Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03 /2006/NQ-HĐND

Tân an, ngày 13 tháng 01 năm 2006

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2006

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VII - KỲ HỌP THỨ 9

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, thông báo của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về hoạt động của HĐND, UBND, Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí thông qua báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân về kết quả hoạt động năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ năm 2006; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân và báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp thứ 9.

Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu dự kỳ họp để bổ sung hoàn chỉnh các báo cáo.

Điều 2. Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006.

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2005, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2006 của tỉnh, với mục tiêu, các chỉ tiêu, giải pháp được nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và báo cáo của các cơ quan chức năng đã trình tại kỳ họp. Cụ thể:

A. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2005:

Năm 2005 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức về thời tiết, dịch bệnh gia cầm, giá cả thị trường trong và ngoài nước tăng cao, nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng trong tỉnh; sự chỉ đạo điều hành tích cực của Ủy ban nhân dân các cấp; sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; sự giám sát, kiểm tra thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm của Hội đồng nhân dân các cấp; sự chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, tỉnh ta đã cơ bản đạt được mục tiêu và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2005.

Năm 2005 nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,9% (kế hoạch 10,5%), nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển nhanh, công tác xây dựng cơ bản có tiến bộ, các nguồn lực cho đầu tư phát triển được huy động tốt hơn, tập trung đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trọng điểm bức xúc. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu đều vượt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có sự chuyển biến tích cực, công tác xây dựng nhà tình nghĩa, giải quyết việc làm và giảm nghèo được triển khai thực hiện có kết quả; các vấn đề xã hội bức xúc được giải quyết tốt hơn. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, ổn định, trật tự xã hội có chuyển biến tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 còn một số hạn chế, yếu kém như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng của tỉnh, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa cao. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm và chưa thật vững chắc. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Huy động nguồn vốn đầu tư phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu. Phát triển văn hoá chưa ngang tầm với phát triển kinh tế. Cơ sở vật chất phục vụ họat động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của người dân còn hạn chế, nhất là khu vực nông thôn. Năng lực quản lý, điều hành chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo chưa đáp ứng yêu cầu, số hộ ngưỡng nghèo còn nhiều. Kết quả cải cách hành chính chưa cao, thủ tục hành chính trên một số mặt còn rườm rà, nhất là trong công tác xúc tiến đầu tư,xúc tiến thương mại.

B. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2006:

1. Mục tiêu tổng quát:

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh lĩnh vực công nghiệp và thương mại-dịch vụ. Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Huy động tốt các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và nhân dân cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tăng nhanh xuất khẩu, thu hút vốn, công nghệ cao. Đẩy mạnh xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa-xã hội; tăng cường giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội; phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh ổn định, vững chắc.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế: từ 12% trở lên

Trong đó:

- Khu vực nông lâm ngư nghiệp: 5,0%

- Khu vực công nghiệp - xây dựng: 23,5%

- Khu vực thương mại dịch vụ: 10,5%

GDP bình quân/đầu người/năm 9,850 triệu đồng

Tổng sản lượng lương thực: 1,900 triệu tấn

Tổng kim ngạch xuất khẩu: 465 triệu USD

Tổng thu ngân sách trên địa bàn: 1.376 tỷ đồng

- Nội địa: 1.300 tỷ đồng

- Xuất nhập khẩu: 76 tỷ đồng

Tổng chi ngân sách địa phương: 1.717 tỷ đồng

Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm: 44%GDP

Giải quyết việc làm cho người lao động: 31.000 người

Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn: 9,6%

Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn: 20,2%

Tỷ lệ xã có bác sĩ:  85%

Tỷ lệ hộ sử dụng điện 96%

Số dân sử dụng nước sạch: 82%

Số xã có đường ô tô đến trung tâm: 150/167 xã

Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 26%

Giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống còn 9,8%

3. Các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản:

3.1. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thực hiện “mối liên kết 5 nhà” và phát huy vai trò Nhà nước trong tiêu thụ nông sản hàng hóa của dân. Xây dựng một số vùng chuyên canh tập trung và nhiều cánh đồng có giá trị tăng thêm 25 triệu đồng/ha/năm. Tiếp tục phòng chống dịch và có biện pháp thích hợp khôi phục chăn nuôi gia cầm. Triển khai thực hiện chương trình phát triển thủy sản phù hợp với từng vùng sinh thái. Chú trọng công tác giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác và trang trại trong nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình dân sinh vùng lũ nhằm ổn định sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân vùng ngập lũ, tích cực vận động 15.000 hộ dân vào ở ổn định trong các cụm, tuyến dân cư. Quan tâm phòng chống thiên tai, khô hạn và cháy rừng.

Tập trung phát triển những sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao. Khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Tăng cường quản lý công tác triển khai xây dựng các khu, cụm công nghiệp theo qui hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư. Xây dựng quỹ đất công nghiệp tối thiểu 1000 ha đất có đủ điều kiện hạ tầng giao nhà đầu tư trực tiếp. Đổi mới phương thức vận động xúc tiến, thu hút đầu tư, thường xuyên nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh của doanh nghiệp.

Đầu tư phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá. Phát triển đa dạng, giảm chi phí và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, gia tăng xuất khẩu, củng cố và mở rộng thị trường, chủ động trong thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục đầu tư xây dựng và khai thác cửa khẩu Bình Hiệp-Mộc Hoá. Mở rộng liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu du lịch Làng nổi Tân Lập, công viên thị xã….

Thực hiện hoàn thành kế hoạch thu chi và cân đối ngân sách các cấp, phấn đấu tăng thu để tăng chi, bù đắp phần thiếu hụt vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Tập trung huy động các nguồn vốn phục vụ cho yêu cầu đầu tư phát triển; tăng cường quản lý, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Thực hiện tốt chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.

3.2. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động -thương binh xã hội, văn hóa, thể dục thể thao theo Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ; có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia dạy nghề, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo. Tiếp tục đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tập trung thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nâng cao hiệu quả cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ y tế phục vụ nhân dân; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc.

3.3. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên các lĩnh vực, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong thu hút đầu tư, giải quyết những vấn đề có liên quan đến các doanh nghiệp và nhân dân. Thực hiện đúng chương trình xây dựng và quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục thực hiện cơ chế ‘‘một cửa’’, bố trí cán bộ có năng lực và phẩm chất đạo đức để thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý tình trạng quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân. Từng bước hiện đại hoá công sở, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ cơ sở để đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; tăng cường mối quan hệ chặt chẽ gữa các ngành, địa phương trong thực thi công vụ; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhân dân trên tinh thần trách nhiệm cao.

3.4. Thực hiện tốt các nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, tạo cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế-xã hội. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn.

Điều 3. Tổ chức thực hiện.

1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên thực hiện tốt vai trò giám sát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân tỉnh kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, động viên mọi nguồn lực, khắc phục khó khăn, thử thách, phấn đấu góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2006.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VII, kỳ họp thứ 9 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ QH (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- VP.QH, VP CP “TP.HCM”;
- TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- ĐBQH khóa XI đơn vị tỉnh Long An;
- ĐB. HĐND tỉnh khóa VII;
- VP.HĐND tỉnh,VP.UBND tỉnh;
- TT. UBMTTQ tỉnh;
- Các Sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thị xã;
- Lưu: VT, phòng NCTH.

CHỦ TỊCH




Trương Văn Tiếp

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyêt 03/2006/NQ-HĐND về phương hướng nhiệm vụ năm 2006 do tỉnh Long An ban hành

  • Số hiệu: 03/2006/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 13/01/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Trương Văn Tiếp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản