Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/2022/NQ-HĐND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC CHI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA VÀ NHIỆM VỤ THÚC ĐẨY ĐĂNG KÝ BẢO HỘ TÀI SẢN TRÍ TUỆ ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 6

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ khoản 1 Điều 11 Thông tư số 35/2021/TT-BTC ngày 19 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 6 Thông tư số 75/2021/TT-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 4409/TTr-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định mức chi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Chương trình 1322) do địa phương thực hiện và mức hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 quy định tại Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ do địa phương quản lý.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 1322 do địa phương thực hiện và nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do địa phương quản lý.

Điều 2. Mức chi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 1322

1. Mức chi để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng:

a) Chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết): Thực hiện mức chi quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

b) Chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật (tranh, pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, bảng điện tử): Thực hiện mức chi quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

c) Chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình, chương trình phát thanh: Thực hiện mức chi quy định tại Thông tư số 03/2018/TT-BTTTT ngày 20 tháng 4 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình và Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh.

d) Chi tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng: Thực hiện mức chi quy định tại Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi công tác phí và mức chi hội nghị tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh Lâm Đồng.

đ) Chi tạo lập, duy trì và khai thác phát triển cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chuẩn đối sánh, thực hành tốt về năng suất để phục vụ doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan khác: Thực hiện bằng 100% mức chi quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

e) Các nội dung chi khác (chi phí in, phát hành đối với báo chí in, xuất bản phẩm): Thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ và định mức chi tiêu ngân sách nhà nước, thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

2. Mức chi đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng:

a) Chi biên soạn tài liệu phục vụ công tác đào tạo, tập huấn về nâng cao năng suất chất lượng: Thực hiện mức chi quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

b) Chi tổ chức các khóa đào tạo trong nước đối với chuyên gia năng suất chất lượng, giảng viên năng suất chất lượng, cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động đối với kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng; mở rộng đào tạo kiến thức về năng suất chất lượng trong trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề: Thực hiện mức chi quy định tại Nghị quyết số 106/2018/NQ-HĐND ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở trong nước thuộc tỉnh Lâm Đồng.

c) Chi thuê chuyên gia, giảng viên trong nước và nước ngoài tham gia các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quy định: Thực hiện bằng 100% mức chi quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước.

3. Mức chi tăng cường năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

a) Chi xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương phục vụ trực tiếp cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng, thiết lập nền tảng tiêu chuẩn hóa cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh: Thực hiện mức chi quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật.

b) Chi hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để được công nhận, thừa nhận ở khu vực và quốc tế; chi hỗ trợ tăng cường năng lực thử nghiệm chất lượng, an toàn và sinh thái của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực của địa phương: Nhiệm vụ hỗ trợ được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

4. Chi hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh; tham gia các chương trình đào tạo của quốc tế:

a) Chi hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù của ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về hệ thống quản lý mới được công bố: Mức hỗ trợ bằng 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

b) Chi hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh; áp dụng tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh: Mức hỗ trợ bằng 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống, công cụ nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

c) Chi hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản trị doanh nghiệp: Mức hỗ trợ bằng 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

d) Chi hỗ trợ chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế: Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí chứng nhận hệ thống nhưng không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.

đ) Chi hỗ trợ chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế: Mức hỗ trợ bằng 100% chi phí cấp chứng nhận sản phẩm nhưng không quá 20 triệu đồng/sản phẩm/năm/doanh nghiệp đối với chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không quá 30 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.

e) Nhiệm vụ hỗ trợ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 4 Điều này được xây dựng dưới hình thức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và theo các quy định hiện hành về chế độ, định mức chi tiêu ngân sách nhà nước.

g) Nhiệm vụ quy định tại điểm đ khoản 4 Điều này được thực hiện dưới hình thức hợp đồng hỗ trợ sau khi doanh nghiệp đã được chứng nhận và nộp đầy đủ các hồ sơ thanh quyết toán cho cơ quan quản lý; thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Mức chi phục vụ công tác quản lý, hoạt động chung của Chương trình 1322:

a) Chi tư vấn xác định nhiệm vụ; tuyển chọn các nhiệm vụ của Chương trình; kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện dự án, nhiệm vụ của Chương trình; tổ chức các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất của cơ quan thường trực hoặc đầu mối tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình; tổ chức hội thảo khoa học; chi cho các nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế chính sách giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, năng suất địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giải pháp năng suất xanh và phát triển cộng đồng: Thực hiện mức chi quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền.

b) Chi công tác phí, tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết Chương trình: Thực hiện mức chi quy định tại Nghị quyết số 59/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi công tác phí và mức chi hội nghị tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh Lâm Đồng.

c) Chi văn phòng phẩm, thanh toán dịch vụ công cộng (tiền điện, nước, thông tin liên lạc): Thực hiện thanh toán theo hợp đồng và thực tế phát sinh trong phạm vi dự toán được phê duyệt.

d) Chi tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng từ nguồn ngân sách nhà nước: Thực hiện mức chi quy định tại Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

đ) Chi các hoạt động hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng: Thực hiện mức chi quy định tại Nghị quyết số 123/2019/NQ-HĐND ngày 03 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi tiếp khách nước ngoài; mức chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; chế độ chi tiếp khách trong nước tại các cơ quan đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Điều 3. Mức hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước

1. Đối với đăng ký bảo hộ trong nước:

a) Mức hỗ trợ đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới: 30 triệu đồng/đơn.

b) Mức hỗ trợ đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu: 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.

2. Mức hỗ trợ đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này: 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Trong quá trình thực hiện, các văn bản được viện dẫn để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa X Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 18 tháng 7 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH;
- Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Các bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, BTT UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa X;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP: TU, ĐĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Đài PT-TH; Báo Lâm Đồng;
- TT Tích hợp DL và chuyển đổi số tỉnh;
- TT Công báo - Tin học tỉnh;
- TT Lưu trữ lịch sử tỉnh;
- Trang TTĐT HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, HS kỳ họp.

CHỦ TỊCH




Trần Đức Quận

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 109/2022/NQ-HĐND quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 109/2022/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Trần Đức Quận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản