Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2024/NQ-HĐND

Phú Yên, ngày 19 tháng 9 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 22

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Xét Tờ trình số 134/TTr-UBND ngày 04 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quy định mức hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị quyết này quy định mức hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước tại các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng); đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; ô nhiễm môi trường; các làng chài trên sông nước, đầm phá); vùng dân di cư tự do đến đời sống quá khó khăn và khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030.

2. Phạm vi của Nghị quyết không bao gồm phạm vi điều chỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ quét, ngập lụt, nước dâng.

b) Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu; du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, ô nhiễm môi trường.

c) Hộ gia đình, cá nhân đã di cư tự do đến các địa bàn trong tỉnh không theo quy hoạch, kế hoạch, đời sống còn khó khăn; hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu rừng đặc dụng cần phải bố trí, ổn định lâu dài.

d) Cộng đồng dân cư nơi tiếp nhận người dân tái định cư tập trung, xen ghép.

2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan.

3. Đối tượng của Nghị quyết không bao gồm đối tượng áp dụng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Ưu tiên bố trí, sắp xếp ổn định hộ gia đình, cá nhân ở nơi bị thiên tai, vùng có nguy cơ cao về thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng) đến nơi định cư an toàn.

2. Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư phải thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hàng năm hoặc theo giai đoạn. Địa bàn bố trí ổn định dân cư tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ phải bảo đảm phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương.

3. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng định mức, đúng đối tượng. Đối với Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 thì mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được hưởng hỗ trợ một lần (trừ trường hợp thiên tai, bất khả kháng). Đối với Điều 8 thì mỗi mảnh đất trồng lúa được khai hoang, cải tạo chỉ được hưởng hỗ trợ một lần.

Điều 4. Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân di dời nhà ở

1. Nội dung hỗ trợ: hộ gia đình, cá nhân phải di dời nhà ở khẩn cấp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ thiên tai theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

2. Mức hỗ trợ: 30.000.000 đồng/hộ.

3. Phương thức hỗ trợ: kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân sau khi thực hiện hoàn thành công tác di dời nhà ở đến nơi tái định cư tập trung, xen ghép và được nghiệm thu theo quy định.

Điều 5. Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân về nhà ở

1. Nội dung hỗ trợ: chi phí làm nhà ở mới; sửa chữa nhà ở.

2. Mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ làm nhà ở mới đối với những hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển nhà đến nơi ở mới; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở: 30.000.000 đồng/hộ. Riêng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 40.000.000 đồng/hộ.

b) Hỗ trợ sửa chữa nhà ở đối với những hộ gia đình, cá nhân có nhà ở bị hư hỏng: 15.000.000 đồng/hộ. Riêng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 20.000.000 đồng/hộ.

3. Phương thức hỗ trợ: kinh phí hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân sau khi thực hiện hoàn thành nhà ở mới tại nơi tái định cư tập trung, xen ghép hoặc hoàn thành sửa chữa nhà ở đối với bố trí dân cư ổn định tại chỗ và được nghiệm thu theo quy định. Chất lượng nhà ở được hỗ trợ phải đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 6. Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân về lương thực

1. Nội dung hỗ trợ: chi phí cho hộ gia đình, cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian đầu tại nơi tái định cư mới, thời gian hỗ trợ 12 tháng.

2. Mức hỗ trợ: 2.000.000 đồng/hộ/tháng.

3. Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ bằng tiền cho hộ gia đình, cá nhân sau khi thực hiện hoàn thành công tác di dời nhà ở đến nơi tái định cư mới.

Điều 7. Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân về giếng nước hoặc bể chứa nước sinh hoạt

1. Nội dung hỗ trợ: chi phí để làm mới giếng hoặc bể chứa nước sinh hoạt (bể chứa làm bằng các vật liệu kim loại, nhựa, xi măng có dung tích tối thiểu 500 lít). Chỉ hỗ trợ tại những nơi không có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

2. Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/hộ.

3. Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ bằng tiền cho hộ gia đình, cá nhân sau khi hoàn thành làm giếng hoặc bể chứa nước sinh hoạt và được nghiệm thu theo quy định.

Điều 8. Hỗ trợ trực tiếp hộ gia đình, cá nhân về khai hoang, cải tạo đất trồng lúa (nếu có)

1. Nội dung hỗ trợ: chi phí khai hoang, cải tạo đất trồng lúa đối với những nơi có điều kiện khai hoang, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa.

b) Hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa nước một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

3. Phương thức hỗ trợ: hỗ trợ bằng tiền cho hộ gia đình, cá nhân sau khi hoàn thành khai hoang, cải tạo đất trồng lúa và được nghiệm thu theo quy định.

Điều 9. Nguồn kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, kế hoạch, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác trên địa bàn.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Những nội dung khác không quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo Thông tư số 24/2023/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định khác theo quy định.

2. Thời gian thực hiện: tthời điểm Nghị quyết có hiệu lực.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên Khóa VIII, Kỳ họp thứ 22 thông qua ngày 19 tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 29 tháng 9 năm 2024./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Bộ: TC, KH&ĐT, NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Viện KSND, TAND, Cục THADS tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Trung tâm Truyền thông - Văn phòng UBND tỉnh;
- Trang Thông tin điện tử HĐND tỉnh;
- Lưu VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Cao Thị Hòa An

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 09/2024/NQ-HĐND về Quy định mức hỗ trợ thực hiện bố trí ổn định dân cư trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030

  • Số hiệu: 09/2024/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 19/09/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Cao Thị Hòa An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản