Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2015/NQ-HĐND

Phú Thọ, ngày 10 tháng 07 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

V/V THÔNG QUA ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC METHADONE TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ MƯỜI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12 tháng 4 năm 2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 25/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 16 tháng 7 năm 2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính quy định quản lý và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ khám, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thông tư liên tịch số 38/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 14 tháng 11 năm 2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính về việc ban hành mức tối đa khung giá một số dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Sau khi xem xét Tờ trình số 2450/TTr-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và thảo luận,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020, với những nội dung cơ bản sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Mở rộng diện bao phủ, tăng cường tiếp cận điều trị methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, góp phần giảm tỷ lệ người sử dụng các chất dạng thuốc phiện, giảm tỷ lệ tội phạm xã hội có liên quan tới các chất dạng thuốc phiện, giảm lây nhiễm HIV/AIDS và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện và từ nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng; cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả của 16 cơ sở điều trị, cấp phát methadone tại 13/13 huyện, thành, thị.

- Mở thêm 05 cơ sở cấp phát methadone tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, Trung tâm Quản lý sau cai nghiện ma túy tỉnh và các huyện: Hạ Hòa, Cẩm Khê.

- Điều trị methadone cho 1.500 người, đảm bảo đạt 80% số người nghiện các chất dạng thuốc phiện có hồ sơ quản lý trong tỉnh được điều trị.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

Tăng cường vai trò, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; sự phối hợp của các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong việc triển khai điều trị methadone.

Bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan hữu quan đối với công tác phòng chống ma túy, phòng chống HIV/AIDS thông qua hoạt động giám sát trực tiếp và báo cáo định kỳ của các cơ quan chức năng; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

2. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền:

Thường xuyên đổi mới, cập nhật nội dung truyền thông, đa dạng hình thức và kênh chuyển tải thông tin, bảo đảm tính phù hợp đối với từng nhóm đối tượng.

3. Củng cố, kiện toàn mạng lưới cơ sở điều trị, cấp phát methadone và nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị:

- Duy trì 16 cơ sở điều trị, cấp phát methadone hiện đang hoạt động. Mở thêm 05 cơ sở cấp phát, điều trị methadone. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của 21 cơ sở điều trị, cấp phát methadone và tổ chức nhân lực theo hướng lồng ghép, kiêm nhiệm nhằm góp phần bảo đảm tính bền vững của chương trình.

- Bảo đảm đủ nguồn thuốc methadone hợp pháp để điều trị người bệnh.

- Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật trong triển khai các quy trình chuyên môn và thực hiện các chế độ chính sách đối với những người được tham gia điều trị, người làm công tác điều trị methadone.

- Tăng cường phối hợp giữa cơ sở điều trị, cấp phát methadone với chính quyền, công an địa phương và gia đình, bảo đảm người bệnh tuân thủ điều trị, không sử dụng ma túy khi tham gia điều trị methadone.

4. Thực hiện xã hội hóa điều trị methadone:

4.1. Đối với người bệnh:

- Người bệnh thuộc diện chính sách theo quy định: Ngân sách nhà nước chi trả 95%; người bệnh đóng góp 5% tiền khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm, dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

- Người bệnh không thuộc diện chính sách: Chi trả 100% tiền khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm, dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

4.2. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức điều trị methadone theo quy định của pháp luật.

5. Hỗ trợ đào tạo dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người nghiện tham gia điều trị methadone:

Tạo điều kiện để người tham gia điều trị methadone có việc làm và thu nhập ổn định, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của việc can thiệp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Tổng kinh phí thực hiện Đề án: Khoảng 31.196.000.000 đồng (Ba mươi mốt tỷ một trăm chín sáu triệu đồng chẵn). Trong đó:

- Nguồn kinh phí Trung ương và tài trợ của các tổ chức quốc tế: 13.687.500.000 đồng, để bảo đảm cung ứng thuốc methadone.

- Nguồn kinh phí của tỉnh: 9.257.000.000 đồng, để bảo đảm các hoạt động: Tuyên truyền, duy tu, bảo dưỡng cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc; mua trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ điều trị người bệnh; trang thiết bị văn phòng; thuê khoán lao động hợp đồng và chế độ cho cán bộ y tế làm thêm ngoài giờ hành chính, ngày lễ, ngày tết; kinh phí vận chuyển, bảo quản thuốc và đào tạo, tập huấn cán bộ điều trị, kiểm tra giám sát; chi trả 95% chi phí khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm cho người bệnh thuộc đối tượng chính sách.

- Nguồn kinh phí người dân tự chi trả: 8.251.500.000 đồng, để bảo đảm các hoạt động: Mua sắm vật tư y tế tiêu hao, văn phòng phẩm, vệ sinh,... phục vụ theo dõi, điều trị người bệnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết;

- Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ khóa XVII, kỳ họp thứ Mười thông qua ngày 08 tháng 7 năm 2015 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UBTVQH, Chính phủ;
- VPQH, VPCP;
- Các Bộ: Y tế, Tài chính;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TTTU, TTHĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- TAND, VKSND tỉnh;
- Các đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, PCVP;
- TPP, CV;
- Lưu VT.

CHỦ TỊCH




Hoàng Dân Mạc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND thông qua Đề án thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020

  • Số hiệu: 03/2015/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 10/07/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hoàng Dân Mạc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản