Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2012/NQ-HĐND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 3 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN “NĂM AN TOÀN GIAO THÔNG 2012”

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ TƯ

(Ngày 01 tháng 3 năm 2012)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Xét báo cáo số 33/BC -UBND ngày 28 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố; Báo cáo thẩm tra số 42/BC - PC ngày 29 tháng 02 năm 2012 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Hội đồng nhân dân thành phố tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2011 và kế hoạch thực hiện “ Năm An toàn giao thông 2012”.

Hội đồng nhân dân thành phố nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

I. Về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông:

Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa một số công trình giao thông trọng điểm vào sử dụng, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong nhân dân; tăng cường kiểm tra các vi phạm trên lĩnh vực giao thông .

Dù vậy, vẫn còn một số vấn đề tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho tình hình tai nạn giao thông chưa được cải thiện một cách bền vững, còn tăng - giảm thất thường giữa các tháng trong năm. Công tác tuyên truyền pháp luật giao thông còn mang nặng hình thức hơn là tập trung vào chất lượng cũng như đối tượng tuyên truyền; hình thức tuyên truyền còn chưa sinh động; Ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế.

Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm pháp luật về trật tự giao thông chưa nghiêm, chưa quyết liệt và chưa đảm bảo tính thường xuyên, liên tục. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để buôn bán kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra trên nhiều tuyến đường, làm cản trở lưu thông và đi lại của người dân; tụ tập đua xe trái phép, lạng lách đánh võng gây mất trật tự an toàn giao thông, nạn rải đinh, rải vật sắc nhọn trên đường gây tai nạn giao thông chưa được khắc phục triệt để; hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, công tác phân luồng giao thông còn bất cập. Tình hình ngập nước do mưa lớn và triều cường đã làm giảm diện tích giao thông vào thời gian ngập, phát sinh ổ gà, lún sụp gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và mất an toàn giao thông. Chất lượng phục vụ vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt, xe taxi mặc dù đã có nhiều cải thiện để thu hút hành khách nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân thành phố.

II. Mục tiêu, yêu cầu và các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2012

1. Mục tiêu:

1.1. Nâng cao nhận thức của nhân dân và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị toàn xã hội đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và phòng chống ùn tắc giao thông, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình đột phá của thành phố và xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng như các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người tham gia giao thông, phải xem việc giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông là trách nhiệm của chính mình và của toàn xã hội; xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong từng gia đình và cộng đồng.

1.3. Kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, giảm thiểu tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút trên địa bàn thành phố.

1.4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, hội nghề nghiệp để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

2. Yêu cầu:

2.1. Tập trung sức huy động cả hệ thống chính trị toàn xã hội để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong phạm vi mạng lưới giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt) tại địa phương mình phụ trách và trên toàn thành phố.

2.2. Các giải pháp, hành động phải thiết thực, cụ thể, hiệu quả, không phô trương, hình thức.

3. Các chỉ tiêu cơ bản:

3.1. Kéo giảm 10% tai nạn giao thông trên cả 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương.

3.2. Giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút so với năm 2011, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng đua xe trái phép, vi phạm Luật giao thông.

3.3. 100% phường, xã, thị trấn đồng loạt ra quân và triển khai liên tục, có hiệu quả “Năm an toàn giao thông 2012”.

(Hai chỉ tiêu 3.1 và 3.2 trước đây đã được đưa vào Nghị quyết số 33/2011/NQ-HĐND về nhiệm vụ Kinh tế - Xã hội năm 2012 tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII).

III. Nhiệm vụ và các giải pháp chính:

Năm 2012, dự báo tình hình giao thông trên địa bàn thành phố vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, cần phải tập trung để từng bước khắc phục những hạn chế, yếu kém, Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp chính dưới đây:

1 Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, khu phố, tổ dân phố, tới tất cả các tầng lớp nhân dân về pháp luật trật tự an toàn giao thông để nâng cao nhận thức về an toàn khi tham gia giao thông. Xây dựng nếp văn hóa giao thông, hướng tới một xã hội trật tự, kỷ cương và an toàn trong giao thông. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng các doanh nghiệp vận tải, các chủ phương tiện trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh áp dụng biện pháp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được ghi lại bằng hình ảnh. Kịp thời phát hiện và ngăn chặn hữu hiệu tệ nạn tụ tập đua xe trái phép hoặc chạy xe gây rối trật tự công cộng; tệ nạn rải đinh, rải vật sắc nhọn trên đường.

3. Kiên quyết lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè; giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè trên một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn thành phố và hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt. Xóa bỏ cơ bản tình trạng xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn.

4. Huy động các nguồn lực, trong đó tập trung nguồn lực chính từ ngân sách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm.

5. Tổ chức lại giao thông, tăng cường nghiên cứu phân làn giao thông nhằm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu.

6. Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe và kiểm định kỹ thuật phương tiện, nhất là các loại xe chở khách, xe tải và xe container.

7. Quản lý nghiêm ngặt hoạt động vận tải theo quy định của pháp luật; tiếp tục phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của xe buýt, xe taxi.

8. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định Nhà nước về trật tự an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức vi phạm; Thực hiện nghiêm quy chế khen thưởng, kỷ luật, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trước hết là trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Tán thành các kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố:

- Bổ sung trong kế hoạch giao vốn đợt 1 năm 2012 về đầu tư dự án Mở rộng đoạn Quốc lộ 1A từ nút giao thông Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đến ranh tỉnh Long An, dài 7,4km với vốn đầu tư ước tính 180 tỷ đồng.

- Kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép triển khai phương án thu phí đối với các loại phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế tốc độ phát triển quá nhanh.

2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm lập kế hoạch và tổ chức, chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

3. Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố, các Ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cùng các tổ chức thành viên giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của người dân đến các cấp chính quyền, phát huy vai trò đóng góp của nhân sỹ, trí thức, các chức sắc tôn giáo tham gia các giải pháp, biện pháp, sáng kiến về an toàn giao thông, các cơ quan truyền thông, báo chí tích cực tuyên truyền vận động mọi người dân hiểu và thực hiện tốt Nghị quyết này.

5. Hội đồng nhân dân thành phố kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân thành phố nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi “Năm An toàn giao thông 2012”.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 01 tháng 3 năm 2012./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyết Tâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 01/2012/NQ-HĐND về Kế hoạch thực hiện “Năm An toàn giao thông 2012” do Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII, kỳ họp thứ 4 ban hành

  • Số hiệu: 01/2012/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 01/03/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Quyết Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 11/03/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản