Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
*****

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 48-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 04 năm 1962

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ VIỆC CẤP PHÁT VÀ QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG Ở CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ CÔNG TƯ HỢP DOANH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Thể lệ tạm thời số 138-TTg ngày 04 tháng 4 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập và xét duyệt kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh;
Căn cứ vào Quy định tạm thời số 131-TTg ngày 04 tháng 4 năm 1957 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề phân biệt một số chi phí trong kế hoạch thu chi tài vụ của xí nghiệp quốc doanh năm 1957;
Căn cứ Quyết định số 054-TTg ngày 19 tháng 02 năm 1959 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc cấp vốn lưu động đối với các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 26 tháng 0 năm 1962,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành điều lệ tạm thời kèm theo nghị đinh này, về việc cấp phát và quản lý vốn lưu động ở các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh.

Điều 2. - Những quy định cũ, trái với điều lệ tạm thời này, đều bãi bỏ.

Điều 3. - Bộ Tài chính sẽ ra thông tư giải thích cụ thể bản điều lệ tạm thời này.

Điều 4. - Để cho sát với tình hình địa phương, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh căn cứ vào bản điều lệ tạm thời này mà quy định cụ thể để thi hành đối với các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh địa phương thuộc mình quản lý.

Điều 5. - Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ chủ quản xí nghiệp và các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm thi hành nghị định này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

ĐIỀU LỆ

VỀ ĐỊNH MỨC VỐN LƯU ĐỘNG, CẤP PHÁT VỐN LƯU ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG CỦA CÁC XÍ NGHIỆP QUỐC DOANH VÀ XÍ NGHIỆP CÔNG TƯ HỢP DOANH

Điều 1. - Điều lệ này quy định những nguyên tắc về: định mức vốn lưu động của các xí nghiệp quốc doanh và xí nghiệp công tư hợp doanh (dưới đây gọi tắt là: xí nghiệp), cấp phát vốn lưu động định mức quản lý vốn lưu động của các xí nghiệp, nhằm bảo đảm cho các xí nghiệp có đủ số vốn cần thiết để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp đồng thời tiết kiệm vốn cho Nhà nước, dùng số vốn ít nhất để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ kế hoạch của xí nghiệp, tăng nhanh tốc độ luân chuyển vốn lưu động, củng cố chế độ hạch toán kinh tế và quán triệt chế độ tiết kiệm thêm một bước.

I. ĐỊNH MỨC VỐN LƯU ĐỘNG XÍ NGHIỆP

Điều 2. – Vốn lưu động của một xí nghiệp gồm có hai phần:

1. Vốn lưu động định mức, là số vốn lưu động tối thiểu, thường xuyên cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của xí nghiệp.

2. Vốn lưu động không định mức, là số vốn lưu động có thể phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp, nhưng không thể có căn cứ để tính toán, định mức được.

Phần lớn vốn lưu động xí nghiệp là vốn lưu động định mức, do các Bộ quản lý xí nghiệp, căn cứ vào các quy định của Nhà nước mà xác định hàng năm cho các xí nghiệp số vốn này gọi là vốn lưu động định mức kế hoạch của xí nghiệp.

Điều 3. - Thành phần của vốn lưu động định mức kế hoạch quy định tùy theo từng ngành kinh tế quốc dân và bao gồm: vốn dự trữ để sản xuất, vốn sản xuất, và vốn lưu thông. Vốn lưu động định mức kế hoạch gồm:

1. Đối với xí nghiệp sản xuất công nghiệp:

Nguyên liệu, vật liệu chủ yếu, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng linh tinh, đồ đóng gói, vật rẻ tiền mau hỏng, bán thành phẩm tự chế, sản phẩm đang chế tạo, thành phẩm, phí tổn đợi phân bổ.

2. Đối với các nông trường quốc doanh:

Hạt giống, phân bón, thức ăn của súc vật, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng linh tinh, đồ đóng gói, vật rẻ tiền mau hỏng, bán thành phẩm tự chế, sản phẩm đang sản xuất, sản phẩm giữ lại để dùng, súc vật nhỏ và súc vật nuôi béo để lấy thịt, phí tổn đợi phân bổ, thành phẩm quỹ tiền mặt (nếu cần).

3. Đối với các xí nghiệp xây lắp bao thầu:

Trừ phần dự trữ vật liệu chủ yếu đã được tạm ứng theo điều lệ cấp phát vốn kiến thiết cơ bản, vốn lưu động định mức kế hoạch của các xí nghiệp, xây lắp bao thầu gồm: vật liệu khác, vật rẻ tiền mau hỏng, nhiên liệu, thức ăn của súc vật, phí tổn đợi phân bổ (bao gồm: công trình nhỏ tạm thời, vật liệu sử dụng luân chuyển… công trình hoàn thành chưa thanh toán, quỹ tiền mặt (nếu cần).

4. Đối với các xí nghiệp thương nghiệp, và xí nghiệp cung tiêu:

Vốn dự trữ hàng hóa, vốn không phải là hàng hóa (bao gồm: vật rẻ tiền mau hỏng, vật liệu phụ và đồ đóng gói, phí tổn đợi phân bổ, quỹ bằng tiền).

5. Đối với các xí nghiệp vận tải:

Vật liệu, nhiên liệu, phụ tùng linh tinh, đồ đóng gói, vật rẻ tiền mau hỏng, thành phẩm và công tác hoàn thành nhưng chưa thanh toán, phí tổn đợi phân bổ, quỹ bằng tiền (bao gồm cả tiền đang luân chuyển).

6. Đối với xí nghiệp bưu điện:

Vật liệu và vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng linh tinh, vật rẻ tiền mau hỏng, công tác đã hoàn thành nhưng chưa thu, quỹ bằng tiền…

7. Đối với các xí nghiệp văn hóa:

Các nhà xuất bản: chi phí xuất bản trả trước.

Các xí nghiệp phát hành phim và chiếu bóng: vốn dự trữ phim (để cho thuê, để bán) phí tổn đợi phân bổ, vật rẻ tiền mau hỏng, quỹ bằng tiền.

Căn cứ vào những quy định chung trên đây, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ chủ quản xí nghiệp, quy định cụ thể thành phần vốn lưu động định mức kế hoạch đối với từng loại xí nghiệp cho sát với đặc điểm của từng ngành và từng loại xí nghiệp.

Điều 4. - Khi lập kế hoạch vốn lưu động định mức phải xuất phát từ yêu cầu bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch của xí nghiệp, trên cơ sở cải tiến công việc quản lý sản xuất, kinh doanh, cải tiến các điều kiện cung cấp, dữ trữ và bảo quản, tiêu thụ và thanh toán… để xác định một số vốn lưu động kế hoạch tối thiểu, đủ để bảo đảm sản xuất, kinh doanh của xí nghiệp không bị gián đoạn.

Khi tính định mức vốn kế hoạch, phải tính cho sát đối với từng loại vốn một.

- Đối với vốn lưu động có tính chất dự trữ, thì phải căn cứ vào mức luân chuyển kế hoạch và thời gian dự trữ kế hoạch (bao gồm thời gian cung cấp cách nhau, thời gian bốc dỡ, kiểm nghiệm… và thời gian bảo hiểm, nếu cần) để tính định mức kế hoạch.

- Đối với vốn lưu động sản xuất, thì phải căn cứ vào chu kỳ sản xuất và số sản phẩm dở dang mà tính định mức kế hoạch.

- Đối với vốn lưu động, thì phải căn cứ vào kỳ luân chuyển trung bình của thành phẩm, điều kiện tiêu thụ và thanh toán mà tính định mức kế hoạch.

Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ chủ quản xí nghiệp để quy định các nguyên tắc tính toán cụ thể đối với từng loại vốn của từng loại xí nghiệp.

Điều 5. - a) Đối với các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh không có tính chất thời vụ, hoặc không bị gián đoạn liền từ 3 tháng trở lên, thì định mức vốn dự trữ phải căn cứ vào định mức bình quân của 4 quý của năm kế hoạch để định mức vốn cho cả năm.

b) Đối với các xí nghiệp sản xuất kinh doanh có tính chất thời vụ hoặc bị gián đoạn liền từ 3 tháng trở lên thì định mức vốn dự trữ phải căn cứ vào định mức dự trữ của quý thấp nhất để định mức vốn cho cả năm về những loại vật tư phải dự trữ theo thời vụ như: nguyên liệu, vật liệu chủ yếu, vật liệu phụ v.v… Còn các loại vật tư khác thì định mức vốn theo nguyên tắc nói ở đoạn a).

Điều 6. - Những khoản vốn lưu động sau đây không được ghi vào định mức vốn lưu động kế hoạch:

a) Phần vốn lưu động cần để dự trữ theo thời vụ, hoặc dự trữ vượt mức do nhu cầu tạm thời vì những nguyên nhân như: không cân đối về cung cấp, sản xuất, tiêu thụ chuyển hướng sản xuất một cách đột xuất do chủ trương của cấp trên.

b) Đối với phần sản xuất theo phương thức: nhận nguyên vật liệu để gia công, thì không được tính giá trị số nguyên vật liệu nhận của khách hàng.

c) Phần vốn lưu động không định mức.

Các phần vốn lưu động a, b trên đây không ghi vào định mức vốn lưu động kế hoạch, sẽ do Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng kiến thiết cho vay theo chế độ tín dụng ngắn hạn.

d) Đối với các xí nghiệp có vật tư ứ đọng thì phải có kế hoạch và biện pháp đem ra sử dụng vào sản xuất và kiến thiết để mau chóng chấm dứt tình trạng đó và không thể phát sinh ra tình trạng ứ đọng mới. Đối với số vật tư ứ đọng hiện có, thì các ngành chủ quản xí nghiệp thương lượng với các cơ quan Ngân hàng và tài chính để có biện pháp đặc biệt, cấp vốn thích hợp nhằm thúc đẩy và giám đốc việc giải quyết tình hình ứ đọng trong một thời gian ngắn nhất.

II. CẤP PHÁT VỐN LƯU ĐỘNG ĐỊNH MỨC

Điều 7. - Để bảo đảm quản lý và giám đốc sử dụng vốn lưu động định mức và các khoản vốn lưu động khác một cách toàn diện và chặt chẽ, phải kết hợp biện pháp ngân sách cấp phát với biện pháp tín dụng của Ngân hàng, trong việc cấp phát vốn lưu động định mức.

Điều 8. - Đối với các xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, vận tải, bưu điện, xây lắp bao thầu, v.v… Ngân sách Nhà nước bảo đảm cung cấp đủ 100% số vốn lưu động định mức kế hoạch.

Tuy nhiên, để tăng cường sự giám đốc của Ngân hàng Nhà nước, của Ngân hàng Kiến thiết, và để tiết kiệm vốn, ngân sách chỉ cấp cho các xí nghiệp nói trên, tối đa là 70% số vốn lưu động định mức kế hoạch, và chuyển cho Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Kiến thiết (đối với các xí nghiệp xây lắp bao thầu) khoảng 30% số vốn đó để làm vốn cho vay trong định mức.

Điều 9. - Đối với các xí nghiệp cung tiêu thì ngân sách Nhà nước bảo đảm cấp phát 100% số vốn lưu động định mức về phần không phải là hàng hóa. Phần vốn lưu động định mức để dự trữ hàng hóa qua kho thì ngân sách Nhà nước chỉ cấp 50% còn 50% do Ngân hàng Nhà nước cho vay bằng vốn tín dụng ngắn hạn.

Riêng đối với các xí nghiệp cung tiêu thuộc ngành Kiến trúc và ngành Địa chất, vì có quan hệ mật thiết với các xí nghiệp xây lắp, các đơn vị kiến thiết cơ bản hoặc các đơn vị có tính chất kiến thiết cơ bản (như địa chất) nên phần 50% vốn lưu động định mức để dự trữ hàng hóa do Ngân hàng Kiến thiết cho vay bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn của Ngân hàng Kiến thiết.

Điều 10. - Đối với các xí nghiệp thương nghiệp nội địa:

a) Ngân sách Nhà nước bảo đảm cấp phát 100% số vốn lưu động định mức, về phần không phải là hàng hóa.

b) Về phần vốn lưu động định mức để dự trữ hàng hóa thì phải phân biệt xí nghiệp bán buôn và xí nghiệp bán lẻ mà định tỷ lệ vốn do ngân sách Nhà nước cấp phát và tỷ lệ vốn do Ngân hàng Nhà nước cho vay bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn. Tỷ lệ vốn do ngân sách Nhà nước cấp phát đối với xí nghiệp bán buôn phải cao hơn tỷ lệ do ngân sách Nhà nước cấp phát đối với xí nghiệp bán lẻ.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Nội thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quy định các tỷ lệ cấp vốn nói trên.

Trong khi chờ đợi, tạm thời vẫn duy trì tỷ lệ cấp vốn hiện hành, nghĩa là ngân sách Nhà nước cấp 30% số vốn lưu động định mức kế hoạch để dự trữ hàng hóa chung cho cả ngành Thương nghiệp (cả bán buôn và bán lẻ), Ngân hàng Nhà nước cho vay 70% bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

c) Về vốn thu mua của các xí nghiệp thương nghiệp, từ lúc thu mua đến khi chuyển giao hàng hóa thu mua cho các xí nghiệp dự trữ để bán buôn hoặc bán lẻ, hoặc cho các xí nghiệp khác, thì số vốn cần thiết đều do Ngân hàng Nhà nước cho vay toàn bộ, bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

d) Đối với các xí nghiệp ăn uống thì ngân sách Nhà nước bảo đảm cấp phát 100% số vốn lưu động định mức kế hoạch như quy định ở điều 8 trên đây đối với các xí nghiệp công nghiệp.

Điều 11. - Đối với các xí nghiệp ngoại thương:

a) Ngân sách Nhà nước bảo đảm cấp phát 100% số vốn lưu động định mức kế hoạch, phần không phải là hàng hóa.

b) Phần vốn lưu động định mức kế hoạch để dự trữ hàng hóa xuất khẩu thì Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cho vay toàn bộ bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

c) Các tổ chức thu mua, các xí nghiệp sản xuất chế biến, v.v… trực thuộc ngành Ngoại thương, chuyên thu mua, sản xuất hoặc chế biến để giao hàng xuất khẩu, thì được cấp vốn theo đúng như quy định trong điều lệ này đối với các xí nghiệp giao dịch nội địa.

Điều 12. - Đối với các xí nghiệp thuộc ngành văn hóa:

a) Các nhà xuất bản: vốn lưu động định mức kế hoạch do ngân sách Nhà nước cấp phát 100%.

b) Đối với quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng thì phải phân biệt các loại vốn để dự trữ phim và các loại vốn khác.

Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa và Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quy định các tỷ lệ cấp vốn nói trên.

c) Quốc doanh phát hành sách: số vốn lưu động định mức kế hoạch về phần không phải là hàng hóa do ngân sách Nhà nước cấp phát 100%.

Số vốn lưu động định mức kế hoạch để dự trữ hàng hóa do ngân sách Nhà nước cấp phát 50%, còn 50% do Ngân hàng Nhà nước cho vay bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn. Riêng phần vốn dự trữ sách giáo khoa thì sẽ do Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cho vay 100% bằng nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

Điều 13. - Đối với các hoạt động phụ thuộc các xí nghiệp chính của các ngành: công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây lắp bao thầu, vận tải, thương nghiệp, cung tiêu, v.v… nếu quy mô hoạt động tương đối lớn, thì phải tách ra thành xí nghiệp hạch toán độc lập, có vốn riêng; và việc định mức vốn và cấp vốn sẽ theo đúng các quy định trong điều lệ này.

Nhưng nếu quy mô các hoạt động phụ thuộc tương đối nhỏ hoặc là chưa đủ điều kiện để tách các hoạt động phụ thuộc thành xí nghiệp độc lập, thì việc định mức vốn và cấp phát vốn đối với các hoạt động phụ thuộc đó sẽ căn cứ theo các quy định áp dụng đối với các hoạt động chính của xí nghiệp.

Điều 14. - Đối với các xí nghiệp mới xây dựng và mới bước vào sản xuất, điều kiện hoạt động chưa ổn định và chưa đầy đủ điều kiện định mức vốn lưu động kế hoạch thì sau khi sơ bộ xác định số vốn cần thiết để bảo đảm sản xuất, ngân sách Nhà nước sẽ chuyển giao toàn bộ số vốn đó cho Ngân hàng Nhà nước cho vay trong một thời gian không được quá 6 tháng, kể từ ngày chuyển vào sản xuất chính thức, các cơ quan chủ quản cùng với cơ quan Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, giúp đỡ xí nghiệp xây dựng định mức vốn lưu động kế hoạch để ngân sách Nhà nước cấp phát vốn lưu động định mức như nói ở điều 8. Số vốn lưu động tạm thời do Ngân hàng cho vay, Ngân hàng chỉ tính thủ tục phí chứ không tính lãi.

III. QUẢN LÝ VỐN LƯU ĐỘNG XÍ NGHIỆP

Điều 15. - Quản lý vốn lưu động - bất kể là vốn lưu động định mức, không định mức, vốn lưu động tự có hay vốn lưu động đi vay - đều phải nhằm: sử dụng vốn thật hợp lý, vòng quay vốn nhanh, dùng số vốn ít nhất để bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Chỉ tiêu kế hoạch vòng quay vốn lưu động (hay là tốc độ luân chuyển vốn lưu động) là một chỉ tiêu tổng hợp về chất lượng rất quan trọng: các xí nghiệp, các ngành chủ quản xí nghiệp phải xây dựng chỉ tiêu vòng quay vốn lưu động xí nghiệp tiên tiến và bảo đảm thực hiện và thực hiện vượt mức chỉ tiêu đó.

Điều 16. - Để bảo đảm quản lý và sử dụng vốn lưu động hợp lý, Nhà nước nghiêm cấm:

- Sử dụng vốn lưu động để chi cho kiến thiết cơ bản, cho các công tác sự nghiệp, chi về vốn chuyên dùng, chi về sửa chữa lớn, v.v…

- Lấy vốn lưu động xí nghiệp để cho vay, để tạm ứng, tạm chi, bán chịu, v.v… trừ những trường hợp cụ thể được Nhà nước cho phép.

- Chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các xí nghiệp, chiếm dụng vốn của Nhà nước (vốn ngân sách và vốn Ngân hàng). Nếu xí nghiệp sử dụng vốn lưu động, nhập nhằng, hoặc làm tổn thất, mất mát vốn lưu động, thì Giám đốc xí nghiệp phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

Điều 17. - Việc tính kế hoạch vốn lưu động định mức, vốn lưu động đi vay, việc sử dụng vốn lưu động, phải dựa vào sự tham gia quản lý của đông đảo quần chúng công nhân trong xí nghiệp dưới sự lãnh đạo của Giám đốc xí nghiệp.

Lập kế hoạch vốn lưu động định mức phải có sự tham gia của đông đảo quần chúng công nhân và cán bộ các ngành tài vụ, kế toán, cung tiêu, kỹ thuật, lao động tiền lương của xí nghiệp và của cơ quan Ngân hàng và Tài chính.

Xí nghiệp phải phấn đấu để thực hiện và nâng cao dần trình độ hạch toán kinh tế trong nội bộ xí nghiệp, để có thể dần dần giao quyền quản lý vốn lưu động cho các phân xưởng, các ngành, các tổ sản xuất, v.v…

Điều 18. - Các cơ quan chủ quản xí nghiệp phải căn cứ vào điều lệ chung của Nhà nước mà nghiên cứu, quy định cụ thể việc tính toán và quản lý vốn lưu động trong ngành mình, phải thiết thực giúp đỡ và kiểm tra các xí nghiệp, đồng thời nắm tình hình quản lý vốn lưu động toàn ngành (tổng hợp kế hoạch toàn ngành, báo cáo thực hiện của toàn ngành…).

Các cơ quan chủ quản xí nghiệp ở trung ương có quyền điều động vốn lưu động ở xí nghiệp thừa sang xí nghiệp thiếu, nhưng không được điều vốn lưu động sang khu vực hành chính, sự nghiệp hay kiến thiết cơ bản. Khi điều động vốn phải báo cho Bộ Tài chính biết.

Điều 19. - Các cơ quan Tài chính và Ngân hàng, trong suốt hệ thống tổ chức tài chính, Ngân hàng từ trung ương đến địa phương, phải cộng tác chặt chẽ để quản lý vốn lưu động xí nghiệp cho được toàn diện.

Phải thông qua hoạt động nghiệp vụ của mình mà tiến hành giám đốc, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các việc sử dụng vốn lưu động nhập nhằng hoặc không hợp lý.

Phải cải tiến các công tác thu nộp, thanh toán cấp phát quản lý liền mặt… đối với các xí nghiệp, nhằm củng cố kỷ luật tài chính, thúc đẩy việc luân chuyển vốn và tạo mọi điều kiện giúp đỡ xí nghiệp và các ngành cải tiến việc sử dụng vốn lao động.

Điều 20. - Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ chủ quản xí nghiệp phải quy định cụ thể những điều cần thiết để thi hành điều lệ này, theo dõi, hướng dẫn các xí nghiệp, các địa phương chấp hành điều lệ cho đầy đủ và chu đáo, tổ chức rút kinh nghiệm để kịp thời nâng cao chất lượng quản lý tài chính xí nghiệp.

Đối với các xí nghiệp địa phương, các Ủy ban hành chính tỉnh, thành, khu, căn cứ vào điều lệ này, có thể quy định cụ thể cho thích hợp với điều kiện của xí nghiệp địa phương và báo cáo cho Bộ Tài chính để xét duyệt trước khi thi hành.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 48-TTg năm 1962 về Điều lệ tạm thời về việc cấp phát và quản lý vốn lưu động ở các xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 48-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/04/1962
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 12/05/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản