Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 91/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm, hình thức và mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng là những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về hàng không dân dụng do các tổ chức, cá nhân thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm:

a) Vi phạm quy định về tàu bay;

b) Vi phạm quy định về cảng hàng không, sân bay;

c) Vi phạm quy định về nhân viên hàng không;

d) Vi phạm quy định về hoạt động bay;

đ) Vi phạm quy định về hoạt động vận chuyển hàng không và hàng không chung;

e) Vi phạm quy định về an ninh hàng không.

3. Các hành vi vi phạm hành chính tại cảng hàng không, sân bay về an ninh trật tự, gây mất vệ sinh hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường, phòng cháy, chữa cháy, quảng cáo bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tư, an toàn xã hội, bảo vệ môi trưởng, y tế và văn hoá.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có liên quan.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh).

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính

1. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng phải do người có thẩm quyền quy định tại các Điều 13, 14, 15 và khoản 1 Điều 16 Nghị định này thực hiện.

3. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh.

4. Không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xảy ra trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.

Điều 4. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính

1. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Khi phạt tiền, mức phạt cụ thể đối với một hành khách vi phạm hành chính là mức phạt trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi vi phạm đó. Trường hợp có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không đ­ược giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt. Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể đ­ược tăng lên nhưng không đư­ợc vư­ợt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3. Ngoài các hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng còn có thể bị áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;

d) Buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại;

đ) Bị từ chối vận chuyển có thời hạn hoặc không có thời hạn.

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng là một năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.

2. Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm về giá, phí, lệ phí hàng không, xây dựng công trình và lắp đặt trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động hàng không dân dụng hoặc ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng là hai năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

3. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thì bị xử phạt vi phạm hành chính; trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người đã ra quyết định đình chỉ phải gửi quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt; trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là ba tháng, kể từ ngày người có thẩm quyền xử phạt nhận được quyết định đình chỉ và hồ sơ vụ vi phạm.

4. Trong thời hạn đ­ược quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này mà cá nhân, tổ chức lại thực hiện hành vi vi phạm mới trong lĩnh vực hàng không dân dụng hoặc cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng đư­ợc tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

Điều 6. Thời hạn được coi là chưa bị xử phạt

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, nếu quá một năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Chương 2:

HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG

Điều 7. Vi phạm các quy định về tàu bay

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy trình về chuẩn bị chuyến bay, làm thủ tục chuyến bay ngoài quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

b) Vô ý làm hư hỏng tàu bay, động cơ, cánh quạt của tàu bay hoặc trang bị, thiết bị của tàu bay;

c) Lấy trộm đồ vật, tài sản trên tàu bay.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Thực hiện chuyến bay trên lãnh thổ Việt Nam không có đủ thành viên tổ bay phù hợp với pháp luật của quốc gia đăng ký quốc tịch tàu bay hoặc quốc gia người khai thác tàu bay;

b) Khai thác tàu bay không theo quy định về giới hạn tiếng ồn tàu bay và khí thải động cơ tàu bay.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ, cánh quạt của tàu bay và trang bị, thiết bị trên tàu bay không theo quy định của giấy phép đã được cấp;

b) Bảo dưỡng tàu bay không theo quy định;

c) Không thực hiện đúng quy trình chuẩn bị chuyến bay, làm thủ tục chuyến bay gây uy hiếp an toàn bay;

d) Không mang đầy đủ giấy tờ, tài liệu theo tàu bay theo quy định.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của giấy phép, giấy chứng nhận đã cấp cho người khai thác tàu bay, tàu bay, động cơ và cánh quạt của tàu bay;

b) Nhập khẩu tàu bay không theo quy định về tuổi;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của giấy phép đối với thiết bị vô tuyến điện được lắp đặt trên tàu bay;

d) Cung cấp dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ, cánh quạt của tàu bay và trang bị, thiết bị trên tàu bay mà không có giấy phép;

đ) Sử dụng tàu bay theo hợp đồng thuê, cho thuê tàu bay mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận;

e) Sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu vào Việt Nam tàu bay, động cơ và cánh quạt của tàu bay không phù hợp với Giấy chứng nhận loại tàu bay tương ứng do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc công nhận;

g) Không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba hoặc mua không đến giới hạn trách nhiệm quy định.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Sử dụng tàu bay, động cơ và cánh quạt của tàu bay yêu cầu có giấy phép, giấy chứng nhận mà không có giấy phép, giấy chứng nhận đó;

b) Sơn hoặc gắn dấu hiệu quốc tịch, dấu hiệu đăng ký tàu bay không đúng quy định;

c) Cố ý làm hư hỏng tàu bay, động cơ, cánh quạt của tàu bay hoặc trang bị, thiết bị của tàu bay;

d) Xuất khẩu, nhập khẩu tàu bay, động cơ, cánh quạt và phụ tùng của tàu bay không bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không;

đ) Sử dụng tàu bay, động cơ, cánh quạt và phụ tùng của tàu bay nhập khẩu làm đồ dùng học tập hoặc phục vụ hoạt động phi hàng không vào hoạt động hàng không dân dụng;

e) Chỉ định thành viên tổ bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay mà không có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận phù hợp còn giá trị.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận, giấy phép đến 6 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm a, c Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 5 Điều này.

7. Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 4 và điểm c, d khoản 5 của Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về cảng hàng không, sân bay

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Vô ý làm hư hỏng trang bị, thiết bị hàng không tại nhà ga, khu bay;

b) Làm hỏng trang bị, thiết bị hàng không tại khu vực hạn chế khác của cảng hàng không, sân bay.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay mà không có hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cảng hàng không, trừ dịch vụ bảo đảm hoạt động bay;

b) Cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không, sân bay không theo quy định ngoài quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;

c) Đặt các vật thu hút chim và động vật hoang dã tụ tập trong khu vực cảng hàng không, sân bay.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về bảo đảm an ninh, an toàn hàng không khi kinh doanh tại cảng hàng không, sân bay;

b) Không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền các số liệu về kế hoạch và kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, dài hạn và các số liệu thống kê về khai thác cảng hàng không, sân bay theo quy định;

c) Nuôi, thả chim, gia súc, gia cầm trong khu vực cảng hàng không, sân bay;

d) Điều khiển, vận hành phương tiện, trang bị, thiết bị trong cảng hàng không, sân bay không theo quy định.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đăng ký cảng hàng không, sân bay;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Giấy phép cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay đã được cấp;

c) Gây hư hại, làm biến dạng, di chuyển vật đánh dấu, vật ngăn cách, vật ghi tín hiệu, vật bảo vệ tại cảng hàng không, sân bay;

d) Làm hư hại các ký hiệu, thiết bị nhận biết cảng hàng không, sân bay;

đ) Cố ý làm hư hỏng trang bị, thiết bị hàng không tại nhà ga, khu bay;

e) Đưa vào khai thác tại cảng hàng không, sân bay các phương tiện mặt đất không đáp ứng điều kiện kỹ thuật;

g) Treo biển quảng cáo, dán tranh áp phích, cổ động trong khu vực cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng;

h) Bố trí không đủ hoặc bố trí nhân viên làm việc tại các vị trí yêu cầu phải có giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn mà không có giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay;

b) Khai thác cảng hàng không, sân bay không bảo đảm điều kiện theo quy định;

c) Khai thác và cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay không có Giấy phép kinh doanh cảng hàng không hoặc Giấy phép cung cấp dịch vụ hàng không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

d) Sử dụng đất đai tại cảng hàng không, sân bay không theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;

đ) Lắp đặt, sử dụng trong khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay các loại đèn, ký hiệu, tín hiệu hoặc các vật thể ảnh hưởng đến việc tàu bay cất cánh, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay hoặc việc nhận biết tại cảng hàng không, sân bay;

e) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình hoặc lắp đặt các trang bị, thiết bị ngoài quy định tại điểm d khoản 6 Điều này có khả năng ảnh hưởng đến an toàn bay, hoạt động của các trang bị, thiết bị tại cảng hàng không, sân bay mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

g) Thả diều, vật thể bay trong cảng hàng không, sân bay.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Xây dựng cảng hàng không, sân bay hoặc các hạng mục công trình trong cảng hàng không, sân bay không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt;

b) Khai thác cảng hàng không, sân bay không có Giấy chứng nhận khai thác cảng hàng không, sân bay do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Giấy phép xây dựng cảng hàng không, sân bay;

d) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình hoặc lắp đặt các trang bị, thiết bị trong cảng hàng không, sân bay mà không được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng cảng hàng không, sân bay không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

8. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận, giấy phép đến 6 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, d khoản 3, điểm b khoản 4, điểm a, b khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, điểm c khoản 2, điểm d, đ, e khoản 4 và điểm đ, e, g khoản 5 Điều này.

9. Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, b khoản 1, điểm c, d, đ, g khoản 4, điểm đ, e khoản 5, điểm a, d khoản 6 và khoản 7 Điều này.

Điều 9. Vi phạm quy định về nhân viên hàng không

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với nhân viên hàng không, trừ thành viên tổ lái, không mang theo giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khoẻ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ của nhân viên hàng không theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 8, điểm a khoản 3, điểm a, đ, g, h khoản 4, điểm b, c khoản 5 Điều 10 và điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Thành viên tổ lái không mang theo giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khoẻ khi làm nhiệm vụ;

b) Không có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về sức khoẻ còn giá trị do cơ quan có thẩm quyền cấp khi thực hiện nhiệm vụ;

c) Giả mạo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của giấy phép cấp cho cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân viên hàng không;

b) Sử dụng nhân viên hàng không mà không ký hợp đồng lao động bằng văn bản.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức đào tạo, huấn luyện cho nhân viên hàng không mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ chuyên môn đến 6 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và điểm a khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 Điều này.

Điều 10. Vi phạm các quy định về hoạt động bay

1. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thông báo kịp thời với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu việc tàu bay không thể bay đúng hành trình, đường hàng không, khu vực bay, điểm vào, điểm ra hoặc không thể hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay được chỉ định trong phép bay vì lý do khách quan hoặc xuất hiện các tình huống phải hạ cánh khẩn cấp và các tình huống cấp thiết khác;

b) Không thông báo kịp thời cho các cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn khi nhận được tín hiệu, thông báo hoặc tin tức về tàu bay đang trong tình trạng lâm nguy, lâm nạn;

c) Không bảo vệ tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn, các thiết bị, các vật trên tàu bay bị sự cố hoặc tai nạn để phục vụ công tác điều tra;

d) Thả diều, các vật thể bay ngoài cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến an toàn hoạt động bay;

đ) Không báo cáo kịp thời cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu thích hợp hoặc không trợ giúp theo khả năng khi phát hiện người, phương tiện giao thông hoặc tài sản khác bị nạn ở ngoài tàu bay;

e) Vô ý làm hư hỏng các trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay;

g) Không giao nộp chứng cứ về sự cố tai nạn của tàu bay cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Sơn, kẻ, lắp đèn cảnh báo chướng ngại vật không đúng quy định;

b) Làm sai lệch thông tin, làm hư hỏng thiết bị kiểm tra và các bằng chứng khác liên quan đến sự cố hoặc tai nạn tàu bay;

c) Không thông báo cho cơ quan cấp phép bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu khi không thực hiện nhiệm vụ chuyến bay, kế hoạch bay;

d) Cố ý che giấu hoặc không thông báo về sự cố, tai nạn tàu bay;

đ) Bố trí không đủ hoặc bố trí nhân viên làm việc tại các vị trí yêu cầu phải có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn mà không có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp;

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện theo quy định của phép bay đã được cấp ngoài điểm h khoản 4, điểm c khoản 5 Điều này;

b) Bay trên khu vực đông dân không đúng độ cao quy định;

c) Xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị kỹ thuật vi phạm giới hạn chướng ngại vật hàng không ngoài cảng hàng không, sân bay;

d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo quy định của giấy phép cấp cho cơ sở và hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay đã được cấp;

đ) Khai thác, vận hành, bảo dưỡng, hiệu chuẩn hệ thống kỹ thuật, thiết bị bảo đảm hoạt động bay không đúng quy định;

e) Cố ý làm hư hỏng các trang bị, thiết bị bảo đảm hoạt động bay;

g) Gây nhiễu, chiếm dụng, khai thác trùng lắp các tần số vô tuyến điện dành riêng cho hoạt động hàng không dân dụng;

h) Sử dụng đài, trạm thông tin liên lạc hoặc thiết bị khác gây cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đài, trạm vô tuyến điện hàng không.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Điều khiển tàu bay vi phạm quy tắc bay, phương thức bay;

b) Xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hoá hoặc các đồ vật khác từ tàu bay xuống không theo quy định;

c) Cất cánh từ các cảng hàng không, sân bay khi chưa có lệnh hoặc thực hiện không đúng lệnh của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu;

d) Thực hiện chuyến bay thao diễn, luyện tập trên khu vực đông dân mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Cung cấp các thông tin không trung thực hoặc có những hành vi lừa dối khi xin phép bay;

e) Vi phạm quy định về chụp ảnh, thăm dò địa chất, quay phim từ trên không, thao diễn, luyện tập, thử nghiệm, sử dụng phương tiện liên lạc vô tuyến điện ngoài thiết bị của tàu bay;

g) Vi phạm quy định về liên lạc, điều hành, kiểm soát đối với tàu bay đang bay;

h) Bay không đúng hành trình, đường hàng không, khu vực bay, điểm vào, điểm ra được phép;

i) Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và hệ thống kỹ thuật, thiết bị không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Thực hiện chuyến bay mà không có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp;

b) Bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay hoặc khu vực nguy hiểm khi không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc vi phạm quy định về quản lý khu vực cấp bay, khu vực hạn chế bay, khu vực nguy hiểm;

c) Hạ cánh ở những nơi không được phép.

6. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tước quyền sử dụng giấy phép đến 6 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm a, d, đ khoản 3 và điểm a, g khoản 4 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1, điểm e, g, h khoản 3 và điểm e khoản 4 Điều này.

7. Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1, điểm b khoản 2, điểm c, e, g khoản 3, điểm b khoản 4 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về hoạt động vận chuyển hàng không

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không báo cáo hoặc cung cấp số liệu thống kê vận chuyển hàng không cho cơ quan có thẩm quyền;

b) Các hãng hàng không Việt Nam thực hiện hợp tác liên quan đến quyền vận chuyển hàng không mà không được phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Thực hiện hoạt động đại lý bán vé cho các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chỉ định đại lý bán vé do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc không thực hiện đúng quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp;

d) Hãng hàng không nước ngoài mở Văn phòng đại diện hoặc văn phòng bán vé tại Việt Nam mà không có Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé hoặc không thực hiện đúng quy định của giấy phép đã được cấp;

đ) Không đăng ký điều lệ vận chuyển hàng không với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Hoạt động hàng không chung không vì mục đích thương mại mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hàng không chung do cơ quan có thẩm quyền;

b) Không thực hiện quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không;

c) Không thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cảng hàng không, sân bay;

d) Không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ hàng không chung với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Kinh doanh vận chuyển hàng không khi chưa được cấp quyền vận chuyển hoặc vi phạm quy định về điều kiện của quyền vận chuyển hàng không đã được cấp; mua, bán, chuyển nhượng quyền vận chuyển hàng không;

b) Kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hoá mà không có Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp hoặc không thực hiện đúng quy định của Giấy chứng nhận đã được cấp;

c) Không thực hiện quy định về áp dụng giá cước vận chuyển hàng không;

d) Không thực hiện nguyên tắc về kinh doanh hệ thống đặt giữ chỗ bằng máy tính;

đ) Không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho hành khách, hành lý, hàng hoà hoặc không đến giới hạn trách nhiệm theo quy định.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc Giấy phép kinh doanh hàng không chung đã được cấp;

b) Vận chuyển hành lý không đi cùng hành khách, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 149 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Vận chuyển hàng nguy hiểm không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc công nhận;

b) Vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư mà không có Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hoặc thực hiện hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại mà không có giấy phép kinh doanh hàng không chung;

c) Vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh, chất thải hạt nhân mà không được phép của người có thẩm quyền.

6. Hình thức xử phạt bổ sung

Tước quyền sử dụng giấy phép đến 6 tháng đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm c, d khoản 1, điểm b khoản 2, điểm a, b khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này.

7. Buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm quy định điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về an ninh hàng không

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Sử dụng thẻ kiểm soát an ninh, thẻ nhận dạng không đúng mục đích và phạm vi ghi trên thẻ;

b) Không tuân theo sự chỉ dẫn của nhân viên an ninh hàng không khi ở trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay.

2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Vào khu vực hạn chế, lên tàu bay mà không qua kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không;

b) Vi phạm trật tự, kỷ luật trong tàu bay, không tuân theo sự hướng dẫn của thành viên tổ bay khi tàu bay đang bay;

c) Hành hung hoặc đe doạ cán bộ, công chức, nhân viên hàng không đang thực hiện nhiệm vụ tại cảng hàng không, sân bay và các khu vực hạn chế khác;

d) Hành hung hoặc đe doạ hành khách;

đ) Sử dụng ma tuý, hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc những nơi có khả năng gây uy hiếp an toàn tàu bay;

e) Vào khu vực cách ly, lên tàu bay bằng vé, thẻ lên tàu bay của người khác;

g) Thuê, mượn thẻ nhận dạng, thẻ kiểm soát an ninh vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Đưa người, hành lý, hàng hoá, bưu phẩm, bưu kiện, thư và các đồ vật khác chưa qua kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay;

b) Bố trí không đủ hoặc bố trí không đúng nhân viên có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp thực hiện công việc yêu cầu phải có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn;

c) Cho thuê, cho mượn, giả mạo thẻ nhận dạng, thẻ kiểm soát an ninh hàng không để vào khu vực hạn chế;

d) Hành hung hoặc đe doạ thành viên tổ bay.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xâm nhập trái phép vào cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Xâm nhập trái phép vào tàu bay;

b) Đưa hàng nguy hiểm khác ngoài quy định tại điểm a khoản 6 Điều này lên tàu bay và các khu vục hạn chế trái quy định;

c) Cung cấp các thông tin sai có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hàng không dân dụng.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:

a) Đưa vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ lên tàu bay và các khu vực hạn chế trái quy định;

b) Cung cấp thông tin sai có thể gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay.

7. Hình thức xử phạt bổ sung

a) Tước thẻ kiểm soát an ninh hàng không đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, điểm b khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm c, d, đ, e, g khoản 2, điểm c, d khoản 3, khoản 4, điểm a, b khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Bị từ chối vận chuyển có thời hạn hoặc không có thời hạn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều này;

b) Buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4, điểm a, b khoản 5, điểm a khoản 6 Điều này.

Chương 3:

THẨM QUYỀN XỬ PHẠT

Điều 13. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại các Điều 28, 29 và Điều 30 của Pháp lệnh xảy ra trong phạm vi quản lý ở địa phương mình liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng.

Điều 14. Thẩm quyền xử phạt của Thanh tra viên hàng không, Chánh Thanh tra hàng không, Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải

1. Thanh tra viên hàng không dân dụng đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;

d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

2. Chánh Thanh tra hàng không có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận, thẻ kiểm soát an ninh hàng không;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận, thẻ kiểm soát an ninh hàng không;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

Điều 15. Thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Cảng vụ hàng không

1. Phạt cảnh cáo.

2. Phạt tiền đến 10.000.000 đồng.

3. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận, thẻ kiểm soát an ninh hàng không thuộc thẩm quyền.

4. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

5. Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Điều 16. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không thuộc lĩnh vực mình quản lý. Trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

2. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thi việc xử phạt do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

3. Trong trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt, thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt, thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;

c) Nếu các hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Điều 17. Ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 14 và Điều 15 Nghị định này có thể ủy quyền cho cấp phó của mình. Việc uỷ quyền thực hiện theo quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh và Điều 14 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh.

Chương 4:

THỦ TỤC XỬ PHẠT

Điều 18. Thủ tục áp dụng hình thức xử phạt chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, người có thẩm quyền xử phạt phải ra lệnh đình chỉ ngay hành vi vi phạm.

2. Trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ theo thủ tục đơn giản quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh.

3. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền trên 100.000 đồng thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải lập biên bản về vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 của Pháp lệnh; nếu người lập biên bản không đủ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì phải gửi biên bản và hồ sơ liên quan đến người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt.

4. Thời hạn ra quyết định xử phạt là mười ngày, kể từ ngày lập biên bản về vi phạm hành chính; đối với vụ vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt là ba mươi ngày. Trong trường hợp xét cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo Thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá ba mươi ngày. Quá thời hạn nói trên, người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt; trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì vẫn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

5. Khi quyết định xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền chỉ ra một quyết định xử phạt trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm; nếu các hình thức xử phạt là phạt tiền thì cộng lại thành mức phạt chung.

6. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày ký, trừ trường hợp trong quyết định có quy định cụ thể ngày có hiệu lực. Quyết định có hiệu lực phải gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử phạt và cơ quan thu tiền phạt trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.

7. Tổ chức, cá nhân bị phạt tiền phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

8. Mẫu biên bản xử phạt vi phạm hành chính và mẫu quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 19. Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn, thẻ

kiểm soát an ninh hàng không

Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ chuyên môn, thẻ kiểm soát an ninh hàng không thực hiện theo quy định tại Điều 59 của Pháp lệnh và Điều 11 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 20. Thủ tục tịch thu và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

1. Thủ tục tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng thực hiện theo quy định tại Điều 60 của Pháp lệnh và Điều 12 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

2. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng phải tuân theo quy định tại Điều 61 của Pháp lệnh và Điều 32, Điều 33, Điều 34 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 21. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hoặc đối với trường hợp đã ra quyết định xử phạt, nếu sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải huỷ quyết định xử phạt và chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo quy định tại Điều 62 của Pháp lệnh.

Điều 22. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân bị xử phạt từ 500.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 của Pháp lệnh.

Điều 23. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính mà không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quy định tại khoản 1 Điều 66 của Pháp lệnh.

2. Thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 Điều 66 của Pháp lệnh và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

3. Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng của mình và của cấp dưới.

4. Chánh Thanh tra hàng không quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng của mình, của cấp dưới và của Giám đốc Cảng vụ hàng không.

Điều 24. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Chương 5:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KHỞI KIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 25. Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại về quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 118 của Pháp lệnh và Luật Khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian chờ kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vẫn phải thi hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp buộc tháo dỡ công trình xây dựng.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 118 của Pháp lệnh và Luật Khiếu nại, tố cáo.

3. Thẩm quyền, thời hạn, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

4. Việc khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Điều 26. Xử lý vi phạm

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng nếu lạm dụng quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử phạt hoặc xử phạt không kịp thời, không đúng mức, xử phạt vượt quá thẩm quyền thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại cho nhà nước, công dân, tổ chức thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính các quy định trong Nghị định này nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ để trì hoãn, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát hoặc xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Nghị định số 01/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2001 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 91/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng

  • Số hiệu: 91/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/06/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 29/06/2007
  • Số công báo: Từ số 422 đến số 423
  • Ngày hiệu lực: 14/07/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 20/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản