Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 71/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2000

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 71/2000/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2000 QUY ĐỊNH VIỆC KÉO DÀI THỜI GIAN CÔNG TÁC CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐẾN ĐỘ TUỔI NGHỈ HƯU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ vào Điều 31của Pháp lệnh cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Cán bộ, công chức quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 1 của Pháp lệnh cán bộ, công chức khi đến độ tuổi nghỉ hưu được xem xét kéo dài thêm thời gian công tác, bao gồm các đối tượng sau:

1. Những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước được bổ nhiệm và hưởng bảng lương chuyên gia cao cấp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang;

2. Những người có học vị tiến sĩ khoa học làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo; những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy theo đúng chuyên ngành ở các Viện, Học viện và các trường đại học;

3. Những người thực sự có tài năng được cơ quan, tổ chức, đơn vị thừa nhận, đang trực tiếp làm việc theo đúng chuyên môn thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật.

Điều 2. Điều kiện kéo dài thêm thời gian công tác của cán bộ, công chức:

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức thực sự có nhu cầu;

2. Cán bộ, công chức tự nguyện và có đủ sức khỏe để làm việc.

Điều 3. Nguyên tắc xét và thực hiện kéo dài thêm thời gian công tác của cán bộ, công chức:

1. Thực hiện nguyên tắc tập thể, dân chủ đi đôi với phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

2. Trong thời gian công tác kéo dài thêm, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

3. Cán bộ, công chức có thời gian công tác kéo dài thêm nằm trong tổng số biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị do cơ quan có thẩm quyền giao.

Điều 4.

1. Thời gian công tác kéo dài thêm của cán bộ, công chức có thể từ 01 năm đến không quá 5 năm;

2. Hàng năm, cơ quan sử dụng cán bộ, công chức có trách nhiệm xem xét lại nhu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị và sức khỏe của cán bộ, công chức để quyết định theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tiếp tục kéo dài thêm thời gian công tác của cán bộ, công chức.

Điều 5. Thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thêm thời gian công tác của cán bộ, công chức:

1. Tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác cán bộ, công chức có trách nhiệm xác định nhu cầu, đánh giá tài năng, sức khỏe của cán bộ, công chức sẽ kéo dài thêm thời gian công tác;

2. Có văn bản trao đổi với cán bộ, công chức sẽ kéo dài thêm thời gian công tác;

3. Cán bộ, công chức nếu đồng ý kéo dài thêm thời gian công tác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan, tổ chức, đơn vị;

4. Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức ra quyết định kéo dài thêm thời gian công tác theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quyết định;

5. Việc xem xét kéo dài thêm thời gian công tác đối với cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu cần được thông báo cho cán bộ, công chức biết trước khi đến thời điểm nghỉ hưu 3 tháng;

6. Hồ sơ của cán bộ, công chức kéo dài thêm thời gian công tác và văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định phải được hoàn tất chậm nhất là 2 tháng trước khi cán bộ, công chức đến thời điểm nghỉ hưu.

Điều 6. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định đối với cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền theo quy chế và phân công, phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.

Điều 7.

1. Cán bộ, công chức kéo dài thêm thời gian công tác được hưởng lương và các chế độ theo nguyên tắc: làm công việc gì thì được điều chỉnh ngạch, bậc lương và các chế độ khác theo công việc đảm nhận, trên cơ sở bảo đảm tiền lương và chế độ khác không thấp hơn tiền lương và chế độ đã hưởng trước khi thực hiện kéo dài thêm thời gian công tác.

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được kéo dài thêm thời gian công tác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 9. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 71/2000/NĐ-CP quy định việc kéo dài thời gian công tác của cán bộ, công chức đến độ tuổi nghỉ hưu

  • Số hiệu: 71/2000/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/11/2000
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 08/12/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản