Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 1996

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 60-CP NGÀY 07 THÁNG 10 NĂM 1996 QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN VÀ KIỂM TRA ĐỐI VỚI HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC VĂN BẢN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CẤP TRÊN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân ngày 15 tháng 2 năm 1996;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên được nói đến trong Pháp lệnh về giám sát và hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hướng dẫn và kiểm tra của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân là: Hiến pháp, Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; thông tư liên Bộ, liên ngành.

Đối với Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã, ngoài các văn bản đã nêu trên, văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên còn bao gồm: nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp trên.

Điều 2.- Chính phủ ban hành Nghị định quy định những vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ và Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, chỉ thị để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc thi hành luật, pháp lệnh; tổ chức việc lấy ý kiến đóng góp vào việc xây dựng các Bộ luật, luật và pháp lệnh.

Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến hoặc tổ chức tập huấn chuyên đề triển khai thực hiện luật, pháp lệnh và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức phổ biến và tập huấn triển khai thực hiện luật, pháp lệnh và các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Hội đồng nhân dân cấp dưới.

Điều 3.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào các luật, pháp lệnh và các văn bản pháp luật của Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết việc thi hành các văn bản nói trên đối với những vấn đề thuộc ngành và lĩnh vực công tác do Bộ, ngành phụ trách để Hội đồng nhân dân thực hiện.

Điều 4.- Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội và chương trình công tác của Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực công tác do mình phụ trách, tập trung chủ yếu vào các vấn đề: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách, công tác bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Các văn bản hướng dẫn nêu trên phải gửi cho Hội đồng nhân dân ít nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân đầu năm.

Điều 5.- Về ngân sách, Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 25 của Luật ngân sách nhà nước đối với các nội dung sau đây:

1. Hội đồng nhân dân Quyết định dự toán ngân sách địa phương, trên cơ sở nguồn thu, nhiệm vụ chi đã phân cấp cho địa phương và chế độ chính sách hiện hành.

2. Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách về việc tăng các khoản chi hoặc bổ sung khoản chi mới, xem xét và quyết định các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách.

3. Hội đồng nhân dân xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

4. Hội đồng nhân dân thực hiện chức năng giám sát về công tác thu, chi ngân sách tại địa phương.

Điều 6.- Trong từng nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân, Chính phủ tổ chức việc bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách, pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước.

Chính phủ uỷ quyền cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm xây dựng nội dụng, chương trình, kế hoạch bồi dưỡng và tổ chức các lớp bồi dưỡng về chính, pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và tập huấn giảng viên cho các lớp bồi dưỡng do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bồi dưỡng chính sách, pháp luật và kiến thức quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã theo sự hướng dẫn của Chính phủ.

Điều 7.- Căn cứ vào các quy định của Nhà nước về tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc của Thường trực Hội đồng nhân dân, chế độ tiền lương của các chức danh: Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân; chế độ sinh hoạt phí của đại biểu Hội đồng nhân dân, Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân bằng các văn bản của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn Hội đồng nhân dân chi tiết việc thi hành các nội dung nêu trên theo sự phân công của Chính phủ.

Điều 8.-

1. Chính phủ hướng dẫn Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện chế độ báo cáo định kỳ sáu tháng và một năm đối với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ với các nội dung sau đây:

Hoạt động và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình.

Việc triển khai thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên.

Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân về xem xét, quyết định dự toán ngân sách; tình hình thu chi ngân sách và các giải pháp cân đối ngân sách; thực hiện việc giám sát thu chi ngân sách và phê chuẩn quyết toán ngân sách của địa phương.

Khi ở địa phương có những vấn đề về kinh tế - xã hội đột xuất, Hội đồng nhân dân phải có báo cáo ngay với Chính phủ và đề xuất biện pháp giải quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo hoặc giao cho địa phương giải quyết.

2. Hội đồng nhân dân cấp dưới thực hiện chế độ báo cáo với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp với nội dung như quy định ở khoản 1 trên đây.

3. Chính phủ gửi cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh các: nghị quyết, nghị dịnh của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh các văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp có nhiệm vụ sao gửi cho Hội đồng nhân dân cấp dưới các văn bản có liên quan đến Hội đồng nhân dân, trừ các văn bản đã có quy định không được sao chụp.

Điều 9.- Định kỳ hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thành lập các đoàn kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên. Tuỳ thuộc vào yêu cầu, nội dung cụ thể thành phần của Đoàn kiểm tra do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thực hiện quyết định của Chính phủ về đối tượng và nội dung kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra và kiến nghị những ý kiến giải quyết với Chính phủ.

Điều 10.- Sau khi nhận được kiến nghị của Đoàn kiểm tra, Hội đồng nhân dân phải xem xét và giải quyết các vấn đề mà Đoàn kiểm tra đã phát triển và kiến nghị, đồng thời có văn bản trả lời Đoàn kiểm tra.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân có thể triệu tập kỳ họp bất thường để xem xét, giải quyết những vấn đề đã được Đoàn kiểm tra kiến nghị.

Điều 11.- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức Đoàn kiểm tra hoặc phối hợp thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, bao gồm:

- Kiểm tra nội dung các nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã ban hành nhằm thực hiện các quy định trong các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, và các văn bản thuộc ngành, lĩnh vực công tác do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phụ trách.

- Kiểm tra các nghị quyết của Hội đồng nhân dân ban hành theo thẩm quyền mà nội dung các nghị quyết đó có liên quan đến các quy định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Điều 12.- Thông qua công tác kiểm tra các nghị quyết của Hội đồng nhân dân nhằm triển khai, thực hiện các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nếu phát hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân có nội dung trái với quy định của văn bản cơ quan nhà nước cấp trên thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có quyền kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành toàn bộ hay một số điểm sai trái trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đồng thời thông báo cho Hội đồng nhân dân đó biết.

Điều 13.- Căn cứ đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đình chỉ thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi nghị quyết này có những nội dung trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có quyền đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi nghị quyết này có nội dung trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp bãi bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi.

Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải ghi rõ đình chỉ thi hành toàn bộ hay một phần của nghị quyết. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân khi đã có quyết định đình chỉ thì không có giá trị thi hành.

Điều 14.- Thông qua việc thực hiện chức năng kiểm tra hoặc theo kiến nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ xem xét và đề nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi Hội đồng nhân dân tỉnh có nghị quyết làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân và Nhà nước.

Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với Uỷ ban nhân dân cùng cấp đề nghị Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định việc giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng nhân dân cấp đó có các nghị quyết gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân và Nhà nước.

Trước khi đề nghị với cơ quan có thẩm quyền giải tán Hội đồng nhân dân ở một địa phương, Chính phủ hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cần tiến hành kiểm tra, kết luận cụ thể về sai phạm của Hội đồng nhân dân ở địa phương đó.

Việc giải tán một Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã cần được báo cáo kịp thời với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Điều 15.- Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 1996.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thi hành Nghị định này và định kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 60-CP năm 1996 về việc Chính phủ hướng dẫn và kiểm tra đối với Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện các văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên

  • Số hiệu: 60-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/10/1996
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 31/12/1996
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 01/11/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản