Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 64-LĐ/NĐ

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ KHAI TRÌNH VỀ VIỆC GIỮ GÌN VỆ SINH VÀ BẢO VỆ AN TOÀN TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ DOANH

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Chiếu Sắc lệnh số 29-SL ngày 12-03-1947, chương thứ năm, điều 133, 134, 139, 141, 142, 143, 144, 145 và 147 quy định về vệ sinh và bảo an cho người làm công trong các xí nghiệp tư nhân;
Chiếu bản Điều lệ tạm thời số 646-TTg ngày 24-12-1955 của Thủ tướng phủ quy định việc điều chỉnh quan hệ giữa người làm công và chủ các xí nghiệp tư doanh.
Để theo dõi giúp đỡ các chủ xí nghiệp tư doanh, các tập đoàn thi hành đúng các chế độ lao động của Chính phủ nhằm khuyến khích sản xuất, phát triển kinh doanh và để giữ gìn vệ sinh, bảo vệ an toàn cho người làm công.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Tất cả những cơ sở sản xuất, hoặc kinh doanh tư nhân (kể cả các xí nghiệp mà chủ là người ngoại kiều) và các tập đoàn sản xuất, sử dụng máy động cơ, có từ 7 người làm công trở lên, hoặc làm thủ công có từ 20 người làm trở lên, đều phải khai trình về việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ an toàn cho cơ quan lao động địa phương biết trong hạn 15 ngày sau khi thành lập.

Những cơ sở chế biến hóa chất, hàn điện, hàn hơi, đúc chì, v.v… mặc dầu số công nhân bao nhiêu, có dùng máy động cơ hay không, cũng phải khai trình như các xí nghiệp nói trên.

Tất cả những cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh tư nhân hoặc tập đoàn đã hoạt động trước khi ban hành nghị định này mà nay còn đang hoạt động cũng phải khai trình lại.

Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh tư nhân hoặc tập đoàn, phải khai trình theo mẫu kèm theo nghị định này, gửi 2 bản đến cơ quan lao động.

Điều 2. – Các cơ sở lao động độc lập, các cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh có tính chất gia đình không thuộc phạm vi thi hành nghị định này.

Điều 3. – Cũng phải khai trình lại, toàn bộ hay từng phần trong những trường hợp sau đây:

a) Thay đổi chủ (hoặc ban quản trị) xí nghiệp, thay đổi địa điểm xí nghiệp.

b) Thay đổi tổ chức, thiết bị sản xuất (ví dụ: trước sản xuất theo lối thủ công, nay thiết bị toàn bộ hay một phần máy móc).

Điều 4. – Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ban hành nghị định này, tất cả các cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh tư nhân, các tập đoàn quy định ở điều 1 đều phải khai trình xuống.

Điều 5. – Ủy ban Hành chính các tỉnh, thành phố ra thông cáo cho các xí nghiệp kể trên thi hành việc khai trình. Cơ quan lao động địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi việc thi hành nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

MẪU

KHAI TRÌNH VỀ GIỮ GÌN VỆ SINH VÀ ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG CÁC XÍ NGHIỆP TƯ DOANH
(Thi hành Thông tư số 64-LĐ/NĐ ngày 01-07-1957 của Bộ Lao động)

1. – Tên xí nghiệp …………………………….. Cá nhân hay công ty ....................................

2. – Địa điểm ................................................................................................................................

3. – Sản xuất gì .............................................................................................................................

4. – Tính chất sản xuất(1)...............................................................................................................

5. – Tên họ địa chỉ của chủ (hoặc ban quản trị) xí nghiệp .........................................................

6. – Tổng số người làm công.............................................................................................. người

Nam ………………………………….. người, Nữ .………………………… người

7. – Những việc đã làm để giữ gìn vệ sinh đảm bảo an toàn cho người làm công:

- Tại nơi làm việc(2)

- Cách thiết bị những bộ phận máy móc có thể xảy ra tai nạn lao động (3)

- Điều kiện làm việc của người làm công gần những chỗ nhiệt độ quá nóng (thổi thủy tinh, hoặc thường xuyên hít hơi độc (thuộc da) làm việc có ánh sáng quá chói (hàn điện) v.v…(4)

Ngày …… tháng …… năm ……

NGƯỜI KHAI

CHÚ THÍCH:

(1) Nói rõ sản xuất theo lối thủ công hay có dùng máy động lực.

(2) Như chỗ làm việc được rộng rãi, xa hố xí, cống rãnh có uế khí xông lên, có cửa để có ánh sáng thiên nhiên.

(3) Như máy động cơ và phát điện có rào, chắn. Những bộ phận di động của máy móc như giây chuyền, cây chuyền (bielle), bánh xe có răng cưa phải ngăn che phòng tai nạn, trừ phi khi nào tay không với đến các bộ phận ấy được.

(4)hững người ngồi gần lò thổi thủy tinh phải có tấm ván ngăn để hạn chế bớt sức nóng.

- Thường xuyên hít hơi độc phải có khẩu trang, có áo da để tránh nước độc, tay có găng cao su v.v….

- Làm việc có ánh sáng quá chói phải có kính dâm.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 64-LĐ/NĐ năm 1957 quy định thể lệ khai trình về việc giữ gìn vệ sinh và bảo vệ an toàn trong các xí nghiệp tư doanh do Bộ trưởng Bộ Lao Động ban hành.

  • Số hiệu: 64-LĐ/NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/07/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 57
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản