Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
  TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
  Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
  ---------------

Số: 102/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 07 tháng 12 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÂN BỔ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2024

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024;

Căn cứ Nghị quyết số 105/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2024;

Xét Báo cáo số 266/BC-UBND ngày 19/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2023 và dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương năm 2024; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phân bổ ngân sách địa phương năm 2024 tỉnh Quảng Trị như sau:

1. Ngân sách cấp tỉnh:

a) Tổng thu ngân sách cấp tỉnh

Trong đó:

8.181.626 triệu đồng

- Thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp

1.634.080 triệu đồng

- Thu bổ sung từ ngân sách Trung ương

6.427.546 triệu đồng

- Thu chuyển nguồn, kinh phí thực hiện nhiệm vụ, chính sách địa phương năm trước chuyển sang

130.000 triệu đồng

b) Tổng chi ngân sách cấp tỉnh

Trong đó:

8.244.826 triệu đồng

- Chi thuộc nhiệm vụ ngân sách cấp tỉnh

4.727.852 triệu đồng

- Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới

3.516.974 triệu đồng

c) Bội chi ngân sách cấp tỉnh

53.200 triệu đồng

2. Ngân sách huyện (bao gồm ngân sách cấp huyện và cấp xã):

a) Tổng thu ngân sách huyện                                                               4.648.794 triệu đồng

Trong đó:

- Thu ngân sách địa phương hưởng theo phân cấp                               1.131.820 triệu đồng

- Thu bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh                                                    3.516.974 triệu đồng

b) Tổng chi ngân sách huyện                                                               4.648.794 triệu đồng 

(Chi tiết các biểu đính kèm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước)

Điều 2. Nhiệm vụ, giải pháp

1. Về nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu trên địa bàn, mở rộng cơ sở thu; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; tiếp tục triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp giảm, giãn thuế, phí, lệ phí theo quy định nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phấn đấu tăng thu ngân sách ở mức cao nhất.

- Chủ động và linh hoạt trong xúc tiến, thu hút đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn; tích cực hỗ trợ nhà đầu tư đang trong quá trình nghiên cứu lập đề xuất dự án; hỗ trợ kịp thời các thủ tục đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn, tăng thu ngân sách địa phương.

- Tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với cơ quan cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng; phối hợp, trao đổi thông tin giữa các sở, ban, ngành và địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước.

2. Về nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước

- Bám sát các nhiệm vụ, giải pháp điều hành của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và tình hình thực tế địa phương để chủ động điều hành ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2024; dành nguồn lực đảm bảo kinh phí thực hiện các cơ chế, chính sách đã được ban hành.

- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ quản trong quá trình phân bổ, quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách tại các đơn vị trực thuộc.

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục hạn chế trong chậm triển khai dự án, chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; kiên quyết điều chuyển vốn của các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc kéo dài, chuyển nguồn vốn đầu tư sang năm sau.

- Các địa phương, đơn vị điều hành, thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước phải theo khả năng, tiến độ nguồn thu ngân sách; chủ động sắp xếp nhiệm vụ trong phạm vi dự toán được giao trên tinh thần triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp với khả năng ngân sách được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác, kết hợp nguồn thu ngoài ngân sách, tăng cường huy động nguồn xã hội hoá; chỉ ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán chi thu, chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách; đối với dự toán chi thường xuyên, sự nghiệp giáo dục đào tạo dạy nghề không được thấp hơn mức dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Phân bổ các lĩnh vực chi thường xuyên khác cho đơn vị dự toán trực thuộc và xã, phường, thị trấn phù hợp tình hình thực tế và điều kiện khả năng ngân sách, đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, đề án theo phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách.

- Trong quá trình điều hành, trường hợp thu ngân sách địa phương dự kiến giảm so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao, các địa phương phải chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết; trong đó giao dự toán ngân sách nhà nước cho từng huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định phân bổ dự toán ngân sách theo thẩm quyền.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tô quốc Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị khóa VIII, Kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 07 tháng 12 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày thông qua./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- TTTU, TT HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- VP: Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- TT.HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đăng Quang

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 102/NQ-HĐND năm 2023 phân bổ ngân sách địa phương năm 2024 do tỉnh Quảng Trị ban hành

  • Số hiệu: 102/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đăng Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản