TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04a/NQ-TLĐ | Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 2010 |
NGHỊ QUYẾT
HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM KHÓA X VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN GIAI ĐOẠN 2010 - 2020
Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam (Khóa X) họp ngày 20 và 21 tháng 01 năm 2010, tại Hà Nội, đã thảo luận Đề án về “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn đến năm 2020” do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn trình và thông qua Nghị quyết như sau:
I. TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN TRONG NHỮNG NĂM QUA.
Trong những năm qua cùng với sự phát triển của đất nước, tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển, đến hết tháng 12/2009 tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có hơn 6, 7 triệu đoàn viên và trên 410.000 cán bộ công đoàn các cấp. Trong đó có 8.416 cán bộ công đoàn chuyên trách và trên 400.000 cán bộ công đoàn không chuyên trách. Hầu hết cán bộ công đoàn trưởng thành từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, có lập trường quan điểm chính trị vững vàng, nhiệt tình, tâm huyết gắn bó với tổ chức công đoàn, gần gũi với người lao động, có phẩm chất đạo đức tốt, luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đặc biệt sau khi có nghị quyết 03/NQ-TLĐ ngày 22/10/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đã có nhiều chuyển biến. Các cấp công đoàn đã quan tâm chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ quản lý công tác đào tạo bước đầu được hình thành từ Tổng Liên đoàn đến các LĐLĐ cấp tỉnh, CĐ ngành TW. Các cơ sở đào tạo của công đoàn được tăng cường đầu tư nâng cấp, kiện toàn và thành lập mới. Nguồn kinh phí dành cho đào tạo bồi dưỡng ngày càng tăng, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục được đổi mới; Đội ngũ giảng viên kiêm chức được hình thành và thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ. Giáo trình, tài liệu phục vụ cho đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn được thường xuyên nghiên cứu biên soạn. Hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo được đẩy mạnh đã tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn Việt Nam tiếp cận với các thông tin và kinh nghiệm hoạt động công đoàn trên thế giới.
Tuy đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, khuyết điểm như:
- Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng thiếu ổn định và chưa hoàn chỉnh, hoạt động quản lý đào tạo bồi dưỡng hiệu quả thấp, công tác báo cáo, thống kê đánh giá còn nhiều bất cập.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với qui hoạch, bố trí sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ; việc tuyển chọn, đào tạo cung cấp đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách cho các doanh nghiệp chưa đạt kết quả như mong muốn; công tác bồi dưỡng, tập huấn còn chưa thường xuyên, chưa gắn bó chặt chẽ với thực tiễn. Phương pháp giảng dạy chậm đổi mới nên chưa phát huy được trí tuệ, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phong phú của cán bộ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Tài liệu, thiết bị hỗ trợ cho việc dạy và học còn thiếu, không đồng bộ. Đội ngũ giảng viên kiêm chức hoạt động chưa hiệu quả. Chi ngân sách công đoàn cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng còn thấp so với yêu cầu đặt ra.
- Hệ thống các trường công đoàn còn chưa đủ mạnh, một số trường vẫn chưa được hoà nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân; việc quản lý hệ thống các trường công đoàn và trường dạy nghề của công đoàn còn chưa thống nhất dẫn đến chưa phát huy được cở sở vật chất và đội ngũ giảng viên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Những tồn tại, thiếu sót trên đòi hỏi phải có sự đổi mới và đầu tư một cách toàn diện cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN.
A. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu đến năm 2020.
- Hoàn thiện hệ thống các quy định quản lý chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn từ Tổng Liên đoàn đến cơ sở, phát huy hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng để có đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn lớn mạnh theo tinh thần Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường trong hệ thống công đoàn, đội ngũ giảng viên kiêm chức và cán bộ làm công tác đào tạo ở các cấp công đoàn đủ trình độ, năng lực để thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các trường công đoàn phù hợp với Luật giáo dục và hệ thống giáo dục quốc dân trở thành các trung tâm mạnh về đào tạo, bôi dưỡng. Trong đó tập trung xây dựng Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Viện Công nhân và Công đoàn, Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ Lao động thành các trung tâm đào tạo đầu ngành, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo đại học, sau đại học các chuyên ngành về công đoàn góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho xã hội.
2. Trước mắt, đến năm 2013 phấn đấu đạt được các chỉ tiêu sau.
- 100% cán bộ chuyên trách công đoàn được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về lý luận và nghiệp vụ công đoàn; hàng năm mỗi cán bộ công đoàn chuyên trách được tập huấn, bồi dưỡng bổ sung kiến thức.
- 100% cán bộ công đoàn không chuyên trách được bồi dưỡng về lý luận, nghiệp vụ và kỹ năng hoạt động công đoàn.
- Ngân sách chi cho đào tạo, bồi dưỡng đạt 15% tổng ngân sách chi cho hoạt động công đoàn.
B. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết nhằm nâng cao nhận thức của các cấp công đoàn về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất và bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới.
2. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Thống nhất quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng trong toàn hệ thống công đoàn. Bổ sung, kiện toàn và nâng cao năng lực Phòng Đào tạo để Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn đủ sức tham mưu giúp Đoàn Chủ tịch quản lý, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống công đoàn.
Thí điểm thành lập bộ phận bồi dưỡng cán bộ công đoàn thuộc Ban Tổ chức các LĐLĐ địa phương và Công đoàn ngành TW ở những nơi có đủ điều kiện.
Đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng ngành đào tạo, cấp đào tạo cho trường Đại học Công đoàn và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nâng cấp, chuyển đổi các trường cán bộ công đoàn thành các trường trung cấp chuyên nghiệp hoà nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân. Thí điểm và từng bước giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng cán bộ công đoàn cho các Trường dạy nghề Công đoàn nhằm tranh thủ và phát huy tối đa cơ sở vật chất, kể cả đội ngũ giáo viên của các Trường cho công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
3. Tiếp tục đổi mới nội dung phương pháp dạy và học.
Tổng Liên đoàn thành lập Hội đồng khoa học, tổ chức nghiên cứu, biên soạn bộ giáo trình chuẩn áp dụng thống nhất trong toàn quốc cho tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn các cấp.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức của Tổng Liên đoàn và đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương. Xây dựng Quy chế hoạt động và các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên kiêm chức hoạt động có hiệu quả đáp ứng yêu cầu công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường thuộc hệ thống công đoàn.
4. Tăng cường các nguồn lực cho đào tạo bồi dưỡng.
Hàng năm công đoàn cấp trên cơ sở có kế hoạch tăng cường nguồn lực, đầu tư 15% nguồn chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, tỷ lệ này được coi như chỉ tiêu công tác để kiểm tra đánh giá xếp loại hàng năm.
Tranh thủ các nguồn đào tạo và sự hỗ trợ kinh phí của cấp uỷ Đảng, Chính quyền, doanh nghiệp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, áp dụng rộng rãi phương pháp dạy học tích cực. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng được đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm làm phong phú thêm lý luận, phương pháp và các kỹ năng, hoạt động công đoàn.
5. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ công đoàn.
Thực hiện đào tạo gắn với quy hoạch, sử dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Hàng năm và theo nhiệm kỳ, các cấp công đoàn phải xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng của cấp mình, chọn cử những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, trong quy hoạch sử dụng trước mắt và lâu dài để đưa đi đào tạo đáp ứng trình độ, kiến thức cần thiết, đồng thời có chính sách, chế độ hỗ trợ để động viên cán bộ công đoàn yên tâm phấn khởi tham gia học tập.
Ưu tiên và thực hiện chế độ cử tuyển đối với các cán bộ công đoàn xuất thân là công nhân trực tiếp sản xuất, trưởng thành từ cơ sở; cán bộ vùng sâu, vùng xa; cán bộ nữ; cán bộ công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước thi tuyển vào các trường đại học trong hệ thống công đoàn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết này và Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn đến năm 2020 đã được Ban chấp hành phê duyệt. Nghiên cứu, hình thành các mô hình tổ chức bộ máy, xây dựng ban hành các quy định, chính sách để thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy làm công tác đào tạo từ Tổng Liên đoàn đến các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương.
- Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên viên các ban Tổng Liên đoàn có trình độ chuyên môn cao, có năng lực cả về lý luận và thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn toàn quốc trong tình hình mới. Tiếp tục lựa chọn những công nhân lao động ưu tú, cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp, đưa đi đào tạo chính quy tập trung để tạo nguồn bổ sung cán bộ công đoàn chuyên trách cho hệ thống công đoàn.
- Tăng cường nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tổ chức kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các quy định về đào tạo bồi dưỡng của Tổng Liên đoàn. Định kỳ hàng năm tiến hành sơ kết và thực hiện tổng kết theo nhiệm kỳ để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết này.
2. Công đoàn các cấp.
2.1- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, dự toán kinh phí và triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo đúng kế hoạch đã được ban thường vụ phê duyệt.
- Bố trí 01 cán bộ làm công tác đào tạo có đủ năng lực trình độ, ổn định lâu dài; xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức gồm những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm hoạt động công đoàn, xây dựng quy chế hoạt động, tạo điều kiện, phương tiện để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở.
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn là uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên uỷ ban kiểm tra đồng cấp và cấp trên trực tiếp cơ sở, cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ phụ trách các chuyên đề thuộc LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các tổng công ty trực thuộc…
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ sức để tổ chức bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Phấn đấu quyết liệt, thực hiện bằng được các chỉ tiêu về đào tạo như Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện đầy đủ, nhanh chóng, chính xác chế độ báo cáo, cung cấp thông tin theo yêu cầu của Tổng Liên đoàn.
2.2- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn là uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên uỷ ban kiểm tra đồng cấp và cấp trên trực tiếp cơ sở, cán bộ chủ chốt hoặc cán bộ phụ trách các chuyên đề của công đoàn cơ sở.
2.3- Công đoàn cơ sở: tổ chức bồi dưỡng uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên uỷ ban kiểm tra công đoàn cơ sở, uỷ viên ban chấp hành công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, tổ trưởng, tổ phó công đoàn.
3. Các Trường và cơ sở đào tạo thuộc hệ thống công đoàn:
- Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tăng cường đội cán bộ, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tổng Liên đoàn; Thực hiện tuyển sinh và đào tạo hệ đại học chính quy tập trung cho đối tượng cán bộ công đoàn, công nhân lao động trực tiếp sản xuất đặc biệt là đối với các ngành Quản trị kinh doanh, Công đoàn, Bảo hộ lao động, Luật, Quan hệ lao động...
- Viện Nghiên cứu Công nhân & Công đoàn, Viện Khoa học Bảo hộ Lao động tăng cường củng cố đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, phối hợp cùng các Trường Đại học trong và ngoài hệ thống công đoàn tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ các chuyên ngành cung cấp nguồn cán bộ, chuyên gia cho các cấp công đoàn và cho xã hội.
- Các Trường Trung cấp Công đoàn Hà Nội, Trường Trung cấp Công đoàn Tp. Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp nghiệp vụ Công đoàn Giao thông vận tải, Trường Trung cấp Công đoàn Nam Định tổ chức, hoạt động theo đúng quy định của cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cho khu vực. Các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung tâm dạy nghề công đoàn quan tâm xây dựng chương trình giáo dục định hướng cho học viên đồng thời phối hợp để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Trên cơ sở Nghị quyết này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn giao Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn, các Trường trong hệ thống công đoàn triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Ban Chấp hành. Cuối nhiệm kỳ Đại hội Công đoàn toàn quốc có báo cáo tổng kết.
Nơi nhận: | TM. BAN CHẤP HÀNH |
- 1Quyết định 2264/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Kế hoạch 320/KH-TLĐ năm 2023 xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác đối ngoại của các cấp công đoàn về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng đối ngoại giai đoạn 2023-2030 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Quyết định 2264/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 320/KH-TLĐ năm 2023 xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác đối ngoại của các cấp công đoàn về ngoại ngữ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng đối ngoại giai đoạn 2023-2030 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
Nghị quyết 04a/NQ-TLĐ năm 2010 về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010 - 2020 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 04a/NQ-TLĐ
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 04/03/2010
- Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Người ký: Đặng Ngọc Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/03/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực