Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2013/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 31 tháng 05 năm 2013

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 8

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị Quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp (viết tắt là KCN) Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 2149/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét Tờ trình số 1234/TTr-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2013 của UBND tỉnh về đề nghị thông qua Đề án Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng thể

Huy động và tập trung các nguồn lực tham gia đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải rắn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững của tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- 100% tổng lượng chất thải rắn y tế không nguy hại và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường;

- 100% địa phương cấp huyện có bãi chôn lấp hợp vệ sinh với công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp và hiện đại. 100% địa phương cấp xã có điểm tập kết hoặc bãi chôn lấp chất thải rắn đảm bảo vệ sinh theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

- 80% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại rác tại nguồn.

c) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- 90% chất thải rắn đô thị thu gom được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ;

- 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 75% chất thải rắn công nghiệp không nguy hại được tái chế, tái sử dụng;

- 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng;

- Thu gom và xử lý được 100% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ nông nghiệp.

2. Công nghệ thu gom và xử lý chất thải rắn

Đến năm 2020 đề xuất lựa chọn công nghệ chủ yếu chôn lấp hợp vệ sinh đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và tiết kiệm nguồn kinh phí đầu tư. Trong bãi chôn lấp hợp vệ sinh có thiết kế các ô riêng biệt để xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại. Riêng chất thải rắn y tế nguy hại vẫn được duy trì đốt tại các bệnh viện. Sau năm 2020, lựa chọn các công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn tiên tiến.

Giai đoạn đến năm 2020 xây dựng 01 khu liên hợp xử lý chất thải rắn với công nghệ tiên tiến xử lý chất thải rắn của thành phố Đông Hà và các địa phương lân cận.

3. Nhu cầu sử dụng đất, xác định các chỉ tiêu sử dụng đất phục vụ công tác xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn

Dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh đến năm 2020 khoảng 547,4 tấn/ngày (nguy hại 16,40 tấn/ ngày), chất thải rắn công nghiệp khoảng 194,3 tấn/ngày (nguy hại 29,1 tấn/ngày), chất thải rắn y tế khoảng 5,6 tấn/ngày (nguy hại 1,12 tấn/ngày). Nhu cầu sử dụng cho hệ thống thu gom: 44 xe nén ép 08 m3, 60 xe nén ép 06 m3, 1.878 xe đẩy tay 0,8 m3, 3.906 thùng rác 0,24 m3, diện tích đất cần sử dụng cho tập kết phương tiện 5.853 m2; diện tích đất sử dụng cho điểm tập kết chất thải rắn tại các đô thị, chợ và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là 9.230 m2. Nhu cầu sử dụng đất cho công tác xử lý chất thải rắn là 93 ha.

4. Quy hoạch tổ chức không gian hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn

a) Hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn: 154 điểm tập kết có đầu tư xây dựng (diện tích 6.770 m2), 87 điểm tập kết quy ước (diện tích 2.410 m2).

b) Các cơ sở xử lý chất thải rắn

* Giai đoạn 2013 - 2020:

- Sử dụng toàn bộ bãi xử lý hiện có để giải quyết chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, đến khi hết diện tích sẽ đóng cửa và hoàn trả mặt bằng;

- Đầu tư 08 bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các địa phương gồm: huyện Hải Lăng (01 điểm: xã Hải Thọ), huyện Cam Lộ (01 điểm: Cam Tuyền), huyện Gio Linh (01 điểm: Gio Bình), thị xã Quảng Trị (01 điểm: xã Hải Lệ), huyện Vĩnh Linh (01 điểm: Vĩnh Long), huyện Triệu Phong (01 điểm: Triệu Thượng), huyện Đakrông (01 điểm: thị trấn Krông Klang), huyện Hướng Hóa (01 điểm: xã Tân Thành);

- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại thành phố Đông Hà (đầu tư thí điểm);

- Đầu tư xây dựng lò đốt chất thải rắn bệnh viện đa khoa huyện Đakrông;

- Xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại xã Triệu Ái.

* Giai đoạn sau năm 2020:

- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp liên vùng tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong phục vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp của thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh;

- Đầu tư 11 bãi chôn lấp hợp vệ sinh tại các địa phương: Hải Lăng (01 điểm: xã Hải Sơn); Đakrông (03 điểm: xã Tà Rụt, xã Ba Lòng và xã Đakrông); Triệu Phong (01 điểm: xã Triệu Ái); Vĩnh Linh (03 điểm: ranh giới giữa Vĩnh Tân và thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Hà, cụm xã Lâm - Sơn - Thủy); Gio Linh (02 điểm: Gio Hải, Hải Thái); huyện Cam Lộ (01 điểm: Cam Chính);

- Đầu tư xây dựng 02 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hướng Hóa (xã Tân Thành) và Vĩnh Linh (tại bãi chôn lấp chất thải rắn khu vực Bắc Hồ Xá);

- Xây dựng lò đốt chất thải rắn nguy hại tập trung cho mỗi địa phương.

5. Tổng vốn đầu tư xây dựng

a) Cơ cấu nguồn vốn

Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sử dụng các nguồn vốn sau:

- Ngân sách địa phương các cấp (đầu tư xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, khung biểu giá…; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng; vốn đối ứng cho các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn; tăng cường năng lực thu gom vận chuyển chất thải rắn, đầu tư xây dựng điểm tập kết rác);

- Ngân sách Trung ương đầu tư qua các chương trình, dự án; vốn vay ODA, vốn viện trợ không hoàn lại từ các tổ chức;

- Vốn các nhà đầu tư (đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn);

- Khuyến khích và ưu tiên các dự án đầu tư theo hình thức đối tác Công - Tư.

b) Tổng nguồn vốn

* Tổng vốn đầu tư đến năm 2020: 706,1 tỷ đồng.

Trong đó:

- Ngân sách địa phương các cấp: 44,1 tỷ đồng;

- Ngân sách Trung ương đầu tư qua các chương trình dự án, vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại: 312 tỷ đồng;

- Vốn nhà đầu tư: 350 tỷ đồng.

* Tổng vốn đầu sau năm 2020: 910,6 tỷ đồng.

Trong đó:

- Ngân sách địa phương các cấp: 60,6 tỷ đồng;

- Ngân sách Trung ương đầu tư qua các chương trình dự án, vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại: 170 tỷ đồng;

- Vốn nhà đầu tư: 680 tỷ đồng (với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác Công - Tư, ngân sách nhà nước đóng góp không quá 30% theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ).

6. Giải pháp thực hiện

a) Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách liên quan

* Rà soát, ban hành đồng bộ và kiện toàn các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn:

- Khuyến khích về thuế dưới dạng trợ cấp đầu tư cho các cơ sở sản xuất công nghiệp chấp thuận chuyển đổi hoặc áp dụng công nghệ sản xuất sạch, không phát sinh hoặc phát sinh ít chất thải rắn. Khoản trợ cấp này được tính theo tỷ lệ % trên tổng chi phí đầu tư để thay đổi quy trình sản xuất hoặc thay đổi công nghệ sạch với các thiết bị kiểm soát ô nhiễm hiệu suất cao;

- Khuyến khích thành lập các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, các hợp tác xã và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp này trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn dưới nhiều hình thức (do công việc bắt buộc, ít có khả năng sinh lợi và chi phí đầu tư ban đầu rất lớn);

- Khuyến khích tiền lương, trợ cấp phù hợp đối với lực lượng công nhân trực tiếp làm việc trong các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và được xếp ở ngành lao động nặng nhọc, độc hại;

- Khuyến khích phân loại chất thải rắn tại nguồn, thu hồi chất thải rắn phục vụ tái sử dụng, tái chế;

- Song song với những khuyến khích trên, cần có chế tài phù hợp, kiên quyết xử lý các vi phạm môi trường trong hoạt động liên quan đến chất thải rắn cũng như các vi phạm khác ở các lĩnh vực liên quan;

- Chú trọng các giải pháp xã hội hóa để khuyến khích sự tham gia của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp; lồng ghép kết hợp các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình, dự án với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để tạo sức mạnh triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu của đề án.

* Thiết lập cơ sở dữ liệu về chất thải rắn:

- Điều tra, thu thập, phân tích, đánh giá các số liệu về chất thải rắn trên toàn tỉnh;

- Thiết lập và hoàn thiện hệ thống quan trắc về chất thải rắn trong mạng lưới quan trắc môi trường chung toàn tỉnh, đảm bảo cung cấp những thông tin chính xác, có hệ thống cho việc thực thi hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn.

b) Nâng cao nhận thức cộng đồng

* Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức:

- Nâng cao năng lực, trình độ quản lý cho cán bộ địa phương:

+ Tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn cho các cán bộ quản lý môi trường ở các Sở, Ban ngành, các địa phương và tại các cơ sở sản xuất;

+ Tranh thủ các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế cử các cán bộ đi tham quan, học tập, tham gia các hội nghị khoa học nhằm học hỏi kinh nghiệm quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến trên thế giới;

+ Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các doanh nghiệp tham gia quản lý chất thải rắn.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với cộng đồng:

+ Xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư và các cơ sở kinh doanh, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ chất thải rắn bừa bãi;

+ Lồng ghép đưa giáo dục môi trường vào các cấp học với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi;

+ Đưa nội dung quản lý chất thải rắn vào đào tạo, tập huấn quản lý doanh nghiệp, nâng cao nhận thức cho Ban Quản lý tại các khu sản xuất chấp hành các quy định, đăng ký chủ nguồn thải về chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất;

+ Xây dựng các hoạt động thí điểm, các sáng kiến giúp quản lý chất thải rắn tốt hơn, phù hợp với điều kiện của địa phương như mô hình đường phố, khu dân cư xanh - sạch - đẹp;

+ Giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong quản lý, phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình; công tác xử lý thùng, bao bì đựng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu.

- Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học phục vụ công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn:

+ Tiếp tục phát triển và triển khai ứng dụng các nghiên cứu về môi trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về các giải pháp áp dụng quản lý tổng hợp chất thải rắn. Khuyến khích thành lập các bộ phận nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nhằm cải tiến, thiết kế sản phẩm mới thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng. Thúc đẩy sự hợp tác gắn kết, chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu và các doanh nghiệp;

+ Tăng cường nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với điều kiện Việt Nam hướng đến tái sử dụng, tái chế, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp. Tăng cường nghiên cứu cải tiến các công nghệ tái chế chất thải rắn tại các làng nghề, hỗ trợ việc phổ biến, áp dụng để cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe của nhân dân;

+ Thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu về quản lý tổng hợp chất thải rắn và đặc biệt chú trọng tăng cường tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế sản xuất và đời sống;

* Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn:

Tăng cường trao đổi và hợp tác kỹ thuật với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn; đầu tư xây dựng hạ tầng; tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo, nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn.

c) Xây dựng nguồn lực

- Huy động lồng ghép mọi nguồn vốn đầu tư cho công tác quản lý chất thải rắn: ngân sách Nhà nước, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn xã hội hóa, nguồn vốn vay, tài trợ;

- Thành lập quỹ tái chế chất thải rắn nhằm hỗ trợ cho các hoạt động giảm thiểu và tái chế chất thải rắn;

- Trên cơ sở khung thu phí vệ sinh môi trường và khung giá cho các hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của Nhà nước, tỉnh ban hành cụ thể khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh để đảm bảo đủ chi phí vận hành bộ máy thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn và tiến tới thu để hoàn trả lại từng phần vốn đầu tư cho Nhà nước;

- Tích cực vận động đông đảo các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý chất thải rắn và phải có trách nhiệm đóng lệ phí để thu gom và xử lý chất thải rắn;

- Có cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng và sử dụng đất để huy động tiềm lực trong nhân dân, của các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng;

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia quản lý chất thải rắn và áp dụng công nghệ sản xuất sạch, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phát sinh.

Điều 2. Giao UBND tỉnh triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Thường trực HĐND, các Ban HĐND và đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 31 tháng 5 năm 2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 02/2013/NQ-HĐND về quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 02/2013/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 31/05/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Lê Hữu Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản