Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/NQ-HĐND | Bến Tre, ngày 04 tháng 7 năm 1995 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ ĐỀ ÁN CHUYÊN NGÀNH
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
Căn cứ vào Điều 120 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 18 tháng 4 năm 1992;
Căn cứ vào Điều 12 và Điều 31 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Sau khi nghe Sở Nông Lâm, Sở Thuỷ sản, Sở Xây dựng, Sở Lao động TBXH, Uỷ ban Dân số - KHHGĐ được sự uỷ nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày một số đề án chuyên ngành;
Sau khi nghe thuyết trình của Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
I. Nhất trí thông qua nội dung các đề án với những ý kiến bổ sung của Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hoá – Xã hội và của các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh mà Đoàn thư ký đã tổng hợp báo cáo trước kỳ họp về:
1. Đề án đánh giá thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 1994 - 2000 - 2010.
2. Đề án điều tra, quy hoạch phát triển nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre năm 1995 - 2000 - 2010.
3. Đề án bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước – giá đất, giá nhà.
4. Dự án tổng quan giải quyết việc làm tỉnh Bến Tre 1995 – 2000.
5. Đề án dân số kế hoạch hoá gia đình 1996 – 2000.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ vào ý kiến đóng góp của Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh để chỉ đạo cho Sở Nông Lâm, Sở Thuỷ sản, Sở Xây dựng, Sở Lao động TBXH, Uỷ ban Dân số - KHHGĐ tỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các đề án, dự án trình UBND tỉnh phê duyệt chính thức và nhanh chóng triển khai thực hiện có hiệu quả.
II. Trong quá trình tổ chức thực hiện, HĐND tỉnh lưu ý một số vấn đề sau:
* Về đề án đánh giá thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 1994 – 2000 – 2010:
- Cần có phân kỳ chi tiết hơn nhất là xác định các vùng ưu tiên, các dự án trọng điểm cho những năm trước mắt để tập trung sức chỉ đạo có hiệu quả góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
- Trong mỗi giai đoạn phát triển phải có những giải pháp đồng bộ như vốn, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật…
- Chú ý trong công tác thuỷ lợi cần được bổ sung quy hoạch kết hợp chặt chẽ với quy hoạch nông – lâm – ngư nghiệp đã được HĐND tỉnh thông qua, kết hợp tốt trên từng địa bàn, từng vùng sinh thái để đạt được hiệu quả đầu tư.
- Cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp bố trí hợp lý dân cư, phát triển chế biến, thương mại dịch vụ nông thôn sát với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu và phát triển sản xuất theo quy hoạch.
- Chú ý việc xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp để phù hợp với yêu cầu phát triển chung.
- Cần chú ý hơn việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với điều kiện sinh thái và thế mạnh của từng vùng.
- Tăng cường đầu tư, cải tiến công tác khuyến nông và hoạt động của các trung tâm dịch vụ kỹ thuật về giống cây con và mở rộng tiếp thị tìm thị trường tiêu thụ nâng cao giá trị hàng nông sản.
- Có biện pháp tích cực giải quyết tình trạng tranh chấp đất đai.
* Về đề án điều tra, quy hoạch phát triển nuôi thuỷ sản tỉnh Bến Tre năm 1995 – 2000 – 2010:
- Cần bổ sung hiện trạng thuỷ lợi phục vụ nuôi thuỷ sản, hiện trạng nguồn lợi giống tôm tự nhiên.
- Cần có phân kỳ cụ thể cho 5 năm tới, trên cơ sở đó có những bước đi cụ thể để xây dựng những dự án khả thi cho những vùng ưu tiên của phương án 1.
- Về giải pháp cần lưu ý:
+ Có biện pháp ổn định về đất đai, giải quyết ổn thoả về tranh chấp đất đai vùng ven biển.
+ Tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ KHKT, có biện pháp thu hút những tài năng, chất xám, những tiến bộ KHKT từ bên ngoài để tập trung khai thác nguồn lợi thuỷ sản là một thế mạnh của nền kinh tế tỉnh nhà, tổ chức quản lý, thu mua tốt, tăng cường đầu tư mở rộng chế biến xuất khẩu.
+ Tập trung đầu tư cho sản xuất giống tôm, cả các giống thuỷ sản khác và chế biến thức ăn phục vụ nuôi thuỷ sản tại tỉnh, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm nuôi tôm biển, nuôi tôm cá nước ngọt.
+ Khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư khai thác chú ý thị trường nội địa tiêu thụ sản phẩm từ biển.
+ Phải có biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản nhất là nguồn giống tôm, cá ven bờ một cách toàn diện, đồng bộ để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản của tỉnh nhà.
+ Cần có biện pháp tích cực và kiến nghị với Trung ương, nhằm hạn chế, khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tôm để ngành nuôi thuỷ sản được phát triển ổn định và phát huy hiệu quả.
* Về vấn đề giá đất, giá nhà, bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước:
HĐND tỉnh nhất trí chủ trương về giá nhà, giá đất và thực hiện bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước theo đề án do UBND tỉnh đã trình, cụ thể:
- Thống nhất sử dụng nguồn kinh phí bán nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất ở, bán đấu giá nhà ở để xây dựng thêm quỹ nhà ở mới, cải tạo sửa chữa những nhà cũ để tiếp tục cho thuê và bán (Công ty Nhà ở và công trình đô thị có kế hoạch cụ thể trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện).
- Cần tiến hành kiểm kê quỹ nhà ở, nhà làm việc do các cơ quan ban ngành, địa phương đang quản lý, sử dụng, qua đó có điều chỉnh sắp xếp lại cho phù hợp theo quy hoạch để tăng hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí.
- Thống nhất kế hoạch bán nhà trong 2 năm 1995 và 1996 theo như đề án, đợt I thực hiện theo 3 bước, HĐND lưu ý sau từng bước, cần rút kinh nghiệm để có bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhà.
- Về khung giá đất đô thị thuộc thị trấn, thị tứ, chợ nông thôn, hẻm nội ô thị xã, thị trấn…đất sản xuất, đất nông lâm cần xác định cho phù hợp với tình hình cụ thể của Bến Tre và trong khung giá quy định của Chính phủ. Về giá cụ thể, giao cho UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét bổ sung có sự thống nhất của Thường trực HĐND và các Ban HĐND để ban hành thực hiện trong tháng 7 và thông báo cho Đại biểu HĐND biết để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.
* Về dự án tổng quan giải quyết việc làm tỉnh Bến Tre 1995 – 2000:
- Cần điều tra, thống kê bổ sung tình hình lao động theo quy định tuổi lao động đúng Luật Lao động, bổ sung số lượng lao động Bến Tre tìm việc làm ngoài tỉnh, lực lượng lao động trong, ngoài quốc doanh và cơ quan Nhà nước, đoàn thể.
- Cần lưu ý vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì cũng sẽ là nguyên nhân làm tăng số người không có việc làm để chủ động biện pháp giải quyết.
- Nghiên cứu bổ sung các dự án về công nghiệp, thương mại - dịch vụ và biện pháp tăng hiệu quả sử dụng quỹ quốc gia giải quyết việc làm.
- Cần cụ thể hoá kế hoạch đào tạo nâng chất lượng đội ngũ lao động. Lưu ý các biện pháp hướng nghiệp trong trường học, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, mở rộng công tác khuyến nông và khuyến khích việc truyền nghề trong gia đình, trong đoàn thể và các tổ nghề nghiệp.
- Chú ý khả năng giải quyết lao động thông qua hợp tác lao động.
- Có chính sách xã hội đối với người không có việc làm, thiếu việc làm và có chế độ ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với diện gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng và bộ đội phục viên. Đồng thời có biện pháp chăm lo tăng cường sức khoẻ người lao động, thực hiện bảo hiểm lao động, bảo vệ an toàn và quyền lợi người lao động.
* Về đề án dân số kế hoạch hoá gia đình 1996 – 2000:
+ Cần có kế hoạch điều tra bổ sung nắm chắc số liệu về dân số và tỷ lệ phát triển dân số một cách có cơ sở khoa học để làm rõ hiệu quả hoạt động DS-KHHGĐ là cơ sở cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
+ Trong công tác triển khai cụ thể, cần lưu ý tập trung hơn cho vùng sâu, vùng ven biển nơi tỷ lệ phát triển dân số còn cao, điều kiện kinh tế, văn hoá còn hạn chế.
+ Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ về kỹ thuật, bảo quản tốt phương tiện đầu tư thiết bị, đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên đảm bảo về kỹ thuật, đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp làm kỹ thuật về KHHGĐ không đăng ký vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến sức khoẻ và sinh mạng con người.
+ Cần có cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ ở cấp xã, kiến nghị Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Uỷ ban Quốc gia dân số xem xét bổ sung thêm cán bộ và đồng thời có chính sách thưởng, phạt công minh trong công tác DS-KHHGĐ.
+ Đẩy mạnh việc chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em để tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ.
III. Các Ban của HĐND tỉnh có trách nhiệm giúp HĐND tỉnh thường xuyên giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Đại biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khoá V, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 04 tháng 7 năm 1995./.
| TM. HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH |
Nghị quyết 06/NQ-HĐND năm 1995 về một số đề án chuyên ngành do tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 06/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 04/07/1995
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Nguyễn Văn Thới
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra