Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 649-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 1955

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY TẮC TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ MUA BÁN VÀ HỢP TÁC XÃ TIÊU THỤ

THỦ TUỚNG CHÍNH PHỦ

Theo nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 19 tháng 7 năm 1955 về việc xây dựng Hợp tác xã mua bán và Hợp tác xã tiêu thụ;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1: - Nay ban hành bản quy tắc tổ chức Hợp tác xã mua bán ở nông thôn và Hợp tác xã tiêu thụ ở thành thị.

Điều 2: - Các ông Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, Bộ Trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông Bưu điện, Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia Việt-nam và ông Cục trưởng Cục quản lý hợp tác xã chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

QUY TẮC

TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ MUA BÁN Ở NÔNG THÔN VÀ HỢP TÁC XÃ TIÊU THỤ Ở THÀNH THỊ.

Hợp tác xã mua bán và Hợp tác xã tiêu thụ có nhiệm vụ mở rộng sự trao đổi hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, phối hợp với Mậu dịch quốc doanh để ổn định thị trường, thúc đẩy việc khôi phục và phát triển nông nghiệp và công thương nghiệp, cải thiện đời sống nhân dân và củng cố khối công nông liên minh.

Để hướng dẫn việc xây dựng và phát triển hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tiêu thụ nhằm thực hiện những nhiệm vụ trên. Chính phủ ban hành bản quy tắc này.

Chương 1:

QUY TẮC CHUNG

Điều 1: - Hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tiêu thụ là tổ chức mua bán do nhân dân lao động tự nguyện lập nên.

Nhân dân lao động ở nông thôn tổ chức hợp tác xã mua bán để mua những thứ cần thiết cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, bán nông phẩm và những sản phẩm nghề phụ với một giá cả hợp lý.

Công nhân và nhân dân lao động ở thành thị tổ chức hợp tác xã tiêu thụ để mua những đồ dùng cần thiết hàng ngày với một giá cả hợp lý.

Điều 2: - Hợp tác xã tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Cơ quan lãnh đạo và cơ quan kiểm soát của hợp tác xã đều do Đại hội đại biểu xã viên, hoặc Đại hội xã viên bầu ra. Xã viên có quyền bãi bỏ những đại biểu mà mình đã bầu ra.

Điều 3: - Hợp tác xã chỉ được thành lập nếu có đủ hai điều kiện sau đây:

- Chương trình, điều lệ đã được Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên thông qua và hợp tác xã cấp trên duyệt y.

- Chính quyền địa phương cho phép.

Điều 4: - Hợp tác xã là đơn vị kinh doanh độc lập, lãi thì được hưởng, lỗ thì phải chịu. Xã viên chỉ chịu trách nhiệm về thanh toán các khoản nợ của hợp tác xã trong giới hạn số tiền cổ phần của mình.

Chương 2:

QUYỀN LỢI VÀ NHIỆM VỤ HỢP TÁC XÃ

Điều 5: - Hợp tác xã được Nhà nước giúp đỡ và ưu đãi về vay tiền, đặt hàng, vận tải, thuê nhà cửa v.v… Chính sách cụ thể sẽ do các Bộ có liên quan quy định riêng.

Điều 6: - Để phục vụ xã viên, hợp tác xã được kinh doanh theo những hình thức sau đây:

a) Bán lẻ, bán buôn nếu được Nhà nước uỷ thác.

b) Thu mua các sản phẩm của xã viên để bán ra ngoài.

c) Chế biến, sản xuất những hàng cần thiết để cung cấp cho xã viên hay để bán ra ngoài.

Điều 7: - Căn cứ vào nhu cầu kinh doanh, hợp tác xã được thành lập các tổ chức kinh doanh, xây dựng kho tàng, tổ chức vận tải v.v…

Điều 8: - Hợp tác xã phải thực hiện kế hoạch Nhà nước giao cho trong phạm vi nghiệp vụ của mình.

Điều 9: - Tài sản của hợp tác xã là tài sản chung của xã viên được pháp luật bảo hộ. Người nào phạm đến tài sản của hợp tác xã thì phải bồi thường và có thể bị pháp luật trừng trị.

Điều 10: - Hợp tác xã phải chấp hành pháp luật và chính sách kinh tế tài chính của Nhà nước, và chịu sự kiểm soát của cơ quan lãnh đạo thương nghiệp Nhà nước.

Chương 3:

HỆ THỐNG TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ

1. – Hợp tác xã cơ sở.

Điều 11: - Đơn vị thấp nhất của hợp tác xã là hợp tác xã cơ sở.

Ở tỉnh, thành phố thì tổ chức liên hợp tác xã tỉnh, thành phố.

Toàn quốc thì tổ chức liên hợp tác xã toàn quốc.

Ở liên khu không tổ chức thành một cấp hợp tác xã. Nếu cần liên hợp tác xã tòan quốc đặt một cơ quan đại diện để kiểm tra, đôn đốc, theo dõi phong trào hợp tác xã trong liên khu.

Tổ chức hợp tác xã ở các khu tự trị có quy định riêng.

Điều 12: - Nhân dân lao động từ 16 tuổi trở lên (trừ những người bị mất quyền công dân) đều được vào hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tiêu thụ. Việc vào là do tự nguyện. Việc xin ra, xin vào được tự do.

Điều 13: - Nhân dân lao động vào hợp tác xã, sau khi nộp tiền cổ phần và tiền nhập xã, được hưởng quyền lợi xã viên như điều lệ của hợp tác xã quy định. Mỗi người nộp ít nhất một cổ phần, nhiều nhất 20 cổ phần. Tiền nhập xã chỉ phải nộp một lần.

Nếu xin ra hợp tác xã thì xã viên chỉ được trả lại tiền cổ phần.

Điều 14: - Xã viên nào có hành vi phá hoại hợp tác xã một cách nghiêm trọng sẽ bị khai trừ. Việc khai trừ do Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên xét và quyết định.

Điều 15: - Tổ chức hợp tác xã cơ sở phải tiện lợi cho việc kinh doanh hợp lý và quản lý dân chủ.

Cơ sở tổ chức của hợp tác xã mua bán ở nông thôn là huyện hay nhiều xã liền nhau. Cơ sở tổ chức của hợp tác xã tiêu thụ ở thành thị là khu phố, công xưởng, trường học, hoặc cơ quan tương đối lớn.

2.- Liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố và liên hợp hợp tác xã toàn quốc.

Điều 16: - Tỉnh, thành phố có 5 hợp tác xã cơ sở trở lên thì tổ chức liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố. Toàn quốc có liên hợp hợp tác xã ở 1/3 số tỉnh và thành phố trở lên thì tổ chức liên hợp hợp tác xã toàn quốc.

Điều 17: - Hợp tác xã cơ sở muốn xin gia nhập liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố thì phải thừa nhận chương trình điều lệ của liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố và được liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố đồng ý.

Điều 18: - Liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố muốn xin gia nhập liên hợp hợp tác xã toàn quốc thì phải thừa nhận chương trình, điều lệ của liên hợp hợp tác xã toàn quốc và được liên hợp hợp tác xã toàn quốc đồng ý.

Điều 19:- Các đơn vị xã viên thuộc liên hợp hợp tác xã cấp nào phải căn cứ vào điều lệ của liên hợp hợp tác xã cấp đó mà nộp tiền cổ phần và các loại tiền quỹ khác. Sau khi nộp đủ các khoản tiền trên thì được hưởng mọi quyền lợi như điều lệ của liên hợp hợp tác xã quy định.

Đơn vị xã viên nào xin ra khỏi liên hợp hợp tác xã thì chỉ được trả lại tiền cổ phần.

Điều 20: - Đơn vị xã viên nào làm trái điều lệ và nghị quyết của liên hợp tác xã có thể bị cải tổ hoặc khai trừ.

Việc cải tổ hoặc khai trừ hợp tác xã cơ sở là do Đại hội đại biểu liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố quyết định; việc cải tổ hay khai trừ liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố do Đại hội đại biểu liên hợp hợp tác xã toàn quốc quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, Ban quản lý liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố hay liên hợp hợp tác xã toàn quốc có quyền quyết định cải tổ một đơn vị xã viên nhưng sau đó phải báo cáo lại Đại hội đại biểu liên hợp hợp tác xã.

Điều 21: - Trong thời kỳ bắt đầu xây dựng hợp tác xã, chưa thực hiện được việc bầu cử từ dưới lên, thì do nhu cầu công tác, được thành lập các Ban vận động hợp tác xã toàn quốc, tỉnh và thành phố để làm nhiệm vụ của Ban quản lý liên hợp hợp tác xã các cấp đó.

3.- Cơ quan lãnh đạo và cơ quan kiểm soát:

Điều 22:- Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên là cơ quan cao nhất của các cấp hợp tác xã.

Đại biểu dự Đại hội đại biểu hợp tác xã cơ sở do xã viên trực tiếp bầu ra.

Đại biểu dự Đại hội đại biểu liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố do Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên của hợp tác xã cơ sở bầu ra.

Đại biểu dự Đại hội đại biểu liên hợp hợp tác xã toàn quốc do Đại hội đại biểu liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố bầu ra.

Điều 23: - Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên bầu ra Ban quản lý và Ban kiểm soát. Chủ tịch và Phó chủ tịch của Ban nào do Ban ấy bầu ra.

Điều 24: - Nhiệm vụ, quyền hạn, số người và nhiệm kỳ của Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên của Ban quản lý, của Ban kiểm soát do điều lệ của hợp tác xã quy định.

Chương 4:

TIỀN VỐN VÀ QUYẾT TOÁN

Điều 25: - Tiền vốn của các cấp hợp tác xã gồm có:

a) Tiền cổ phần, tiền nhập xã và tiền các quỹ đặc biệt.

b) Tiền lãi tích lũy.

c) Các khoản tiền thu nhập khác.

d) Tiền vay của Ngân hàng quốc gia.

Điều 26: - Tiền vốn nói ở điều 25 (không kể tiền vay) chia thành các quỹ sau đây:

a) Quỹ dự trữ gồm tiền nhập xã, tiền lãi tích luỹ và các khoản tiền thu nhập khác.

b) Quỹ cổ phần gồm tiền cổ phần xã viên.

c) Quỹ đặc biệt như quỹ kiến thiết, quỹ giáo dục, quỹ xã hội, quỹ khen thưởng; việc lập và sử dụng các quỹ trên đây do liên hợp hợp tác xã toàn quốc quy định.

Điều 27: - Cuối năm, các hợp tác xã đều phải làm quyết toán. Nếu có lãi thì trong việc sử dụng, phải chú ý nhiều đến việc tích luỹ vốn để phát triển hợp tác xã.

1. - Đối với hợp tác xã cơ sở nên:

a) Chia cho quỹ khổ phần xã viên 20%;

b) Chia cho quỹ dự trữ 55%;

c) Số còn lại thì chia cho các quỹ kiến thiết, quỹ giáo dục, quỹ khen thưởng, quỹ xã hội v.v..

Việc chia lãi nói trên phải do Ban kiểm soát xét lại, Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội xã viên thông qua và được liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố đồng ý.

2.- Đối với liên hợp hợp tác xã tỉnh, thành phố và liên hợp hợp tác xã toàn quốc thì phải căn cứ vào điều lệ của liên hợp hợp tác xã toàn quốc mà chia cho các quỹ.

Chương 5:

SÁT NHẬP VÀ GIẢI TÁN HỢP TÁC XÃ

Điều 28: - Việc sát nhập hai hay nhiều hợp tác xã làm một phải do Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội xã viên quyết định và được liên hiệp hợp tác xã cấp trên đồng ý. Khi sát nhập, tất cả các quỹ dự trữ, quỹ cổ phần và các quỹ đặc biệt đều phải sát nhập.

Điều 29: - Nếu vì một lý do nào đó mà một hợp tác xã phải ngừng hoạt động, giải tán thì phải do Đại hội đại biểu xã viên hay Đại hội xã viên quyết định và được liên hợp hợp tác xã cấp trên đồng ý.

Đại hội đại biểu xã viên hoặc Đại hội xã viên phải cử đại biểu cùng với đại biểu của liên hợp hợp tác xã cấp trên phải đến tổ chức ra một Uỷ ban để thanh toán các khoản tiền quỹ và các khoản tiền nợ.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 30: - Bất cứ tổ chức nào không làm đúng quy tắc tổ chức này đều không được gọi là hợp tác xã mua bán hay hợp tác xã tiêu thụ và không được hưởng những quyền lợi định trong bản quy tắc này.

Điều 31: - Cục quản lý hợp tác xã chịu trách nhiệm giải thích bản quy tắc này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 649-TTg năm 1955 về bản quy tắc tổ chức Hợp tác xã mua bán và Hợp tác xã tiêu thụ do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 649-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/12/1955
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: 14/01/1956
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản