Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-CP

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ TÀI VỤ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA, GIÁO DỤC, Y TẾ, XÃ HỘI

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 08 tháng 7 năm 1960,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ quản lý tài vụ sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội kèm theo Nghị định này, nhằm:

- Tăng cường công tác quản lý tài chính và đề cao kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô, tiêu ít tiền mà làm được nhiều việc và làm tốt.

- Phát huy tác dụng tích cực của việc quản lý tài vụ đối với việc quản lý công tác sự nghiệp.

- Xác định nhiệm vụ, chức trách của ngành sự nghiệp văn xã, của thủ trưởng, của cán bộ tài vụ, kế toán, xác định nhiệm vụ, chức trách của cơ quan tài chính trong việc quản lý tài vụ sự nghiệp văn xã.

Điều 2. - Ủy ban hành chính khu tự trị căn cứ điều lệ này mà quy định chi tiết thi hành cho thích hợp với hoàn cảnh của khu tự trị.

Những quy định chi tiết thi hành của Ủy ban hành chính các khu tự trị phải được Bộ Tài chính thỏa thuận trước khi ban hành.

Điều 3. - Điều lệ này thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1961.

Điều 4. - Tất cả những quy định về quản lý tài vụ sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội đã ban hành trước đây đều bãi bỏ.

Điều 5. - Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

QUẢN LÝ TÀI VỤ SỰ NGHIỆP VĂN HÓA, GIÁO DỤC, Y TẾ, XÃ HỘI
(Gọi tắt là Điều lệ quản lý tài vụ sự nghiệp văn xã)

Chương 1:

TÍNH CHẤT, NỘI DUNG CÁC KHOẢN THU, CHI SỰ NGHIỆP VĂN XÃ

Điều 1. – Chi tiêu sự nghiệp văn xã là loại chi để đảm bảo yêu cầu của Nhà nước về:

- Đào tạo cán bộ,

- Nghiên cứu khoa học,

- Giáo dục chính trị và nâng cao trình độ giác ngộ của nhân dân,

- Nâng cao kiến thức văn hóa, khoa học của nhân dân,

- Bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân,

- Nâng cao sinh hoạt văn hóa của nhân dân,

- Tăng thêm phúc lợi cho nhân dân.

Chi tiêu sự nghiệp văn xã gồm cả phần chi về bộ máy hành chính của các đơn vị sự nghiệp văn xã.

Điều 2. – Các khoản thu sự nghiệp văn xã, một phần do nhân dân đóng góp (học phí, viện phí, v.v…) một phần do hoạt động của các ngành sự nghiệp văn xã đem lại (tiền bán vé xem biểu diễn văn nghệ, dự các cuộc thi đấu thể dục thể thao v.v…) tạo thêm điều kiện để Nhà nước mở mang sự nghiệp văn xã nhằm thỏa mãn không ngừng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI VỤ SỰ NGHIỆP VĂN XÃ

Điều 3. - Quản lý tài vụ sự nghiệp văn xã không thể tách rời việc quản lý công tác sự nghiệp văn xã và phải nhằm động viên các ngành sự nghiệp văn xã ra sức tiết kiệm chi, tăng thu đúng chính sách, để mở rộng phạm vi phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ của các sự nghiệp văn xã.

Điều 4. - Quản lý tài vụ sự nghiệp văn xã ở mỗi cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, mỗi đơn vị sự nghiệp văn xã chủ yếu là nhiệm vụ của cơ quan quản lý sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp ấy, trước hết là nhiệm vụ của thủ trưởng.

Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có nhiệm vụ lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trong việc quản lý tài vụ và trong việc quản lý công tác sự nghiệp văn xã.

Điều 5. - Cơ quan Tài chính các cấp có nhiệm vụ:

- Phục vụ Đảng và Chính phủ trong việc lãnh đạo quản lý tài vụ sự nghiệp văn xã, trong việc xét duyệt dự toán thu, chi theo dõi việc chấp hành dự toán thu, chi của các ngành sự nghiệp văn xã.

- Nghiên cứu cải tiến các thể lệ, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu và biện pháp quản lý nhằm đưa công tác quản lý ngày càng vào nền nếp.

Điều 6. - Đối với cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, Nhà nước giao khoản dự toán thu, chi cả năm và, trong phạm vi dự toán thu, chi cả năm đã được duyệt, cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có những quyền hạn và nhiệm vụ dưới đây:

1. Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có quyền:

- Điều hòa, phân phối dự toán giữa các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và báo cho cơ quan Tài chính để biết theo dõi;

- Sắp xếp mọi công việc chi tiêu của mình và của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.

Đồng thời, cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, khối lượng công tác, các chủ trương công tác đã được duyệt, chấp hành đúng các thể lệ, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu.

2. Nếu vì tiết kiệm chi, tăng thu đúng chính sách mà còn thừa kinh phí thì cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã được dùng số kinh phí còn thừa để mở mang thêm sự nghiệp và báo cho cơ quan Tài chính biết để theo dõi. Nhưng, nếu chủ trương mở mang thêm sự nghiệp thuộc loại do chính quyền cung cấp hay cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã cấp trên xét duyệt, thì cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã phải thỉnh trị trước khi quyết định chi tiêu.

Nếu vì không tiết kiệm chi, không chú ý thu, mà cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã thiếu kinh phí, thì Nhà nước không cấp thêm kinh phí.

3. Nếu không làm hết việc, thì cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã không được chi hết kinh phí.

Nếu phải thực hiện một công tác mới theo chỉ thị của cơ quan có thẩm quyền, hay xảy ra những trường hợp bất thường như bão lụt, cháy nhà, v.v… thì trước hết cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã phải điều chỉnh trong phạm vi dự toán chi cả năm đã được duyệt để có kinh phí chi tiêu; nếu không điều chỉnh được, thì mới đề nghị cấp thêm kinh phí.

4. Căn cứ vào những nguyên tắc trên đây, cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có thể giao khoản dự toán thu, chi cả năm cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc và quy định quyền hạn, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp ấy.

Điều 7. - Đối với cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã, Nhà nước áp dụng một trong hai hình thức quản lý sau đây, tùy theo tính chất của mỗi sự nghiệp:

- Hình thức quản lý theo lối cấp phát kinh phí, để áp dụng đối với những cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã không có nguồn thu hay nguồn thu chưa ổn định.

Theo hình thức này, thì Nhà nước quản lý toàn bộ số thu và toàn bộ số chi, toàn bộ số chi do Ngân sách cấp và toàn bộ số thu nộp vào Ngân sách; cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã phải có dự toán và quyết toán toàn bộ số thu, chi.

- Hình thức lấy thu bù chi và Nhà nước cấp số chênh lệch, để áp dụng đối với những cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã có nguồn thu thường xuyên và vững chắc.

Theo hình thức này, thì sau khi dự toán thu, chi cả năm đã được duyệt, Nhà nước chỉ cấp số chênh lệch giữa thu, chi, và cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã được dùng số thu để chi, phải quyết toán toàn bộ số thu, chi; nếu khối lượng công tác giảm bớt hay tăng thêm, thì phải xét định lại dự toán thu, chi và số cấp phát chênh lệch.

Dù áp dụng hình thức quản lý theo lối cấp phát kinh phí hay hình thức quản lý theo lối lấy thu bù chi và Nhà nước cấp phát số chênh lệch, thì cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã đều có những quyền hạn và nhiệm vụ như quy định ở điều 6.

Điều 8. - Các chế độ thu, chi sự nghiệp văn xã do các Bộ quản lý sự nghiệp văn xã, nghiên cứu và đề nghị Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hay cơ quan được Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm ban hành.

Chi tiêu sự nghiệp văn xã phải căn cứ vào tiêu chuẩn định mức, nhằm đảm bảo nhu cầu hợp lý của sự nghiệp, đồng thời tiết kiệm chi.

Các tiêu chuẩn định mức chi tiêu do các Bộ quản lý sự nghiệp văn xã quy định sau khi thỏa thuận với Bộ Tài chính, hay do Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh quy định theo đề nghị của cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã và của cơ quan Tài chính có thẩm quyền.

Chương 3:

LẬP VÀ CHẤP HÀNH DỰ TOÁN THU, CHI CẢ NĂM VÀ KẾ HOẠCH THU, CHI QUÝ

1. Lập dự toán thu, chi cả năm:

Điều 9. - Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã và đơn vị sự nghiệp văn xã phải lập dự toán thu, chi cả năm.

Dự toán thu cả năm phải căn cứ vào các chế độ thu do Nhà nước ban hành, phải ra sức phát huy khả năng thu.

Dự toán chi cả năm phải căn cứ vào:

- Phương châm, đường lối, chính sách chung của Đảng và Chính phủ.

- Các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, khối lượng công tác, các chủ trương công tác đã được duyệt.

- Các chế độ, định mức, tiêu chuẩn chi tiêu sự nghiệp văn xã.

- Đối với những khoản chi tiêu sự nghiệp văn xã chưa có chế độ, tiêu chuẩn, thì tính theo nhu cầu thực tế, với tinh thần hết sức tiết kiệm.

Dự toán chi cả năm phải phản ảnh đầy đủ và chính xác các việc cần làm, dự trù đủ mọi khoản chi, không bỏ sót khoản nào, tính toán chặt chẽ và tiết kiệm, ít tiền mà làm được nhiều việc.

Dự toán chi phải nêu được khối lượng công tác sự nghiệp và cơ sở tính toán cho từng công tác.

Điều 10. - Thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã phải trực tiếp lãnh đạo việc lập dự toán thu, chi cả năm; phải thông qua từng khoản thu, chi nhằm đảm bảo các yêu cầu nói ở điều 9.

Điều 11. - Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có nhiệm vụ nghiên cứu dự toán thu, chi cả năm của các đơn vị sự nghiệp văn xã trực thuộc, tổng hợp với phần thu chi sự nghiệp văn xã của chính cơ quan mình, rồi gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp, kèm theo một bản giải thích cụ thể, theo đúng thời hạn về lập ngân sách Nhà nước.

Các mẫu bảng và mục lục dự toán thu, chi cả năm do Bộ Tài chính quy định.

Điều 12. - Cơ quan Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu dự toán thu, chi cả năm của các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã căn cứ vào những quy định ở điều 9, rồi tổng hợp trình cấp trên kèm theo nhận xét của mình (Bộ Tài chính trình Hội đồng Chính phủ; Sở, Ty Tài chính trình Ủy ban hành chính cùng cấp).

2. Lập kế hoạch thu, chi quý:

Điều 13. - Dựa vào dự toán thu, chi cả năm đã được duyệt, cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã phải lập kế hoạch thu, chi quý, có phân chia từng tháng…

Kế hoạch thu, chi quý phải căn cứ vào dự toán thu, chi cả năm đã được duyệt vào chương trình, kế hoạch công tác trong quý, về thu phải tích cực hơn, về chi phải chặt chẽ hơn dự toán cả năm.

Các mẫu bảng và mục lục kế hoạch thu, chi quý do Bộ Tài chính quy định.

Điều 14. - Thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã phải trực tiếp lãnh đạo việc lập kế hoạch thu, chi quý và phải trực tiếp thông qua từng khoản thu, chi cũng như đối với dự toán thu, chi cả năm, nhằm đảm bảo yêu cầu nói ở điều 13.

Điều 15. – Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch thu, chi quý của các đơn vị sự nghiệp văn xã trực thuộc, tổng hợp với phần thu, chi sự nghiệp văn xã của chính cơ quan mình, rồi gửi cho cơ quan Tài chính cùng cấp kèm theo một bản giải thích cụ thể, trước ngày 15 của tháng cuối cùng của quý trước.

Điều 16. - Cơ quan Tài chính có nhiệm vụ nghiên cứu và quyết định kế hoạch thu, chi quý của các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã cùng cấp, rồi thông báo cho cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã biết, chậm nhất là 15 ngày sau khi nhận được kế hoạch thu, chi quý do cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã gửi tới.

Nếu cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có chỗ không nhất trí với quyết định của cơ quan tài chính, thì báo cáo cấp trên xét và quyết định (ở trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ở địa phương thì báo cáo Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh).

3. Chấp hành dự toán thu, chi cả năm và kế hoạch thu, chi quý:

Điều 17. - Dựa vào kế hoạch chi quý do cơ quan Tài chính quyết định, cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã phân phối kế hoạch chi cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, và Ngân hàng Nhà nước cấp dần tiền cho đơn vị sự nghiệp văn xã chi tiêu, để đảm bảo yêu cầu công tác của các đơn vị sự nghiệp văn xã, đồng thời đảm bảo yêu cầu của việc quản lý tiền mặt.

Thủ tục về cấp phát kinh phí do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quy định.

Cơ quan Tài chính có nhiệm vụ đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi của cơ quan quản lý sự nghiệp, và thông qua việc thực hiện kế hoạch thu, chi, giám đốc hoạt động của ngành sự nghiệp, giúp đỡ và thúc đẩy sự nghiệp phát triển.

Cơ quan quản lý sự nghiệp có nhiệm vụ đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thu, chi kết hợp chặt chẽ với việc đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của đơn vị sự nghiệp, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch thu, chi đúng với việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, đảm bảo chấp hành các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu.

Điều 18. - Thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã phải trực tiếp lãnh đạo việc chấp hành dự toán thu, chi cả năm và kế hoạch thu, chi quý đã được duyệt; phải hết sức tiết kiệm chi tiêu; phải tôn trọng kỷ luật tài chính và kỷ luật quản lý tiền mặt; phải nghiêm chỉnh chấp hành chế độ kế toán và nắm vững tình hình sử dụng kinh phí.

Trước khi quyết định một khoản chi, thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã cần bàn với bộ phận tài vụ, kế toán nhằm chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật tài chính, và cần coi trọng ý kiến của bộ phận tài vụ, kế toán.

Điều 19. - Thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã, nếu ra lệnh chi không đúng thể lệ, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu, thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, có thể phải hoàn lại công quỹ số tiền đã chi sai, và có thể bị thi hành kỷ luật hành chính.

Ở trung ương, việc hoàn lại công quỹ số tiền đã chi sai, việc thi hành kỷ luật hành chính đối với thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã do Bộ Tài chính đề nghị và Thủ tướng Chính phủ quyết định; ở địa phương thì do Sở, Ty Tài chính đề nghị và Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh quyết định.

Điều 20. - Bộ phận tài vụ, kế toán có nhiệm vụ phục vụ thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã trong việc lập và chấp hành dự toán thu, chi cả năm và kế hoạch thu, chi quý, trong việc chấp hành các thể lệ, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu.

Trưởng phòng tài vụ, kế toán và kế toán viên được phép từ chối không chi những khoản không đúng thể lệ, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu.

Trường hợp thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã ra lệnh chi không đúng thể lệ, chế độ, tiêu chuẩn chi tiêu, nhưng trưởng phòng tài vụ, kế toán và kế toán viên cứ xuất quỹ để chi, thì trưởng phòng tài vụ, kế toán và kế toán viên phải cùng chịu trách nhiệm với thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã theo như quy định ở điều thứ 19.

Trường hợp trưởng phòng tài vụ, kế toán và kế toán viên đã kiên quyết từ chối không chi vì không đúng thể lệ, chế độ tiêu chuẩn chi tiêu, nhưng thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã vẫn cứ quyết định chi, thì thủ trưởng phải có lệnh chi viết. Trưởng phòng tài vụ, kế toán và kế toán viên phải chấp hành lệnh chi ấy, nhưng có quyền ghi ý kiến của mình vào lệnh chi, phải kèm lệnh chi vào phiếu xuất quỹ và chứng từ chi tiêu để tiện cho việc kiểm tra của cơ quan tài chính. Trong trường hợp này, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã phải báo cáo ngay cho cơ quan tài chính cùng cấp.

Điều 21. - Thủ quỹ hoặc bất cứ nhân viên nào đánh mất tiền công, vì thiếu ý thức bảo vệ công quỹ, thì phải đền.

Mỗi lần xảy ra mất quỹ, thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã phải cho điều tra, xác minh ngay nguyên nhân và quy trách nhiệm.

Chi tiết thi hành điều này do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu và đề nghị Hội đồng Chính phủ quy định.

Điều 22. - Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã có nhiệm vụ:

- Hàng tháng, hàng quý, báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi.

- Hàng năm, lập quyết toán thu, chi gửi cơ quan tài chính.

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi và báo cáo quyết toán phải phân tích tình hình thực hiện dự toán thu, chi đối chiếu với tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch công tác sự nghiệp, đối chiếu với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu, nhằm rút kinh nghiệm để tăng cường công tác quản lý tài chính, tăng cường kỷ luật tài chính.

Quyết toán phải kịp thời, chính xác và trung thực.

Điều 23. - Cơ quan tài chính không được duyệt quyết toán những khoản chi không đúng nguyên tắc chi tiêu.

Điều 24. - Thủ tục lập, thời hạn mà các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã phải gửi báo cáo và quyết toán, thời hạn mà cơ quan tài chính phải duyệt xong quyết toán của các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, phải theo đúng những quy định về ngân sách Nhà nước.

Nếu đến thời hạn quy định, cơ quan tài chính không nhận được báo cáo và quyết toán thì, sau khi báo cho thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã ít nhất một tuần lễ và trình Thủ tướng Chính phủ (đối với cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã ở trung ương) hay Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh (đối với cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã ở địa phương) cơ quan tài chính có thể tạm hoãn cấp kinh phí (trừ khoản chi về lương) cho đến khi nhận được báo cáo hay quyết toán.

Chương 4:

QUẢN LÝ TÀI SẢN

Điều 25. – Quản lý tài sản là một bộ phận trong nhiệm vụ quản lý tài vụ sự nghiệp văn xã.

Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã, chịu trách nhiệm về việc quản lý tài sản thuộc cơ quan hoặc đơn vị mình, nhằm:

- Đảm bảo việc sử dụng tài sản được hợp lý với công suất nhiều nhất, và việc bảo quản tài sản được thật tốt.

- Nắm tình hình tài sản về mặt số lượng, chất lượng, trị giá để có kế hoạch mua sắm, điều hòa, sử dụng, phân phối.

Mọi việc mua sắm tài sản đều phải dự trù cùng một lúc với việc lập dự toán thu, chi cả năm hay kế hoạch thu, chi quý.

Việc chuyển tài sản trong nội bộ cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã do thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã quyết định; việc chuyển tài sản từ cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã này sang cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã khác, từ ngành sự nghiệp sang các ngành khác (hành chính, kinh doanh v.v…) cũng như việc bán tài sản, phải do cơ quan Tài chính cùng cấp quyết định; hàng năm hoặc hàng quý phải kiểm kê tài sản và báo cáo kết quả cho cơ quan Tài chính cùng cấp.

Người sử dụng hoặc được phân công bảo quản tài sản, nếu để mất hay hư hỏng, vì thiếu ý thức bảo vệ của công, thì phải đền.

Điều lệ về quản lý tài sản do Bộ Tài chính ban hành, căn cứ vào các nguyên tắc trên.

Chương 5:

GIÁM ĐỐC VÀ KIỂM TRA QUẢN LÝ TÀI VỤ

Điều 26. – Giám đốc và kiểm tra quản lý tài vụ ở mỗi cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, mỗi đơn vị sự nghiệp văn xã, chủ yếu là nhiệm vụ của thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp văn xã ấy. Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã phải tiến hành giám đốc và kiểm tra thường xuyên từ khi lập dự toán thu, chi, trong suốt quá trình chấp hành dự toán, cho đến khi quyết toán xong.

Yêu cầu của việc giám đốc và kiểm tra tài chính là:

1. Phát hiện kịp thời và khắc phục những thiếu sót trong việc chấp hành chính sách, chấp hành chế độ và kỷ luật tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí tham ô.

2. Thông qua công tác quản lý tài vụ, giúp đỡ và thúc đẩy sự nghiệp phát triển.

Hàng tháng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã phải tổ chức kiểm quỹ, đối chiếu sổ sách kế toán, nếu sổ sách không ăn khớp, thì phải điều chỉnh ngay.

Điều 27. – Cơ quan tài chính có nhiệm vụ giám đốc và kiểm tra việc chấp hành dự toán của các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, nhằm đảm bảo thực hành tiết kiệm, đề cao ý thức tôn trọng kỷ luật tài chính, thúc đẩy việc giám đốc và kiểm tra của các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, giúp đỡ các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã cải tiến công tác quản lý tài vụ, đồng thời giải quyết các khó khăn về nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã.

Cơ quan tài chính có quyền kiểm tra các đơn vị sự nghiệp văn xã, có quyền xem xét kho, quỹ và tất cả các tài liệu kế toán, sổ sách và chứng từ chi tiêu.

Cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã, đơn vị sự nghiệp văn xã có nhiệm vụ cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra của cơ quan tài chính và tạo mọi điều kiện để việc kiểm tra tiến hành thuận lợi.

Điều 28. - Sau khi kiểm tra xong, cơ quan tài chính phải gửi nhận xét chính thức đến cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã để đề nghị sửa chữa những khuyết điểm, phát huy những ưu điểm trong công tác quản lý tài vụ. Thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã phải đặt ngay kế hoạch sửa chữa khuyết điểm. Nếu có những điểm không đồng ý với nhận xét của cơ quan tài chính thì thủ trưởng cơ quan quản lý sự nghiệp văn xã trình bày ý kiến của mình. Nếu hai bên không nhất trí thì mỗi bên đều có quyền báo cáo cấp trên xét và quyết định: ở trung ương, thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ở địa phương thì báo cáo Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 73-CP năm 1960 về điều lệ quản lý tài vụ sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 73-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/12/1960
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 31/12/1960
  • Số công báo: Số 55
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản