Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2019/NQ-HĐND

Sóc Trăng, ngày 10 tháng 7 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 37/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thân ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia;

Xét Tờ trình số 64/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

2. Đối tượng áp dụng

a) Doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại Khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chính sách theo quy định.

3. Nội dung chính sách hỗ trợ

a) Tiếp cận, hỗ trợ tín dụng

Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất sau khi dự án hoàn thành như sau:

- Mức hỗ trợ: Bằng 100% chênh lệch lãi suất vay thương mại so với lãi suất tín dụng Nhà nước ưu đãi đầu tư tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

- Thời gian hỗ trợ lãi suất tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại, như sau:

+ 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trường hợp dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08 năm.

+ Dự án mà doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị thì được áp dụng hỗ trợ lãi suất theo chu kỳ sản xuất của sản phẩm.

- Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: 70% tổng mức đầu tư của dự án.

- Phương thức hỗ trợ cụ thể: Hàng năm, doanh nghiệp gửi báo cáo mức vốn vay của dự án và đề nghị hỗ trợ kinh phí phần chênh lệch lãi suất vay tín dụng ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi đầu tư gửi đến cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ trong giai đoạn đầu tư.

- Việc giải ngân được thực hiện hỗ trợ mức lãi suất chênh lệch 01 lần/năm khi doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ quyết toán có xác nhận của Ngân hàng nơi vay vốn.

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng vốn vay không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ số tiền hỗ trợ gồm chênh lệch lãi suất và vốn hỗ trợ đầu tư (nếu có) vào ngân sách của tỉnh. Không thực hiện hỗ trợ chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay (gốc và lãi) quá hạn tính từ thời điểm quá hạn.

b) Hỗ trợ di dời và cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

- Doanh nghiệp có dự án di dời đến địa điểm khác (thỏa điều kiện quy định tại QCVN 01-150:2017/BNNPTNT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung và Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y) để xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, có hệ thống quản lý chất thải rắn và lỏng theo quy định được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí di dời nhưng không quá 100 triệu đồng/dự án.

- Doanh nghiệp có dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, có hệ thống quản lý chất thải rắn và lỏng theo quy định được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư nhưng không quá 01 tỷ đồng/dự án để cải tạo, nâng cấp nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị trong hàng rào dự án.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến nông sản

Doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến nông sản thuộc sản phẩm chủ lực của tỉnh (không nằm trong Danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia), ngoài các quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và mua máy móc, thiết bị nhưng không quá 01 tỷ đồng/dự án.

d) Trường hợp cùng một thời điểm, nội dung có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác nhau (kể cả các chương trình, dự án khác), đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một chính sách ưu đãi hỗ trợ có lợi nhất.

4. Trình tự và thủ tục hỗ trợ

- Doanh nghiệp có dự án đầu tư hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào hoạt động được ngân sách hỗ trợ khi cung cấp đầy đủ hồ sơ quyết toán theo quy định.

- Trình tự và thủ tục hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 16 (trình tự thủ tục đầu tư) và Điều 17 (hồ sơ và thủ tục nhận hỗ trợ) Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Nguồn vốn thực hiện

Ngân sách tỉnh dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương (bao gồm vốn chi thường xuyên và vốn chi đầu tư) hàng năm cho ngành Nông nghiệp để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 2.

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa IX, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2019 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2019./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Chủ tịch nước;
- Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT.TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- HTĐT: sotp@soctrang.gov.vn;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lâm Văn Mẫn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐND về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 04/2019/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Lâm Văn Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản