Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2004/NQ-CP

Hà Nội , ngày 06 tháng 9 năm 2004

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 11/2004/NQ-CP NGÀY 06 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 8 NĂM 2004

Trong hai ngày 30 và 31 tháng 8 năm 2004, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, bàn và quyết nghị những vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình các dự thảo Nghị định về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất, Nghị định về thu tiền sử dụng đất và Nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Những năm qua, thực hiện Luật Đất đai năm 1993, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001, tài nguyên đất đai đã được khai thác và sử dụng hợp lý hơn cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, thực trạng quản lý và sử dụng đất đai nước ta đang có nhiều diễn biến phức tạp: tình trạng mua bán, chuyển nhượng không đăng ký để trốn thuế, đầu cơ, trục lợi diễn ra khá phổ biến; giá đất ở các đô thị tăng cao; chính sách định giá đất, giá đền bù thu hồi đất chưa cụ thể, chưa phù hợp với tình hình thực tế; các văn bản liên quan đến thu hồi đất đai còn nhiều bất cập và chưa coi trọng công tác tái định cư... đã gây ảnh hưởng tới tiến độ thu hồi đất để triển khai các dự án đầu tư, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003, việc ban hành đồng bộ các Nghị định về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất; thu tiền sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai nhằm bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ đối với tài nguyên đất, tạo điều kiện phát huy nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp Chính phủ; lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn chỉnh các dự thảo Nghị định trên, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005; nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2004 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2005. Chính phủ đã xem xét các báo cáo Kết quả giao ban sản xuất, xuất nhập khẩu, đầu tư và tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2004 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; Báo cáo tình hình thương mại tháng 8 do Bộ trưởng Bộ Thương mại trình.

Trong 8 tháng đầu năm 2004, mặc dù bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn phức tạp, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá: sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, dịch vụ đang trên đà phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; xuất khẩu đạt khá; cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; thu ngân sách tăng so với dự toán đề ra; chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng cao, đảm bảo chi cho an ninh, quốc phòng; đầu tư phát triển tăng và cơ bản đảm bảo đủ nguồn bổ sung thực hiện nhiệm vụ quan trọng phát sinh; lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ; thu nhập và đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân có bước cải thiện.

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt kết quả khá nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao; thu hút vốn đầu tư nước ngoài giảm, thực hiện vốn đầu tư chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp; một số cân đối kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn các yếu tố chưa vững chắc, chỉ số giá hàng hoá tiêu dùng và dịch vụ tăng; cơ cấu thu ngân sách nhà nước còn thiếu vững chắc, quy mô tích luỹ còn hạn chế, nợ đọng xây dựng cơ bản còn lớn; cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; thực hiện chủ trương xã hội hoá các lĩnh vực xã hội còn chậm và còn nhiều vấn đề bức xúc.

Chính phủ cơ bản nhất trí với những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 được nêu trong Báo cáo.

Để đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 và hoàn thành kế hoạch 5 năm 2001- 2005, đòi hỏi các Bộ, ngành và địa phương phải nỗ lực phấn đấu, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, thúc đẩy sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh; huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, đổi mới dịch vụ công. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác cải cách hành chính, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm. Giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân từ cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng, khiếu kiện phức tạp ở nông thôn; Thanh tra Nhà nước phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2004 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2005 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thực hiện triệt để các văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã ban hành; triển khai đồng bộ các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá hàng hoá và dịch vụ; kiểm soát yếu tố giá thành của những hàng hoá, vật tư quan trọng, thiết yếu nhà nước cần quản lý; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức lợi dụng sự biến động của tình hình để tăng giá tuỳ tiện kiếm lời bất chính. Thực hiện triệt để tiết kiệm trong đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và chi tiêu ngân sách. Tiếp tục thực hiện các giải pháp huy động vốn cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí sản xuất; tăng cường kiểm tra, thanh tra các dự án đầu tư; đình hoãn những công trình dự án xét thấy không có hiệu quả; tăng cường các biện pháp chủ động phòng chống thiên tai, tệ nạn xã hội; kiềm chế và giảm tai nạn giao thông.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về Chương trình này.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005 tiếp tục thể chế hoá đường lối của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương (khoá IX), của Bộ Chính trị về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, từng bước đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật phục vụ công cuộc đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2005. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chương trình này.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo tăng cường tính chủ động trong quá trình chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách đồng bộ, bảo đảm tiến độ và có chất lượng cao.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Thương mại trình dự án Luật Thương mại (sửa đổi); nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ về dự án Luật nói trên.

Luật Thương mại năm 1997 đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, từng bước đưa hoạt động thương mại vào nền nếp, khuyến khích phát triển hoạt động thương mại hợp pháp, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp gây ảnh hưởng xấu đến môi trường hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, cho đến nay Luật Thương mại đã bộc lộ những hạn chế, cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế. Việc bổ sung, sửa đổi Luật Thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động thương mại trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao tính khả thi, tính minh bạch của Luật Thương mại và tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh, người tiêu dùng, phát huy tối đa nguồn lực của mọi thành phần kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại.

Giao Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự án Luật Thương mại (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Thương mại thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật này.

5. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo về tình hình giáo dục.

Trong những năm qua, nền giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn; đã xây dựng được một hệ thống giáo dục phát triển khá đồng bộ cả về cơ sở vật chất giáo dục, đào tạo cũng như trình độ học vấn của nhân dân. Đã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, nhiều địa phương đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và đang phấn đấu phổ cập trung học theo tiêu chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề tăng đáng kể. Tuy nhiên, công tác giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Quy mô, cơ cấu đào tạo còn mất cân đối, chất lượng giáo dục chưa toàn diện, nhiều lĩnh vực chưa theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nội dung, chương trình giáo dục nặng nề, chậm đổi mới; phương pháp giáo dục áp đặt, không phát huy được sự sáng tạo của người học; công tác quản lý giáo dục còn tồn tại những hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong xã hội.

Để phát triển công tác giáo dục, trong thời gian tới cần tập trung vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển cơ sở vật chất giáo dục; tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân, phát triển mạng lưới trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp, nội dung, chương trình dạy và học.

Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp Chính phủ, tổ chức lấy thêm ý kiến các Bộ, ngành và địa phương, các nhà giáo và các Đoàn đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc trình Quốc hội.

6. Chính phủ nghe Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm trình bày tóm tắt báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc về kết quả kiểm tra việc thực hiện Chương trình 135, Chương trình xoá đói giảm nghèo và Chương trình kiên cố hoá trường lớp học.

Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung các báo cáo trên và nhất trí thông qua.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 11/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2004 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 11/2004/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/09/2004
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản