Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 02/2009/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 21 tháng 4 năm 2009

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HOÁ DẠY NGHỀ TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2009 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 19

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường; Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 cuả Thủ tướng Chính phủ về danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07/6/2005 của Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 868/TTr-UBND ngày 07/4/2009 của UBND tỉnh về việc đề nghị thông qua Đề án phát triển xã hội hoá dạy nghề tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh
,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án của UBND tỉnh về phát triển xã hội hoá dạy nghề tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chính sau:

I. Mục tiêu chung: Huy động các nguồn lực trong xã hội, phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân để cùng với Nhà nước chăm lo sự nghiệp dạy nghề. Khuyến khích các thành phần kinh tế và mọi người dân tham gia phát triển dạy nghề. Tạo điều kiện để mọi người dân có cơ hội học tập suốt đời và được thụ hưởng các thành quả dạy nghề ở mức độ ngày càng cao, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo, người tàn tật, con em đồng bào dân tộc thiểu số, người dân trong diện di dời, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Nâng cao tỷ lệ và chất lượng lao động qua đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp trong tỉnh, Khu kinh tế Dung quất và phục vụ xuất khẩu lao động.

II. Chỉ tiêu cụ thể

1. Chỉ tiêu lao động qua đào tạo nghề

 - Năm 2009 đạt tỷ lệ: 24%;

 - Đến năm 2010 đạt tỷ lệ: 26%;

 - Đến năm 2015 đạt tỷ lệ: 36%;

 - Định hướng đến năm 2020 đạt tỷ lệ: 42 %.

2. Chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển cơ sở dạy nghề

- Cơ sở dạy nghề công lập: Tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực cho các cơ sở dạy nghề hiện có trên cơ sở nguồn ngân sách nhà nước và liên doanh, liên kết, tranh thủ các nguồn lực khác tham gia đầu tư đào tạo nghề. Đến năm 2010, các cơ sở dạy nghề công lập xây dựng đề án hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ công và có ít nhất 30% cơ sở tự chủ hoàn toàn về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính. Giai đoạn 2011 - 2015 có 50% và định hướng đến năm 2020 có 80% cơ sở dạy nghề công lập tự chủ hoàn toàn về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính.

- Xây dựng mới Trung tâm dạy nghề Ba Tơ; các Trung tâm dạy nghề liên cụm miền núi Sơn Hà và Sơn Tây, Trà Bồng và Tây Trà. Đầu tư và bổ sung chức năng dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Minh Long. Giai đoạn 2011- 2015, nâng cấp Trung tâm dạy nghề liên cụm miền núi Sơn Hà và Sơn Tây thành Trường trung cấp nghề nội trú Sơn Hà. Giai đoạn 2015 - 2020 nâng cấp 02 Trung tâm Dạy nghề Trà Bồng và Ba Tơ thành Trường Trung cấp nghề nội trú Trà Bồng và Trường trung cấp nghề nội trú Ba Tơ. Bổ sung chức năng dạy nghề cho Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố.

- Cơ sở dạy nghề ngoài công lập: khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề hoặc tham gia dạy nghề. Phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 08 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, trong đó, năm 2009 đến 2010: có 02 trường trung cấp nghề tư thục; năm 2011 đến 2015: 06 trung tâm dạy nghề tư thục. Định hướng từ năm 2016 đến 2020 có thêm 04 cơ sở dạy nghề tư thục. Khuyến khích các hình thức dạy nghề bên cạnh doanh nghiệp và dạy nghề truyền thống tại các làng nghề trong tỉnh.

4. Về nhiệm vụ và giải pháp

Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Đề án xã hội hóa hoạt động dạy nghề. Riêng giải pháp về cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh trên cơ sở Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ và Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính, trình HĐND tỉnh xem xét quyết định tại kỳ họp giữa năm 2009 để tổ chức thực hiện.

Điều 2. Giao cho UBND tỉnh hoàn chỉnh Đề án và thông qua Thường trực HĐND tỉnh trước khi ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa X, kỳ họp thứ 19 thông qua ngày 17 tháng 4 năm 2009.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toả

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 02/2009/NQ-HĐND về phát triển xã hội hoá dạy nghề tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa X, kỳ họp thứ 19 ban hành

  • Số hiệu: 02/2009/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 21/04/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Minh Toả
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản