HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2009/NQ-HĐND | Bạc Liêu, ngày 10 tháng 12 năm 2009 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 17
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét Tờ trình số 136/TTr-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh, Báo cáo thẩm tra của các ban của Hội đồng nhân dân và ý kiến đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2009:
Năm 2009, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh nỗ lực thực hiện, về cơ bản đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu do Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững; các chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ và của tỉnh được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giảm nghèo và việc làm được thực hiện có kết quả, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân trong tình hình suy giảm kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác quân sự, quốc phòng được tăng cường; bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn; quyết tâm chính trị của các cấp, các ngành được khẳng định, là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản và kết quả đạt được, năm 2009, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và thiếu sót, đòi hỏi phải có sự tập trung cao, thật sự chủ động, làm tốt công tác dự báo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, làm cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU NĂM 2010:
1. Mục tiêu tổng quát:
Tập trung mọi nỗ lực để đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009; nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; triển khai thực hiện tích cực các giải pháp của Chính phủ để chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đạt các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2010 và đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
2. Nhiệm vụ:
a) Khai thác mọi lợi thế, tiềm năng của tỉnh, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế;
b) Quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách theo dự toán để đảm bảo hoàn thành kế hoạch; triển khai thực hiện thật tốt các giải pháp quản lý vĩ mô của Chính phủ, để góp phần cùng cả nước ngăn ngừa lạm phát cao, bảo đảm tính ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009;
c) Tập trung phát triển, tạo ra sự chuyển biến mới đối với kinh tế biển, dịch vụ du lịch, sản xuất công nghiệp; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả và bền vững; tiếp tục cải thiện đời sống nông dân;
d) Tạo một bước tiến mới trong việc cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành chương trình cải cách thủ tục hành chính giai đoạn I, xây dựng chương trình cho giai đoạn sau; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo lòng tin cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư;
e) Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác giảm nghèo và chống tái nghèo; tiếp tục đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc;
f) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân.
3. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), giá cố định 94 là: 12% so năm 2009.
- Cơ cấu kinh tế (GDP):
+ Nông - lâm - ngư nghiệp: 50,10%;
+ Công nghiệp và Xây dựng: 24,94%;
+ Dịch vụ: 24,96%.
- Thu nhập bình quân đầu người: 18.860.000 đồng/người/năm.
- Giá trị hàng hóa xuất khẩu: 250 triệu USD.
Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu: 210 triệu USD.
- Tổng thu trong cân đối ngân sách: 630 tỷ đồng.
- Tổng chi trong cân đối ngân sách: 1.776 tỷ đồng.
- Sản lượng lương thực: 815.000 tấn.
- Sản lượng thủy sản: 225.000 tấn.
Trong đó tôm: 83.000 tấn.
- Giảm tỷ lệ sinh: 0,02%.
- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 18%.
- Tỷ lệ phòng học đạt chuẩn nhà cấp III: 50%.
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế: 90% xã.
- Số xã có đường ô tô đến trung tâm xã: 38/50 xã.
- Số bác sĩ/vạn dân: 5,5 người.
- Số giường bệnh/vạn dân (Không kể giường ở trạm y tế xã, phường, thị trấn): 14,5 giường.
- Tỷ lệ hộ dùng nước sạch đã qua xử lý: 55%.
- Giải quyết việc làm: 15.000 lao động.
- Đào tạo lao động: 12.000 người.
- Tỷ lệ hộ nghèo: 8,5%.
- Học sinh trong độ tuổi đi học mẫu giáo: 68%.
- Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn: 17%.
- Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia: 95%.
- Tỷ lệ sử dụng điện thoại: 60 máy/100 dân.
- Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị: 85%.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH, LĨNH VỰC CHỦ YẾU:
Cơ bản nhất trí với những định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
1. Thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế:
a) Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp, chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, khắc phục những yếu kém của nền kinh tế, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế;
b) Vận dụng thực hiện tốt các quy định về đầu tư, kinh doanh, đấu thầu, quản lý và sử dụng đất đai; triển khai thực hiện tốt Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến đất đai; vận dụng linh hoạt các chính sách để giải quyết vướng mắc kéo dài trong thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư;
c) Đơn giản hơn nữa và công khai mọi quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh. Rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh và đầu tư. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, biện pháp hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ;
d) Thực hiện tốt cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển; chống tình trạng khép kín trong đầu tư và xây dựng. Quản lý chặt chẽ vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ. Tổ chức thực hiện đúng tiến độ các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, tăng cường giám sát, thanh tra nhằm khắc phục tình trạng nhà thầu kém năng lực, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng cường công tác theo dõi và đánh giá việc thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước. Có cơ chế xử phạt các chủ dự án và cơ quan chủ quản do thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót và đạt kết quả thấp trong quản lý đầu tư;
đ) Huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng 14% trở lên. Khuyến khích đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nông nghiệp, nông thôn, du lịch, văn hóa - thể thao, các ngành có hàm lượng khoa học - công nghệ cao. Khuyến khích xã hội hóa, huy động nhiều nguồn lực phát triển các lĩnh vực dịch vụ công. Công khai hóa quy hoạch tổng thể của tỉnh; huyện, thị xã; ngành rà soát và minh bạch hóa danh mục các lĩnh vực, địa bàn thuộc diện cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện;
e) Tăng cường xúc tiến đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế có thực lực mạnh để kêu gọi đầu tư vào các dự án, lĩnh vực mà tỉnh đang cần. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào tỉnh Bạc Liêu;
f) Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm.
2. Đổi mới và vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách:
a) Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cho tỉnh Bạc Liêu được hưởng một số chính sách đặc thù trong một số lĩnh vực như: Không hạn chế tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn; khoanh nợ cũ, hỗ trợ cho vay mới đối với những hộ nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại những năm trước để có vốn tiếp tục đầu tư; cơ chế hỗ trợ và đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; miễn đấu giá quyền sử dụng đất một số dự án; chính sách thu hút đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ - du lịch,... trình Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho tỉnh một số dự án lớn mang tính động lực;
b) Thực hiện tốt cơ chế chính sách còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không còn phù hợp thuộc thẩm quyền của tỉnh ban hành, nhất là chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, chính sách đối với tổ chức và cá nhân môi giới đầu tư, chính sách thu hút nguồn nhân lực, về cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa liên thông, quy chế phối hợp kiểm tra và quan điểm xử phạt các vi phạm đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài tỉnh đầu tư vào Bạc Liêu, các cơ sở hoạt động văn hóa, y tế, các vi phạm về an toàn giao thông,... tạo môi trường thật sự thông thoáng để thu hút đầu tư;
c) Tiếp tục phân cấp mạnh trên một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh chồng chéo, khép kín, hay thả nổi quản lý. Tăng cường phân cấp thẩm quyền cho cấp huyện, cấp xã để giải quyết các yêu cầu của người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
3. Các giải pháp về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đảm bảo an sinh xã hội:
a) Thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp; hướng việc đào tạo phục vụ theo nhu cầu của xã hội. Triển khai thực hiện đề án dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp; mở rộng các hình thức dạy nghề, hỗ trợ cho vay để học nghề, tạo việc làm, cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm, thông tin thị trường lao động,…;
b) Tăng cường các biện pháp, chính sách thúc đẩy tạo thêm việc làm mới bao gồm khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; tăng cường cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm,…;
c) Rà soát lại danh sách hộ nghèo, xã nghèo để đảm bảo việc hỗ trợ người nghèo đúng đối tượng. Tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững thông qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2, Quyết định số 74 của Thủ tướng Chính phủ và phát huy kinh nghiệm giảm nghèo của các địa phương trong thời gian qua, đặc biệt chú trọng xây dựng các hợp tác xã nuôi nghêu ven biển. Thường xuyên theo dõi và đánh giá việc thực hiện chương trình này để đảm bảo hỗ trợ đúng mục tiêu và có hiệu quả;
d) Đa dạng hóa các loại bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Huy động thêm nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện các chương trình xã hội cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho người nghèo;
đ) Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích và đa dạng hóa các hình thức trợ giúp xã hội của các tổ chức, cá nhân. Có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tạo việc làm cho những người tàn tật và con em các gia đình chính sách;
e) Tranh thủ vốn Trung ương đầu tư và thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, ký túc xá cho sinh viên, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, cho người lao động có thu nhập thấp. Triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ;
f) Quản lý tốt 20% quỹ đất các dự án đô thị mới để tái định cư cho người dân có liên quan đến các dự án; triển khai xây dựng một số khu tái định cư cho người có mức thu nhập cao, trung bình và thấp.
4. Quốc phòng - an ninh
a) Chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là lực lượng vũ trang xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; xây dựng lực lượng thường trực đạt tỷ lệ 95% quân số trở lên. Làm tốt công tác gọi, tuyển chọn thanh niên nhập ngũ. Nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và đảm bảo công tác hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu;
b) Tổ chức phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng, chống tội phạm và hoạt động “Diễn biến hòa bình”, “Bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch để giữ vững an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ Đại hội Đảng các cấp theo kế hoạch. Xây dựng thế trận an ninh nhân dân với thế trận quốc phòng toàn dân trong khu vực phòng thủ; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Bảo vệ dân phố; Tổ Tự quản; Đội Dân phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với thường xuyên tuần tra, lập lại trật tự giao thông, làm dừng, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
5. Xây dựng chính quyền và cải cách hành chính
a) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính công, trọng tâm của năm 2010 là cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa” và “Một cửa liên thông”, triển khai thực hiện mô hình “Một cửa liên thông hiện đại” ở một số cơ quan đơn vị, bảo đảm bước tiến mới về chất, tạo ra chuẩn mực mới cho nền hành chính. Nêu cao vai trò và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Hoàn thành việc thực hiện Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ;
b) Thực hiện phân cấp mạnh hơn cho cấp dưới, đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện, tránh ôm đồm, bao biện, đi đôi với tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra việc thực hiện tốt quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp, nhằm nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức văn bản; tránh tình trạng các văn bản có nội dung chồng chéo, trùng lắp, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện;
c) Tăng cường giáo dục, nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò trách nhiệm của cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ làm tham mưu, Giám đốc các sở, ngành;
d) Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đặc biệt là trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Thử nghiệm phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội;
đ) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, để có đủ kỹ năng và năng lực thực hiện nhiệm vụ. Nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức;
e) Tiếp tục triển khai việc thực hiện các biện pháp hiện đại hóa nền hành chính, đổi mới phương thức điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính;
f) Tổ chức thực hiện tốt Luật phòng, chống tham nhũng, Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Đảm bảo công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát; phối hợp thật tốt giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là khi giải quyết các trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng. Phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; có chính sách, biện pháp bảo vệ người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí,...;
g) Đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong bộ máy chính quyền các cấp thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy dân chủ; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở;
h) Các cấp, các ngành cần giành nhiều thời gian cho công tác giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của công dân theo hướng: Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; quan tâm chỉ đạo giải quyết khách quan, công tâm; tổ chức rà soát, xem xét, điều chỉnh những quyết định giải quyết chưa chính xác; những quyết định đã đúng phải kiên quyết thực hiện; phê bình, khiển trách đối với chính quyền cấp dưới ra quyết định không khách quan, cũng như không chấp hành quyết định của cấp trên; đồng thời phê phán nghiêm túc các cơ quan tham mưu, đề xuất sai làm cho việc triển khai thi hành các quyết định gặp khó khăn, kéo dài. Tăng thêm biên chế, cán bộ cho các cơ quan có chức năng giải quyết yêu cầu, khiếu nại của công dân ở các cấp. Cải tiến và nâng cao chất lượng các buổi tiếp công dân định kỳ; tập trung xử lý dứt điểm các vụ yêu cầu, khiếu nại của công dân còn tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc phức tạp có khả năng xảy ra điểm nóng, gây mất an ninh trật tự. Tổ chức cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tham gia ngay từ đầu trong việc giải quyết yêu cầu, khiếu nại của công dân.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo thẩm quyền.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 17 thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XV, kỳ họp thứ 2 ban hành
- 2Nghị quyết 13a/2009/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Nghị quyết 13/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Bạc Liêu ban hành
- 5Quyết định 924/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành đến hết ngày 31/12/2013
- 1Luật phòng, chống tham nhũng 2005
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 69/2009/NĐ-CP bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- 4Nghị quyết 17/2011/NQ-HĐND về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 do Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XV, kỳ họp thứ 2 ban hành
- 5Nghị quyết 13a/2009/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 6Nghị quyết 01/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 7Nghị quyết 13/2013/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 do tỉnh Bạc Liêu ban hành
Nghị quyết 10/2009/NQ-HĐND về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 do Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 17 ban hành
- Số hiệu: 10/2009/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/12/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
- Người ký: Nguyễn Văn Út
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/12/2009
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực