Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2023/NQ-HĐND

Kiên Giang, ngày 14 tháng 7 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ LỒNG GHÉP NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA, GIỮA CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VÀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN KHÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BẢY

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết Số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Xét Tờ trình số 156/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra số 42/BC-BKTNS ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Điều 2. Nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn

Việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo các nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, được sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều 3. Các nguồn vốn thực hiện lồng ghép

1. Nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

2. Nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách địa phương các cấp, bao gồm: Ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã.

3. Các nguồn vốn tín dụng.

4. Nguồn vốn huy động.

5. Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 4. Nội dung lồng ghép các nguồn vốn

1. Đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ) thực hiện theo quy định tại Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11, 12, 13, 14 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 29 tháng 12 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

2. Hoạt động phát triển giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện; thông tin, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia.

3. Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân; cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng của phụ nữ, trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.

4. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, hội nghị triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp.

5. Các nội dung khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có).

Điều 5. Cách thức thực hiện và thẩm quyền quyết định lồng ghép nguồn vốn

1. Cách thức lồng ghép nguồn vốn: Một nội dung, hoạt động, công trình, dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có thể thực hiện bằng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau để đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn bao gồm: Nguồn vốn ngân sách nhà nước (trung ương, tỉnh, cấp huyện, cấp xã); nguồn vốn huy động, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hoặc huy động sự tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát của Nhân dân trên địa bàn:

a) Bố trí đủ nguồn vốn của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho từng công trình, hoạt động để được phê duyệt. Trường hợp còn thiếu thì thực hiện lồng ghép từ nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia khác. Trường hợp bố trí nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia khác vẫn còn thiếu thì tiếp tục thực hiện lồng ghép vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư để thực hiện nội dung, hoạt động, công trình, dự án.

b) Trên cùng một địa bàn đầu tư: Lấy mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới và mục tiêu thoát khỏi tình trạng xã đặc biệt khó khăn làm trọng tâm. Thực hiện rà soát các tiêu chí chưa đạt, cần hỗ trợ đầu tư, trường hợp các tiêu chí chưa đạt thuộc các đối tượng của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì ưu tiên thực hiện và lồng ghép từ nguồn vốn của 02 chương trình mục tiêu quốc gia này. Các tiêu chí không thuộc đối tượng của 02 chương trình mục tiêu quốc gia này thì thực hiện bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

c) Trên cùng một nội dung, hoạt động, công trình, dự án: Phân định rõ được tỷ lệ, cơ cấu nội dung, khối lượng công việc đối với từng nguồn vốn. Cơ cấu các nguồn vốn lồng ghép phải thể hiện cụ thể trong kế hoạch, làm cơ sở để tham mưu cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt và bố trí vốn.

2. Thẩm quyền quyết định lồng ghép nguồn vốn

Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự toán ngân sách của cấp nào thì có quyền quyết định nguồn vốn lồng ghép để thực hiện các nội dung, hoạt động, công trình, dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia của cấp đó theo nhiệm vụ được giao.

Điều 6. Trình tự lồng ghép vốn trong thực hiện kế hoạch, lập dự toán hằng năm và giai đoạn ở các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ nhu cầu thực tế tại địa phương, xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (giai đoạn 2021 - 2025) vào thời điểm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm, trong đó xác định cụ thể các nhóm hoạt động ưu tiên thuộc đối tượng của các chương trình mục tiêu quốc gia cần được lồng ghép nguồn vốn và phương án lồng ghép nguồn vốn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp.

2. Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với các phòng liên quan, rà soát, xác định rõ cơ cấu lồng ghép nguồn vốn trong kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và gửi các cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan.

3. Các cơ quan chủ trì các chương trình mục tiêu quốc gia phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan rà soát nội dung hoạt động, dự kiến mức vốn, cơ cấu nguồn vốn, xây dựng kế hoạch giai đoạn và dự kiến mức bố trí, nội dung hoạt động đối với kế hoạch hằng năm gửi lấy ý kiến Sở Tài chính trước khi tham mưu Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Điều 7. Cơ chế quản lý nguồn vốn lồng ghép

1. Các nội dung thực hiện từ ngân sách nhà nước hỗ trợ (không phân biệt tỷ lệ mức hỗ trợ) thì thực hiện theo các quy định tại Nghị quyết này, các quy định hiện hành về quản lý kinh phí sự nghiệp và pháp luật có liên quan.

2. Đối với nguồn vốn địa phương tự huy động đóng góp, tự nguyện đóng góp (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao động) từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư thì thực hiện phân bố, sử dụng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và do cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý, sử dụng.

Điều 8. Thanh toán, quyết toán nguồn vốn được lồng ghép

1. Đối với nguồn vốn sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.

2. Đối với các nguồn vốn tín dụng thực hiện theo quy định của các tổ chức tín dụng; đối với nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

3. Đối với nguồn vốn hợp pháp khác được quản lý, sử dụng đúng mục đích; được thể hiện đầy đủ trong nội dung thực hiện để theo dõi, quản lý; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Hội đồng nhân dân giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

3. Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang khóa X, Kỳ họp thứ Mười bảy thông qua ngày 07 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 24 tháng 7 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Bộ Tài chính;
- Cục kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp;
- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Ban Quản lý DAĐTXD chuyên ngành DD&CN tỉnh;
- Trung tâm Phục vụ Hành chính công;
- Thường trực HĐND cấp huyện;
- UBND cấp huyện;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Phòng Công tác HĐND;
- Hồ sơ công việc;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Mai Văn Huỳnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 03/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Văn Huỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản