Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2019/NQ-HĐND

Ninh Thuận, ngày 12 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VÀ MỨC CHI HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TRONG NƯỚC ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Thực hiện Quyết định số 323/QĐ-BTC ngày 01/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Xét Tờ trình số 97/TTr-UBND ngày 27 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Báo cáo của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số nội dung và mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

2. Đối tượng áp dụng

a) Cán bộ, công chức, công chức thực hiện chế độ tập sự trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh, ở huyện, thành phố; cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố;

d) Viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Các đối tượng trên được gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 2. Đối tượng không được áp dụng chế độ hỗ trợ

1. Cán bộ, công chức, viên chức không thuộc các nhóm đối tượng quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này.

2. Cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ so với trình độ theo nhu cầu tuyển dụng của cơ quan, đơn vị từ trình độ sơ cấp lên trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc trung cấp lên trình độ cao đẳng, đại học để nâng cao hiệu quả công tác; tuy nhiên để khuyến khích, cơ quan, đơn vị nơi cá nhân đang công tác có thể xem xét, tạo điều kiện về thời gian cho đi đào tạo, bồi dưỡng.

3. Cán bộ, công chức, viên chức đã được cơ quan có thẩm quyền cử và áp dụng chế độ hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này phải đi học và thi lại do chưa được công nhận tốt nghiệp sau khi kết thúc chương trình đào tạo vì nguyên nhân chủ quan; không tuân thủ nội quy, quy chế của cơ sở đào tạo.

4. Cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng và được hỗ trợ kinh phí theo chương trình học bổng; chương trình của đề án, dự án; chương trình mục tiêu quốc gia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan có thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng chế độ hỗ trợ riêng theo quy định của pháp luật từ nguồn ngân sách hoặc từ các nguồn học bổng, tài trợ.

Điều 3. Nội dung và mức chi

1. Chi phí dịch vụ đào tạo và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo: được thanh toán 100% theo hóa đơn của cơ sở đào tạo nơi được cử đi đào tạo hoặc theo hợp đồng cụ thể do cấp có thẩm quyền ký kết.

2. Chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc: được thanh toán theo chứng từ thực tế nhưng không quá:

a) 800.000 đồng/người/năm học đối với các trường hợp học sau đại học hoặc tương đương.

b) 550.000 đồng/người/năm học đối với các trường hợp học đại học hoặc tương đương.

c) 550.000 đồng/người/khóa học đối với các trường hợp học cao cấp lý luận chính trị hoặc tương đương.

d) 350.000 đồng/người/khóa học đối với các trường hợp học trung cấp lý luận chính trị hoặc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên cao cấp.

đ) 250.000 đồng/người/khóa học đối với các trường hợp học bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên chính.

e) 150.000 đồng/người/khóa học đối với các trường hợp học bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên, Cán sự.

g) 80.000 đồng/người/khóa học đối với các trường hợp bồi dưỡng ngắn hạn (dưới 01 tháng) hoặc bồi dưỡng khác, trường hợp học từ 2 khóa bồi dưỡng trở lên/năm (không bao gồm các khóa bồi dưỡng quy định tại các điểm d, đ, e của khoản này) được thanh toán không quá 200.000 đồng/người.

3. Chi hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi học tập trung:

a) Ngoài tỉnh: 40.000 đồng/người/ngày, theo lịch học của cơ sở đào tạo, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

b) Trong tỉnh: cho những ngày thực học tại cơ sở đào tạo:

- 20.000 đồng/người/ngày đối với các đối tượng quy định tại điểm a, b, d khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này.

- 30.000 đồng/người/ngày đối với các đối tượng quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 Nghị quyết này.

4. Chi hỗ trợ đi lại từ cơ quan đến nơi học tập:

a) Ngoài tỉnh: thanh toán theo quy định hiện hành về khoản tiền tàu, xe đi công tác; bao gồm lượt đi và về/khóa đào tạo, bồi dưỡng, lượt đi và về nghỉ hè, nghỉ Tết nguyên đán trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng (nếu có).

b) Trong tỉnh: 30.000 đồng/người/lượt đi và về nhưng không quá 60.000 đồng/người/khóa học, đợt học theo lịch tập trung của cơ sở đào tạo và chỉ áp dụng đối với trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của cấp có thẩm quyền.

5. Chi hỗ trợ thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ trong những ngày đi tập trung học tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo và đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ):

a) Ngoài tỉnh: 70.000 đồng/người/ngày, theo lịch của cơ sở đào tạo, kể cả thứ bảy và chủ nhật.

b) Trong tỉnh: 30.000 đồng/người/ngày, áp dụng đối với trường hợp được cấp có thẩm quyền cử đến học tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có khoảng cách đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của cá nhân xa hơn khoảng cách từ cơ quan, đơn vị công tác đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của cá nhân từ 30 km trở lên;

6. Chi hỗ trợ cán bộ, công chức là nữ, là người dân tộc thiểu số được cử đi đào tạo theo các chính sách, chế độ quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc: 350.000 đồng/tháng.

7. Chi thù lao giảng viên, báo cáo viên, trợ giảng trong nước (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng; một buổi giảng được tính bằng 4 tiết học)

a) Giảng viên, báo cáo viên là Ủy viên Trung ương Đảng; Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy và các chức danh tương đương: 2.000.000 đồng/người/buổi.

b) Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các chức danh tương đương; giáo sư; chuyên gia cao cấp: 1.600.000 đồng/người/buổi.

c) Giảng viên, báo cáo viên là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Chuyên viên cao cấp; Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và chức danh tương đương thuộc Bộ, Vụ trưởng, Phó vụ trưởng và chức danh tương đương thuộc Tổng cục; phó giáo sư; tiến sỹ; giảng viên cao cấp và chức danh tương đương: 1.400.000 đồng/người/buổi.

d) Giảng viên, báo cáo viên là thủ trưởng, cấp phó các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, thạc sĩ, chuyên viên chính, giảng viên chính và các chức danh tương đương: 1.000.000 đồng/người/buổi.

đ) Giảng viên, báo cáo viên là thủ trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị cấp huyện trở xuống: 600.000 đồng/người/buổi.

e) Chi thù lao trợ giảng: 200.000 đồng/người/buổi (nếu có).

g) Trường hợp Giảng viên, báo cáo viên thuộc đối tượng hưởng các mức chi khác nhau thì được hưởng một mức chi cao nhất theo quy định.

h) Riêng đối với các giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp học do các cơ sở đào tạo khác tổ chức thì vẫn được hưởng theo chế độ thù lao giảng viên theo quy định.

8. Đối với giảng viên nước ngoài: Tùy theo mức độ cần thiết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định việc mời giảng viên nước ngoài. Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định trên cơ sở thỏa thuận tùy theo chất lượng giảng viên và bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.

9. Phụ cấp tiền ăn, tiền phương tiện đi lại và tiền thuê chỗ nghỉ cho giảng viên, báo cáo viên:

Trường hợp cơ quan, đơn vị không bố trí được phương tiện, không có điều kiện bố trí chỗ nghỉ cho giảng viên, báo cáo viên (phải thuê ngoài): mức chi theo quy định hiện hành của Tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

10. Chi nước uống phục vụ lớp học: 10.000 đồng/người/ngày.

11. Hỗ trợ tiền đi thực tế sưu tầm tài liệu để viết đề tài, luận văn tốt nghiệp trên cơ sở có xác nhận của nơi đến thực tế và chỉ áp dụng đối với các trường hợp được miễn thi tốt nghiệp:

a) Trường hợp học sau đại học hoặc tương đương: 200.000 đồng/người/ngày nhưng không quá 800.000 đồng/người/khóa học ở ngoài tỉnh; không quá 600.000 đồng/người/khóa học ở trong tỉnh.

b) Trường hợp học đại học hoặc cao cấp lý luận chính trị: 200.000 đồng/người/ngày nhưng không quá 600.000 đồng/người/khóa học ở ngoài tỉnh; không quá 400.000 đồng/người/khóa học ở trong tỉnh.

c) Trường hợp học trung cấp lý luận chính trị: 100.000 đồng/người/ngày nhưng không quá 200.000 đồng/người/khóa học.

12. Các khoản hỗ trợ khuyến khích khác:

a) 20.000.000 đồng/người tốt nghiệp Thạc sỹ, Chuyên khoa I hoặc tương đương;

b) 30.000.000 đồng/người tốt nghiệp Tiến sỹ, Chuyên khoa II hoặc tương đương.

c) 400.000 đồng/người/khóa học đối với trường hợp đi học lớp đào tạo tập trung từ đủ 01 năm trở lên tại các cơ sở đào tạo từ Huế trở ra.

d) 300.000 đồng/người/tháng học tập trung liên tục ở ngoài tỉnh, 150.000 đồng/người/tháng học tập trung liên tục ở trong tỉnh đối với trường hợp là nữ giới có con nhỏ dưới 06 tuổi.

đ) 300.000 đồng/người/khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoài tỉnh, nhưng không quá 450.000 đồng/người/năm đối với trường hợp học từ 2 khóa bồi dưỡng trở lên/năm); 200.000 đồng/người/khóa đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh, nhưng không quá 300.000 đồng/người/năm đối với trường hợp học từ 2 khóa bồi dưỡng trở lên/năm (không thuộc địa bàn huyện hoặc thành phố nơi cá nhân cư trú) đối với cán bộ, công chức, viên chức là người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số đang cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.

13. Các nội dung chi và mức chi khác liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Quyết định số 323/QĐ-BTC ngày 01/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành của Trung ương và địa phương.

Điều 4. Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn

Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn (dưới 01 tháng) trong hoặc ngoài tỉnh được hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí thường xuyên của cơ quan, đơn vị nơi cá nhân công tác; mức áp dụng theo chế độ hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này hoặc theo quy định về chế độ công tác phí hiện hành, tùy theo khả năng cân đối nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên và quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Riêng đối với cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố; trường hợp đơn vị không đảm bảo kinh phí thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp huyện được cân đối hỗ trợ từ nguồn kinh phí của địa phương.

Điều 5. Nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng

1. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (bao gồm Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc biên chế do cơ quan có thẩm quyền phân bổ) được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức; đóng góp của cán bộ, công chức; tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Riêng các trường hợp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng sẽ do ngân sách tỉnh cân đối, hỗ trợ - kể cả đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khác, nếu nguồn tài chính của đơn vị không đảm bảo.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Giao UBND tỉnh căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn triển khai thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật, hằng năm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết cho HĐND tỉnh theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận Khóa X Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 23 tháng 7 năm 2019./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu-UBTVQH;
- Văn phòng Quốc Hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài chính;
- Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa X;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh;
- VP. Tỉnh ủy, HĐND, UBND;
- TT. HĐND và UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Thanh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 10/2019/NQ-HĐND quy định về mức chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng trong nước đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 10/2019/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Đức Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản