Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: Không số 05

Pari, ngày 27 tháng 01 năm 1973

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ

VỀ NGỪNG BẮN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM VÀ VỀ CÁC BAN LIÊN HỢP QUÂN SỰ

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ VÀ CHÍNH PHỦ HOA KỲ 

Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà với sự thoả thuận của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt nam,

Chính phủ Hoa kỳ với sự thoả thuận của Chính phủ Việt nam cộng hòa,

Thực hiện đoạn đầu điều 2, điều 3, điều 5, điều 6, điều 16 và điều 17 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ký vào ngày này, quy định việc ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và việc thành lập các Ban liên hợp quân sự bốn bên và hai bên,

Đã thoả thuận như sau:

VỀ NGỪNG BẮN Ở MIỀN NAM VIỆT NAM

Điều 1

Các Bộ chỉ huy của các bên ở miền Nam Việt Nam phải nhanh chóng và kịp thời ra lệnh cho tất cả các lực lượng vũ trang chính quy, không chính quy và cảnh sát vũ trang dưới quyền mình chấm dứt hoàn toàn chiến sự trên khắp miền Nam Việt nam đúng vào ngày, giờ quy định trong điều 2 của Hiệp định và sẽ bảo đảm tất cả các lực lượng vũ trang và cảnh sát vũ trang đó tuân theo các lệnh trên và tôn trọng ngừng bắn.

Điều 2

a) Bắt đầu từ khi ngừng bắn có hiệu lực cho đến khi có quy định của các Ban liên hợp quân sự, tất cả các lực lượng chiến đấu trên bộ, trên sông, trên biển và trên không của các bên ở miền Nam Việt Nam ở nguyên vị trí của mình; nghĩa là, để bảo đảm ngừng bắn vững chắc, sẽ không có sự bố trí lại lực lượng lớn hoặc không có sự di chuyển nào mở rộng vùng kiểm soát của mỗi bên, hoặc dẫn tới sự tiếp xúc giữa các lực lượng vũ trang đối địch và các hành động xung đột có thể xảy ra.

b) Mọi lực lượng vũ trang chính quy, không chính quy và cảnh sát vũ trang của các bên ở miền Nam Việt Nam phải tuân theo những điều cấm chỉ sau đây:

1. Cấm các cuộc tuần tra vũ trang sang vùng do lực lượng vũ trang đối phương kiểm soát và cấm những chuyến bay của các loại máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, trừ những chuyến bay không vũ trang với mục đích huấn luyện và bảo quản;

2. Cấm tấn công vũ trang vào bất cứ người nào, quân sự hoặc dân sự, bằng bất cứ phương tiện nào kể cả việc sử dụng vũ khí nhỏ, súng cối, đại bác, ném bom, bắn phá bằng máy bay và bất cứ vũ khí hoặc vật có thể nổ khác;

3. Cấm tiến hành mọi cuộc hành quân chiến đấu trên bộ, trên sông, trên biển và trên không;

4. Cấm các hành động đối địch, khủng bố và trả thù;

5. Cấm mọi hành động xâm phạm đến tính mạng và tài sản công và tư.

Điều 3

a) Những điều ngăn cấm nói trên không được cản trở hoặc hạn chế:

1. Việc tiếp tế dân sự, việc tự do đi lại, tự do làm ăn sinh sống, tự do buôn bán của nhân dân và giao thông vận tải dân sự giữa tất cả các vùng ở miền Nam Việt Nam;

2. Mỗi bên trong vùng kiểm soát của mình sử dụng những đơn vị hậu cần như đơn vị công binh và vận tải trong việc sửa chữa và xây dựng những tiện nghi công cộng và việc vận chuyển, tiếp tế cho nhân dân;

3. Mỗi bên trong vùng kiểm soát của mình tiến hành việc huấn luyện quân sự bình thường, khi tiến hành có chú ý tới an toàn công cộng.

b) Các Ban liên hợp quân sự sẽ thoả thuận ngay về các hành lang, các tuyến đường và các quy định khác cho việc di chuyển của các máy bay vận tải quân sự, các loại xe vận tải quân sự và tàu thuyền vận tải quân sự của bên này phải đi qua vùng do các bên kia kiểm soát.

Điều 4

Để tránh xung đột và để bảo đảm sinh hoạt bình thường của các lực lượng vũ trang ở những nơi đang trực tiếp tiếp xúc, và trong khi chờ đợi việc quy định của các Ban liên hợp quân sự, ngay sau khi ngừng bắn có hiệu lực, những người chỉ huy của các lực lượng vũ trang đối diện nhau và đang trực tiếp tiếp xúc ở những nơi đó sẽ gặp nhau để đi tới thoả thuận về các biện pháp tạm thời nhằm tránh xung đột và bảo đảm việc tiếp tế cứu thương cho các lực lượng vũ trang đó.

Điều 5

a) Trong vòng mười lăm ngày kể từ khi ngừng bắn có hiệu lực, mỗi bên phải làm hết sức mình để hoàn thành việc tháo gỡ hoặc làm mất hiệu lực những vật gây huỷ hoại, bãi mìn, cạm bẫy, các vật chướng ngại và các vật nguy hiểm khác đặt từ trước để khỏi làm trở ngại cho sự đi lại làm ăn của nhân dân, trước hết trên các đường thuỷ, đường bộ và đường sắt ở miền Nam Việt Nam. Những mìn không thể tháo gỡ hoặc làm mất hiệu lực trong thời gian đó phải được đánh dấu rõ ràng và phải tiếp tục tháo gỡ hoặc làm mất hiệu lực cho xong càng sớm càng tốt.

b) Cấm đặt mìn, trừ trường hợp phòng thủ sát chung quanh các cơ sơ quân sự, ở những nơi không làm trở ngại cho sự đi lại, làm ăn của nhân dân và sự đi lại trên các đường thuỷ, đường bộ và đường sắt. Có thể để lại những mìn và những vật chướng ngại khác đã đặt từ trước sát chung quanh các cơ sở quân sự, ở những nơi không làm trở ngại cho sự đi lại, làm ăn của nhân dân và sự đi lại trên các đường thuỷ, đường bộ và đường sắt.

Điều 6

Cảnh sát dân sự và nhân viên an ninh dân sự của các bên miền Nam Việt Nam có trách nhiệm duy trì trật tự an ninh, phải triệt để tôn trọng những điều ngăn cấm nêu ở điều 2 của Nghị định thư này. Theo nhu cầu nhiệm vụ, bình thường họ sẽ được phép mang súng ngắn, nhưng khi hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi, thì họ được phép mang vũ khí cá nhân cỡ nhỏ khác.

Điều 7

a) Việc đưa vào thay thế vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh ở miền Nam Việt Nam theo điều 7 của Hiệp định sẽ được tiến hành dưới sự giám sát và kiểm soát của Ban liên hợp quân sự hai bên và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát và chỉ qua những cửa khẩu do hai bên miền Nam Việt Nam chỉ định. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ thoả thuận về các cửa khẩu này trong vòng mười lăm ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực.

Hai bên miền Nam Việt Nam có thể chọn nhiều nhất là sáu cửa khẩu không nằm trong danh sách các địa điểm sẽ có tổ của Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đóng, như nói rõ trong điều 4 (d) trong Nghị định thư về Ủy ban quốc tế. Đồng thời hai bên miền Nam Việt Nam cũng có thể chọn các cửa khẩu trong danh sách các địa điểm nói rõ trong điều 4 (d) của Nghị định thư đó.

b) Những cửa khẩu đã quy định chỉ được dùng cho bên miền Nam Việt Nam nào kiếm soát cửa khẩu đó. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ có một số cửa khẩu ngang nhau.

Điều 8

a) Thực hiện điều 5 của Hiệp định, Hoa kỳ và các nước ngoài khác nói trong điều 5 của Hiệp định sẽ mang đi với họ mọi vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của họ. Sau khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, không được chuyển giao những thứ nói trên nhằm để lại những thứ đó ở miền Nam Việt Nam, trừ trường hợp chuyển giao những dụng cụ thông tin, vận tải và những dụng cụ khác không phải để chiến đấu cho Ban liên hợp quân sự bốn bên hoặc Uỷ ban quốc tế kiểm soát và giám sát.

b) Trong vòng năm ngày sau khi ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, Hoa kỳ sẽ báo cho Ban liên hợp quân sự bốn bên và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát biết những chương trình chung về thời gian biểu cho việc rút hoàn toàn quân đội sẽ được tiến hành làm bốn đợt, mỗi đợt mười lăm ngày. Dự kiến là số quân rút trong các đợt không khác nhau nhiều mặc dầu không thể bảo đảm các số quân đó ngang nhau. Số quân đại thể rút trong mỗi đợt sẽ được báo cho Ban liên hợp quân sự bốn bên và Uỷ ban quốc tế trước một thời gian đủ để cho Ban liên hợp quân sự bốn bên và uỷ ban quốc tế có thể thực hiện một cách thích đáng nhiệm vụ của họ đối với vấn đề này.

Điều 9

a) Thực hiện điều 6 của Hiệp định, Hoa kỳ và các nước ngoài khác nói trong điều này sẽ tháo dỡ và chuyển ra khỏi miền Nam Việt Nam hoặc phá huỷ tất cả những căn cứ quân sự ở miền Nam Việt Nam của Hoa kỳ và của các nước ngoài khác trong điều đó, kể cả những vũ khí, mìn và những thiết bị quân sự khác tại những căn cứ này, để không được dùng vào những mục đích quân sự.

b) Hoa kỳ sẽ cung cấp cho Ban liên hợp quân sự bốn bên và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát những thông báo cần thiết về kế hoạch huỷ bỏ căn cứ để các Ban đó có thể thi hành một cách thích đáng nhiệm vụ của họ đối với những việc đó.

VỀ CÁC BAN LIÊN HỢP QUÂN SỰ

Điều 10

a) Việc thi hành Hiệp định là trách nhiệm của các ban kí kết.

Ban liên hợp quân sự bốn bên có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên trong việc thực hiện Hiệp định bằng cách giữ mối liên lạc giữa các bên, bằng cách đặt những kế hoạch và quy định những thể thức thực hiện, phối hợp, theo dõi và kiểm tra sự thực hiện các điều khoản nói trong điều 16 của Hiệp định và bằng cách thương lượng và giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến việc thi hành những điều khoản đó.

b) Những nhiệm vụ cụ thể của Ban liên hợp quân sự bốn bên là:

1. Phối hợp, theo dõi và kiểm tra bốn bên trong việc thực hiện các điều khoản nói trên của Hiệp định;

2. Ngăn ngừa vi phạm và phát hiện vi phạm, giải quyết các trường hợp vi phạm và các vụ xung đột, tranh chấp giữa các bên về các điều khoản nói trên:

3. Sẽ tuỳ trường hợp cử ngay không trì hoãn một hay nhiều tổ liên hợp đi bất kỳ nơi nào trong phạm vi miền Nam Việt Nam để điều tra những điều cho là vi phạm Hiệp định và giúp các bên tìm biện pháp tránh những trường hợp tương tự xảy ra;

4. Tiến hành quan sát tại những nơi cần thiết để thực hiện chức năng của mình;

5. Thực hiện những nhiệm vụ mà Ban nhất trí quyết định đảm nhiệm thêm.

Điều 11

a) Sẽ có một Ban liên hợp quân sự trung ương đóng tại Sài gòn. Mỗi bên sẽ chỉ định ngay một đoàn đại biểu quân sự gồm năm mươi chín người để đại diện cho mình ở Ban trung ương. Sĩ quan đứng đầu do mỗi bên chỉ định sẽ là một sĩ quan cấp tướng hoặc tương đương.

b) Sẽ có bảy Ban liên hợp quân sự khu vực đóng tại các vùng ghi trong bản đồ kèm theo và đóng ở các địa điểm sau đây:

Khu vực Địa điểm

I Huế

II Đà nẵng

III  Pleiku

IV  Phan thiết

V Biên hoà

VI  Mỹ tho

VII Cần thơ

Mỗi bên sẽ chỉ định một đoàn đại biểu quân sự gồm mười sáu người để đại diện cho mình ở Ban liên hợp quân sự khu vực. Sĩ quan đứng đầu do mỗi bên chỉ định sẽ là một sĩ quan từ cấp trung tá đến đại tá hoặc tương đương.

c) Sẽ có một tổ liên hợp quân sự hoạt động ở mỗi địa phương ghi trong bản đồ kèm theo và đóng tại mỗi địa điểm sau đây ở miền Nam Việt Nam:

Khu vực I Khu vực II

Quảng trị Hội an

Phú bài  Tam kỳ

  Chu lai

Khu vực III Bến cát

Kontum Củ chi

Hậu bồn Tân an

Phù cát

Tuy an Khu vực VI

Ninh hoà Mộc hoá

Ban mê thuột Giồng trôm

Khu vực IV Khu vực VII

Đà lạt Tri tôn

Bảo lộc Vĩnh long

Phan rang Vị thanh

  Khánh hưng

Khu vực V Quản long

An lộc

Xuân lộc

Mỗi bên sẽ cử bốn người có thẩm quyền vào mỗi tổ liên hợp quân sự. Người đứng đầu do mỗi bên chỉ định sẽ là một sĩ quan từ cấp thiếu tá đến trung tá hoặc tương đương.

d) Các Ban liên hợp quân sự khu vực sẽ giúp đỡ Ban liên hợp quân sự trung ương làm nhiệm vụ của Ban và sẽ giám sát những hoạt động của các tổ liên hợp quân sự. Vùng Sài gòn – Gia định do Ban liên hợp quân sự trung ương chịu trách nhiệm và Ban liên hợp quân sự trung ương sẽ chỉ định các tổ liên hợp quân sự để hoạt động trong vùng này.

e) Mỗi bên sẽ được phép cung cấp nhân viên giúp việc và cảnh vệ cho các phái đoàn của mình ở Ban liên hợp quân sự trung ương và ở các Ban liên hợp quân sự khu vực và cho các thành viên của mình ở các tổ liên hợp quân sự. Tổng số nhân viên giúp việc và cảnh vệ của mỗi bên sẽ không quá năm trăm năm mươi người.

f) Ban liên hợp quân sự trung ương có thể lập những tiểu ban liên hợp, nhóm liên hợp và các tổ liên hợp quân sự tuỳ theo hoàn cảnh. Ban trung ương sẽ quyết định số nhân viên cần thiết cho các tiểu ban, các nhóm hoặc các tổ mà Ban lập thêm, mỗi bên sẽ cử một phần tư số nhân viên cần thiết và tổng số nhân viên của Ban liên hợp quân sự bốn bên, bao gồm cả các nhóm, các tổ và nhân viên giúp việc của Ban, sẽ không quá ba nghìn ba trăm người.

g) Các đoàn đại biểu của hai miền Nam Việt Nam có thể thành lập qua sự thoả thuận với nhau những tiểu ban và những tổ liên hợp quân sự lâm thời để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể quy định cho họ theo điều 17 của Hiệp định. Đối với điều 7 của Hiệp định, hai đoàn đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ lập những tổ liên hợp quân sự tại những cửa khẩu vào miền Nam Việt Nam dùng cho việc thay thế vũ khí, đạn dược, dụng cụ chiến tranh quy định theo điều 7 của Nghị định thư này. Từ khi ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực cho đến khi Ban liên hợp quân sự hai bên có thể hoạt động, các đoàn đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ thành lập một tiểu ban và những tổ liên hợp quân sự lâm thời để thực hiện nhiệm vụ đối với những nhân viên dân sự Việt nam bị bắt và giam giữ. Khi cần thiết để làm những việc trên, hai bên miền Nam Việt Nam có thể thoả thuận về việc cử số nhân viên thêm vào số nhân viên đã quy định cho những đoàn đại biểu của hai bên trong Ban liên hợp quân sự bốn bên.

Điều 12

a) Theo điều 17 của Hiệp định quy định hai bên miền Nam Việt Nam cử ngay đại diện để thành lập Ban liên hợp quân sự hai bên, hai mươi bốn giờ sau khi ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, các đoàn đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam được chỉ định vào Ban liên hợp quân sự hai bên sẽ gặp nhau ở Sài gòn để thoả thuận càng sớm càng tốt về tổ chức và hoạt động của Ban liên hợp quân sự hai bên, cũng như các biện pháp và tổ chức nhằm bảo đảm thực hiện ngừng bắn và giữ gìn hoà bình ở miền Nam Việt Nam.

b) Từ khi ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực cho đến khi Ban liên hợp quân sự hai bên có thể hoạt động được, hai đoàn đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam trong Ban liên hợp quân sự bốn bên các cấp sẽ đồng thời làm nhiệm vụ của Ban liên hợp quân sự hai bên các cấp ngoài nhiệm vụ của họ là những đoàn đại biểu trong Ban liên hợp quân sự bốn bên.

c) Nếu đến lúc Ban liên hợp quân sự bốn bên chấm dứt hoạt động theo điều 16 của Hiệp định và chưa đạt được sự thỏa thuận về tổ chức của Ban liên hợp quân sự hai bên thì các đoàn đại biểu của hai bên miền Nam Việt Nam làm việc trong Ban liên hợp quân sự bốn bên ở các cấp sẽ tiếp tục làm việc tạm thời với nhau như là một Ban liên hợp quân sự hai bên lâm thời và làm nhiệm vụ của Ban liên hợp quân sự hai bên ở các cấp cho đến khi Ban liên hợp quân sự hai bến bắt đầu hoạt động được.

Điều 13

Thi hành nguyên tắc nhất trí, các Ban liên hợp quân sự sẽ không có chủ tịch, và các cuộc họp của Ban sẽ được triệu tập theo yêu cầu của bất cứ đại biểu nào. Các Ban liên hợp quân sự sẽ thông qua những thể thức làm việc thích hợp để thi hành chức năng và trách nhiệm của các Ban một cách có hiệu quả.

Điều 14

Các Ban liên hợp quân sự và Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát sẽ hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ lẫn nhau trong khi thi hành nhiệm vụ của mình. Mỗi Ban liên hợp quân sự sẽ thông báo cho Ủy ban quốc tế về việc thi hành những điều khoản trong Hiệp định mà Ban liên hợp quân sự đó có trách nhiệm và thuộc thẩm quyền của Uỷ ban quốc tế. Mỗi Ban liên hợp quân sự có thể yêu cầu Ủy ban quốc tế tiến hành những hoạt động quan sát cụ thể.

Điều 15

Ban liên hợp quân sự trung ương bốn bên bắt đầu hoạt động hai mươi bốn giờ sau khi ngừng bắn có hiệu lực. Các Ban liên hợp quân sự khu vực bắt đầu hoạt động bốn mươi tám giờ sau khi ngừng bắn có hiệu lực. Các tổ liên hợp quân sự đóng tại các địa điểm ghi trong điều 11 (c) của Nghị định thư này sẽ bắt đầu hoạt động chậm nhất là mười lăm ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực. Các đoàn đại biểu của hai bên miền Nam Việt nam sẽ đồng thời bắt đầu làm nhiệm vụ của Ban liên hợp quân sự hai bên như điều 12 của Nghị định thư này quy định.

Điều 16

a) Các bên phải dành mọi sự bảo vệ đầy đủ và mọi sự giúp đỡ và hợp tác cần thiết cho các Ban liên hợp quân sự các cấp trong việc thi hành nhiệm vụ của họ.

b) Các Ban liên hợp quân sự và nhân viên của các Ban này trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ tương đương với quyền dành cho các phái đoàn ngoại giao và nhân viên ngoại giao.

c) Nhân viên của các Ban liên hợp quân sự được mang súng ngắn và mang phù hiệu riêng do mỗi Ban liên hợp quân sự trung ương quy định. Những nhân viên của mỗi bên trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, nhà ở hoặc thiết bị của mình, có thể được phép mang những vũ khí cá nhân cỡ nhỏ khác, theo sự quy định của mỗi Ban liên hợp quân sự trung ương.

Điều 17

a) Đoàn đại biểu của mỗi bên trong Ban liên hợp quân sự bốn bên và Ban liên hợp quân sự hai bên có cơ quan, phương tiện thông tin và hậu cần, phương tiện giao thông riêng của mình, kể cả máy bay khi cần thiết.

b) Mỗi bên trong các vùng kiểm soát của mình sẽ cung cấp trụ sở, nhà ở và những tiện nghi thích hợp cho Ban liên hợp quân sự bốn bên và Ban liên hợp quân sự hai bên các cấp.

c) Các bên sẽ cố gắng cung cấp dưới hình thức cho mượn, cho thuê hoặc tặng cho Ban liên hợp quân sự bốn bên và Ban liên hợp quân sự hai bên những phương tiện hoạt động chung gồm những thiết bị thông tin, tiếp tế và vận tải, kể cả máy bay khi cần thiết. Các Ban liên hợp quân sự có thể mua từ bất cứ nguồn nào những phương tiện, thiết bị cần thiết và thuê người giúp việc cần thiết mà các bên không cung cấp được. Các Ban liên hợp quân sự sẽ sở hữu và sử dụng các phương tiện và thiết bị đó.

d) Những phương tiện và thiết bị chung trên đây sẽ trả lại cho các bên khi các Ban liên hợp quân sự chấm dứt hoạt động.

Điều 18

Những chi phí chung cho Ban liên hợp quân sự bốn bên sẽ do bốn bên chia đều nhau chịu và những chi phí chung cho Ban liên hợp quân sự hai bên miền Nam Việt Nam sẽ do hai bên chia đều nhau chịu.

Điều 19

Nghị định thư của Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam về ngừng bắn ở miền Nam Việt Nam và các Ban liên hợp quân sự sẽ có hiệu lực khi văn kiện này được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa kỳ ký và khi một văn kiện cùng nội dung được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Hoa kỳ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Việt Nam cộng hoà ký. Tất cả các bên có liên quan sẽ thi hành triệt để Nghị định thư này.

Làm tại Pari ngày hai mươi bảy tháng giêng năm một nghìn chín trăm bảy mươi ba, bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh. Bản tiếng Việt Nam và bản tiếng Anh đều là những bản chính thức và có giá trị như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO



Nguyễn Duy Trinh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ HOA KỲ
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




W. RÂU - GIƠ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định thư về ngừng bắn ở Miền nam Việt Nam và về các ban liên hợp quân sự do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Hoa Kỳ ban hành

  • Số hiệu: khongso05
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 27/01/1973
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: 31/03/1973
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 11/02/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản