Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9-CP | Hà Nội, ngày 04 tháng 2 năm 1993 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ luật tổ chức chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH :
Tổng công ty Dầu khí Việt nam là một tổ chức kinh tế của nhà nước, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo nguyên tắc hạch toán kinh tế toàn ngành, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Ngân hành Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và tài khoản ở nước ngoài khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội và các chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Khi cần thiết được mở thêm các Chi nhánh, các đại diện tại các địa phương trong nước và ngoài nước theo quy định của Chính phủ.
Tổng công ty Dầu khí có các nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ sau đây:
1. Kiến nghị với Nhà nước những chính sách, chế độ, luật pháp về dầu khí; xây dựng hoặc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách, chế độ và chế độ và các văn bản pháp quy khác thuộc chuyên ngành dầu khí; tổ chức hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó đối với các đơn vị thành viên.
2. Trình Thủ tướng quyết định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Dầu khí, kế hoạch dài hạn, trung hạn, kế hoạch hàng năm và các dự án đầu tư lớn để phát triển hoạt động dầu khí; giao kế hoạch cho các đơn vị thành viên; chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đó.
3. Trình Thủ tướng quyết định các chủ trương hợp tác liên doanh với nước ngoài và việc chọn nhà thầu chính; tổ chức sản xuất kinh doanh hoặc liên doanh với các tổ chức dầu khí nước ngoài trong thăm dò, khai thác, chế biến, kinh doanh dầu khí. Tổng Công ty dầu khí hoặc đơn vị thành viên của mình là đại diện bên Việt Nam thực hiện các phương án đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí.
4. Thực hiện các dịch vụ dầu khí và làm đầu mối dịch vụ cho các Công ty nhà thầu, các tổ chức liên doanh dầu khí trong và ngoài nước.
5. Tổ chức sản xuất hoặc lên doanh sản xuất các vật tư, thiết bị dùng trong công nghiệp dầu khí; tổ chức xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị dầu khí, dầu thô, khí thiên nhiên và các sản phẩm dầu khí.
6. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, bảo vệ môi trường và tài nguyên dầu khí trong các hoạt động dầu khí, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế tiên tiến của nền công nghiệp dầu khí thế giới vào sản xuất kinh doanh của tổng công ty.
7. Xây dựng trình thủ tướng phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật dầu khí có đủ trình độ đáp ứng nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh dầu khí; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch ấy. Tổ chức và chỉ đạo việc xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, nghiệp vụ, định mức lao động, đơn giá tiền lương trong toàn ngành theo quy định của Nhà nước.
8. Được quan hệ trực tiếp với các bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan Nhà nước ở trung ương và các địa phương để thực hiện nhiệm vụ của mình.
9. Được mời các đoàn khách nước ngoài vào và quyết định cử các đoàn và cá nhân ra nước ngoài công tác, học tập, tham quan khảo sát, Tổng Giám đốc và các phó Tổng Giám đốc khi ra nước ngoài phải xin phép Thủ tướng.
10. Trên cơ sở phương hướng, chủ trương và các hình thức hợp tác với nước ngoài do chính phủ duyệt, tổng công ty được tham gia liên doanh, liên kết với nước ngoài trong hoạt động dầu khí; ký kết hợp đồng với các nhà thầu và thực hiện các hợp đồng đã ký.
11. Trong phạm vi nhiệm vụ được giao, Tổng Công ty dầu khí được quyền chủ động sản xuất kinh doanh, được lập quỹ tập trung để chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, chi cho công tác quản lý, phúc lợi khen thưởng trong Tổng Công ty, đồng thời phải tôn trọng luật pháp và thực hiện các nghĩa vụ nộp ngân sách, nộp thuế và các khoản phải nộp khác (bao gồm cả lãi kinh doanh, tiền xem tài liệu, tiền hoa hồng của các nhà thầu) theo quy định của Nhà nước.
12. Thanh tra, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác, kế hoạch sản xuất kinh doanh, việc thi hành chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các chế độ bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, bảo mật, phòng chống cháy.
13. Quản lý và chịu trách nhiệm cuối cùng trước Nhà nước về hiệu quả sử dụng tài nguyên dầu khí, vốn và tài sản (gồm tài sản cố định, vốn lưu động, các loại vốn và quỹ khác) của tất cả các đơn vị thành viên và cơ quan tổng công ty.
Thực hiện hạch toán kinh tế toàn Tổng Công ty; chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thành viên thực hiện công tác hạch toán, kế toán, thống kê theo đúng pháp luật của Nhà nước.
Điều 3. - Cơ cấu tổ chức của Tổng Công ty gồm:
a) Các Phòng, Ban chuyên môn là bộ máy tham mưu giúp việc Tổng giám đốc, do Tổng Giám đốc quyết định thành lập và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo.
b) Các đơn vị sự nghiệp nghiên cứu đào tạo, do Tổng giám đốc quyết định thành lập và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về phương án tổ chức.
c) Các đơn vị sản xuất kinh doanh là những đơn vị trực thuộc Tổng công ty, chịu sự điều hành thống nhất của Tổng Giám đốc Công ty; có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu và được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước; thực hiện chế độ hạch toán theo Pháp lệnh Kế toán thống kê và theo quy chế hạch toán đối với Tổng công ty và và các đơn vị thuộc Tổng công ty do Tổng giám đốc Tổng Công ty đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài Chính quy định.
Thủ tục thành lập, giải thể các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của nhà nước.
Tổng giám đốc Tổng Công ty có nghĩa vụ chấp hành mọi quy định của Nhà nước, mọi quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Các Phó Tổng giám đốc giúp Tổng giám đốc điều hành công việc theo sự phân công của Tổng giám đốc. Khi Tổng giám đốc vắng mặt thì một Phó Tổng Giám đốc được uỷ quyền điều hành công việc thay Tổng giám đốc.
Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng, trưởng ban - Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ.
Điều 5. - Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế cho các văn bản sau:
- Nghị định số 250-HĐBT ngày 6-7-1990 về thành lập Tổng Công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam.
- Quyết định số 125-HĐBT ngày 14-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng đặt tổng Công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam trực thuộc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Nghị định 9-CP năm 1993 về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam
- Số hiệu: 9-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 04/02/1993
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra