệnh, tối đa 50 triệu đồng/cơ sở.

5. Hỗ trợ kinh phí mua vắc xin tiêm phòng định kỳ hàng năm theo quy định cho quy mô chăn nuôi nông hộ (chăn nuôi trâu, bò dưới 20 con, chăn nuôi lợn dưới 100 con, chăn nuôi gia cầm dưới 2.000 con, chó nuôi); mức 02 liều/bệnh/năm đối với các bệnh: Tụ huyết trùng trâu, bò; Dịch tả, Tụ huyết trùng lợn; Cúm gia cầm H5N1; 01 liều/năm đối với bệnh dại chó.

Hàng năm, bố trí kinh phí để mua dự phòng các loại vắc xin, hóa chất để chủ động bao vây, phòng, chống khi có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia súc, gia cầm (Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, Cúm gia cầm) xảy ra trên địa bàn tỉnh đảm bảo mức lưu kho giá trị 02 tỷ đồng.

6. Hỗ trợ nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc tập trung có công suất giết mổ từ 30 con/ngày đêm trở lên: Mức 70% kinh phí lắp đặt dây chuyền giết mổ treo gia súc, tối đa 50 triệu đồng/dây chuyền và không quá 4 dây chuyền/cơ sở; hỗ trợ 70% kinh phí mua vật tư, thiết bị xử lý nguồn nước (máy bơm, tẹc, hệ thống xử lý nước, ống dẫn, bồn chứa,...), tối đa 50 triệu đồng/cơ sở.

Điều 6. Chính sách phát triển thủy sản

1. Nuôi trồng thủy sản

a) Hỗ trợ sản xuất giống: Hàng năm hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vận chuyển, nuôi dưỡng cho các trại sản xuất giống cá nước ngọt với quy mô trại giống đạt tối thiểu 20 triệu cá bột/năm để thay thế, bổ sung giống cá bố mẹ, tối đa 200 triệu đồng/trại/năm;

b) Hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý môi trường: Hỗ trợ một lần 50% kinh phí cho cộng đồng vùng nuôi tôm trên cát hoặc vùng nuôi tôm thâm canh bãi triều có từ 03 cơ sở trở lên và diện tích tối thiểu 10 ha trong vùng quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tối đa 02 tỷ đồng/vùng để xây dựng hệ thống xử lý, thoát nước thải chung cho toàn vùng.

2. Khai thác thủy sản và hậu cần nghề cá

a) Hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho các tổ chức cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ: Mức 50 triệu đồng/01 tổ chức cộng đồng/năm;

b) Hỗ trợ mua máy thông tin liên lạc tầm xa: Hỗ trợ 70% kinh phí mua máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (máy mới) cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tối đa 30 triệu đồng/01 máy/01 tàu;

c) Hỗ trợ 100% học phí đào tạo cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá, tối đa 5 triệu đồng/chứng chỉ;

d) Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Hàng năm ngân sách bố trí 01 tỷ đồng để mua các loại giống thủy sản thả ra các hồ, đập để tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

3. Chính sách phòng, chống dịch bệnh thủy sản

Hàng năm, bố trí kinh phí để mua hóa chất dự phòng để chủ động bao vây, phòng, chống dịch khi có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thủy sản (Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm, Bệnh hoại tử thần kinh ở cá nuôi nước mặn lợ) xảy ra trên địa bàn tỉnh đảm bảo mức lưu kho giá trị 01 tỷ đồng.

Điều 7. Chính sách phát triển lâm nghiệp

1. Hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) rừng trồng

Hỗ trợ một lần chi phí cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) cho các tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình được cấp chứng chỉ với mức 300.000 đồng/ha rừng trồng.

2. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng lâm nghiệp

Hỗ trợ các tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân xây dựng đường lâm nghiệp (nếu có các ngầm qua suối thì phải được cứng hóa bằng bê tông) trong các vùng rừng trồng gỗ nguyên liệu tập trung theo quy hoạch có quy mô từ 200 ha trở lên hoặc vào các khu du lịch sinh thái, du lịch tâm linh theo quy hoạch kết hợp bảo vệ và phát triển rừng có quy mô từ 50 ha trở lên, mức hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, tối đa 20m đường/ha và tối đa 450 triệu đồng/km (không quá 5km/vùng dự án).

3. Hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp

Hỗ trợ 100% kinh phí mua cây giống (Mộc hoa trắng, Hoằng đằng, Hương bài, Mây nếp, Khôi tía và danh mục cây dược liệu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế ban hành) cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng cây dược liệu, lâm sàn ngoài gỗ trên đất lâm nghiệp (kể cả trồng dưới tán rừng phòng hộ và sản xuất) thông qua liên kết với doanh nghiệp từ khâu trồng đến khâu tiêu thụ sản phẩm với quy mô tối thiểu từ 0,5 ha liền vùng, liền thửa trở lên, tối đa 10 triệu đồng/ha.

4. Hỗ trợ bảo vệ, trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ do Ủy ban nhân dân xã, hộ gia đình quản lý

a) Hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng tự nhiên cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn sau khi được giao đất giao rừng với mức 300.000 đồng/ha/năm. Hỗ trợ kinh phí khoán chi thường xuyên cho Ủy ban nhân dân xã chỉ để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất do xã quản lý với mức 100.000 đồng/ha/năm;

b) Hỗ trợ kinh phí mua cây giống bản địa (Lim xanh, Cồng trắng, Re hương, Giổi, Dó trầm, Lát hoa, Mỡ, Gáo) và tiền nhân công cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng để trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên là rừng sản xuất, với mức 5 triệu đồng/ha.

Điều 8. Chính sách phát triển hợp tác, liên kết

1. Các dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

2. Hợp tác xã xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp, được hỗ trợ 70% kinh phí mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tối đa 300 triệu đồng/hợp tác xã. Hỗ trợ thí điểm mỗi huyện, thị xã, thành phố triển khai tối đa 02 hợp tác xã.

Điều 9. Chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học

1. Hỗ trợ 60% kinh phí cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, công tác giống cây trồng vật nuôi, cải tạo đất, chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng chống có hiệu quả dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo quản chế biến nông sản phẩm; tối đa 800 triệu đồng/nhiệm vụ.

2. Hỗ trợ 60% kinh phí cho các tổ chức, cá nhân thực nhiệm vụ nuôi cấy mô tế bào, tối đa 800 triệu đồng/nhiệm vụ.

3. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân 30% kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ lĩnh vực công nghệ sinh học, tối đa 01 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.

4. Hỗ trợ 60% kinh phí cho các tổ chức, cá nhân mua chế phẩm sinh học để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, xử lý nước thải (có hệ thống xử lý đảm bảo), tối đa 01 triệu đồng/hộ và 10 triệu đồng/tổ chức.

5. Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường trong ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học, tối đa 03 triệu đồng/xã.

6. Nấm

a) Hỗ trợ mua giống nấm: Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng quy mô sản xuất tối thiểu đạt 5.000 bịch nấm/lứa hoặc 200 m2 diện tích sản xuất, được hỗ trợ bằng 20% tiền bịch giống (đối với giống đóng bịch) hoặc 30kg giống/100m2 (đối với giống không đóng bịch);

b) Hỗ trợ kinh phí làm lán trại sản xuất nấm: Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất nấm có quy mô 200m2 đến dưới 1.000m2 lán trại tập trung trở lên được hỗ trợ với mức 35.000 đồng/m2 diện tích lán trại cố định, mức tối đa 30 triệu đồng/tổ chức, cá nhân. Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất nấm tập trung có quy mô 1.000m2 lán trại tập trung trở lên và sản xuất tối thiểu 20 tấn nấm tươi các loại/năm được hỗ trợ với mức 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân;

c) Hỗ trợ kinh phí mua máy móc, thiết bị sản xuất giống, chế biến: Các tổ chức, cá nhân đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất nấm giống có công suất đóng bịch bình quân từ 1.000 bịch giống/ngày hoặc từ 200kg giống sản xuất bình quân/ngày trở lên thì được hỗ trợ một lần mức 30% chi phí mua máy móc thiết bị, tối đa 30 triệu đồng/tổ chức, cá nhân; trường hợp quy mô trên 2.000 bịch giống/ngày hoặc 400kg giống bình quân/ngày, tối đa 60 triệu đồng/tổ chức, cá nhân;

Các tổ chức, cá nhân đầu tư mua máy móc, thiết bị để chế biến nấm có công suất chế biến từ 50 tấn đến dưới 75 tấn nấm tươi/năm, được hỗ trợ một lần mức 30% chi phí mua máy móc thiết bị, tối đa 30 triệu đồng/cơ sở; trường hợp công suất chế biến trên 75 tấn nấm tươi/năm, tối đa 60 triệu đồng/cơ sở;

d) Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ, tiếp cận thị trường trong phát triển nấm, tối đa 03 triệu đồng/xã.

Mục 2. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP)

Các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh được cấp có thẩm quyền xét chọn tham gia chương trình OCOP, tùy theo tính chất, mức độ yêu cầu của quá trình sản xuất, kinh doanh; ngoài các chính sách khác hiện hành, nếu không trùng nội dung thì còn được hưởng các chính sách sau:

Điều 10. Hỗ trợ quy hoạch chi tiết; chuyển giao công nghệ, trang thiết bị

1. Hỗ trợ 30% kinh phí lập quy hoạch chi tiết hoặc lập dự án, phương án, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tối đa 200 triệu đồng/sản phẩm cho một tổ chức, cá nhân.

2. Hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện chuyển giao công nghệ mới, trang thiết bị mới, tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng các sản phẩm OCOP, tối đa 02 tỷ đồng cho mỗi tổ chức, cá nhân.

Điều 11. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm

1. Hỗ trợ 100% kinh phí cho việc thiết kế, xây dựng, in ấn (mẫu) bộ nhận diện thương hiệu và xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, mã số mã vạch cho sản phẩm OCOP, tối đa 300 triệu đồng/sản phẩm cho mỗi tổ chức, cá nhân.

2. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, được hỗ trợ một lần mức 30% chi phí đầu tư xây dựng mới, mua sắm thiết bị cho kho, xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm, tối đa 1,5 tỷ đồng đối với kho, xưởng có thể tích chứa từ 1.000 m3 trở lên; tối đa 500 triệu đồng đối với kho có thể tích chứa từ 150m3 đến dưới 1.000m3.

3. Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia OCOP, tối đa 300 triệu đồng/mô hình.

4. Hỗ trợ 50% chi phí thuê các điểm giới thiệu, bán hàng OCOP tại các huyện, tại các điểm dừng xe trong tỉnh, tối đa 50 triệu/điểm/năm, thời gian hỗ trợ 02 năm.

Điều 12. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực

Hỗ trợ 100% kinh phí gửi đi đào tạo quản trị, khởi nghiệp, đào tạo nghề cho lao động của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, tối đa 100 triệu đồng/tổ chức, 15 triệu đồng/cá nhân.

Điều 13. Chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt 3-5 sao của chương trình OCOP

Các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn: Hạng 5 sao thưởng 70 triệu đồng/sản phẩm, hạng 4 sao thưởng 50 triệu đồng/sản phẩm, hạng 3 sao thưởng 30 triệu đồng/sản phẩm. Mức thưởng 1 lần/sản phẩm cho mỗi tổ chức, cá nhân. Ngoài ra còn được hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại của huyện, Tỉnh, Trung ương.

Mục 3. CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN

Điều 14. Chính sách phát triển thương mại nông thôn

1. Đối với chợ xây dựng mới đạt chuẩn: Hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng các loại chợ ở khu vực nông thôn thuộc quy hoạch của tỉnh, tối đa 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào bao gồm: Đình chợ, xây tường rào, hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phòng kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. Đối với nâng cấp, mở rộng chợ đạt chuẩn: Hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng kỹ thuật các loại chợ ở khu vực nông thôn, tối đa không quá 400 triệu đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chợ trong và ngoài hàng rào bao gồm: Đình chợ, san nền, xây tường rào, hạ tầng giao thông, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý rác thải, phòng kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm.

3. Đầu tư xây dựng siêu thị mini đạt chuẩn: Hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư xây dựng mới siêu thị mini, mua sắm trang thiết bị phục vụ bảo quản, kinh doanh và quản lý siêu thị mini đạt chuẩn tại địa bàn các xã không quy hoạch chợ (mỗi xã hỗ trợ 01 siêu thị mini), tối đa 200 triệu đồng/siêu thị.

4. Đầu tư xây dựng các cửa hàng tiện lợi: Hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư xây dựng mới, mua sắm trang thiết bị phục vụ bảo quản, kinh doanh và quản lý các cửa hàng tiện lợi đạt chuẩn tại địa bàn các xã không quy hoạch chợ, không có siêu thị mini (tối đa 02 cửa hàng đối với xã trên 10.000 dân, 01 cửa hàng đối với xã dưới 10.000 dân), tối đa 50 triệu đồng/cửa hàng.

Điều 15. Chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử phục vụ tiêu thụ nông sản thực phẩm

1. Hỗ trợ 50% chi phí tổ chức các phiên chợ, hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa sản phẩm của tỉnh kết hợp đưa hàng Việt về bán ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; tối đa 30 triệu đồng/01 đợt bán hàng từ 02 ngày trở lên; quy mô tối thiểu trên 10 gian hàng tiêu chuẩn/phiên chợ.

2. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp tiêu thụ sản phẩm do mình sản xuất hoặc hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh từ 02 năm trở lên, thực hiện ký kết và đưa hàng hóa vào bán trong các siêu thị, hệ thống phân phối lớn, với mức tiêu thụ tối thiểu 01 tỷ đồng/năm, được hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại bằng 1% tính trên giá trị sản phẩm, hàng hóa thực tế đã tiêu thụ trong siêu thị hoặc hệ thống phân phối, tối đa 200 triệu đồng/tổ chức, cá nhân/năm.

3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh có doanh thu tối thiểu 01 tỷ đồng/năm, được hỗ trợ 30% chi phí bao bì, đóng gói sản phẩm hàng hóa (thiết kế, in ấn, sản xuất bao bì, nhãn mác, giấy hộp đóng gói), tối đa 150 triệu đồng/tổ chức, cá nhân/năm.

4. Hỗ trợ tổ chức lễ hội, hội chợ, triển lãm:

a) Hỗ trợ xã hội hóa tổ chức hội chợ, lễ hội: Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức lễ hội, hội chợ nông đặc sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề hàng năm quy mô cấp tỉnh, thời gian tổ chức 3-5 ngày theo chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh, mức hỗ trợ tính trên số gian hàng sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề sản xuất kinh doanh trong tỉnh là 05 triệu đồng/01 gian hàng quy chuẩn;

b) Đối với các tổ chức có chức năng hoạt động xúc tiến thương mại được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chủ trì để phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể trong tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm cho sản phẩm hàng hóa sản xuất, chế biến trong tỉnh được hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng, thuê phòng nghỉ, phương tiện vận chuyển người và hàng hóa, lệ phí cửa khẩu, tối đa không quá 80 triệu đồng/lần tham gia đối với hội chợ, triển lãm được tổ chức trong nước; không quá 200 triệu đồng/lần tham gia đối với hội chợ, triển lãm được tổ chức tại nước ngoài;

c) Đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh: được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý hoặc Sở Công Thương mời tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước được hỗ trợ 50% kinh phí thuê gian hàng, thuê phòng nghỉ, phương tiện vận chuyển người và hàng hóa, lệ phí cửa khẩu, tối đa 20 triệu đồng/lần tham gia đối với hội chợ, triển lãm được tổ chức trong nước; tối đa 40 triệu đồng/lần tham gia đối với hội chợ, triển lãm được tổ chức tại nước ngoài.

5. Các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh đảm bảo ổn định từ 02 năm trở lên được hỗ trợ:

a) Hỗ trợ 50% kinh phí mở trang website riêng, duy trì vận hành hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ không gian lưu trữ trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, tối đa 30 triệu đồng/tổ chức, cá nhân;

b) Thuê gian hàng tại các sàn thương mại điện tử có uy tín trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá, giao dịch được hỗ trợ 50% tổng chi phí thuê theo hợp đồng, tối đa 25 triệu đồng/tổ chức, cá nhân/năm và hỗ trợ tối đa 02 năm.

6. Các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, thực hiện mở các gian hàng và giao dịch thương mại điện tử miễn phí trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.

7. Tổ chức có sàn giao dịch thương mại điện tử các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn với lượng hàng có sản phẩm sản xuất trong tỉnh Hà Tĩnh trên 50% và có hệ thống cơ sở vật chất (nhà xưởng, kho bãi phục vụ mua bán hàng hóa cho hoạt động của sàn) được hỗ trợ 30% trên tổng mức đầu tư mới, tối đa 02 tỷ đồng/tổ chức.

Mục 4. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ LÃI SUẤT

Điều 16. Khách hàng vay vốn được hỗ trợ lãi suất

1. Các khách hàng vay vốn ngắn hạn (đến 12 tháng), trung hạn (trên 12 tháng đến 60 tháng), dài hạn (trên 60 tháng) để đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh) đáp ứng một trong các nội dung sau:

a) Phát triển sản xuất

Sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP có quy mô: Sản xuất rau, củ, quả từ 0,2ha trở lên; sản xuất lạc từ 0,5ha trở lên; sản xuất lúa hàng hóa tập trung từ 5ha trở lên; sản xuất bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù từ 0,3ha trở lên; sản xuất chè quy mô 0,5ha trở lên;

Trồng ngô nguyên liệu có liên kết quy mô 0,5ha trở lên; trồng hoa 0,1ha trở lên;

Lắp hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch với diện tích liền vùng từ 0,3 ha trở lên/tổ chức, cá nhân;

Chăn nuôi lợn: Chăn nuôi lợn thịt quy mô 300 con/lứa trở lên; chăn nuôi lợn giống ông, bà quy mô 30 con trở lên; bố, mẹ quy mô 50 con trở lên (chỉ hỗ trợ lãi suất đối với vay ngắn hạn);

Chăn nuôi hươu có quy mô 5 con trở lên; chăn nuôi bò quy mô 5 con trở lên; chăn nuôi gà, vịt thịt thương phẩm có quy mô từ 2.000 con/lứa trở lên; Gà, vịt đẻ trứng quy mô từ 1.000 con trở lên;

Trồng rừng sản xuất quy mô từ 2ha trở lên;

Sản xuất nấm có quy mô tối thiểu 5.000 bịch/một lứa hoặc quy mô lán trại có sản xuất nấm từ 200m2 trở lên (gồm đầu tư xây dựng lán trại và chi phí sản xuất);

Sản xuất giống nấm (gồm đầu tư máy móc thiết bị và chi phí sản xuất giống) có công suất đóng bịch bình quân từ 1.000 bịch giống/ngày trở lên hoặc từ 200 kg giống bình quân/ngày trở lên;

Chế biến nấm (gồm đầu tư máy móc thiết bị và chi phí chế biến) công suất chế biến tối thiểu 50 tấn nấm tươi/năm;

Phát triển kinh tế vườn, trang trại có đăng ký xây dựng vườn mẫu đạt tiêu chí, trang trại đạt tiêu chí, có mức tiền vay từ 50 triệu đồng trở lên có phương án sản xuất kinh doanh;

Nuôi trồng thủy sản: Nuôi trồng thủy sản thâm canh có quy mô từ 0,5ha trở lên, nuôi trồng thủy sản bằng lồng (loại lồng 15m3 trở lên) quy mô 03 lồng trở lên hoặc tổng thể tích các lồng nuôi từ 90m3 trở lên; nuôi trồng thủy sản trong bể xi măng, ao lót bạt có diện tích 200m2 trở lên;

Đóng mới tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Cải hoán tàu khai thác có công suất dưới 90CV sang tàu có công suất 90CV trở trên. Chi phí vốn lưu động phục vụ đánh bắt hải sản đối với tàu cá có công suất từ 90CV/chiếc trở lên;

Mua trang thiết bị, vật tư ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất muối và các sản phẩm từ muối;

b) Khách hàng vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh các sản phẩm tham gia OCOP;

c) Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng nguyên liệu từ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, cung ứng dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã.

2. Khách hàng vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm:

a) Thu mua, dự trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông lâm, thủy hải sản trên địa bàn có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân từ 3 năm trở lên; các hoạt động sản xuất kinh doanh có liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có hợp đồng liên kết tiêu thụ từ 5 năm trở lên. Các hoạt động này không khống chế quy mô;

b) Dự án đầu tư mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thủy, hải sản;

c) Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vay vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, làng nghề truyền thống.

3. Doanh nghiệp có Dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, theo danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

4. Các đối tượng khác cần khuyến khích phát triển theo các Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định từng thời kỳ (sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh).

Điều 17. Loại cho vay và thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất

1. Đối với khách hàng là Doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ lãi suất theo khoản 3, Điều 16 Nghị quyết này:

a) Loại cho vay hỗ trợ lãi suất: là các khoản cho vay để đầu tư vào các dự án nông nghiệp, nông thôn được giải ngân kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực;

b) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: Tối đa không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án. Các công trình xây dựng trên đất (bao gồm cả nhà lưới, nhà kính, nhà màng và công trình thủy lợi) của doanh nghiệp đầu tư được tính là tài sản để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng cho vay;

c) Thời gian được hưởng hỗ trợ lãi suất cho mỗi món vay theo thời hạn vay vốn (trong hạn) của khách hàng thể hiện trong hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng nhưng không vượt quá: Tối đa 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; tối đa 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; tối đa 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư; Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 08 năm; Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

2. Các đối tượng còn lại:

a) Loại cho vay được hỗ trợ lãi suất là các khoản cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng đồng Việt Nam được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020;

b) Thời hạn cho vay được hỗ trợ lãi suất cho mỗi món vay theo thời hạn vay vốn (trong hạn) của khách hàng thể hiện trên hợp đồng tín dụng với các tổ chức tín dụng nhưng tối đa không quá 8 tháng đối với cho vay ngắn hạn, tối đa không quá 24 tháng đối với cho vay trung hạn, tối đa không quá 36 tháng đối với cho vay dài hạn. Số tiền vay quá hạn trả nợ, được gia hạn nợ thì không được tính hỗ trợ lãi suất cho khoảng thời gian quá hạn, gia hạn nợ.

Điều 18. Mức hỗ trợ lãi suất

1. Mức lãi suất hỗ trợ:

a) Đối với Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại khoản 3, Điều 16 Nghị quyết này: Hỗ trợ theo mức bằng chênh lệch lãi suất vay thương mại (trong hạn) so với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ;

b) Hỗ trợ các đối tượng còn lại: 30% lãi suất vay các tổ chức tín dụng (trong hạn).

2. Tổng mức hỗ trợ lãi suất tối đa cho một khách hàng vay vốn:

a) Các Doanh nghiệp thuộc đối tượng tại khoản 3, Điều 16 Nghị quyết này: Không giới hạn tổng số tiền lãi hỗ trợ;

b) Các đối tượng còn lại: Tổng mức vay dưới 10 tỷ đồng: Số tiền hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 700 triệu đồng; Tổng mức vay từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng: Số tiền hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 01 tỷ đồng; Tổng mức vay từ 20 tỷ đồng trở lên: Số tiền hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 1,5 tỷ đồng.

Mục 5. CÁC CƠ CHẾ HỖ TRỢ

Điều 19. Xây dựng nông thôn mới

1. Xây dựng vườn mẫu đạt chuẩn theo quy định Bộ Tiêu chí do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, được hỗ trợ (thưởng theo kết quả đầu ra) 05 triệu đồng/vườn.

2. Xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành được hỗ trợ (thưởng theo kết quả đầu ra) 300 triệu đồng/khu.

3. Xã đạt chuẩn nông thôn mới được hỗ trợ 01 tỷ đồng. Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được hỗ trợ 500 triệu đồng. Xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ 02 tỷ đồng (ngoài các khoản được phân bổ, hỗ trợ, thưởng khác).

4. Hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt thiết bị xử lý nước sinh hoạt (đủ lượng nước phục vụ sinh hoạt tối thiểu 60 lít/ngày đêm/người) cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình thuộc vùng không quy hoạch cấp nước tập trung hoặc có quy hoạch nhưng chưa có dự án đầu tư xây dựng trong năm đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, tối đa 02 triệu đồng/hộ.

5. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo kinh phí di dời, phá bỏ công trình vệ sinh 2 ngăn để xây dựng công trình vệ sinh tự hoại, mức hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ.

Điều 20. Cơ chế hỗ trợ xi măng làm giao thông

1. Đường cấp xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện; đường phố: Ngân sách cấp tỉnh 70%; ngân sách cấp huyện, xã 30%.

2. Đường trục thôn, liên thôn, ngõ phố: Ngân sách cấp tỉnh 40%; ngân sách cấp huyện, xã 60%.

3. Đường ngõ xóm (có trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã), đường ngách, hẻm: Ngân sách cấp tỉnh 30%; ngân sách cấp huyện, xã 70%.

4. Đường trục chính nội đồng: Ngân sách cấp tỉnh 70%; ngân sách cấp huyện, xã 30%.

Điều 21. Cơ chế hỗ trợ xi măng làm rãnh thoát nước, kênh mương nội đồng

1. Rãnh thoát nước của đường trục xã, đường phố: Ngân sách cấp tỉnh 70%; ngân sách cấp huyện, xã 30%.

2. Rãnh thoát nước của đường trục thôn, xóm, đường ngõ phố: Ngân sách cấp tỉnh 60%; ngân sách cấp huyện, xã 40%.

3. Đối với kênh mương nội đồng: Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ 70%; ngân sách cấp huyện, xã 30%.

Điều 22. Hỗ trợ công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, phục hồi, nâng cấp mặt đường nhựa, bê tông xi măng đường giao thông nông thôn và đô thị

1. Hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện duy tu bảo dưỡng thường xuyên 1.129 km đường nhựa giao thông nông thôn và đô thị, tối đa 2,5 triệu đồng/km/năm.

2. Hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện phục hồi nâng cấp 450 km (mỗi năm tối đa 150 km) mặt đường bê tông xi măng bằng vật liệu Cacboncor Asphalt hoặc bê tông nhựa hạt mịn hoặc phủ lớp vật liệu Microsufacing để phủ lên với mức hỗ trợ tối đa không quá 55.000đ/m2; còn lại ngân sách huyện, xã và người dân đóng góp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

1. Ủy ban nhân dân tỉnh

a) Chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện Nghị quyết này;

b) Xây dựng dự toán nguồn kinh phí thực hiện chính sách, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định;

c) Kiểm tra việc thực hiện chính sách; phát hiện và đề xuất những chính sách cần sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;

d) Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cân đối, bố trí các nguồn vốn từ ngân sách theo kế hoạch hàng năm để các chính sách được tổ chức thực hiện đầy đủ, có hiệu quả.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

a) Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân theo quy định này, đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng phạm vi, đối tượng và hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội theo đúng mục tiêu kế hoạch đề ra;

b) Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của các tổ chức và cá nhân theo quy định hiện hành. Đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

c) Đối với phần ngân sách huyện, xã đảm bảo quy định tại Điều 20 và Điều 21, giao các huyện, thành phố, thị xã tùy theo khả năng cân đối ngân sách để quyết định cơ chế hỗ trợ của từng cấp cho phù hợp.

Điều 24. Điều khoản thi hành

1. Bãi bỏ Nghị quyết số 139/2015/NQ-HĐND, ngày 17 tháng 7 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định mức hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy định chuyển tiếp

a) Đối với hỗ trợ trực tiếp: Các nội dung hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh nay không được quy định tại Nghị quyết này mà các đối tượng đang thực hiện dở dang cho đến khi hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 có đầy đủ hồ sơ theo quy định và chưa được hưởng chính sách thì vẫn được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND và các văn bản hướng dẫn;

b) Các nội dung hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND ngày của Hội đồng nhân dân tỉnh nay vẫn có quy định tại Nghị quyết này mà các đối tượng đang thực hiện dở dang và chưa được hưởng chính sách thì được áp dụng theo quy định tại Nghị quyết này.

c) Đối với hỗ trợ lãi suất: Những khoản vay theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh còn dư nợ đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực nếu chưa hết thời gian hỗ trợ tối đa và chưa vượt tổng mức tiền hỗ trợ tối đa theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND thì tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 32/2016/NQ-HĐND;

d) Các nội dung hỗ trợ trực tiếp tại Nghị quyết này đến ngày 31 tháng 12 năm 2020 mà các đối tượng đang thực hiện dở dang cho đến khi hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2021 có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định và chưa được hưởng chính sách thì vẫn được áp dụng theo quy định Nghị quyết này và các văn bản hướng dẫn. Riêng đối với nội dung hỗ trợ theo Khoản 1, Điều 17 Nghị quyết này còn dư nợ đến sau ngày Nghị quyết này hết hiệu lực thì được tiếp tục hỗ trợ lãi suất cho đến hết thời gian theo quy định.

Điều 25. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Thông tin VP HĐND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Đình Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 123/2018/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019-2020

  • Số hiệu: 123/2018/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Lê Đình Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản