Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2023/NQ-HĐND

Lạng Sơn, ngày 14 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC LỄ TANG, LỄ VIẾNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI TỪ TRẦN

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XVII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI TÁM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 74/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định các khoản chi phí và thực hiện việc cấp, quyết toán ngân sách nhà nước phục vụ Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao;

Xét Tờ trình số 101/TTr-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định tổ chức lễ tang, lễ viếng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi từ trần; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định tổ chức lễ tang, lễ viếng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi từ trần.

Điều 2. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 29 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ban hành Quy định kinh phí tổ chức lễ tang, lễ viếng đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện theo quy định.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, kỳ họp thứ mười tám thông qua ngày 14 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 25 tháng 7 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ban Tổ chức Trung ương;
- Các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Báo Lạng Sơn, Đài PTTH Lạng Sơn, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn, Công báo Lạng Sơn;
- Lưu: VT, HSKH.

CHỦ TỊCH




Đoàn Thị Hậu

 

QUY ĐỊNH

TỔ CHỨC LỄ TANG, LỄ VIẾNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI TỪ TRẦN
(Kèm theo Nghị quyết số: 04/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về:

a) Tổ chức lễ tang, lễ viếng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tỉnh Lạng Sơn đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần;

b) Tổ chức đoàn viếng của tỉnh đối với các trường hợp khác khi từ trần theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh (Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh).

2. Quy định này không áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.

3. Đối với trường hợp người từ trần thuộc các chức danh quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quy định này mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức, Lễ tang tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức tương ứng với chức danh đang đảm nhiệm khi từ trần.

4. Đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác khi từ trần đang trong thời gian biệt phái tại cơ quan, đơn vị khác, việc tổ chức lễ tang, lễ viếng do cơ quan, tổ chức, đơn vị cử biệt phái chủ trì thực hiện.

Điều 2. Tổ chức Lễ tang cấp cao

1. Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

2. Tổ chức Lễ tang cấp cao

a) Lễ tang cấp cao được thực hiện theo quy định từ Điều 35 đến Điều 46 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

b) Ban tổ chức Lễ tang: do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên, gồm đại diện: Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và đại diện gia đình của người từ trần. Trưởng Ban tổ chức Lễ tang là đại diện Thường trực Tỉnh ủy hoặc lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh.

c) Việc đưa tin buồn: đưa tin trên Báo Lạng Sơn và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lạng Sơn.

3. Đơn vị tham mưu tổ chức Lễ tang:

a) Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ tang cấp cao đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội;

b) Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ tang cấp cao đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở các cơ quan thuộc khối chính quyền;

c) Ủy nhiệm cho các Huyện ủy, Thành ủy tổ chức Lễ tang cấp cao đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 (lão thành cách mạng) khi từ trần.

4. Tổ chức đoàn viếng của tỉnh

a) Thành phần tham gia đoàn viếng của tỉnh gồm đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

b) Đơn vị tham mưu tổ chức đoàn viếng của tỉnh: Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu tổ chức đoàn viếng của tỉnh đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở cơ quan thuộc khối Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ lão thành cách mạng; Sở Nội vụ tham mưu tổ chức đoàn viếng của tỉnh đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở cơ quan thuộc khối chính quyền.

Điều 3. Tổ chức Lễ tang đối với cán bộ lãnh đạo tỉnh, người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa) khi từ trần

1. Chức danh được tổ chức Lễ tang, gồm:

a) Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn và Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần;

b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa) và Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã nghỉ hưu khi từ trần.

2. Tổ chức Lễ tang

a) Ban tổ chức Lễ tang: do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên, gồm: đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan và đại diện gia đình của người từ trần. Trưởng Ban tổ chức Lễ tang là đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc 01 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

b) Đơn vị tham mưu tổ chức Lễ tang

Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, tham mưu công tác tổ chức Lễ tang đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở các cơ quan thuộc khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu công tác tổ chức Lễ tang đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở các cơ quan thuộc khối chính quyền.

Ủy nhiệm cho các Huyện ủy, Thành ủy tổ chức Lễ tang đối với cán bộ tiền khởi nghĩa khi từ trần.

3. Các nội dung khác về tổ chức Lễ tang thực hiện theo quy định tại Điều 48 và từ Điều 50 đến Điều 55 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

4. Tổ chức đoàn viếng của tỉnh, gồm đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan hoặc Ủy nhiệm Ban Tổ chức Tỉnh ủy (đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở cơ quan thuộc khối Đảng, tổ chức chính trị - xã hội); Ủy nhiệm Sở Nội vụ (đối với người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu ở cơ quan thuộc khối chính quyền) tổ chức đoàn đến viếng.

Điều 4. Tổ chức Lễ tang đối với Lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh và tương đương; Lãnh đạo cấp huyện và tương đương khi từ trần

1. Chức danh được tổ chức Lễ tang gồm:

a) Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần;

b) Lãnh đạo các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Lãnh đạo chuyên trách các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần.

c) Lãnh đạo cấp huyện (gồm: Bí thư, Phó Bí thư; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Ủy viên Ban Thường vụ; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện) đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần.

2. Tổ chức Lễ tang

a) Ban tổ chức Lễ tang:

Đối với người từ trần là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang công tác, Ban tổ chức Lễ tang do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập từ 07 đến 10 thành viên, gồm: đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan và đại diện gia đình.

Đối với Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghỉ hưu và các chức danh còn lại đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần: việc thành lập Ban tổ chức Lễ tang do cơ quan chủ quản phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan.

b) Đơn vị tham mưu:

Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, tham mưu tổ chức Lễ tang đối với người từ trần là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang công tác ở cơ quan thuộc khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

Sở Nội vụ chủ trì, tham mưu tổ chức Lễ tang đối với người từ trần là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đang công tác ở cơ quan thuộc khối chính quyền cấp tỉnh.

Các cơ quan chủ quản chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương tham mưu tổ chức Lễ tang đối với người từ trần là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nghỉ hưu và các chức danh theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều này khi từ trần.

3. Tổ chức đoàn viếng của tỉnh

a) Đối với người từ trần đang công tác:

Đoàn viếng của tỉnh gồm đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cơ quan, đơn vị có liên quan.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy có trách nhiệm tham mưu tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần đang công tác thuộc các cơ quan khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư Huyện ủy, Thành ủy.

Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần đang công tác thuộc các cơ quan khối chính quyền cấp tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Ủy nhiệm Huyện ủy, Thành ủy tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần là Ủy viên Ban Thường vụ; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện.

b) Đối với người từ trần đã nghỉ hưu:

Ủy nhiệm Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần đã nghỉ hưu tại các cơ quan thuộc khối Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh;

Ủy nhiệm Sở Nội vụ tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần đã nghỉ hưu tại các cơ quan thuộc khối chính quyền cấp tỉnh;

Ủy nhiệm Huyện ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đoàn viếng đối với người từ trần là lãnh đạo cấp huyện.

Điều 5. Tổ chức Lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi từ trần

1. Chức danh được tổ chức Lễ tang, gồm:

a) Cán bộ, công chức, viên chức (không thuộc các chức danh quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quy định này) đạt một trong các danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ nhân nhân dân, người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và Khoa học - Công nghệ, đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần.

b) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng thuộc các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và cán bộ, công chức cấp xã đang công tác khi từ trần.

2. Tổ chức Lễ tang và đoàn viếng của cơ quan, đơn vị

a) Các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đang công tác hoặc đã nghỉ hưu thuộc khối Đảng, tổ chức chính trị - xã hội thì do các Huyện ủy, Thành ủy chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Ban tổ chức Lễ tang và tổ chức đoàn viếng.

b) Các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này đang công tác hoặc đã nghỉ hưu thuộc khối chính quyền thì do Ủy ban nhân dân cấp huyện, chủ trì, phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Ban tổ chức Lễ tang và tổ chức đoàn viếng.

c) Các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thuộc lực lượng vũ trang (công an, quân đội) thì việc tổ chức Lễ tang thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

d) Các chức danh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, lãnh đạo cơ quan chủ quản nơi người từ trần đang công tác có trách nhiệm thành lập Ban tổ chức lễ tang và tổ chức đoàn viếng. Các chức danh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã nghỉ hưu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quy định cụ thể việc tổ chức đoàn viếng của cơ quan, đơn vị.

Điều 6. Tổ chức đoàn viếng của tỉnh đối với các trường hợp khác

1. Chức danh được tổ chức đoàn viếng của tỉnh, gồm:

a) Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần;

b) Lãnh đạo các tỉnh, thành phố hoặc các đồng chí nguyên giữ các chức vụ Lãnh đạo tại tỉnh (Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy) đã công tác tại tỉnh Lạng Sơn được điều động, luân chuyển về Trung ương hoặc sang các tỉnh, thành phố khác giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác hoặc đã nghỉ hưu khi từ trần;

c) Các đối tượng khác khi có yêu cầu tổ chức đoàn viếng của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh.

2. Đơn vị tham mưu: do Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hoặc Sở Nội vụ thực hiện.

Điều 7. Kinh phí hỗ trợ tổ chức Lễ tang

1. Nội dung và mức chi hỗ trợ

a) Tổ chức Lễ tang cấp cao: mức chi hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 74/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định các khoản chi phí và thực hiện việc cấp, quyết toán ngân sách nhà nước phục vụ Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, Lễ tang cấp cao.

b) Tổ chức Lễ tang đối với cán bộ lãnh đạo tỉnh, cán bộ tiền khởi nghĩa khi từ trần, mức chi hỗ trợ cho mỗi Lễ tang là 20 triệu đồng.

c) Tổ chức Lễ tang đối với người từ trần là: Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, mức chi hỗ trợ cho mỗi Lễ tang là 10 triệu đồng.

d) Tổ chức Lễ tang đối với người từ trần là: Phó trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh uỷ, Phó trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Phó Chánh Văn phòng Tỉnh uỷ; Phó Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh; Phó Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; cấp phó của các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và tương đương; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phó Bí thư Huyện uỷ, Thành uỷ và Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, mức chi hỗ trợ cho mỗi Lễ tang là 07 triệu đồng.

đ) Tổ chức Lễ tang đối với người từ trần là: Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Thành uỷ; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, mức chi hỗ trợ cho mỗi Lễ tang là 05 triệu đồng.

e) Tổ chức Lễ tang đối với người từ trần thuộc các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quy định này, mức chi hỗ trợ cho mỗi Lễ tang là 02 triệu đồng.

g) Tổ chức Lễ tang đối với người từ trần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Quy định này, mức chi hỗ trợ do cơ quan chủ quản người từ trần đang công tác quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn và khả năng cân đối nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị.

2. Nguồn kinh phí thực hiện

a) Ngân sách cấp tỉnh đảm bảo:

Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán hằng năm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy để chi hỗ trợ tổ chức lễ tang cho các đối tượng quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này đã nghỉ hưu hoặc đang công tác thuộc các cơ quan khối Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh.

Ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán hằng năm của Sở Nội vụ để chi hỗ trợ tổ chức lễ tang cho các đối tượng quy định điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này đã nghỉ hưu hoặc đang công tác thuộc các cơ quan khối chính quyền.

b) Ngân sách cấp huyện đảm bảo để chi hỗ trợ tổ chức lễ tang cho các đối tượng quy định điểm đ, điểm e khoản 1 Điều này.

c) Nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm hoặc từ quỹ phúc lợi (nếu có) của các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đối với người từ trần quy định tại điểm g, khoản 1 Điều này.

3. Kinh phí hỗ trợ tổ chức lễ tang được chuyển cho đại diện Ban Tổ chức Lễ tang hoặc đại diện gia đình của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi từ trần để thực hiện các nội dung chi theo quy định.

Điều 8. Kinh phí tổ chức các đoàn viếng

1. Đối với Đoàn viếng của tỉnh

a) Mức tiền phúng viếng:

Đối với Lễ tang cấp cao: 10 triệu đồng.

Đối với Lễ tang cán bộ lãnh đạo tỉnh, cán bộ tiền khởi nghĩa; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và tương đương; lãnh đạo cấp huyện và tương đương: 05 triệu đồng.

b) Kinh phí mua vòng hoa, lễ viếng: tối đa 03 triệu đồng.

c) Đối với các chức danh quy định tại Điều 6 Quy định này: áp dụng mức chi tối đa không quá quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

d) Các thành viên tham gia đoàn viếng của tỉnh được thanh toán chế độ công tác phí, phương tiện đi lại và tiền lương làm thêm ngoài giờ, làm thêm vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo quy định hiện hành.

đ) Nguồn kinh phí: chi từ nguồn ngân sách nhà nước hằng năm được cấp qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy (nếu người từ trần làm việc ở các cơ quan thuộc khối Đảng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); Sở Nội vụ (nếu người từ trần làm việc các cơ quan thuộc khối chính quyền) và ngân sách cấp huyện đảm bảo (đối với các đối tượng thuộc cấp huyện tổ chức đoàn viếng).

2. Đối với đoàn viếng của cơ quan, đơn vị

a) Trên cơ sở nội dung, mức chi phúng viếng đối với các đoàn viếng của tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn và khả năng cân đối nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị, mức chi tối đa cho đoàn viếng của cơ quan, đơn vị không vượt quá mức chi cho các đoàn viếng của tỉnh tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này.

b) Các thành viên tham gia đoàn viếng của cơ quan, đơn vị được thanh toán chế độ công tác phí, phương tiện đi lại và tiền lương làm thêm ngoài giờ, làm thêm vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết theo quy định hiện hành.

c) Nguồn kinh phí: Chi từ nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm hoặc từ quỹ phúc lợi của cơ quan, đơn vị (nếu có)./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND về Quy định tổ chức lễ tang, lễ viếng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi từ trần do tỉnh Lạng Sơn ban hành

  • Số hiệu: 04/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
  • Người ký: Đoàn Thị Hậu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản