Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊ
U
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/NQ-HĐND

Bạc Liêu, ngày 15 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU, GIAI ĐOẠN 2016 – 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ NĂM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 52/BC-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh về “kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 -2021”; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016 -2021” với những nội dung cơ bản như sau:

1. Kết quả đạt được:

Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhất là việc cụ thể hóa các văn bản quy định của Trung ương và của tỉnh về phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiệm môi trường, cộng với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường ngày càng đi vào thực chất đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được quan tâm và tổ chức thực hiện đạt kết quả, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt tăng dần qua từng năm; chất lượng nguồn nước được cải thiện đáng kể; việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải được các cơ quan, tổ chức quan tâm thực hiện; 100% cơ sở y tế công lập và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường theo quy định; môi trường khu vực đô thị, nông thôn được cải thiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ, đồng bộ; toàn tỉnh trong nhiều năm qua không xảy ra điểm nóng về ô nhiễm môi trường.

2. Hạn chế:

Hội đồng nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với những hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đã thể hiện trong báo cáo của Đoàn giám sát; đồng thời, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một vài nơi (bãi chôn lấp rác tập trung thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, một số bãi rác nhỏ lẻ, tự phát trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, trung tâm các huyện, thị xã); tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt khu vực nông thôn đạt thấp; hệ thống xử lý nước thải của nhiều doanh nghiệp không vận hành thường xuyên, liên tục, còn tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; tình trạng các hộ nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh thực hiện xả bùn thải, nước thải chưa qua xử lý ra sông gây ô nhiễm nguồn nước còn diễn ra khá phổ biến; nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp môi trường còn thấp so với yêu cầu; công tác thu hút đầu tư vào lĩnh vực môi trường còn nhiều hạn chế; việc xã hội hóa các loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt,... chưa thực hiện được; công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm các hành vi gây ô nhiễm môi trường chưa được thực hiện thường xuyên; phương tiện chuyên dụng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường còn thiếu; trình độ, năng lực công chức phụ trách công tác môi trường cấp huyện, cấp xã còn nhiều hạn chế,...

Điều 2. Để khắc phục những hạn chế nêu trên; đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý của ngành, địa phương mình tiến hành rà soát, đối chiếu để có biện pháp khắc phục triệt để những khó khăn, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo của Đoàn giám sát. Trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh:

- Kiến nghị các Bộ, Ngành Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các Viện, Trường,... ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao các mô hình xử lý chất thải trong nông nghiệp phù hợp với quy mô nông hộ, nhất là chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và bao bì, gói thuốc vật tư nông nghiệp đã qua sử dụng.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đi vào chiều sâu, thực chất, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp; nhất là việc xả chất thải sinh hoạt, sản xuất phải đúng nơi quy định; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải chấp hành nghiêm cam kết bảo vệ môi trường, không xả rác thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiệm nguồn nước, môi trường sống, sản xuất của người dân.

- Chỉ đạo ngành chức năng sớm lập Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nước thải trên địa bàn tỉnh, nhất là quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh, quy hoạch các lò giết mổ tập trung, quy hoạch đầu tư hệ thống hạ tầng thủy lợi cấp, thoát nước thải phục vụ cho các vùng nuôi (kênh cấp nước và thoát nước riêng) để quản lý hiệu quả việc xả thải, đồng thời, ban hành quy định cụ thể về vùng nuôi theo quy hoạch; chỉ đạo Sở, Ngành có liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu sớm triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trên địa bàn, nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí về đô thị loại I.

- Quan tâm dành nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, nước thải trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch được duyệt. Cân đối nguồn lực đầu tư các phương tiện chuyên dụng để thu gom, vận chuyển rác thải, nhất là những phương tiện phù hợp với hạ tầng giao thông khu vực nông thôn; phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất đầu tư xây dựng các lò đốt rác công nghệ cao để xử lý rác thải y tế cho 03 cụm: Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, Trung tâm y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm y tế huyện Phước Long; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác thu hút đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi.

- Cương quyết không điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với các khu dân cư, khu đô thị mới đang hình thành trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo dự án đầu tư được duyệt, nhằm giảm ô nhiễm nguồn nước tại địa bàn các khu dân cư, khu đô thị mới hình thành.

- Tăng cường công tác thu hút đầu tư các dự án về xử lý môi trường, phát triển công nghệ môi trường, các dự án phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Có chính sách phù hợp để mời gọi, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực môi trường. Tăng cường khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, nhất là xã hội hóa các loại hình dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải.

- Chỉ đạo ngành chức năng rà soát, đối chiếu quy định hiện hành đối với việc quản lý, vận hành các Trạm quan trắc, xét thấy đủ điều kiện chuyển giao về cấp huyện quản lý để kịp thời theo dõi và cung cấp thông tin phục vụ sản xuất cho người dân.

- Sớm ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, nhằm đáp ứng một phần nhiệm vụ chi, góp phần hạn chế nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường rà soát, kiện toàn bộ máy cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp thực hiện các mặt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ, công chức làm công tác môi trường nói riêng và cán bộ, công chức cấp xã nói chung để động viên, khuyến khích lực lượng này an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Đối với các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi, rà soát, chủ động xử lý theo thẩm quyền, phối hợp tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh có giải pháp xử lý, tháo gỡ, khắc phục kịp thời các khó khăn, hạn chế, vướng mắc và các kiến nghị được thể hiện trong báo cáo của Đoàn giám sát.

3. Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện:

- Tăng cường công tác chỉ đạo các đơn vị quản lý và thực hiện thu gom xử lý rác thải trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường; giải quyết dứt điểm các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường theo thẩm quyền. Có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp “chây ỳ”, chậm khắc phục những vi phạm về công tác bảo vệ môi trường đã được các đoàn kiểm tra phát hiện và yêu cầu sửa chữa, khắc phục.

- Quan tâm rà soát, bố trí cán bộ có đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực môi trường; phối hợp ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường trên địa bàn.

- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân cấp xã tích cực xây dựng kế hoạch, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan Đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đảm bảo nội dung có trọng tâm, gắn với quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện nghiêm Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về quy định phân cấp quản lý chất thải rn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu”, dành nguồn lực trang bị thiết bị, xe chuyên dụng đảm bảo thu gom triệt để rác thải, chất thải rắn phát sinh hàng ngày.

- Riêng Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu ngoài các nội dung nêu trên, khẩn trương chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong lập quy hoạch và thực hiện thủ tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhằm xử lý và quản lý nguồn nước thải sinh hoạt; đồng thời, đáp ứng mục tiêu hoàn thành tiêu chí xây dựng đô thị thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại I.

4. Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Quan tâm rà soát bố trí công chức trong lĩnh vực môi trường đảm bảo có năng lực và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân, nhất là những nơi chưa có điều kiện tổ chức thu gom rác thải, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành trong việc tự thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày; kể cả việc thu gom tập kết các bao, gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng đảm bảo đúng nơi quy định.

- Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền hoặc báo cáo kịp thời cấp có thẩm quyền để xử lý.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa X, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 15 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực thi hành./.

 


Nơi nhận:
- UBTVQH (báo cáo);
- Chính phủ (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan tại điều 2;
- Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã;
- Lưu (NH).

CHỦ TỊCH




Lữ Văn Hùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 10/NQ-HĐND năm 2022 kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2016-2021

  • Số hiệu: 10/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Lữ Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản