Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2024/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2024 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NẠO VÉT TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN VÀ VÙNG NƯỚC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 23 tháng 6 năm 2023;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về quản lý hoạt động nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động nạo vét kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Vùng nước cảng biển là vùng nước được giới hạn để thiết lập vùng nước trước cầu cảng, bến phao, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải và các công trình phụ trợ khác.
2. Vùng nước đường thủy nội địa bao gồm đường thủy nội địa, hành lang bảo vệ luồng, vùng nước cảng, bến thủy nội địa.
3. Nạo vét là hoạt động xây dựng sử dụng phương tiện, thiết bị cơ giới, thủy lực thi công dưới nước để lấy đi chất nạo vét, gồm nạo vét duy tu, nạo vét cơ bản và nạo vét khẩn cấp.
4. Nạo vét cơ bản là hoạt động nạo vét được thực hiện lần đầu tiên nhằm tạo ra một khu nước, vùng nước mới đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng hoặc thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng phạm vi của khu nước, vùng nước hiện có.
5. Nạo vét duy tu là hoạt động nạo vét bảo trì công trình theo thông số thiết kế hoặc chuẩn tắc, thông số kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền công bố.
6. Nạo vét theo chất lượng thực hiện là hoạt động nạo vét duy tu khoán duy trì chuẩn tắc trong khoảng thời gian xác định.
7. Nạo vét luồng hàng hải bao gồm nạo vét luồng hàng hải và các vùng quay trở gắn với luồng hàng hải.
8. Nạo vét khẩn cấp là nhiệm vụ đột xuất phải thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do thiên tai, tai nạn bất ngờ, sự cố trên luồng gây ách tắc, cản trở đến hoạt động giao thông hàng hải, đường thủy nội địa hoặc sự kiện bất khả kháng khác để bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.
9. Chất nạo vét là toàn bộ chất thu được từ hoạt động nạo vét.
10. Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm là hoạt động nạo vét có tận thu chất nạo vét.
11. Sản phẩm tận thu là phần chất nạo vét được tận thu để sử dụng theo mục đích và nhu cầu sử dụng chất nạo vét được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc phê duyệt.
12. AIS là Hệ thống nhận dạng tự động (Automatic Identification System), bao gồm các thành phần cơ bản: thiết bị AIS, trạm bờ AIS và trung tâm dữ liệu AIS.
Chương II
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG NẠO VÉT TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN, VÙNG NƯỚC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
Điều 4. Nguyên tắc hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa
1. Hoạt động nạo vét phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm thông số kỹ thuật luồng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống sạt lở, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, kết cấu hạ tầng hàng hải, đường thủy nội địa và các công trình khác, tránh lãng phí, thất thoát tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
2. Không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa gây cản trở hoạt động tránh, trú của tàu thuyền vào mùa lũ bão, trong thời gian xảy ra thiên tai.
3. Hoạt động nạo vét duy tu vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa; luồng chuyên dùng của các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện lập, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, quy định tại Chương II Nghị định này và quy định có liên quan của pháp luật chuyên ngành về hàng hải, quy định về sửa chữa, cải tạo cảng, bến thủy nội địa.
4. Hoạt động nạo vét sử dụng vốn đầu tư công phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
5. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện nạo vét, duy tu, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, đường thủy nội địa và tự chịu trách nhiệm về kinh phí, hiệu quả đầu tư; Tăng cường vai trò của tổ chức, doanh nghiệp trong việc chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của tổ chức, doanh nghiệp.
6. Khu vực, địa điểm tiếp nhận, nhận chìm chất nạo vét được tiếp nhận toàn bộ hoặc một phần chất nạo vét của các dự án, công trình trên địa bàn của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Điều 5. Yêu cầu đối với công tác thi công, đổ chất nạo vét
1. Trước khi tiến hành thi công nạo vét, Chủ đầu tư thông báo kế hoạch triển khai thực hiện (thời gian, tiến độ thi công, quy mô công trình, chủng loại và số lượng phương tiện thi công, hình thức thực hiện, khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển) đến cơ quan quản lý chuyên ngành (Cảng vụ hàng hải khu vực, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình và lắp đặt biển báo tại khu vực gần công trường thi công. Biển báo công trình thể hiện các nội dung về cơ quan phê duyệt, chủ đầu tư, nhà đầu tư, đơn vị quản lý dự án, tổ chức tư vấn giám sát, đơn vị thi công, quy mô công trình, tiến độ thi công, thời gian bắt đầu thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện, khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển.
2. Chủ đầu tư, nhà đầu tư dự án nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa chịu trách nhiệm tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét trong suốt thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc hoạt động nạo vét, bao gồm các nội dung sau:
a) Giám sát chặt chẽ phương tiện, thiết bị thi công nạo vét bảo đảm thi công đúng phạm vi, thiết kế công trình;
b) Giám sát chặt chẽ hành trình của các phương tiện, thiết bị vận chuyển, hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển, hoạt động đổ chất nạo vét vào khu vực, địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép phê duyệt hoặc chấp thuận;
c) Kiểm tra, giám sát lắp đặt, duy trì hoạt động thiết bị giám sát nạo vét, tổ chức quản lý dữ liệu giám sát nạo vét để đáp ứng yêu cầu quản lý, kiểm tra giám sát;
d) Giám sát thi công nạo vét bảo đảm các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường và các yêu cầu khác theo quy định pháp luật.
3. Phương tiện, thiết bị thi công, phương tiện vận chuyển chất nạo vét phải lắp đặt thiết bị giám sát nạo vét và bảo đảm các điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật.
4. Yêu cầu đối với thiết bị giám sát nạo vét:
a) Thiết bị giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện thi công: thiết bị AIS để tự động cung cấp thông tin về vị trí thi công của phương tiện thông qua trạm bờ AIS đến trung tâm dữ liệu AIS;
b) Thiết bị giám sát nạo vét lắp đặt trên phương tiện vận chuyển, đổ chất nạo vét gồm: thiết bị AIS cung cấp thông tin về hành trình di chuyển của phương tiện thông qua trạm bờ AIS đến Trung tâm dữ liệu AIS; thiết bị ghi hình cung cấp các hình ảnh khoang chứa chất nạo vét từ khi bắt đầu tiếp nhận chất nạo vét, trong suốt hành trình di chuyển đến vị trí đổ, bắt đầu đổ cho đến khi kết thúc đổ chất nạo vét tại vị trí quy định;
c) Thiết bị giám sát nạo vét phải được lắp đặt tại vị trí phù hợp, cố định trên phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển đổ chất nạo vét, thuận lợi cho việc ghi nhận lưu trữ đầy đủ dữ liệu, hình ảnh, có biện pháp chống các tác động làm sai lệch dữ liệu (như kẹp chì, niêm phong,...), bảo đảm điều kiện hoạt động liên tục và ổn định trong suốt thời gian thi công.
d) Thiết bị giám sát trên phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển do nhà thầu chịu trách nhiệm đầu tư. Trạm bờ AIS và Trung tâm dữ liệu AIS do chủ đầu tư, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư hoặc thuê dịch vụ.
Điều 6. Quy định về hoạt động bảo vệ môi trường
Hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án, công trình nạo vét liên quan đến kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Điều 7. Quy định về khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét
1. Trình tự, thủ tục công bố khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ
a) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải thông tin về nhu cầu tìm kiếm khu vực, địa điểm để tiếp nhận chất nạo vét trên địa bàn tỉnh trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Tổ chức, cá nhân có khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét gửi hồ sơ đề nghị tiếp nhận chất nạo vét trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Hồ sơ bao gồm: Văn bản đề nghị tiếp nhận chất nạo vét theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này, bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các văn bản cho phép sử dụng khu đất của cơ quan có thẩm quyền;
c) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân về khu vực, địa điểm đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện tiếp nhận chất nạo vét;
d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, lập danh mục, công bố khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, bao gồm các khu vực, địa điểm do tổ chức, cá nhân đề xuất và khu vực, địa điểm thuộc đất do nhà nước quản lý đủ điều kiện tiếp nhận chất nạo vét. Việc công bố này phải được ban hành thành Quyết định và niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Công bố khu vực, địa điểm nhận chìm chất nạo vét ở biển
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, công bố, niêm yết công khai danh mục khu vực, địa điểm nhận chìm chất nạo vét ở biển bao gồm vùng biển ngoài 06 hải lý trên trang thông tin điện tử và tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự, thủ tục chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển
a) Căn cứ danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm chất nạo vét ở biển do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố, chủ đầu tư gửi văn bản đề nghị trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để được chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho dự án, công trình. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa công bố danh mục hoặc khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển đã được công bố không bảo đảm yếu tố kinh tế, kỹ thuật của dự án, công trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư.
b) Trong thời gian 30 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản trả lời về việc chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ, nhận chìm ở biển phù hợp cho chủ đầu tư dự án, công trình; trường hợp không chấp thuận phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân có khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét.
4. Đối với việc chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho dự án, công trình nạo vét khẩn cấp: sau khi nhận được đề xuất của chủ đầu tư, chậm nhất sau 03 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời về việc chấp thuận khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho dự án, công trình.
Điều 8. Quy định về quản lý chất nạo vét
1. Trường hợp chất nạo vét đổ vào khu vực, địa điểm trên bờ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân tiếp nhận chất nạo vét không phải thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Sau khi kết thúc dự án, công trình chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp nhận để quản lý và có biện pháp lưu giữ hoặc xử lý chất nạo vét đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Trường hợp bàn giao cho tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết để quản lý theo quy định.
2. Trường hợp chất nạo vét nhận chìm ở biển, sau khi hết thời gian nhận chìm chất nạo vét, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi báo cáo kết quả thực hiện nhận chìm, quan trắc, giám sát môi trường của dự án tới cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển.
Chương III
NẠO VÉT LUỒNG HÀNG HẢI CÔNG CỘNG, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA QUỐC GIA VÀ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA ĐỊA PHƯƠNG
Mục 1. NẠO VÉT DUY TU TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 9. Nguồn vốn thực hiện nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa
Nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng là dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải, nạo vét duy tu đường thủy nội địa là dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên và nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 10. Phân công tổ chức thực hiện
1. Cơ quan giao kế hoạch, dự toán:
a) Bộ Giao thông vận tải giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao kế hoạch nạo vét duy tu, dự toán chi ngân sách nhà nước đối với nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp.
2. Đối với dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia: Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng; Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng.
3. Đối với dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa địa phương, đường thủy nội địa quốc gia được phân cấp cho địa phương quản lý (sau đây gọi là đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý): Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư và giao nhiệm vụ cho cơ quan, đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền của chủ đầu tư.
Điều 11. Hình thức thực hiện
1. Hình thức nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước gồm nạo vét theo khối lượng thực tế và nạo vét theo chất lượng thực hiện.
2. Bộ Giao thông vận tải:
a) Quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia;
b) Quy định chi tiết về nạo vét theo chất lượng thực hiện, nạo vét khẩn cấp.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức thực hiện nạo vét duy tu đối với đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
Điều 12. Trình tự thực hiện
Dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa sử dụng nguồn ngân sách nhà nước chỉ cần lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thực hiện theo các bước sau:
1. Lập kế hoạch nạo vét duy tu theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Giao dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.
3. Thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định.
4. Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
5. Tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.
6. Bàn giao mặt bằng, tổ chức kiểm tra, giám sát và quản lý thi công công trình theo quy định tại các Điều 17, 18 Nghị định này.
7. Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.
8. Thực hiện các quy định về quản lý chất nạo vét theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Điều 13. Lập kế hoạch nạo vét duy tu
1. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia do Bộ Giao thông vận tải quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý trong kế hoạch bảo trì hằng năm.
Điều 14. Giao dự toán chi ngân sách nhà nước
1. Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lập dự toán chi ngân sách nhà nước trình Bộ Giao thông vận tải tổng hợp dự toán chi ngân sách nhà nước theo quy định.
2. Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được giao, Bộ Giao thông vận tải giao dự toán chi ngân sách nhà nước cho Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức giao dự toán chi cho các dự án nạo vét duy tu đường thủy nội địa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
4. Việc giao dự toán chi các dự án nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa căn cứ trên cơ sở kế hoạch bảo trì công trình hàng hải, đường thủy nội địa được duyệt, không bắt buộc phải có Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, dự toán công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 15. Lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng
1. Việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
2. Thiết kế bản vẽ thi công của Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng được lập trên cơ sở bình đồ độ sâu kèm theo thông báo hàng hải luồng hàng hải, thông báo luồng đường thủy nội địa gần nhất trong năm lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc thực hiện khảo sát đo đạc. Khối lượng nạo vét thiết kế gồm khối lượng tính toán theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng cho công trình và khối lượng sa bồi dự kiến từ thời điểm khảo sát đo đạc thông báo hàng hải, thông báo luồng đường thủy nội địa đến thời điểm khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng.
Điều 16. Tổ chức lựa chọn nhà thầu
Chủ đầu tư tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật. Đối với công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quốc gia, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện trách nhiệm của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều 17. Bàn giao mặt bằng thi công
Chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác khảo sát đo đạc để xác định khối lượng bàn giao mặt bằng. Công tác khảo sát đo đạc bàn giao mặt bằng được triển khai trước thời điểm bắt đầu thi công nạo vét tối đa không quá 15 ngày. Khối lượng bàn giao mặt bằng là căn cứ để xác định giá trị hợp đồng chính thức.
Điều 18. Tổ chức kiểm tra, giám sát và quản lý thi công
Công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quản lý thi công đối với nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa, thực hiện theo quy định tại các Điều 4, Điều 5 Nghị định này, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và quy định của pháp luật liên quan.
Điều 19. Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán
1. Công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán công trình được thực hiện trên cơ sở các quy định của hợp đồng đã ký kết, khối lượng thực tế thi công được nghiệm thu phù hợp với phạm vi, yêu cầu của thiết kế; các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu áp dụng cho công trình; phù hợp với hồ sơ mời thầu, hợp đồng xây dựng, quy định của pháp luật về quản lý chi phí, về hợp đồng xây dựng áp dụng cho công trình và quy định của pháp luật có liên quan.
2. Chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác nghiệm thu giai đoạn thi công (nếu có), hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng theo quy định.
3. Đối với nạo vét theo chất lượng thực hiện, công tác nghiệm thu được thực hiện như sau:
a) Tổ chức nghiệm thu hoàn thành dự án nạo vét theo giai đoạn thực hiện đối với từng giai đoạn thi công (06 tháng, 01 năm);
b) Tổ chức nghiệm thu hoàn thành dự án nạo vét khi kết thúc thời gian thực hiện hợp đồng;
c) Việc nghiệm thu quy định tại điểm a, b khoản 3 Điều này được căn cứ trên cơ sở chất lượng công việc thực hiện (không xác định trên cơ sở khối lượng nạo vét) và phải lập thành Biên bản.
Mục 2. NẠO VÉT LUỒNG HÀNG HẢI, ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA TỪ NGUỒN VỐN HỢP PHÁP KHÁC
Điều 20. Nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia
1. Thủ tục chấp thuận đề xuất thực hiện nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia
Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tự thực hiện nạo vét luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia (bao gồm cả nạo vét cơ bản, nạo vét duy tu và nạo vét khẩn cấp) bằng kinh phí của tổ chức, doanh nghiệp (không kết hợp thu hồi sản phẩm), gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến 01 (một) văn bản đề xuất theo Mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến Bộ Giao thông vận tải. Căn cứ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để nạo vét luồng, Bộ Giao thông vận tải xem xét hồ sơ và có văn bản chấp thuận trong vòng 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp không chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải có văn bản trả lời tổ chức, doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
2. Quá trình thực hiện dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về hàng hải, đường thủy nội địa và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Trình tự thực hiện nạo vét, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 12 Nghị định này.
4. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
5. Sau khi hoàn thành công tác nạo vét, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình và bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý, sử dụng.
Đối với tuyến luồng chỉ phục vụ cho một nhà đầu tư cảng, Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác cảng đó chịu trách nhiệm nạo vét duy tu hằng năm, đảm bảo chuẩn tắc, thông số kỹ thuật luồng được cơ quan có thẩm quyền công bố
Trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp không đảm bảo đủ nguồn lực bố trí để nạo vét duy tu hoặc không tiếp tục nạo vét duy tu, báo cáo Bộ Giao thông vận tải xem xét cân đối nguồn vốn Ngân sách nhà nước để nạo vét duy tu tuyến luồng.
Điều 21. Nạo vét đường thủy nội địa địa phương
1. Thủ tục chấp thuận đề xuất thực hiện nạo vét đường thủy nội địa địa phương.
Tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tự thực hiện nạo vét đường thủy nội địa địa phương (bao gồm cả nạo vét cơ bản, nạo vét duy tu và nạo vét khẩn cấp) bằng kinh phí của tổ chức, doanh nghiệp (không kết hợp thu hồi sản phẩm), gửi trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến 01 (một) văn bản đề xuất theo Mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Căn cứ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp huy động vốn phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để nạo vét tuyến luồng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hồ sơ và có văn bản chấp thuận trong vòng 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp. Trường hợp không chấp thuận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản trả lời tổ chức, doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
2. Quá trình thực hiện dự án phải tuân thủ quy định của pháp luật về đường thủy nội địa và các quy định pháp luật có liên quan.
3. Trình tự thực hiện nạo vét, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 3, 4, 6, 7 và 8 Điều 12 Nghị định này.
4. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.
5. Sau khi hoàn thành công tác nạo vét, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành nghiệm thu hoàn thành công trình và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổ chức quản lý, sử dụng.
Đối với tuyến luồng chỉ phục vụ cho một nhà đầu tư cảng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét chấp thuận cho doanh nghiệp khai thác cảng đó chịu trách nhiệm nạo vét duy tu hằng năm, đảm bảo chuẩn tắc, thông số kỹ thuật luồng được cơ quan có thẩm quyền công bố.
Trường hợp, tổ chức, doanh nghiệp không đảm bảo đủ nguồn lực bố trí để nạo vét duy tu hoặc không tiếp tục nạo vét duy tu, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét cân đối nguồn vốn Ngân sách nhà nước để nạo vét duy tu tuyến luồng.
Chương IV
NẠO VÉT KẾT HỢP THU HỒI SẢN PHẨM
Điều 22. Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm
1. Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm đối với kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý phải được lập thành dự án và thực hiện theo quy định tại Chương này (sau đây gọi là dự án do Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý).
2. Nạo vét vùng nước trước bến cảng, cầu cảng biển; vùng nước của cảng, bến thủy nội địa; luồng chuyên dùng có kết hợp thu hồi sản phẩm:
a) Chủ đầu tư dự án nạo vét tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và không phải thực hiện dự án theo trình tự quy định tại Điều 23 Nghị định này;
b) Chủ đầu tư dự án nạo vét phải thực hiện khảo sát địa chất, lấy mẫu phân tích thành phần, tính chất cơ lý, tính chất hóa học của chất nạo vét theo quy định. Đối với phần chất nạo vét tận thu thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên, khoáng sản.
3. Không thực hiện bán đấu giá đối với phần chất nạo vét tận thu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
4. Đối với phần chất nạo vét không tận thu của các dự án được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, thực hiện theo quy định tại Điều 7, 8 Nghị định này.
Điều 23. Trình tự thực hiện dự án
1. Lập và công bố danh mục dự án theo quy định tại Điều 26, 27 Nghị định này.
a) Bộ Giao thông vận tải lập và công bố danh mục dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập và công bố danh mục dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý.
2. Lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án theo quy định tại Điều 28, 29, 30, 31 Nghị định này.
3. Lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án theo quy định tại Điều 32, 33, 34, 35 Nghị định này.
4. Triển khai thực hiện hợp đồng dự án, bàn giao dự án, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định tại Điều 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42 Nghị định này.
Điều 24. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án
1. Đối với các dự án do Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục.
a) Trường hợp dự án nằm trên phạm vi của 01 (một) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.
b) Đối với dự án nằm trên phạm vi từ 02 (hai) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan đến phạm vi dự án để quyết định 01 (một) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo tiêu chí sau: căn cứ vào năng lực và nguồn lực thực hiện dự án; có hiệu quả về kinh tế xã hội; Địa phương có cầu cảng, bến cảng bảo đảm tiếp nhận được tàu có trọng tải theo công bố phù hợp chuẩn tắc, thông số kỹ thuật của tuyến luồng sau khi hoàn thành dự án.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đối với các dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục.
3. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện khoản 2, 3, 4 Điều 23 Nghị định này.
Điều 25. Chi phí dự án
1. Chi phí dự án theo quy định của pháp luật xây dựng, bảo vệ môi trường và pháp luật liên quan, bao gồm:
a) Chi phí lập, thẩm tra (nếu có), thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt dự án;
b) Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép nhận chìm ở biển, hoặc giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường và các quy định liên quan;
c) Chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;
d) Chi phí hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tổ chức quản lý dự án; chi phí kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư;
đ) Chi phí thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý dự án;
e) Chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đàm phán hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan;
g) Chi phí nạo vét;
h) Các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và các chi phí khác liên quan đến dự án.
2. Chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được bố trí từ các nguồn vốn sau:
a) Chi phí tại điểm a, b khoản 1 Điều này lấy từ nguồn vốn của doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương cấp trong kế hoạch hằng năm của địa phương thực hiện dự án được sử dụng trong trường hợp không có doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án;
b) Chi phí tại điểm c khoản 1 Điều này từ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương thực hiện dự án, nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư (nếu có);
c) Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án thì chi phí tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này từ nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả theo chi phí thực hiện dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chi phí do nhà đầu tư hoàn trả được thực hiện như sau:
Đối với chi phí tại điểm a, b khoản 1 Điều này: Trường hợp doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đồng thời là nhà đầu tư được lựa chọn thì không phải thực hiện hoàn trả; trường hợp doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không phải là nhà đầu tư được lựa chọn thì nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả cho doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án; trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi thì nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả theo hình thức nộp ngân sách địa phương thực hiện dự án.
Đối với chi phí tại điểm c khoản 1 Điều này: nhà đầu tư được lựa chọn hoàn trả theo hình thức nộp ngân sách địa phương thực hiện dự án;
d) Chi phí tại điểm d, đ, e, g, h khoản 1 Điều này lấy từ nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án chi trả.
3. Cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thực hiện dự án lập dự toán chi phí tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương theo quy định.
Điều 26. Lập danh mục dự án
1. Đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này: Trong quý I hằng năm, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức xây dựng danh mục dự án cho năm tiếp theo trình Bộ Giao thông vận tải xem xét lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan và công bố danh mục dự án.
2. Đối với dự án quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này: Trong quý I hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, công bố danh mục dự án cho năm tiếp theo.
3. Điều kiện lựa chọn dự án đưa vào danh mục:
a) Sự cần thiết đầu tư;
b) Không trùng lặp với dự án nạo vét đã được quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định phê duyệt dự án hoặc dự án bảo trì công trình hàng hải, đường thủy nội địa sử dụng vốn ngân sách nhà nước hằng năm đã được phê duyệt kế hoạch bảo trì;
c) Có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác.
4. Các trường hợp đưa dự án ra khỏi danh mục:
a) Dự án không khả thi;
b) Đối với dự án không sử dụng nguồn vốn ngân sách để thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư hoặc dự án nạo vét duy tu sử dụng nguồn chi thường xuyên để thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư: không phê duyệt dự án trong thời hạn 01 năm kể từ ngày công bố danh mục dự án đối với dự án do nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi; 02 năm kể từ ngày công bố danh mục dự án đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi;
c) Đối với dự án nạo vét cơ bản sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư: không hoàn thành việc lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong thời hạn 01 năm kể từ ngày công bố danh mục dự án; không bố trí được nguồn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán phần chênh lệch cho nhà đầu tư; không phê duyệt dự án trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày dự án được bố trí vốn;
d) Không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 27. Công bố danh mục dự án
1. Đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này: Định kỳ trước ngày 30 tháng 4 hằng năm, Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục dự án. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa thực hiện công bố danh mục dự án trên Trang thông tin điện tử của cơ quan. Danh mục dự án được công bố phải có những nội dung: Tên, địa điểm, phạm vi, thời gian thực hiện dự án; chuẩn tắc nạo vét; tên, địa chỉ liên hệ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 Nghị định này.
2. Đối với dự án quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này: Định kỳ trước ngày 30 tháng 4 hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố danh mục dự án trên Trang thông tin điện tử của cơ quan. Danh mục dự án được công bố phải có những nội dung: Tên, địa điểm, phạm vi, thời gian thực hiện dự án; chuẩn tắc nạo vét; tên, địa chỉ liên hệ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định này.
3. Trường hợp điều chỉnh danh mục dự án, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Điều 28. Lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
1. Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do doanh nghiệp đề xuất lập:
a) Doanh nghiệp gửi văn bản đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án kèm theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, báo cáo tài chính 02 năm liền kề, báo cáo năng lực thực hiện dự án tương tự đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định này;
b) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xem xét, trả lời bằng văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Nội dung văn bản chấp thuận bao gồm: Tên doanh nghiệp được giao lập báo cáo nghiên cứu khả thi; thời hạn, địa điểm nộp báo cáo nghiên cứu khả thi; cơ quan, đơn vị chủ trì tiếp nhận báo cáo nghiên cứu khả thi, thực hiện thủ tục trình thẩm định và trình phê duyệt dự án; trách nhiệm, cách thức phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc hướng dẫn doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi; các nội dung khác có liên quan;
c) Doanh nghiệp được chấp thuận thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định tại Điều 29 Nghị định này;
d) Doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi chịu mọi chi phí, rủi ro khi dự án không được phê duyệt hoặc dự án được phê duyệt mà không lựa chọn được nhà đầu tư.
2. Sau 60 ngày kể từ ngày công bố danh mục dự án mà không có doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án xem xét, quyết định việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ nguồn chi thường xuyên ngân sách địa phương.
3. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Điều 29. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Sự cần thiết đầu tư, lợi thế của việc đầu tư so với hình thức đầu tư khác.
2. Sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
3. Mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án; khối lượng nạo vét; thành phần chất nạo vét theo số liệu khảo sát địa chất; mục đích và nhu cầu sử dụng chất nạo vét; khối lượng sản phẩm tận thu.
4. Tiến độ, thời gian thực hiện dự án bao gồm: thời hạn hợp đồng, thời gian thi công.
5. Thuyết minh yêu cầu về phương án tổ chức quản lý, phương án kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, phương án xử lý đối với phần chất nạo vét không tận thu (nếu có). Hồ sơ thiết kế theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan.
6. Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
7. Chi phí thực hiện dự án (bao gồm các chi phí được quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định này; thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản liên quan đến dự án theo quy định; lãi vay huy động vốn thực hiện dự án, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư); giá trị sản phẩm tận thu được xác định theo quy định tại Điều 41 Nghị định này; dự kiến sử dụng vốn nhà nước trong dự án (nếu có); phương án thanh toán phần chênh lệch giữa chi phí thực hiện dự án và giá trị sản phẩm tận thu.
a) Việc xác định lãi vay huy động vốn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
b) Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được tính trong thời gian thi công của dự án và theo khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải được quy định tại pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
8. Khả năng huy động vốn để thực hiện dự án.
9. Phân tích rủi ro, biện pháp quản lý rủi ro của dự án.
10. Các hình thức ưu đãi (nếu có).
11. Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Điều 30. Tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phê duyệt dự án
1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phê duyệt dự án theo quy định pháp luật xây dựng, pháp luật liên quan và Nghị định này.
2. Đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do doanh nghiệp lập thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính.
3. Trước khi phê duyệt dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm đối với kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý, cơ quan có thẩm quyền tổ chức lấy ý kiến tham gia của cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật về hàng hải, đường thủy nội địa và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong trường hợp dự án nằm trên phạm vi từ 02 (hai) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
4. Không phê duyệt dự án có kinh phí thanh toán phần chênh lệch quy định tại khoản 2 Điều 42 Nghị định này lớn hơn 50% tổng chi phí thực hiện dự án.
Điều 31. Điều chỉnh dự án
1. Dự án được xem xét điều chỉnh trong trường hợp sau đây:
a) Dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng;
b) Xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn về tài chính, kinh tế - xã hội cho dự án;
c) Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu, địa điểm, quy mô của dự án;
d) Không lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án.
2. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định tại Điều 30 Nghị định này đối với nội dung điều chỉnh.
Điều 32. Lựa chọn nhà đầu tư
1. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu.
2. Điều kiện, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và ưu đãi đối với nhà đầu tư trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu.
3. Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư để thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo thẩm quyền căn cứ mức độ cần thiết của dự án để bố trí ngân sách nhà nước được cấp để thực hiện, trình tự thủ tục thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này.
Điều 33. Ký kết hợp đồng dự án
1. Hợp đồng được ký kết trên cơ sở quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, kết quả đàm phán hợp đồng, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư còn hiệu lực.
2. Cơ quan ký kết hợp đồng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án hoặc cơ quan được cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án giao ký kết hợp đồng với nhà đầu tư.
3. Đối với nhà đầu tư liên danh, tất cả các thành viên liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng.
Điều 34. Nội dung hợp đồng dự án
1. Nội dung cơ bản của hợp đồng dự án:
a) Thông tin về các bên trong hợp đồng;
b) Mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án; khối lượng nạo vét và phương án điều chỉnh khối lượng nạo vét, khối lượng sản phẩm tận thu và điều chỉnh khối lượng sản phẩm tận thu; mục đích sử dụng sản phẩm tận thu, phương án xử lý đối với phần chất nạo vét không tận thu (nếu có); tiến độ, thời gian thực hiện dự án gồm thời hạn hợp đồng, thời hạn thi công; điều chỉnh tiến độ, thời gian thực hiện dự án;
c) Yêu cầu kỹ thuật, chất lượng công trình dự án;
d) Chi phí thực hiện dự án theo quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định này, đối với chi phí nạo vét thì đơn giá thi công nạo vét được thực hiện theo hình thức đơn giá cố định, phương án điều chỉnh chi phí thực hiện dự án khi điều chỉnh khối lượng nạo vét;
đ) Giá trị sản phẩm tận thu; giá trị thanh toán và phương án thanh toán phần chênh lệch giữa giá trị sản phẩm tận thu và chi phí thực hiện dự án; hình thức và thời hạn thanh toán;
e) Nguồn vốn thực hiện dự án, kế hoạch thu xếp tài chính;
g) Bàn giao mặt bằng xây dựng; bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có);
h) Thiết kế, tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng, nghiệm thu, quyết toán dự án; bàn giao dự án;
i) Bảo đảm thực hiện hợp đồng;
k) Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng; trách nhiệm thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo quy định của pháp luật có liên quan;
l) Phương án xử lý trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự để tiếp tục thực hiện hợp đồng; xử lý vi phạm trong quá trình thực hiện dự án; phạt hợp đồng;
m) Trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo mật thông tin; chế độ báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát;
n) Sự kiện bất khả kháng và nguyên tắc xử lý;
o) Các hình thức ưu đãi (nếu có);
p) Các nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; quyền và nghĩa vụ các bên khi thanh lý hợp đồng;
q) Pháp luật điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp;
r) Hiệu lực và thời hạn hợp đồng dự án; sửa đổi hợp đồng; chấm dứt hợp đồng;
s) Các nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên ký kết bảo đảm phù hợp quy định pháp luật.
2. Các tài liệu kèm theo hợp đồng dự án bao gồm phụ lục, tài liệu có liên quan là bộ phận không tách rời của hợp đồng dự án.
3. Nhà đầu tư thực hiện nộp ngân sách địa phương thực hiện dự án tiền phạt theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật.
Điều 35. Thời hạn hợp đồng, bảo đảm thực hiện hợp đồng, sửa đổi hợp đồng dự án, chấm dứt hợp đồng dự án
1. Thời hạn hợp đồng dự án do các bên thỏa thuận trên cơ sở dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Hợp đồng dự án được sửa đổi khi điều chỉnh dự án và các trường hợp khác được các bên thỏa thuận tại hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Chấm dứt hợp đồng dự án
a) Việc chấm dứt hợp đồng dự án thực hiện theo quy định tại hợp đồng.
b) Việc chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn chỉ áp dụng trong các trường hợp sau đây:
Dự án bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng mà các bên đã thực hiện các biện pháp khắc phục nhưng không bảo đảm việc tiếp tục thực hiện hợp đồng dự án;
Vì lợi ích quốc gia; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước;
Khi nhà đầu tư mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;
Khi một trong các bên trong hợp đồng vi phạm nghiêm trọng việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng;
Trường hợp khác do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự. Các bên ký kết hợp đồng thỏa thuận về chấm dứt hợp đồng.
Điều 36. Điều kiện triển khai và lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án
1. Dự án được triển khai sau khi hợp đồng dự án được ký kết và thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, tài nguyên khoáng sản và các thủ tục khác theo quy định.
2. Nhà đầu tư tự thực hiện hoặc lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công, nhà thầu khác để thực hiện các công việc của dự án với yêu cầu đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định pháp luật. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với quyết định của mình.
Điều 37. Lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
1. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án quyết định số bước thiết kế xây dựng khi phê duyệt dự án.
2. Nhà đầu tư lập thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gửi cơ quan ký kết hợp đồng để thống nhất trước khi phê duyệt. Sau khi phê duyệt, nhà đầu tư gửi cơ quan ký hợp đồng hồ sơ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở để giám sát, kiểm tra. Việc thay đổi thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở phải được sự thống nhất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
3. Việc lập, thẩm tra, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Điều 38. Giám sát thực hiện hợp đồng dự án
1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ của dự án; tổ chức lựa chọn tư vấn độc lập để giám sát môi trường, giám sát thi công xây dựng theo thiết kế, phương án thi công, hợp đồng dự án; phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn giám sát môi trường, giám sát thi công sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan ký kết hợp đồng.
2. Cơ quan ký kết hợp đồng tổ chức giám sát việc tuân thủ các nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định tại hợp đồng dự án và quy định tại Nghị định này. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan ký kết hợp đồng được thuê tư vấn hỗ trợ giám sát thực hiện hợp đồng dự án.
3. Chi phí thuê tư vấn hỗ trợ giám sát thực hiện hợp đồng dự án quy định tại khoản 2 Điều này được nhà đầu tư chuyển vào tài khoản của cơ quan ký kết hợp đồng để thực hiện thanh toán cho đơn vị tư vấn.
4. Đối với luồng hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia, trước khi triển khai thi công dự án, cơ quan ký kết hợp đồng cung cấp hồ sơ dự án cho Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam để phối hợp quản lý, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án.
Điều 39. Bàn giao dự án
1. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm tổ chức lựa chọn tư vấn độc lập để thực hiện khảo sát phục vụ nghiệm thu giai đoạn và hoàn thành dự án, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; phê duyệt kết quả lựa chọn tư vấn độc lập để thực hiện khảo sát phục vụ nghiệm thu giai đoạn và hoàn thành dự án, kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan có thẩm quyền.
2. Nhà đầu tư báo cáo cơ quan ký kết hợp đồng để tổ chức khảo sát đo đạc, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án, bàn giao dự án.
3. Trách nhiệm tổ chức khảo sát đo đạc, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án, bàn giao dự án: cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án có trách nhiệm tổ chức khảo sát đo đạc, nghiệm thu kết quả thực hiện dự án và nhận bàn giao từ nhà đầu tư; thanh quyết toán theo hợp đồng dự án; thanh lý hợp đồng dự án; bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam quản lý đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định này.
4. Sau khi tiếp nhận dự án, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo chức năng, thẩm quyền.
Điều 40. Xác định giá trị sản phẩm tận thu
1. Giá trị sản phẩm tận thu được xác định như sau:
Giá trị sản phẩm tận thu | = (bằng) | Khối lượng sản phẩm tận thu | x (nhân) | Giá sản phẩm tận thu |
2. Giá sản phẩm tận thu là giá tính thuế tài nguyên của loại tài nguyên, sản phẩm tài nguyên tương ứng với sản phẩm tận thu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án ban hành theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên.
3. Khối lượng sản phẩm tận thu là khối lượng của phần chất nạo vét thu hồi từ dự án, trên cơ sở kết quả khảo sát địa chất.
Điều 41. Nguyên tắc thanh toán giá trị phần chênh lệch giữa chi phí thực hiện dự án và giá trị sản phẩm tận thu
1. Trường hợp chi phí thực hiện dự án nhỏ hơn giá trị sản phẩm tận thu thì nhà đầu tư có trách nhiệm nộp phần chênh lệch vào ngân sách của địa phương thực hiện dự án. Phần chênh lệch này không thấp hơn giá trị trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết.
2. Trường hợp chi phí thực hiện dự án lớn hơn giá trị sản phẩm tận thu thì cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị phần chênh lệch và thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư. Kinh phí thanh toán phần chênh lệch được sử dụng từ nguồn vốn như sau:
a) Đối với dự án nạo vét duy tu kết hợp thu hồi sản phẩm: sử dụng ngân sách địa phương để thanh toán phần chênh lệch. Phần chênh lệch này không cao hơn giá trị trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết. Cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thực hiện dự án trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp dự toán chi phí thực hiện dự án phải thanh toán cho nhà đầu tư trong chi ngân sách địa phương thực hiện dự án theo quy định và thanh toán cho nhà đầu tư sau khi được bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương thực hiện dự án.
b) Đối với dự án nạo vét cơ bản kết hợp thu hồi sản phẩm: sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán phần chênh lệch. Phần chênh lệch này không cao hơn giá trị trong hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết. Cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao thực hiện dự án trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp dự toán chi phí thực hiện dự án phải thanh toán cho nhà đầu tư trong chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư công và thanh toán cho nhà đầu tư sau khi được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Điều 42. Kiểm toán và quyết toán vốn đầu tư
1. Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán dự án.
2. Quyết toán vốn đầu tư là việc xác định phần chênh lệch giữa chi phí thực hiện dự án và giá trị sản phẩm tận thu sau khi hoàn thành dự án do cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án và nhà đầu tư ký kết phù hợp quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án giám sát nhà đầu tư thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại Hợp đồng.
Chương V
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 43. Trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải
1. Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa theo quy định.
2. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Giao thông vận tải.
3. Thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan phân cấp theo quy định.
4. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
5. Rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
6. Chỉ đạo các cơ quan quản lý chuyên ngành hàng hải, đường thủy nội địa phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện dự án và tổ chức tiếp nhận, bàn giao sau khi hoàn thành dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm đối với kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
7. Hướng dẫn chi tiết công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quản lý thi công đối với công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quy định tại Điều 18 Nghị định này và hướng dẫn tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định này.
Điều 44. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng
Tổ chức quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng quân sự (phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng).
Điều 45. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước hằng năm thực hiện công tác nạo vét duy tu các tuyến luồng hàng hải công cộng và đường thủy nội địa (bao gồm cơ sở hạ tầng thông tin cho công tác giám sát quản lý nhà nước) theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nạo vét luồng hàng hải công cộng, đường thủy nội địa quy định tại Nghị định này.
2. Chủ trì xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật đánh giá, phân tích thành phần, hàm lượng, khối lượng khoáng sản đối với các dự án, công trình nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
Chủ trì xây dựng, ban hành tiêu chuẩn và các điều kiện cần thiết để có thể tận dụng sản phẩm nạo vét vào mục đích san lấp, xây dựng.
Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định trong phạm vi vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa có hoạt động nạo vét.
2. Kiểm tra, xử lý vi phạm về an ninh, trật tự theo quy định đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Điều 49. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Hướng dẫn trình tự, thủ tục và xác nhận đăng ký khối lượng sản phẩm tận thu đối với các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
2. Quản lý khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ theo quy định.
3. Công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét trên bờ và nhận chìm chất nạo vét ở biển chậm nhất sau 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và trước ngày 15 tháng 5 hằng năm cập nhật bổ sung nếu có thay đổi so với khu vực, địa điểm đã được công bố.
4. Tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm đối với kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 50. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2024, thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
2. Bãi bỏ Điều 11 Nghị định số 43/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải và Điều 10 Nghị định số 45/2018/NĐ-CP ngày 13 tháng
3 năm 2018 của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa.
3. Các quy định pháp luật khác liên quan đến tổ chức thực hiện nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa trái với quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều 51. Quy định chuyển tiếp
1. Đối với công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải công cộng đã được Cục Hàng hải Việt Nam ký kết hợp đồng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải trước khi Nghị định này có hiệu lực thực hiện như sau:
a) Công trình có thời gian thực hiện theo kế hoạch bảo trì được phê duyệt năm 2023-2024 hoặc năm 2024 thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ đến khi hoàn thành hợp đồng.
b) Công trình có thời gian thực hiện theo kế hoạch bảo trì được phê duyệt năm 2024-2025 thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Cục Hàng hải Việt Nam và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải thanh lý hợp đồng đã ký.
2. Đối với công trình nạo vét duy tu đường thủy nội địa đã được ký Hợp đồng tư vấn, thi công nạo vét trước ngày Nghị định này có hiệu lực tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ đến khi hoàn thành Hợp đồng.
3. Đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án theo quy định trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền có ý kiến đáp ứng điều kiện tiếp tục triển khai dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ thì không phải thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, các bước tiếp theo thực hiện như sau:
a) Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
b) Cục Hàng hải Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước đường thủy nội địa) bàn giao nguyên trạng hồ sơ dự án đang quản lý cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án và thông báo cho nhà đầu tư.
c) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án: yêu cầu nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định tại Điều 29 Nghị định này; tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, trường hợp kết quả thẩm định là khả thi và giá trị sản phẩm tận thu đủ bù đắp chi phí thực hiện dự án thì phê duyệt dự án theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 30 Nghị định này và ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư, nội dung hợp đồng phải đảm bảo quy định tại Điều 34, 35 Nghị định này. Trường hợp kết quả thẩm định không khả thi hoặc giá trị sản phẩm tận thu không đủ bù đắp chi phí thực hiện dự án thì chấm dứt dự án, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về tài chính, không được nhà nước bồi hoàn các chi phí liên quan đến dự án.
Thời hạn tổ chức lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tối đa là 18 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tiếp nhận hồ sơ dự án từ Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
d) Triển khai thực hiện hợp đồng dự án, bàn giao dự án, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư dự án theo quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40, khoản 1 Điều 41, 42 Nghị định này.
4. Đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ đề xuất dự án hoặc chấp thuận dự án hoặc đã ký kết hợp đồng dự án theo quy định trước ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định này nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền có ý kiến đáp ứng điều kiện tiếp tục triển khai dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ thì không phải thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, các bước tiếp theo thực hiện như sau:
a) Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
b) Cục Hàng hải Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước đường thủy nội địa) bàn giao nguyên trạng hồ sơ dự án đang quản lý cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án và thông báo cho nhà đầu tư.
c) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án yêu cầu nhà đầu tư rà soát, lập hồ sơ đề xuất dự án điều chỉnh theo các nội dung quy định tại Điều 29 của Nghị định này và tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất dự án điều chỉnh. Trường hợp hồ sơ được đánh giá khả thi và giá trị sản phẩm tận thu đủ bù đắp chi phí thực hiện dự án thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm d, đ khoản này. Trường hợp hồ sơ được đánh giá không khả thi hoặc giá trị sản phẩm tận thu không đủ bù đắp chi phí thực hiện dự án thì chấm dứt dự án.
Thời hạn thực hiện lập và thẩm định hồ sơ đề xuất dự án điều chỉnh tối đa là 12 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tiếp nhận hồ sơ dự án từ Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Sau thời hạn trên nếu hồ sơ đề xuất dự án điều chỉnh do nhà đầu tư lập không đáp ứng các nội dung quy định tại Điều 29 Nghị định này thì chấm dứt dự án.
Trường hợp chấm dứt dự án, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về tài chính, không được nhà nước bồi hoàn các chi phí liên quan đến dự án.
d) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án phê duyệt điều chỉnh dự án, ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư, nội dung hợp đồng phải đảm bảo theo quy định tại Điều 34, 35 Nghị định này. Trường hợp dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, Cục Hàng hải Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước đường thủy nội địa) và nhà đầu tư ký Phụ lục Hợp đồng 03 bên, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện Hợp đồng cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ký kết.
đ) Triển khai thực hiện hợp đồng dự án, bàn giao dự án, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư dự án theo quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40, khoản 1 Điều 41, 42 Nghị định này.
5. Đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã được cơ quan có thẩm quyền có ý kiến đáp ứng điều kiện tiếp tục triển khai dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ thì không phải thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, các bước tiếp theo thực hiện như sau:
a) Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
b) Cục Hàng hải Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước đường thủy nội địa) bàn giao nguyên trạng hồ sơ dự án đang quản lý cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án và thông báo cho nhà đầu tư.
c) Trên cơ sở hồ sơ điều chỉnh dự án đã được cơ quan có thẩm quyền có ý kiến đáp ứng điều kiện tiếp tục triển khai dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án rà soát chi phí thực hiện dự án, giá trị sản phẩm tận thu, phương án thanh toán phần chênh lệch giữa chi phí thực hiện dự án và giá trị sản phẩm tận thu theo quy định tại khoản 7 Điều 29 của Nghị định này. Trường hợp giá trị sản phẩm tận thu đủ bù đắp chi phí thực hiện dự án thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại điểm d, đ khoản này. Trường hợp giá trị sản phẩm tận thu không đủ bù đắp chi phí thực hiện dự án thì chấm dứt dự án.
Thời hạn rà soát và phê duyệt điều chỉnh dự án tối đa là 12 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án tiếp nhận hồ sơ dự án từ Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Trường hợp chấm dứt dự án, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về tài chính, không được nhà nước bồi hoàn các chi phí liên quan đến dự án.
d) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án phê duyệt điều chỉnh dự án, ký kết hợp đồng dự án với nhà đầu tư, nội dung hợp đồng phải đảm bảo theo quy định tại Điều 34, 35 Nghị định này. Trường hợp dự án đã ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực, cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, Cục Hàng hải Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển), Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước đường thủy nội địa) và nhà đầu tư ký Phụ lục Hợp đồng 03 bên, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện Hợp đồng cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Hợp đồng và Phụ lục Hợp đồng ký kết.
đ) Triển khai thực hiện hợp đồng dự án, bàn giao dự án, kiểm toán, quyết toán vốn đầu tư dự án theo quy định tại các Điều 36, 37, 38, 39, 40, khoản 1 Điều 41, 42 Nghị định này.
6. Đối với dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm thuộc danh mục đã được Bộ Giao thông vận tải công bố theo quy định của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ thì triển khai thực hiện như sau:
a) Lựa chọn cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo quy định tại Điều 24 Nghị định này. Trình tự thực hiện dự án theo quy định tại Điều 23 của Nghị định này, không phải thực hiện các công việc đã hoàn thành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện: bàn giao nguyên trạng hồ sơ dự án đang quản lý cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án để tiếp tục tổ chức thực hiện dự án. Đối với các Hợp đồng tư vấn thực hiện dự án đã ký, Cục Hàng hải Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án và đơn vị tư vấn ký Phụ lục Hợp đồng 03 bên, trong đó Cục Hàng hải Việt Nam chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm theo Hợp đồng cho cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án và thanh toán chi phí đối với công việc đã thực hiện đến thời điểm bàn giao theo quy định tại Hợp đồng cho đơn vị tư vấn, đơn vị tư vấn có trách nhiệm thực hiện các công việc theo quy định tại Hợp đồng.
Điều 52. Tổ chức thực hiện
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ TIẾP NHẬN CHẤT NẠO VÉT TỪ HOẠT ĐỘNG NẠO VÉT TRONG VÙNG NƯỚC CẢNG BIỂN VÀ VÙNG NƯỚC ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Kèm theo Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ)
….(1)…… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
V/v đề nghị tiếp nhận chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa | …..(2)…, ngày… tháng… năm….. |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ...(3)...
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số …/...../NĐ-CP ngày …. tháng ... năm ... của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;
...(1)... đề nghị được tiếp nhận chất nạo vét từ hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh/thành phố ….. (3)… với các thông tin chi tiết như sau:
1. Khu vực, địa điểm đề nghị tiếp nhận:
2. Địa chỉ:
3. Tọa độ các điểm góc ranh giới khu vực, địa điểm đề nghị tiếp nhận: sử dụng hệ tọa độ quốc gia VN-2000
4. Diện tích: …. héc ta (ha) hoặc m2
5. Khả năng tiếp nhận: …. m3
6. Hiện trạng khu vực, địa điểm đề nghị tiếp nhận: mô tả hiện trạng khu đất...
7. Thời gian dự kiến tiếp nhận:
8. Các văn bản pháp lý của khu vực, địa điểm đề nghị tiếp nhận: nêu và gửi kèm bản sao các văn bản pháp lý của khu vực, địa điểm đề nghị tiếp nhận như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các văn bản cho phép sử dụng khu đất của cơ quan có thẩm quyền.
9. Thông tin liên hệ: họ tên, chức vụ, điện thoại, email,…
…(1)… cam kết chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Nghị định số …../..../NĐ-CP ngày…. về việc quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa.
...(1)… kính đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …(3)…. xem xét, chấp thuận.
| ……..(4)….. |
Ghi chú:
(1) Tên tổ chức, doanh nghiệp đề nghị tiếp nhận chất nạo vét.
(2) Tên địa danh nơi lập văn bản.
(3) Tên địa danh nơi có khu vực đề nghị tiếp nhận chất nạo vét.
(4) Người đại diện có thẩm quyền của tổ chức, doanh nghiệp đề nghị tiếp nhận chất nạo vét.
PHỤ LỤC II
QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC CÔNG BỐ DANH MỤC KHU VỰC, ĐỊA ĐIỂM TIẾP NHẬN CHẤT NẠO VÉT, NHẬN CHÌM CHẤT NẠO VÉT
(Kèm theo Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ)
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: …../QĐ-UBND | …..(1)…, ngày… tháng… năm…. |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc công bố danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét …..(1)…..
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH/THÀNH PHỐ ….(1)….
Căn cứ Nghị định số …./.../NĐ-CP ngày…. tháng…. năm ... của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;
Căn cứ …. (các căn cứ pháp lý khác có liên quan);
Theo đề nghị của …..(2)….. tại văn bản số …..
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét tại tỉnh/thành phố …(1)….
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. …(2)….:
- Chủ trì, phối hợp với …(các sở, ngành có liên quan của tỉnh)… hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, doanh nghiệp đổ chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét thực hiện theo quy định.
- Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …(1)… cập nhật danh mục khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét trước ngày 15 tháng 5 hàng năm nếu có thay đổi khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét so với danh mục nêu trên.
- …(các nội dung khác nếu có)….
2. …(các sở, ngành có liên quan của tỉnh/thành phố)…
3. Đơn vị quản lý khu vực, địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét của tỉnh/thành phố:
4. Đơn vị có nhu cầu đổ chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét:
- Căn cứ danh mục tại Quyết định này, các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu đổ chất nạo vét lựa chọn khu vực, địa điểm phù hợp với dự án, công trình của mình, có văn bản đề xuất tới Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …(1).. để được chấp thuận trước khi triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo. Việc thi công, đổ chất nạo vét phải tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, an toàn hàng hải, xây dựng và các quy định có liên quan khác.
- …(các nội dung khác nếu có)….
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| …..(3)….. |
Ghi chú:
(1) Tên tỉnh/thành phố thực hiện công bố danh mục khu vực, địa điểm đổ chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét.
(2) Tên cơ quan tham mưu được giao chủ trì thực hiện.
(3) Người có thẩm quyền ký, đóng dấu.
DANH MỤC CÁC KHU VỰC, ĐỊA ĐIỂM TIẾP NHẬN CHẤT NẠO VÉT, NHẬN CHÌM CHẤT NẠO VÉT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH/THÀNH PHỐ
…(1)….
(Kèm theo Quyết định số …. ngày… tháng…. năm… của Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …(1)…)
STT | Địa điểm tiếp nhận chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét | Tọa độ các điểm góc | Khối lượng tiếp nhận | Giới hạn cao độ đổ chất nạo vét, nhận chìm chất nạo vét (nếu có) | Ghi chú |
1 | |||||
2 | |||||
3 |
Ghi chú: Tọa độ các điểm góc sử dụng hệ tọa độ quốc gia VN-2000.
PHỤ LỤC III
VĂN BẢN ĐỀ XUẤT THỰC HIỆN NẠO VÉT LUỒNG HÀNG HẢI/ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA QUỐC GIA/ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA ĐỊA PHƯƠNG
(Kèm theo Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ)
….(1)… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
V/v đề xuất thực hiện nạo vét luồng hàng hải….(3)…./đường thủy nội địa quốc gia …(3)…/đường thủy nội địa địa phương…(3)… | …..(2)…, ngày… tháng… năm….. |
Kính gửi: Bộ Giao thông vận tải/Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ...(4)...
Căn cứ Nghị định số …/.../NĐ-CP ngày…. tháng …. năm ... của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa;
...(1)... đề xuất thực hiện nạo vét luồng hàng hải/đường thủy nội địa quốc gia/đường thủy nội địa địa phương với các nội dung chủ yếu như sau:
1. Sự cần thiết:
2. Phạm vi:
3. Quy mô thực hiện:
4. Nguồn vốn và khả năng huy động vốn thực hiện:
5. Thời gian thực hiện:
6. Phương án khai thác, vận hành (nếu có):
7. Thông tin liên hệ: Họ tên, chức vụ, điện thoại, email,…
(1)… cam kết tuân thủ quy định tại Nghị định số …../..../NĐ-CP ngày…. về việc quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa; không lợi dụng thực hiện nạo vét để thu hồi, tận thu sản phẩm nạo vét; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường, cảnh quan; tự chịu trách nhiệm hiệu quả đầu tư và kinh phí đầu tư; không yêu cầu nhà nước bồi hoàn chi phí.
...(1)… kính đề nghị Bộ Giao thông vận tải/Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố …(4)…. xem xét, chấp thuận.
| ……..(5)….. |
Ghi chú:
(1) Tên tổ chức, doanh nghiệp đề xuất thực hiện nạo vét.
(2) Tên địa danh nơi lập văn bản.
(3) Tên luồng đề xuất nạo vét đã được cơ quan có thẩm quyền công bố.
(4) Tên địa danh nơi có khu vực đề xuất thực hiện nạo vét.
(5) Người đại diện có thẩm quyền của tổ chức, doanh nghiệp đề xuất thực hiện nạo vét.
- 1Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa
- 2Thông tư 23/2022/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư 28/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 3Công văn 425/TTg-CN năm 2023 về Đề nghị xây dựng Nghị định quy định hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 118/TB-VPCP năm 2024 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý hoạt động nạo vét vùng cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa
- 2Nghị định 43/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải
- 3Nghị định 45/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa
- 1Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2Luật Xây dựng 2014
- 3Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 4Luật ngân sách nhà nước 2015
- 5Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015
- 6Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 7Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015
- 8Luật Đầu tư 2020
- 9Luật Đầu tư công 2019
- 10Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
- 11Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 12Luật Xây dựng sửa đổi 2020
- 13Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 14Luật Đấu thầu 2023
- 15Thông tư 23/2022/TT-BTNMT sửa đổi Thông tư 28/2019/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 16Công văn 425/TTg-CN năm 2023 về Đề nghị xây dựng Nghị định quy định hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa (thay thế Nghị định 159/2018/NĐ-CP) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 17Thông báo 118/TB-VPCP năm 2024 Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý hoạt động nạo vét vùng cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa do Văn phòng Chính phủ ban hành
Nghị định 57/2024/NĐ-CP quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa
- Số hiệu: 57/2024/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 20/05/2024
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra