Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/2013/NQ-HĐND | Lạng Sơn, ngày 31 tháng 7 năm 2013 |
VỀ ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC CỦA THÔN, KHỐI PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004; Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ngày 20 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000 của Bộ Tư pháp - Bộ Văn hóa Thông tin - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư; Thông tư liên tịch số 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ ngày 09/7/2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Văn hóa Thông tin - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ủy ban Quốc gia dân số, kế hoạch hóa gia đình hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư về việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình;
Sau khi xem xét Tờ trình số 37/TTr-UBND ngày 21/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về Định hướng nội dung hương ước, quy ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Định hướng nội dung hương ước, quy ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước (sau đây gọi chung là hương ước)
1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng và thực hiện hương ước ở thôn, khối phố, khu phố (sau đây gọi chung là thôn, khối phố) trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:
a) Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, văn bản chỉ đạo về xây dựng và thực hiện hương ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh;
b) Căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, hướng dẫn trình tự, thủ tục xây dựng, công nhận hương ước; kiểm tra việc thi hành pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước;
c) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến xây dựng và thực hiện hương ước; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ xây dựng hương ước;
d) Đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn tỉnh, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định;
đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Công nhận hương ước của các thôn, khối phố theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm hương ước có nội dung phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Định hướng nội dung hương ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ban hành kèm theo Nghị quyết này;
b) Tập huấn nghiệp vụ, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn;
c) Đánh giá, sơ kết, tổng kết việc xây dựng và thực hiện hương ước trên địa bàn huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các thôn, khối phố xây dựng hương ước có nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Định hướng nội dung hương ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ban hành kèm theo Nghị quyết này;
b) Lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quyết định công nhận hương ước của thôn, khối phố theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian pháp luật quy định;
c) Thường xuyên kiểm tra việc tổ chức thực hiện hương ước trên địa bàn;
d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 4. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XV, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 31 tháng 7 năm 2013./.
| CHỦ TỊCH |
NỘI DUNG HƯƠNG ƯỚC, QUY ƯỚC CỦA THÔN, KHỐI PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 112/2013/NQ-HĐND ngày 31/7/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thoả thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hoá trên địa bàn thôn, khối phố, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phong tục, tập quán tốt đẹp, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh định hướng xây dựng và thực hiện hương ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:
I. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN HƯƠNG ƯỚC
1. Việc xây dựng và thực hiện hương ước phải bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; nội dung hương ước không trái pháp luật, phù hợp với phong tục tập quán tốt đẹp và điều kiện cụ thể của từng thôn, khối phố.
2. Phát huy tính tự quản, tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; các tranh chấp, mâu thuẫn xích mích nhỏ trong nhân dân phải được giải quyết thông qua phương thức hòa giải ở cơ sở theo quy định. Những hành vi vi phạm pháp luật phải do các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Mỗi thôn, khối phố chỉ xây dựng 01 (một) bản hương ước; hương ước của thôn, khối phố phải được Ủy ban nhân dân huyện, thành phố công nhận mới có giá trị thi hành.
II. ĐỊNH HƯỚNG NỘI DUNG HƯƠNG ƯỚC
Hương ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh có phần Lời nói đầu để ghi nhận truyền thống văn hóa và mục đích của việc xây dựng hương ước.
Nội dung hương ước được chia thành các chương, mục, điều, khoản, điểm. Các quy định trong hương ước cần ngắn gọn, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ. Các nội dung chính cần được quy định trong hương ước như sau:
1. Về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị; bảo vệ môi trường; bảo vệ và phát triển rừng
1.1. Về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân
Đề ra các biện pháp nhằm phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; duy trì và phát triển các làng nghề, ngành nghề truyền thống của địa phương; có biện pháp giúp đỡ lẫn nhau về vốn, truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm... nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình và cộng đồng dân cư.
Khuyến khích việc thành lập, tham gia các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.
1.2. Về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị
- Đề ra các nội dung, biện pháp vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng trên địa bàn.
- Đề ra biện pháp xây dựng, bảo vệ, duy trì, giữ gìn đường, ngõ sạch; xây dựng tuyến phố văn minh xanh, sạch, sáng, đường thông, hè thoáng; bảo vệ không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Khi xây dựng nhà, công trình phải xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.
1.3. Bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng
Đề ra biện pháp thích hợp nhằm vận động, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng như:
- Có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, trong thôn, khối phố; việc xả nước thải, chất thải không ảnh hưởng đến hộ gia đình khác và môi trường xung quanh; có ý thức bảo vệ nguồn nước ao, hồ, sông, suối. Khuyến khích hình thành các tổ tự quản vệ sinh môi trường.
- Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải hợp vệ sinh; không thả rông gia súc; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không làm lây lan dịch bệnh. Việc sử dụng các loại thức ăn, hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm phải đảm bảo đúng quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường. Có các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho gia súc, gia cầm.
- Đề ra các biện pháp vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, như: Nhận trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng; không chặt phá rừng làm nương rẫy; không khai thác rừng và lâm sản trái phép; không săn bắn, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, giết thịt trái phép các loại động vật hoang dã, quý hiếm. Thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Khuyến khích các thôn có các hình thức thiết thực tổ chức hưởng ứng thực hiện Tết trồng cây trên địa bàn.
2. Về xây dựng nếp sống văn hóa
2.1. Về xây dựng gia đình văn hóa
Thực hiện chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; không có bạo lực gia đình; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo. Mọi gia đình phấn đấu hàng năm đạt danh hiệu "gia đình văn hóa".
2.2. Về xây dựng thôn, khối phố văn hóa
Đề ra các quy tắc giao tiếp, ứng xử giữa các hộ gia đình, cá nhân trong thôn, khối phố như: Có ý thức xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm; tôn trọng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau; phát huy truyền thống "đền ơn, đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn", "tương thân, tương ái". Không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người có điều kiện, hoàn cảnh như: Hộ nghèo, người bị khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, người nhiễm HIV/AIDS. Có các biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của thôn, khối phố; từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống. Xây dựng và duy trì hoạt động của nhà văn hóa thôn, khối phố, đội văn nghệ quần chúng và các loại hình câu lạc bộ văn hóa, thể thao.
Tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng thôn, khối phố đạt danh hiệu thôn, khối phố văn hóa.
2.3. Về thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; chăm sóc sức khỏe nhân dân
- Vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, như: Mỗi cặp vợ chồng chỉ có 01 hoặc 02 con, không sinh con thứ 03 trở lên. Không lựa chọn giới tính thai nhi. Không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Chủ động, tự nguyện áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tiêm phòng đầy đủ cho bà mẹ, trẻ em.
- Gia đình có trách nhiệm thương yêu, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Gia đình tạo điều kiện cho con em được đi học đúng độ tuổi, phối hợp với nhà trường, xã hội quản lý, giáo dục trẻ em trước, trong và sau giờ học. Phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em.
Hương ước có thể đề ra các biện pháp khuyến khích tinh thần học tập của con em mình như: Xây dựng tủ sách của thôn, khối phố; ghi vào sổ vàng truyền thống; lập Quỹ khuyến học để tặng thưởng cho các cháu học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó…
- Tuyên truyền, vận động nhân dân có nếp sống lành mạnh, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao; tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp; khi ốm đau cần đến cơ sở y tế để khám bệnh, chữa bệnh.
2.4. Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội
- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới:
Việc kết hôn phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, như: Hôn nhân trên cơ sở tự nguyện; bảo đảm về độ tuổi kết hôn, không tảo hôn; không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn; thực hiện đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã.
Việc tổ chức cưới đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và hoàn cảnh gia đình; không thách cưới cao, không phô trương, lãng phí; hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá trong đám cưới. Việc tổ chức cưới không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, trật tự công cộng.
- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang:
Mọi người có trách nhiệm quan tâm động viên, chia sẻ, giúp đỡ khi gia đình trong thôn, khối phố có việc tang. Lễ tang được tổ chức chu đáo, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc và hoàn cảnh gia đình. Hạn chế, từng bước xóa bỏ các thủ tục rườm rà, lạc hậu trong việc tang. Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ nên thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ. Thời gian mai táng người chết phù hợp với quy định của pháp luật. Hạn chế đốt vàng mã, đồ mã, hạn chế sử dụng vòng hoa.
Khuyến khích các thôn, khối phố thành lập Hội hiếu để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong việc tang.
- Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội:
Các nghi thức lễ hội được thực hiện trang trọng, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, ý nghĩa của lễ hội; đề ra các biện pháp để bảo tồn các nghi lễ truyền thống văn hóa của lễ hội. Các hoạt động văn hóa, thể thao trong lễ hội lành mạnh, bổ ích, phù hợp với tính chất của lễ hội. Có biện pháp giữ gìn an toàn, an ninh trật tự trong lễ hội. Đề ra các hình thức tuyên truyền, vận động để người dân có ý thức tránh xa các tệ nạn như: Cờ bạc, mê tín dị đoan…
3. Bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
- Đề ra các biện pháp giữ gìn an ninh trật tự trong thôn, khối phố; vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn như ma túy, cờ bạc, trộm cắp, rượu chè bê tha…, tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng. Xây dựng thôn, khối phố đạt tiêu chuẩn "an toàn về an ninh trật tự".
Khuyến khích việc thành lập các tổ chức tự quản của thôn, khối phố để góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch (kết hôn, khai sinh, khai tử, nuôi con nuôi…), pháp luật về cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú); pháp luật về an toàn giao thông và các lĩnh vực pháp luật khác; không sử dụng lòng đường, hè phố trái phép.
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật cần phải báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất hoặc báo cho trưởng thôn, khối phố để báo cơ quan có thẩm quyền.
- Đề ra các biện pháp góp phần bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản công cộng trên địa bàn như: Trường học, nhà văn hoá, sân tập thể dục thể thao, đường giao thông, cầu cống, di tích lịch sử, văn hoá, đường dây tải điện, nguồn nước sinh hoạt, đập nước, mương máng, ao hồ, công viên, cây xanh, đèn chiếu sáng…, không lấn chiếm, xâm hại hành lang bảo vệ các công trình. Mọi người có ý thức bảo vệ tài sản của mình và của người khác.
- Tuyên truyền, vận động người dân không kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh trật tự công cộng.
4. Về tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức tự quản, các tổ chức đoàn thể thôn, khối phố vững mạnh
4.1. Về tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội
- Đề ra các biện pháp, phương thức thích hợp giúp nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; bảo đảm và phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân; động viên và tạo điều kiện để nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân. Vận động nhân dân tham gia các hoạt động, phong trào do cấp có thẩm quyền hoặc do thôn, khối phố phát động (như: Tham gia các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri, tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản do cấp có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân ở cơ sở…).
4.2. Xây dựng hệ thống chính trị, tổ chức tự quản, các tổ chức đoàn thể thôn, khối phố vững mạnh
- Đề ra các biện pháp nhằm xây dựng thôn, khối phố vững mạnh, Ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể, tổ chức tự quản hoạt động tốt.
- Đề ra biện pháp nhằm tạo điều kiện cho Tổ hòa giải và các hòa giải viên hoạt động theo quy định của pháp luật; khuyến khích giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ trong nhân dân thông qua Tổ hòa giải ở cơ sở; các bên nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện kết quả hòa giải thành.
- Đề ra các biện pháp nhằm huy động, vận động nhân dân đóng góp các loại quỹ, các khoản đóng góp theo quy định của pháp luật và phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân. Việc quản lý, sử dụng quỹ, các khoản thu của thôn, khối phố phải được công khai theo quy định. Hương ước thôn không được đặt ra các khoản phí, lệ phí.
5. Về các biện pháp thưởng, phạt
- Hương ước có thể đề ra các biện pháp, hình thức khen thưởng đối với các gia đình, cá nhân có thành tích trong xây dựng và thực hiện hương ước, như: Nêu gương người tốt, việc tốt; lập, ghi vào sổ vàng truyền thống để ghi nhận công lao, thành tích của tập thể, cá nhân; bình xét, công nhận gia đình văn hóa và các hình thức biểu dương khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận hoặc đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.
- Đối với các hành vi vi phạm các quy định của hương ước chủ yếu áp dụng các hình thức giáo dục, phê bình, nhắc nhở của gia đình, tập thể, cộng đồng dân cư. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng hương ước thì có thể buộc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm trong phạm vi cộng đồng hoặc áp dụng các biện pháp phạt nhưng không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền lợi hợp pháp khác của công dân trái với quy định của pháp luật hiện hành.
Các hành vi vi phạm pháp luật phải được chuyển tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, xử lý nội bộ ở thôn, khối phố.
6. Các nội dung khác
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phong tục tập quán cụ thể của từng thôn, khối phố, hương ước có thể quy định các nội dung khác trên cơ sở không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sát với điều kiện thực tiễn của từng thôn, khối phố.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
- 1Quyết định 3868/2010/QĐ-UBND về Quy ước mẫu của thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành
- 2Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND định hướng nội dung hương ước, quy ước ở thôn, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 3Nghị quyết 17/2002/NQ-HĐND thông qua Định hướng nội dung xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, bản, tổ dân phố do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 4Quyết định 19/2014/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, tiểu khu, tổ dân phố và hương ước, quy ước mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 5Quyết định 47/2007/QĐ-UBND về Hương ước, quy ước mẫu của các làng, bản, thôn, khối, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 6Quyết định 550/QĐ-UBND năm 2021 về định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 7Nghị quyết 29/2021/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 112/2013/NQ-HĐND về định hướng nội dung hương ước, quy ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 8Quyết định 183/QĐ-UBND năm 2022 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 9Quyết định 387/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Nghị quyết 29/2021/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 112/2013/NQ-HĐND về định hướng nội dung hương ước, quy ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 2Quyết định 183/QĐ-UBND năm 2022 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn
- 3Quyết định 387/QĐ-UBND năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn trong kỳ hệ thống hóa 2019-2023
- 1Nghị định 91/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
- 2Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007
- 3Chỉ thị 24/1998/CT-TTg về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư do Chính Phủ ban hành
- 4Thông tư 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư do Bộ tư pháp-Bộ văn hoá thông tin-Ban thướng trực uỷ ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 5Thông tư liên tịch 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBMTTQVN-UBQGD bổ sung Thông tư liên tịch 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư về việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hoá gia đình do Bộ Tư pháp - Bộ Văn hoá, thông tin - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Uỷ ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hoá gia đình ban hành
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 8Quyết định 3868/2010/QĐ-UBND về Quy ước mẫu của thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành
- 9Nghị quyết 15/2014/NQ-HĐND định hướng nội dung hương ước, quy ước ở thôn, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 10Nghị quyết 17/2002/NQ-HĐND thông qua Định hướng nội dung xây dựng hương ước, quy ước ở thôn, bản, tổ dân phố do tỉnh Bắc Kạn ban hành
- 11Quyết định 19/2014/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, tiểu khu, tổ dân phố và hương ước, quy ước mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 12Quyết định 47/2007/QĐ-UBND về Hương ước, quy ước mẫu của các làng, bản, thôn, khối, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 13Quyết định 550/QĐ-UBND năm 2021 về định hướng nội dung hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
Nghị quyết 112/2013/NQ-HĐND về Định hướng nội dung hương ước, quy ước của thôn, khối phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Số hiệu: 112/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 31/07/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Phùng Thanh Kiểm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra