Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/NQ-HĐND

Vĩnh Phúc, ngày 20 tháng 12 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÂN BỔ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH CẤP TỈNH NĂM 2014

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số /NQ-HĐND ngày /12/2013 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về dự toán ngân sách nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc năm 2014;

Trên cơ sở Báo cáo số 183/BC-UBND ngày 04/12/2013 của UBND tỉnh về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2013 và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2014 như sau:

1. Tổng thu ngân sách cấp tỉnh được hưởng: 8.557.948 triệu đồng, bao gồm:

a) Thu ngân sách cấp tỉnh hưởng theo phân cấp: 8.194.115 triệu đồng;

b) Bổ sung từ ngân sách Trung ương: 363.833 triệu đồng;

2. Tổng chi ngân sách cấp tỉnh: 8.557.948 triệu đồng, bao gồm:

a) Chi thực hiện nhiệm vụ ngân sách cấp tỉnh: 5.461.272 triệu đồng;

b) Chi bổ sung ngân sách huyện: 3.096.676 triệu đồng.

Phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh và mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách từng huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh (theo biểu số 1, 2, 3 kèm theo).

3. Hội đồng nhân dân tỉnh lưu ý một số vấn đề sau

- Thực hiện dự toán ngân sách được giao bảo đảm chặt chẽ, sử dụng kinh phí tiết kiệm và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013; Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn lực ngân sách nhà nước.

- Các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách dành nguồn kinh phí tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên (trừ lương và các khoản có tính chất lương); một phần nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp có thu (bao gồm cả các đơn vị thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ) để lại theo chế độ để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2014.

- Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung cấp tỉnh quản lý 2.278.000 triệu đồng (không bao gồm 1.040.000 triệu đồng phân cấp về huyện, thành phố, thị xã quyết định đầu tư). Phân bổ tổng vốn đầu tư theo cơ cấu (trong đó phân theo cơ cấu ngành, lĩnh vực, nhiệm vụ): Dành 30% vốn bố trí cho các công trình trọng điểm, thanh toán cho các công trình theo hợp đồng BT; 30% vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản, ưu tiên bố trí trả nợ xây dựng cơ bản đến 31/12/2011 trở về trước theo đúng Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ; 40% vốn còn lại bố trí thực hiện các nhiệm vụ, chương trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các dự án, công trình cấp bách, công trình chuyển tiếp có khối lượng thực hiện khả năng hoàn thành trong năm; hạn chế tối đa khởi công các công trình mới. Đối với nguồn vốn bổ sung trong năm dành chi cho đầu tư (ngoài số đã phân bổ chi tiết đầu năm): Nguồn thu xổ số kiến thiết; nguồn phân bổ sau (bao gồm cả nguồn chi thường xuyên và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho một số dự án, công trình nhiệm vụ); nguồn tăng thu ngân sách tỉnh được hưởng, thưởng vượt thu (nếu có); điều chuyển vốn, UBND tỉnh lập phương án phân bổ, thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi thực hiện, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Đối với phương án phân bổ chi tiết các công trình dự án đầu tư năm 2014, HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh rà soát, thống nhất với UBND tỉnh trước khi quyết định và báo cáo lại HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh căn cứ mức phân bổ tại Nghị quyết này giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc cấp tỉnh; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung cho các huyện, thành phố, thị xã theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đối với các huyện thí điểm không tổ chức HĐND thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 63/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính.

2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban và Đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khoá XV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 12/12/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Vọng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 106/NQ-HĐND về phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh năm 2014 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

  • Số hiệu: 106/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 20/12/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Phạm Văn Vọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản