Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 90/2001/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ TRỢ GIÚP PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là một nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước,

Nhà nước khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tính chủ động sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực, mở rộng các mối liên kết với các loại hình doanh nghiệp khác, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi theo pháp luật hiện hành. Nghị định này quy định thêm các chính sách trợ giúp và tổ chức xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Điều 3. Định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người.

Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội cụ thể của ngành, địa phương, trong quá trình thực hiện các biện pháp, chương trình trợ giúp có thể linh hoạt áp dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu vốn và lao động hoặc một trong hai chỉ tiêu nói trên.

Điều 4. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:

Các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

Các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước;

Các hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

Các hộ kinh doanh cá thể đăng ký theo Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2000 của Chính phủ về Đăng ký kinh doanh.

Điều 5. Chương trình trợ giúp

Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước (gọi tắt là Chương trình trợ giúp) là chương trình mục tiêu dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, căn cứ vào định hướng ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, phát triển các ngành và các địa bàn cần khuyến khích. Chương trình trợ giúp này được bố trí trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm do Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Chương trình trợ giúp gồm: mục tiêu, đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể theo ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động, nội dung trợ giúp, nguồn lực, kế hoạch và biện pháp về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện. Chú trọng ưu tiên chương trình trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa do doanh nhân nữ quản lý.

Chương 2:

CÁC CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP

Điều 6. Khuyến khích đầu tư

1. Chính phủ trợ giúp đầu tư thông qua biện pháp về tài chính, tín dụng, áp dụng trong một thời gian nhất định đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào một số ngành nghề, bao gồm ngành nghề truyền thống và tại các địa bàn cần khuyến khích.

2. Chính phủ khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp và thể nhân góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 7. Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa để bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi không đủ tài sản thế chấp, cầm cố, vay vốn của các tổ chức tín dụng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng đề án tổ chức và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 8. Mặt bằng sản xuất

Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt bằng sản xuất phù hợp; chỉ đạo dành quỹ đất và thực hiện các chính sách khuyến khích để xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có mặt bằng xây dựng tập trung cơ sở sản xuất hoặc di dời từ nội thành, nội thị ra, bảo đảm cảnh quan môi trường.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc thuê đất, chuyển nhượng, thế chấp và các quyền khác về sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Thị trường và tăng khả năng cạnh tranh

1. Các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các thông tin về thị trường, giá cả hàng hoá, trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

2. Các địa phương trợ giúp việc trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm có tiềm năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, để tạo điều kiện mở rộng thị trường.

3. Chính phủ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng hàng hoá và dịch vụ theo kế hoạch mua sắm bằng nguồn ngân sách nhà nước; các Bộ, ngành và địa phương có kế hoạch ưu tiên đặt hàng và các đơn hàng theo hạn ngạch phân bổ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất hàng hoá và dịch vụ bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu.

4. Chính phủ khuyến khích phát triển hình thức thầu phụ công nghiệp, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp khác về hợp tác sản xuất sản phẩm, sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng, nhận thầu xây dựng..., nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Thông qua các chương trình trợ giúp, Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, trang thiết bị, máy móc, phát triển sản phẩm mới, hiện đại hoá quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Điều 10. Về xúc tiến xuất khẩu

1. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết hợp tác với nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ. Thông qua chương trình trợ giúp xúc tiến xuất khẩu, trợ giúp một phần chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khảo sát, học tập, trao đổi hợp tác và tham dự hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường ở nước ngoài. Chi phí trợ giúp được bố trí trong Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.

2. Các Bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các chương trình xuất khẩu của Nhà nước.

Điều 11. Về thông tin, tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực

1. Chính phủ, các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân địa phương cung cấp các thông tin cần thiết qua các ấn phẩm và qua mạng in-tơ-nét cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa) phối hợp với các cơ quan liên quan và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Chính phủ trợ giúp kinh phí để tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chương trình trợ giúp đào tạo. Kinh phí trợ giúp về đào tạo được bố trí từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo.

3. Chính phủ khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc cung cấp thông tin, tư vấn và đào tạo nguồn nhân lực.

4. Chính phủ khuyến khích việc thành lập các "vườn ươm doanh nghiệp nhỏ và vừa" để hướng dẫn, đào tạo doanh nhân trong bước đầu thành lập doanh nghiệp.

Chương 3:

TỔ CHỨC XÚC TIẾN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Điều 12. Thành lập Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thành lập Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 13. Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau:

1. Giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư định hướng công tác xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa: xây dựng hoặc tham gia xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình cấp có thẩm quyền ban hành; tổng hợp xây dựng các chương trình trợ giúp, lập danh mục các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa cụ thể theo ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn hoạt động, nội dung trợ giúp; điều phối, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các chương trình trợ giúp sau khi được duyệt.

2. Tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ các tổ chức trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kỹ năng tác nghiệp trong việc xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Thực hiện hợp tác quốc tế về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua cân đối nguồn lực và kêu gọi nguồn vốn từ bên ngoài để trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để cung cấp các thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xúc tiến trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tư vấn kỹ thuật và tiếp cận công nghệ, trang thiết bị mới, hướng dẫn, đào tạo vận hành quản lý kỹ thuật và quản lý doanh nghiệp.

6. Định kỳ sáu tháng một lần, tổng hợp báo cáo về sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa và các vấn đề cần giải quyết để Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

7. Làm nhiệm vụ thư ký thường trực của Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

8. Thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao.

Điều 14. Cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Biên chế và kinh phí hoạt động của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định sau khi thoả thuận với Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính trên tinh thần sử dụng nhân sự trong quá trình sắp xếp tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí bộ máy của Cục gọn nhẹ, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh hoạt động xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tình hình mới.

2. Kinh phí hoạt động của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 15. Thành lập Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Thành lập Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa làm nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thành viên của Hội đồng hoạt động kiêm nhiệm. Thủ tướng Chính phủ quyết định chức năng, nhiệm vụ và thành viên Hội đồng theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng.

2. Thành phần của Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:

Chủ tịch Hội đồng Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thư ký thường trực của Hội đồng: Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thương mại, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp.

Đại diện ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Trung ương Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, một số hiệp hội doanh nghiệp.

Một số chuyên gia thuộc các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ và đào tạo.

3. Quy chế làm việc của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định.

4. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được tổng hợp trong kinh phí của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 16. Thành lập Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp nhỏ và vừa (thuộc Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.

Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật doanh nghiệp nhỏ và vừa là đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng tư vấn cho Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và là đầu mối tư vấn về công nghệ và kỹ thuật, cải tiến trang thiết bị, hướng dẫn quản lý kỹ thuật và bảo dưỡng trang thiết bị, tạo điều kiện tiếp cận công nghệ trang thiết bị mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập đề án tổ chức và ban hành Quy chế hoạt động của các trung tâm này, sau khi thoả thuận với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các cơ quan liên quan.

Điều 17. Xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Định hướng công tác xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng hoặc tham gia xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương. Tổng hợp xây dựng các chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; điều phối, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện các chương trình trợ giúp sau khi được duyệt.

Định kỳ sáu tháng một lần, tổng hợp báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp về sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các vấn đề cần giải quyết.

Phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức liên quan thực hiện việc xúc tiến phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương theo quy định hiện hành.

Điều 18. Các tổ chức trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Chính phủ khuyến khích việc thành lập và củng cố các tổ chức trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhằm thực hiện các chương trình trợ giúp một cách thiết thực và có hiệu quả.

2. Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các hiệp hội doanh nghiệp đã có và thành lập các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, nhằm triển khai các hoạt động kể cả thu hút các nguồn lực từ nước ngoài để trợ giúp một cách thiết thực, trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dịch vụ về thông tin, tiếp thị mở rộng thị trường, đào tạo, công nghệ..., nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân địa phương có trách nhiệm thường xuyên gặp gỡ, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong sản xuất kinh doanh với doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức lấy ý kiến tham gia của hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Các hiệp hội và câu lạc bộ doanh nghiệp tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ, ngành các cơ quan liên quan triển khai các công việc tiếp theo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và những vấn đề mới nảy sinh cần xử lý.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

  • Số hiệu: 90/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/11/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 20/08/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản