Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/2008/NQ-HĐND  

Gia Nghĩa, ngày 25 tháng 07 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN XÁC LẬP SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I - KỲ HỌP THỨ 10

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 202/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của UBND tỉnh Đăk Nông tại Tờ trình số 1235/TTr-UB ngày 28 tháng 5 năm 2008 về việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản xác lập sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Đăk Nông;
Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 11/BC-KTNS ngày 08 tháng 7 năm 2008 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy định về việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản xác lập sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Đăk Nông (có Quy định kèm theo).

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và định kỳ báo cáo HĐND tỉnh về kết quả thực hiện.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 17 tháng 7 năm 2008.

 

 

CHỦ TỊCH




K’Beo

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN XÁC LẬP SỞ HỮU NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐĂK NÔNG
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 03/2008/NQ-HĐND ngày 25 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng và sở hữu tài sản:

1. Phạm vi:

Nghị quyết này quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông với thủ trưởng Sở, ngành và các cơ quan tương đương thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.

2. Đối tượng áp dụng:

- Cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước;

- Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập) được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;

- Các đối tượng khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

3. Sở hữu tài sản của tổ chức:

- Tài sản thuộc sở hữu nhà nước giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp quản lý sử dụng thì không thuộc quyền sở hữu của tổ chức đó. Tài sản này thuộc đối tượng quản lý tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

- Tài sản nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là tài sản thuộc tổ chức đó.

Điều 2. Tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phân cấp quản lý, xử lý tại quyết định này gồm:

1. Đất đai;

2. Nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất;

3. Các tài sản khác gắn liền với đất;

4. Phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác.

Điều 3. Đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản:

1. Tài sản phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng gồm:

- Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

- Xe ô tô các loại;

- Các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản.

2. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng những tài sản quy định tại khoản 1 điều này phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại Sở Tài chính. Trường hợp phát hiện đơn vị không thực hiện đăng ký, Sở Tài chính được phép tạm ngừng cấp kinh phí hoạt động của những tài sản phải đăng ký nhưng không đăng ký và từ chối bố trí kinh phí mua sắm tài sản cố định vào dự toán ngân sách cho đến khi đơn vị thực hiện việc đăng ký tài sản theo quy định; đồng thời đơn vị sử dụng tài sản bị phạt xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

3. Đối với những tài sản khác không thuộc phạm vi quy định tại khoản 1 điều này thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập phải lập thẻ tài sản cố định để theo dõi, hạch toán và thực hiện chế độ quản lý tài sản theo quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Cập nhật thông tin, quản lý, lưu trữ kết quả đăng ký theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc đăng ký tài sản của đơn vị sử dụng thuộc phạm vi quản lý; xác nhận thông tin về tài sản và việc chấp hành đăng ký tài sản của đơn vị sử dụng theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Báo cáo kết quả đăng ký tài sản cho UBND tỉnh và Bộ Tài chính theo quy định; công khai thông tin đăng ký sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm, trang thiết bị tài sản:

1. Tài sản là nhà, công trình kiến trúc và tài sản khác gắn liền với đất, trang thiết bị gắn liền với dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Tài sản mua sắm là xe mô tô cho những trường hợp thật cần thiết và mua xe ô tô con phục vụ công tác và các tài sản khác có giá trị mua sắm từ 500 triệu đồng trở lên/tài sản phải được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản.

3. Mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên: phương tiện vận tải (trừ tài sản quy định tại khoản 2 điều này), vật tư, công cụ, dụng cụ, máy móc, trang thiết bị làm việc và các tài sản khác sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước; vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh; vốn khác do Nhà nước quản lý (nếu có) thì căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, Ủy ban nhân dân các cấp quyết định việc mua sắm, trang bị cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý trên cơ sở đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp thông qua việc giao dự toán ngân sách hàng năm.

4. Việc mua sắm tài sản từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị sự nghiệp công; thủ trưởng đơn vị căn cứ vào kế hoạch, dự toán, dự án, tiêu chuẩn định mức sử dụng được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu cần thiết phục vụ hoạt động của đơn vị để quyết định việc mua sắm cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

5. Việc mua sắm tài sản quy định tại khoản 2, 3, 4 điều này và phương thức mua sắm phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu và phương thức mua sắm tài sản.

Điều 5. Phân cấp thẩm quyền xử lý, quản lý tài sản:

1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính gồm:

a) Đất, nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, các công trình xây dựng gắn liền với đất (trừ tài sản quy định tại điểm b khoản 2 điều này);

b) Xe ô tô các loại;

c) Tài sản khác có giá mua ban đầu từ 500 triệu đồng/tài sản trở lên.

2. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, tổ chức chính trị và tương đương thuộc cấp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định:

a) Thanh lý tài sản là nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, các công trình xây dựng gắn liền với đất phải phá dỡ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Thanh lý nhà, công trình xây dựng khác trên đất có giá trị dưới 500 triệu đồng/tài sản bị hư hỏng không còn sử dụng được hoặc nếu tiếp tục sử dụng phải chi phí lớn, không hiệu quả.

c) Thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý tài sản khác có giá mua ban đầu dưới 500 triệu đồng/tài sản trở xuống; trừ tài sản quy định tại điểm a, b khoản 1 điều này.

Điều 6. Trình tự, thủ tục thực hiện việc thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng và thanh lý:

Thực hiện theo quy định tại điểm 6, 7, 8, 9, 10 phần II Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính.

Riêng đối với việc xác định và phê duyệt giá trong trường hợp bán, chuyển nhượng và thanh lý thì đơn vị trực tiếp quản lý tài sản thành lập Hội đồng xác định giá bán hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá bán đảm bảo phù hợp với giá trị còn lại thực tế của tài sản. Việc xác định, thẩm định, phê duyệt giá bán thực hiện như sau:

1. Tài sản thuộc thẩm quyền quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 4 Quyết định này thì Sở Tài chính chủ trì cùng các ngành có liên quan thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

2. Các trường hợp còn lại thì trên cơ sở kết quả thẩm định giá (trong trường hợp thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá) hoặc Biên bản xác định giá của Hội đồng xác định giá bán, thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý tài sản phê duyệt giá bán.

Hội đồng xác định giá bán do lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản làm Chủ tịch Hội đồng cùng với các thành viên:

- Đại diện bộ phận kế toán, tài vụ của cơ quan;

- Đại diện bộ phận trực tiếp quản lý tài sản;

- Cán bộ có hiểu biết về đặc điểm, tính năng kỹ thuật của tài sản.

Đồng thời mời đại diện cơ quan tài chính, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước liên quan tính năng kỹ thuật của tài sản tham gia Hội đồng xác định giá bán.

Điều 7. Thẩm quyền xác lập quyền sở hữu tài sản Nhà nước:

1. Đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật bị tịch thu sung quỹ Nhà nước: thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 16 Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ.

2. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với:

a) Vật bị chôn dấu, chìm đắm, vật bị đánh rơi, bỏ quên được tìm thấy có giá trị 200 triệu đồng trở lên.

b) Bất động sản trên địa bàn được xác định là vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu.

c) Di sản không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng người đó không được quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền hưởng di sản.

d) Tài sản của các dự án sử dụng vốn ngoài nước do tỉnh quản lý sau khi kết thúc hoạt động được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam.

e) Tài sản được chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu dưới hình thức biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ và các hình thức chuyển giao khác theo quy định của pháp luật cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh có giá trị 200 triệu đồng trở lên.

3. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, tổ chức chính trị và tương đương thuộc cấp tỉnh quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với tài sản quy định tại điểm e khoản 2 điều này có giá trị dưới 200 triệu đồng.

4. Chủ tịch UBND huyện, thị xã quyết định xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với: Vật bị chôn dấu, chìm đắm, vật bị đánh rơi, bỏ quên được tìm thấy; tài sản quy định tại điểm e khoản 2 điều này có giá trị dưới 200 triệu đồng.

Điều 8. Thẩm quyền lập, phê duyệt phương án xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước:

1. Thẩm quyền lập phương án xử lý tài sản: Cơ quan đang quản lý hoặc được giao tạm quản lý tài sản có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 điều này.

2. Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản:

a) Tài sản thuộc cơ quan Nhà nước cấp nào xác lập quyền sở hữu Nhà nước thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đó quyết định phương án xử lý tài sản sau khi có ý kiến đề nghị của cơ quan tài chính cùng cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này.

b) Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là đất; nhà, công trình kiến trúc gắn liền với đất sau khi có ý kiến đề nghị của Sở Tài chính.

Điều 9. Điều khoản thi hành

Ngoài những quy định trên, những quy định khác thực hiện theo Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ; Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ; Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 03/2008/NQ-HĐND thông qua quy định phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản xác lập sở hữu nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông do Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông khóa I, kỳ họp thứ 10 ban hành

  • Số hiệu: 03/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: K’ Beo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản