Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 59-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 04 năm 1963

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI NGOẠI THƯƠNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 27 tháng 4 năm 1963 về tổ chức Hội đồng trọng tài Ngoại thương bên cạnh Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành bản điều lệ tổ chức Hội đồng trọng tài Ngoại thương kèm theo nghị định này.

Điều 2. - Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI NGOẠI THƯƠNG

Điều 1. – Hội đồng trọng tài Ngoại thương được thành lập bên cạnh Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Điều 2. – Hội đồng trọng tài Ngoại thương xét xử vụ tranh chấp giữa các tổ chức kinh tế Việt Nam và tổ chức kinh tế nước ngoài trong khi giao dịch về ngoại thương trong phạm vi thi hành các hiệp định hoặc các hiệp nghị, hợp đồng ký kết giữa các bên đương sự.

Điều 3. – Hội đồng trọng tài Ngoại thương gồm có mười lăm Ủy viên. Những Ủy viên này có nhiệm kỳ ba năm, do Ban trị sự Phòng Thương mại chọn trong số những người có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về thương nghiệp, công nghiệp, vận tải, luật pháp…

Điều 4. – Các Ủy viên Hội đồng trọng tài Ngoại thương bầu ra một Chủ tịch, hai Phó Chủ tịch và một Ủy viên thư ký thường trực.

Điều 5. – Khi đưa vụ tranh chấp ra Hội đồng trọng tài để yêu cầu xét xử, mỗi bên đương sự được quyền chọn một trọng tài cho mình trong danh sách các Ủy viên của Hội đồng trọng tài, hoặc đề nghị Chủ tịch Hội đồng trọng tài Ngoại thương chọn hộ mình. Hai trọng tài được chọn sẽ cùng nhau chọn một trọng tài thứ ba trong danh sách các Ủy viên của Hội đồng trọng tài. Cả ba trọng tài được chọn sẽ họp thành Ủy ban trọng tài để xét xử vụ tranh chấp.

Nếu trong thời hạn 15 ngày, hai trọng tài được chọn không thể nhất trí về việc chọn trọng tài thứ ba. Chủ tịch Hội đồng trọng tài Ngoại thương sẽ chỉ định trọng tài thứ ba trong danh sách các Ủy viên của Hội đồng trọng tài.

Điều 6. – Các bên đương sự có thể cùng nhau thỏa thuận đề nghị Chủ tịch Hội đồng trọng tài Ngoại thương chọn một trọng tài chung trong danh sách các Ủy viên Hội đồng trọng tài Ngoại thương.

Điều 7. – Trong quá trình tố tụng trước Ủy ban trọng tài, các bên đương sự có thể tự mình, hoặc cử người thay mặt hợp pháp bênh vực quyền lợi cho mình. Người thay mặt đương sự có thể là công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa hoặc công dân nước ngoài.

Điều 8. – Hội đồng trọng tài Ngoại thương có quyền quyết định những biện pháp bảo quản cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên đương sự.

Điều 9. – Hội đồng trọng tài Ngoại thương được quyền thu trọng tài phí. Trọng tài phí sẽ do Ban trị sự Phòng Thương mại quy định.

Điều 10. - Quyết định của Ủy ban trọng tài là quyết định chung thẩm, không thể bị khiếu nại trước bất cứ Tòa án hay tổ chức nào khác.

Điều 11. - Quyết định của Ủy ban trọng tài phải được các bên đương sự thi hành trong thời hạn đã quy định trong quyết định. Trường hợp quyết định của Ủy ban trọng tài không được thi hành trong thời hạn đã quy định, một trong các bên đương sự có quyền yêu cầu Tòa án địa phương chiếu theo luật pháp buộc bên kia thi hành.

Điều 12. – Phòng Thương mại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định những quy tắc tố tụng trước Hội đồng trọng tài Ngoại thương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 59-CP năm 1963 điều lệ tổ chức Hội đồng trọng tài Ngoại thương do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 59-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/04/1963
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 15/05/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản