Hệ thống pháp luật

NGHỊ ĐỊNH THƯ

CỦA BỘ NGOẠI GIAO SỐ 12/LPQT NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 2003 GIỮA VIỆT NAM - MÔN-ĐÔ-VA NGHỊ ĐỊNH THƯ VỀ TRAO ĐỔI Ý KIẾN GIỮA BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ BỘ NGOẠI GIAO NƯỚC CỘNG HOÀ MÔN-ĐÔ-VA CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 28 THÁNG 02 NĂM 2003

Nghị định thư về trao đổi ý kiến giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Môn-Đô-va.

Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Môn-Đô-Va, sau đây gọi tắt là "hai bên",

Nhằm củng cố và phát triển quan hệ đối tác hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc trên các lĩnh vực chính trị- kinh tế - thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hoá, nhân đạo, thông tin, môi trường và các lĩnh vực khác;

Mong muốn thúc đẩy giải quyết trên tinh thần xây dựng và cùng có lợi các vấn đề quan hệ song phương;

Cho rằng việc tham khảo, cũng như trao đổi ý kiến về các mặt quan hệ song phương Việt Nam - Môn-Đô-Va và về các vấn đề hợp tác khu vực và quốc tế là bổ ích.

Đã thảo thuận như sau:

Điều 1. Khi cần thiết, hai Bên sẽ tiến hành tham khảo, trao đổi ý kiến ở cấp Bộ trưởng và Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, về phối hợp hành động trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế và với các nước thứ ba.

Theo thoả thuận chung, hai Bên có thể thành lập các nhóm công tác và các nhóm chuyên viên để nghiên cứu sâu các vấn đề cụ thể cùng quan tâm.

Điều 2. Tại các cuộc gặp, hai Bên sẽ xem xét các kết quả sơ bộ, hoặc kết quả cuối cùng trong việc thi hành các thoả thuận đã ký kết giữa hai Bên và đề xuất với Chính phủ nước mình những biện pháp tối ưu triển khai các hiệp định đó, kiến nghị gia hạn các hiệp định hoặc ký kết các hiệp định song phương mới.

Điều 3. Hai Bên có thể trao đổi ý kiến và phối hợp để có lập trường chung hoặc thống nhất tại các tổ chức và diễn đàn thế giới và khu vực.

Điều 4. Hai Bên sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng sự phối hợp toàn diện giữa hai Bộ Ngoại giao, giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại, giữa các cơ quan đại diện khác, cũng như giữa các phái đoàn của nhau ở nước được uỷ nhiệm, ở các nước thứ ba và các tổ chức quốc tế, giới thiệu kinh nghiệm cho nhau thông qua việc trao đổi đoàn và các thực tập sinh; tổ chức hội thao và cùng tiến hành nghiên cứu; thiết lập các hình ứhc liên hệ trực tiếp khác.

Điều 5. Theo sự thảo thuận của hai Bên, Nghị định thư này có thể được sửa đổi, bổ sung bằng văn bản và sẽ là bộ phận không thể tách rời của Nghị định thư.

Điều 6. Nghị định thư này có hiệu lực kể từ ngày ký và có giá trị 5 năm, sau đó được mặc nhiên gia hạn từng 5 năm một trừ khi một Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia về ý định chấm dứt hiệu lực 6 tháng trước khi Nghị định thư hết hạn.

Làm tại Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2003, thành hai bản bằng tiếng Việt, cả ban văn bản có giá trị như nhau.

Trường hợp có sự khác nhau trong việc giải thích và vận dụng các điều khoản của Nghị định thư này, văn bản tiếng Nga sẽ được dùng để đối chiếu.

Duda ép

(Đã ký)

Nguyễn Đình Bin

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định thư số 12/LPQT về việc trao đổi ý kiến giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà Môn-Đô-Va

  • Số hiệu: 12/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 28/02/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Môn-Đô-Va, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Duda ép, Nguyễn Đình Bin
  • Ngày công báo: 02/09/2003
  • Số công báo: Số 141
  • Ngày hiệu lực: 28/02/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản