Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87-HĐBT

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1985

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 87-HĐBT NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 1985 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ BẢO VỆ ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN LIÊN LẠC

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 3-CP ngày 9-2-1981 của Hội đồng Chính Phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng và chức năng của Bộ trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Nghị định này Điều lệ bảo vệ đường dây thông tin liên lạc.

Điều 2.- Điều lệ này có hiệu lực từ ngảy ban hành. Những quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Điều lệ này trong tất cả các ngành, địa phương và cơ sở.

Điều 4.- Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

ĐIỀU LỆ
BẢO VỆ ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN LIÊN LẠC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 87-HĐBT ngày 27-3-1985 của Hội đồng Bộ trưởng).

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Đường dây thông tin liên lạc (dưới đây gọi tắt là đường dây thông tin) bao gồm các tuyến dây trần, dây bọc, dây cáp và các loại thiết bị vật liệu trên đường dây thuộc mạng lưới thông tin của ngành bưu điện, thông tin quân sự, thông tin dùng riêng của một số ngành là tài sản xã hội chủ nghĩa thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước độc quyền quản lý, khai thác và sử dụng để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tình cảm của nhân dân.

Không ai được xâm phạm hoặc sử dụng đường dây thông tin vào mục đích khác. Mọi hành vi xâm phạm đến đường dây thông tin đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo pháp luật.

Điều 2.- Bảo vệ đường dây thông tin là nhiệm vụ của toàn dân và các lực lượng vũ trang. Uỷ ban nhân dân các cấp là cơ quan chịu trách nhiệm chính về công tác bảo vệ các tuyến đường dây thông tin đi qua địa phương mình.

Bộ Nội vụ, Tổng cục Bưu điện với chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp và các ngành trong công tác bảo vệ đường dây thông tin.

Chương 2:

NHIỆM VỤ CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN

Điều 3.- Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ:

1. Chỉ đạo, đôn đốc các ngành có liên quan ở địa phương và Uỷ ban nhân dân cấp dưới giáo dục, tuyên truyền, phổ biến, sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh thiếu niên, học sinh và mọi tầng lớp nhân dân trong địa phương hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của đường dây thông tin, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này để mọi người cùng tham gia bảo vệ.

2. Tổ chức việc phân công, phân cấp cụ thể cho Uỷ ban nhân dân huyện, xã và cấp tương đương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường dây thông tin đi qua địa phương mình và đôn đốc kiểm tra thực hiện nhiệm vụ ấy.

Điều 4.- Tổng cục Bưu điện có nhiệm vụ:

1. Cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương thực hiện việc phân công, phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp dưới về nhiệm vụ và nội dung bảo về đường dây thông tin.

2. Chỉ đạo các cơ sở trong ngành Bưu điện kiện toàn tổ chức lực lượng bảo dưỡng đường dây thông tin, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra lực lượng này làm tròn nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền điạ phương, với công an, quân đội và các ngành khác tổ chức công tác tuần tra canh gác bảo vệ đường dây thông tin, hướng dẫn nghiệp vụ thông tin cho các ngành, các cấp để cùng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ. Khi đường dây bị xâm phạm, có trách nhiệm xử lý nối thông tin liên lạc, đồng thời báo cáo công an địa phương để nhanh chóng xác định nguyên nhân, truy tìm thủ phạm, kịp thời xử lý theo pháp luật.

Điều 5.- Bộ Nội vụ có nhiệm vụ:

1. Cùng với Tổng cục Bưu điện hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các cấp đẩy mạnh phong trào bảo vệ đường dây thông tin kết hợp với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Chỉ đạo cơ quan công an các địa phương:

a) Đề xuất với cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp có kế hoạch củng cố, tổ chức lực lượng bảo vệ đường dây thông tin trong địa phương, huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cho các ngành, các cấp, triển khai công tác tuần tra canh gác bảo vệ đường dây thông tin.

b) Quản lý chặt chẽ, có biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các loại đối tượng hình sự, các ổ chứa chấp, tiêu thụ, mua bán trái phép những loại dây, cáp và các thiết bị vật liệu khác thuộc đường dây thông tin.

c) Đối với các vụ xâm phạm đường dây thông tin, phải nhanh chóng điều tra làm rõ từng vụ, tìm thủ phạm, có kết luận rõ ràng và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Điều 6.- Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ:

1. Kiện toàn lực lượng bảo dưỡng các tuyến đường dây thông tin quân sự. Chỉ đạo các quân khu, quân đoàn, Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc, các cơ quan quân sự địa phương có kế hoạch tuần tra, canh gác, bảo vệ những địa bàn xung yếu có các tuyến đường dây thông tin quan trọng.

2. Phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Uỷ ban nhân dân các cấp, ngành công an, bưu điện và các ngành có đường dây thông tin dùng riêng để bảo vệ các tuyến đường dây thông tin.

Điều 7.- Các ngành có mạng lưới thông tin dùng riêng có nhiệm vụ bảo dưỡng tốt các tuyến đường dây của ngành mình đồng thời phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các cấp, ngành công an, bưu điện và quân đội trong công tác bảo vệ chung.

Điều 8.- Bộ Giáo dục phối hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có kế hoạch hướng dẫn các trường học tiến hành giáo dục học sinh về ý thức bảo vệ đường dây thông tin, động viên học sinh giúp đỡ cơ quan Nhà nước điều tra, phát hiện những kẻ phá hoại, xâm phạm đường dây, đồng thời có kế hoạch đưa vào chương trình giảng dạy nội dung bảo vệ đường dây thông tin, trong phần pháp luật bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

Chương 3:

NHỮNG QUY ĐỊNH ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN ĐƯỜNG DÂY THÔNG TIN

Điều 9.- Các cơ quan, tập thể và tư nhân khi khảo sát thiết kế, xây dụng các công trình kiến trúc, giao thông, thuỷ lợi, điện lực, truyền thanh và những công trình khác phải thực hiện đúng các quy chế kỹ thuật hiện hành về an toàn đường dây thông tin.

Khi cần dịch chuyển đường dây thông tin để xây dựng các công trình mới, cơ quan xây dựng công trình mới phải bàn bạc thống nhất với cơ quan có đường dây về kế hoạch và thời gian chuyển dịch. Mọi phí tổn dùng trong chuyển dịch cơ quan xây dựng công trình mới phải đài thọ.

Điều 10.- Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm an toàn đường dây thông tin như:

1. Cắt phá, làm hư hại, lấy trộm, mua bán, tàng trữ, sử dụng vào sản xuất kinh doanh trái phép các loại dây dẫn, dây chằng, cột, xà, sứ, ụ cột, dây cáp thông tin, nắp bể cáp, hộp cầu chì thu lôi, bảng đấu dây và các thiết bị vật liệu khác thuộc đường dây thông tin.

2. Buộc chập đường dây và sợi cáp thông tin.

3. Nghe trộm, thu trộm tin tức trên đường dây thông tin.

4. Các hành vi khác xâm phạm đến an toàn đường dây thông tin.

Điều 11.- Cấm mọi hành vi làm ảnh hưởng đến đường dây thông tin như:

1. Đào hố, đào mương, chôn cột, làm hỏng cột, cống bể cáp và các công trình, vật liệu thuộc đường dây thông tin.

2. Buộc súc vật, thuyền bè vào cột đường dây làm xiêu đổ cột.

3. Bắn súng, ném đá, móc kéo đường dây, cột, xà, sứ.

4. Không có nhiệm vụ mà trèo lên cột hoặc mở nắp cống, bể cáp thông tin.

5. Tàu, thuyền bè qua lại trên sông, biển, xe cộ, súc vật đi lại trên đường bộ làm đứt dây, đổ cột, hỏng cáp.

6. Đổ chất bẩn, chất thải, hoá chất xuống cống rãnh cáp thông tin.

7. Trồng cây cao để cành, lá cây chạm quyệt vào đường dây thông tin.

8. Cơ quan, xí nghiệp, đơn vị, tập thể, cá nhân lợi dụng đường dây, cống rãnh cáp thông tin để kéo móc đường dây điện lực truyền thanh hoặc làm các việc khác.

9. Các hành vi khác làm ảnh hưởng đến đường dây thông tin.

Chương 4:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 12.- Cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể có thành tích trong công tác bảo vệ đường dây thông tin sẽ được khen thưởng theo chế độ khen thưởng chung của Nhà nước.

Điều 13.- Mọi hành vi xâm phạm an toàn đường dây thông tin sẽ tuỳ theo mức độ, tính chất, và tác hại của hành vi xâm phạm mà bị xử lý bằng các biện pháp kỷ luật hành chính, thu hồi tang vật, bắt bồi thường thiệt hại hoặc bị xử lý về hình sự.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 87-HĐBT năm 1985 về Điều lệ bảo vệ đường dây thông tin liên lạc do Hội Đồng Bộ Trưởng ban hành

  • Số hiệu: 87-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/03/1985
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 27/03/1985
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản