HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/NQ-HĐND | Hòa Bình, ngày 06 tháng 12 năm 2018 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2016-2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình về Chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2018; Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2018;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 261/BC-ĐGS ngày 02 tháng 11 năm 2018 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành với Báo cáo của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân trong công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2018, có 10/15 chỉ tiêu của Chương trình đạt kế hoạch đề ra. Ước thực hiện đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh là 14,9%, giảm 9,48% so với đầu năm 2016, giảm bình quân 3,16%/năm, đạt mục tiêu đề ra. Riêng đối với huyện Kim Bôi và huyện Đà Bắc tỷ lệ hộ nghèo chung dự kiến giảm xuống còn 26,32%, bình quân giảm 4,82%/năm, đạt mục tiêu đề ra. Đến hết năm 2017, huyện Kim Bôi đã thoát khỏi huyện nghèo. Năm 2018, toàn tỉnh đã có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 76,25% kế hoạch cả giai đoạn (61/80 xã).
Các chính sách giảm nghèo gồm: Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, khám chữa bệnh cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo cho học sinh, hỗ trợ tiền điện, bảo trợ xã hội; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở vùng khó khăn, hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện đảm bảo yêu cầu; nguồn vốn của Chương trình cơ bản được phân bổ và giải ngân kịp thời, đúng quy định, hỗ trợ đúng đối tượng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, bất cập đó là: (1) Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm của một số xã còn thấp; (2) Công tác xây dựng kế hoạch vốn của cấp huyện; phê duyệt kế hoạch vốn ở cấp tỉnh cho Chương trình còn chậm ở một số dự án, tiểu dự án; (3) Các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cần có vốn đối ứng lớn, chưa phù hợp với đa số hộ nghèo. Một số nội dung hỗ trợ dưới dạng cho không hiệu quả còn thấp, tạo tâm lý trông chờ vào Nhà nước; (4) Số lao động sau khi được đào tạo nghề nhưng không ứng dụng được trong thực tiễn chiếm tỷ lệ lớn; (5) Tình hình triển khai Nghị định số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ chưa đồng bộ ở tất cả các huyện, năng lực triển khai thực hiện dự án ở cấp xã còn hạn chế; (6) Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cần mức đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật, quản lý cao, thời gian thực hiện dài nhưng nguồn hỗ trợ ngân còn thấp; (7) Chất lượng công tác rà soát hộ nghèo ở một số địa phương thấp chưa có giải pháp xử lý hiệu quả; (8) Công tác thống kê, báo cáo của cấp xã còn chậm, thiếu thông tin; (9) Một bộ phận người nghèo có tính ỷ lại, trông chờ vào nhà nước, thiếu ý chí thoát nghèo, tìm cách để được hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước; các hộ thoát nghèo đa số thuộc nhóm cận nghèo, nguy cơ tái nghèo cao; (10) Tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng, chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương khó khăn.
Những hạn chế, yếu kém, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, song tập trung chủ yếu vào một số nguyên nhân sau: Tình hình thiên tai, lũ lụt, sạt lở, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến những khu vực vùng sâu, vùng xa là địa bàn sinh sống chủ yếu của các hộ nghèo và hộ cận nghèo, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giảm nghèo. Công tác tuyên truyền, hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện các chính sách, chương trình về giảm nghèo chưa thường xuyên. Khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát thực tế, trang thiết bị dạy nghề thiếu chất lượng, chủng loại không còn phù hợp với thực tế đào tạo.
Điều 2. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập, hoàn thành mục tiêu đã đề ra của Chương trình, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
1. Tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh thời gian xây dựng, thẩm định và phê duyệt kế hoạch vốn kịp thời cho các địa phương ngay từ đầu năm, để đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn của Chương trình. Bố trí đầy đủ nguồn vốn ngân sách tỉnh đối ứng cho Chương trình theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh liên quan, đảm bảo nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình; xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành cơ chế riêng về tiếp cận các mô hình giảm nghèo đối với các hộ quá nghèo; đổi mới nội dung đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nghèo đảm bảo thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện trong năm 2019.
3. Rà soát các chỉ tiêu cho phù hợp với mục tiêu của cả giai đoạn, báo cáo kết quả rà soát trước ngày 30 tháng 5 năm 2019.
4. Thực hiện phân cấp, phân quyền cụ thể trong tổ chức thực hiện từng dự án của Chương trình, chính sách giảm nghèo. Xây dựng nội dung thi đua, khen thưởng, kỷ luật cụ thể đối với các cơ quan, cá nhân thực hiện công tác giảm nghèo và đối với các hộ gia đình thoát nghèo; báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30 tháng 5 năm 2019.
5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
a) Đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo hoàn thành các mục đề ra. Tăng cường công tác chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc đánh giá và rà soát hộ nghèo tại cơ sở đảm bảo khách quan, chính xác.
b) Thực hiện nghiêm túc cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc Chương trình theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ; trong đó cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm nhiệm vụ chủ đầu tư các công trình thuộc thẩm quyền cấp xã theo quy định.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình Khóa XVI, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 06 tháng 12 năm 2018 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 94/2018/NQ-HĐND quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 2Nghị quyết 40/NQ-HĐND năm 2018 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn Ngân sách nhà nước, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh Hà Giang
- 3Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND về phân khai chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 4Kế hoạch 19/KH-UBND về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2020 do tỉnh Cà Mau ban hành
- 5Kế hoạch 68/KH-UBND triển khai công tác giảm nghèo bền vững năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 1Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 4Nghị định 161/2016/NĐ-CP Cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020
- 5Nghị quyết 94/2018/NQ-HĐND quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 áp dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 6Nghị quyết 40/NQ-HĐND năm 2018 về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư trung hạn vốn Ngân sách nhà nước, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 tỉnh Hà Giang
- 7Nghị quyết 29/2018/NQ-HĐND về phân khai chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2019 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 8Kế hoạch 19/KH-UBND về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2020 do tỉnh Cà Mau ban hành
- 9Kế hoạch 68/KH-UBND triển khai công tác giảm nghèo bền vững năm 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Nghị quyết 105/NQ-HĐND năm 2018 về tăng cường công tác quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
- Số hiệu: 105/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 06/12/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
- Người ký: Trần Đăng Ninh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/12/2018
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết