Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2020/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA CHỦ TRƯƠNG BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, NỘI DUNG, MỨC CHI HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 18

(Từ ngày 07/12/2020 đến ngày 09/12/2020)

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 và Luật số 47/2019/QH14;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 05/2019/TT-BKH ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 06/2019/TT-BKH ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên;

Căn cứ Thông tư 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư 54/2019/TT-BTC ngày 21/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên;

Căn cứ Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra, thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia;

Xét Tờ trình số 227/TTr-UBND ngày 23/11/2020 của UBND Thành phố đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025 và Quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Báo cáo thẩm tra số 71/BC-HĐND ngày 02/12/2020 của Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND Thành phố; Báo cáo giải trình số 361/BC-UBND ngày 04/12/2020 của UBND Thành phố; Ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của đại biểu HĐND Thành phố.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 với các mục tiêu như sau:

- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung ương và Thành phố nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển;

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường, góp phần cải thiện chỉ số PCI của Thành phố;

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới bình quân khoảng 10%/năm (bình quân khoảng 30.000 doanh nghiệp mới/năm), phấn đấu trong giai đoạn 2021- 2025 Thành phố có thêm 150.000 doanh nghiệp thành lập mới;

- Giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa phấn đấu đạt được các chỉ tiêu: (1) Tạo thêm khoảng 1,5 triệu việc làm mới cho người lao động; (2) Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô; (3) Đóng góp trên 40% GRDP và trên 30% ngân sách Thành phố;

- Củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển hình thành khoảng 10 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 5 ngành tiềm năng gồm: Công nghệ thông tin; Công nghiệp điện tử; Cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm;

- Hỗ trợ ít nhất 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc các ngành: Công nghệ thông tin; Công nghiệp điện tử; Cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thành công.

Điều 2. Quy định một số chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định chính sách, nội dung, mức chi từ ngân sách địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Đối tượng áp dụng

- Doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Các doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Các hộ kinh doanh đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội;

- Các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp.

3. Các chính sách hỗ trợ

3.1. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị

a) Đối tượng hỗ trợ: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến tập trung vào 05 ngành tiềm năng sau: Công nghệ thông tin; Công nghiệp điện tử; Cơ khí chế tạo; Nông nghiệp công nghệ cao; Bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm.

b) Điều kiện tham gia: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

(1) Tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành;

(2) Có đổi mới sáng tạo về quy trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị.

c) Phương thức lựa chọn: Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc 05 ngành trên được lựa chọn tham gia Đề án theo một trong các phương thức sau:

(1) Có hợp đồng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp dẫn dắt trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

(2) Có hợp đồng mua chung nguyên vật liệu đầu vào.

(3) Có hợp đồng bán chung sản phẩm.

(4) Cùng xây dựng và sử dụng thương hiệu vùng.

d) Nội dung và mức hỗ trợ:

* Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn đánh giá toàn diện năng lực đáp ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia chuỗi cung ứng nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cải tiến, nâng cấp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối, trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp đầu chuỗi nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

* Hỗ trợ về thông tin, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường

- Hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước hoặc quốc tế nhưng không quá 50 triệu đồng /doanh nghiệp/năm;

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/doanh nghiệp/năm;

* Hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp tự tổ chức đo lường nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp;

- Hỗ trợ 100% chi phí cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật nhưng không quá 20 triệu/sản phẩm/doanh nghiệp/năm.

*Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng

- Hỗ trợ 100% chi phí thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chi phí chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

- Hỗ trợ 50% chi phí sử dụng trang thiết bị tại cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng không quá 20 triệu đồng/lần/năm/doanh nghiệp.

đ) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ thông qua các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo quy định.

3.2. Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp

a) Đối tượng hỗ trợ:

- Doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ phí Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Mức phí hỗ trợ là 100.000 đồng/doanh nghiệp (theo quy định tại Thông tư số 47/2019/TT-BTC ngày 05/8/2019 của Bộ Tài chính).

- Hỗ trợ kinh phí chuyển phát nhanh cho doanh nghiệp có nhu cầu nhận kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp tại nhà hoặc trụ sở làm việc. Mức hỗ trợ theo giá cước thực tế của Chi nhánh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Bưu điện thành phố Hà Nội (đơn vị được chỉ định thực hiện dịch vụ công ích theo Quyết định số 41/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ thông qua các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo quy định.

3.3. Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Đối tượng hỗ trợ: Các doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ kinh phí dịch vụ chứng thực 01 (một) chữ ký số cho doanh nghiệp thành lập mới sử dụng trong 01 năm đầu hoạt động nhưng không quá 01 triệu đồng/doanh nghiệp;

- Hỗ trợ kinh phí khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm gói 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới nhưng không quá 01 hiệu đồng/1 doanh nghiệp.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ thông qua các đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo quy định.

3.4. Hỗ trợ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Đối tượng hỗ trợ: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc thành phố Hà Nội.

b) Nội dung và mức hỗ trợ:

- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn chuyên sâu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. Kinh phí hỗ trợ theo định mức tiêu chuẩn về chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế áp dụng tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các văn bản hiện hành của Nhà nước nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ thông qua đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo quy định.

3.5. Hỗ trợ chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Đối tượng hỗ trợ: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia tư vấn nhằm duy trì hoạt động tư vấn thường xuyên, chuẩn đoán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội tại cơ quan đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp. Kinh phí thuê chuyên gia áp dụng theo định mức tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố hỗ trợ thông qua đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo quy định.

3.6. Hỗ trợ thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp:

a) Đối tượng hỗ trợ: Các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh cho hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm trang bị kiến thức và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Kinh phí hỗ trợ áp dụng theo Thông tư 05/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính;

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách cấp Thành phố và cấp huyện hỗ trợ thông qua đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ để triển khai thực hiện theo quy định.

3.7. Chi nghiên cứu xây dựng sách trắng về doanh nghiệp Hà Nội thường niên áp dụng theo mức chi quy định tại Nghị quyết 10/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của HĐND Thành phố quy định về nội dung chi, mức chi xây dựng và thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án không phải là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhưng có tính chất tương tự; Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.

3.8. Chính sách hỗ trợ cho đơn vị đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp

a) Đối tượng hỗ trợ: Các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Nội dung và mức hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí chi thường xuyên tổ chức triển khai thực hiện, quản lý, giám sát, đánh giá các nội dung, chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Mức hỗ trợ bằng 5% kinh phí ngân sách triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh do đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ.

c) Phương thức thực hiện: Ngân sách Thành phố cấp cho đơn vị đầu mối được giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp để triển khai thực hiện theo quy định.

Ngoài các nội dung chính sách nêu trên, các đối tượng thụ hưởng chính sách được hưởng các chính sách khác của Trung ương và Thành phố theo quy định nhưng không trùng lắp về nội dung hỗ trợ. Trường hợp trong cùng thời điểm và cùng một nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách chi được lựa chọn một mức hỗ trợ cao nhất và có lợi nhất.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Giao UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn các nội dung cụ thể (nếu cần thiết) và tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

2. Giao UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền; thông báo công khai, rộng rãi các nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách.

3. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố, các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân và giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09/12/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban công tác đại biểu UBTVQH;
- VP Quốc hội; VP Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT; KH&CN, TC, TP;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực: HĐND, UBND, UBMTTQ TP;
- Đoàn UBQH TP Hà Nội;
- Đại biểu HĐND TP;
- Các Ban Đảng TU, các Ban HĐNDTP;
- Văn phòng: Thành ủy, HĐND, UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP;
- TT HĐND, UBND quận, huyện, thị xã;
- Công báo TP; Cổng GTĐT TP;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phùng Thị Hồng Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND về thông qua chủ trương ban hành Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Quy định chính sách, nội dung, mức chi hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 09/2020/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/12/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phùng Thị Hồng Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản