Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-NĐ

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

THÀNH LẬP MỘT HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT TẠI BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Căn cứ Chỉ thị số 105-TTg ngày 11 tháng 3-1959 của Thủ tướng phủ về việc kịp thời tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, phát minh sáng chế của quần chúng.
Để tăng cường lãnh đạo công tác khoa học và kỹ thuật trong ngành Giao thông và Bưu điện.

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay thành lập tại Bộ Giao thông và Bưu điện một Hội đồng kỹ thuật.

Điều 2. - Thành phần, tổ chức, nhiệm vụ, lề lối làm việc của Hội đồng kỹ thuật quy định như trong bản điều lệ tạm thời ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3. – Các ông Tổng cục trưởng, Vụ trưởng, Viện trưởng Viện thí nghiệm vật liệu, Hiệu trưởng trường trung cấp Giao thông và ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN




Nguyễn Văn Trân

LỆ

TỔ CHỨC TẠM THỜI HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT CỦA BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

I. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT

Hội đồng kỹ thuật của Bộ Giao thông và Bưu điện là một tổ chức tư vấn giúp Bộ lãnh đạo nghiên cứu kỹ thuật khoa học về ngành giao thông và bưu điện. Mục đích thành lập Hội đồng kỹ thuật là:

1. Bảo đảm và nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật khoa học trong ngành Giao thông và Bưu điện.

2. Phát triển những khả năng sáng chế phát minh, cải tiến kỹ thuật để đáp ứng với nhu cầu kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm cơ sở cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

3. Tiến dần từng bước để thành cơ sở nghiên cứu kỹ thuật khoa học của Bộ.

4. Thu thập, nghiên cứu và phổ biến những kinh nghiệm, sáng kiến của chiến sĩ, công nhân viên, cán bộ trong ngành, những tài liệu, kinh nghiệm kỹ thuật khoa học của các nước bạn.

II. NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT

Trong giai đoạn mới thành lập và với kiện hiện nay về khả năng nghiên cứu kỹ thuật khoa học, Hội đồng kỹ thuật tạm đảm nhiệm 8 nhiệm vụ như sau:

1. Nghiên cứu và giúp Bộ xét duyệt những đồ án thiết kế, dự toán các công trình kiến thiết của các ngành trên hạn ngạch do Bộ và các Tổng cục đã phân cấp.

2. Nghiên cứu các vấn đề kỹ thuật do các công trường, xí nghiệp hoặc các ngành đề xuất.

3. Thu thập, nghiên cứu, xác nhận và phổ biến để phát huy trong ngành hoặc trong nước, những kinh nghiệm, sáng chế phát minh, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa tổ chức của cán bộ công nhân viên.

4. Nghiên cứu, thảo hoặc duyệt các quy trình, quy tắc kỹ thuật trình Bộ ban bố cho các ngành áp dụng và tiến dần đến chỗ mỗi ngành đều có quy trình, quy tắc thống nhất.

5. Sưu tầm, tổng hợp và phổ biến những kết quả hoặc kinh nghiệm về khoa học, kỹ thuật của các ngành trong nước hoặc các nước ngoài.

6. Căn cứ theo kế hoạch hàng năm của Bộ và kế hoạch nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Nhà nước, xây dựng chương trình công tác kỹ thuật và nghiên cứu kỹ thuật của Bộ trong từng năm hoặc dài hạn.

7. Trao đổi các tài liệu, sách báo khoa học kỹ thuật với các nước bạn. (Nhờ các nước bạn nghiên cứu, xác minh những kết quả thí nghiệm hoặc kinh nghiệm của chúng ta đã tìm ra hoặc những vấn đề chúng ta không đủ khả năng nghiên cứu).

8. Thống nhất danh từ chuyên môn trong ngành.

- Xuất bản tập san kỹ thuật và các tài liệu kỹ thuật.

- Tham gia ý kiến về chương trình giáo khoa bổ túc cho cán bộ kỹ thuật trung, cao cấp.

III. THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT

Hội đồng có: một Chủ tịch Hội đồng, một Phó chủ tịch, một thư ký, một phó thư ký và một số ủy viên (thường trực và không thường trực).

Chủ tịch Hội đồng do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng trực tiếp phụ trách.

Phó chủ tịch, ủy viên, thư ký, phó thư ký và các ủy viên Hội đồng do Bộ trưởng chỉ định.

Các Ủy viên sẽ chọn trong những cán bộ lãnh đạo nghiệp vụ ở các ngành Đường sắt, Đường bộ, Đường thủy, Bưu điện, Viện thí nghiệm vật liệu, Trường trung cấp giao thông.

Để thực hiện việc Đảng lãnh đạo kỹ thuật và quần chúng tham gia kỹ thuật, thành phần Hội đồng kỹ thuật, ngoài số ủy viên trên, sẽ có một số cán bộ chính trị lãnh đạo các Tổng cục và Cục, và một số công nhân lành nghề, anh hùng, chiến sĩ thi đua.

Trong những hội nghị kỹ thuật chuyên đề, (trường hợp nghiên cứu hoặc xét duyệt một số vấn đề quan trọng có tính chất khoa học và chuyên nghiệp) ngoài số ủy viên trên, sẽ mời một số giáo sư Trường Đại học bách khoa, Trường trung cấp giao-thông, một số công trình sư và công nhân lành nghề có nhiều kinh nghiệm của ngành và các ngành khác tham dự.

IV. BỘ MÁY CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT

Hội đồng có một ban thường trực, các ban chuyên môn nghiên cứu lâu dài hoặc tạm thời và một văn phòng.

Ban thường trực gồm có Chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thư ký, phó thư ký và một số ủy viên.

Trong điều kiện hiện nay, chưa cần các ban chuyên môn tổ chức lâu dài, khi nghiên cứu hoặc xét duyệt một số vấn đề gì, sẽ cử tạm thời các ban chuyên môn chọn trong các công trình sư, cán bộ kỹ thuật ở các Tổng cục, Cục, Trường học, Viện thí nghiệm để phụ trách nghiên cứu các vấn đề ấy. Chỉ khi cần thiết lắm mới thành lập ban chuyên môn nghiên cứu lâu dài để phụ trách các vấn đề quan trọng đòi hỏi sự nghiên cứu liên tục và dài hạn.

Mỗi ban chuyên môn do một ủy viên làm trưởng ban. Danh sách các ban chuyên môn do Thường trực Hội đồng đề nghị lên Bộ xét duyệt.

Để giúp việc Hội đồng kỹ thuật, cần tổ chức một văn phòng do ủy viên thư ký trực tiếp phụ trách, Văn phòng Hội đồng kỹ thuật có quyền hạn tương đương với một Vụ trong Bộ.

Nhiệm vụ văn phòng Hội đồng kỹ thuật:

1. Nghiên cứu các đồ án thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình trên hạn ngạch để trình Bộ duyệt.

2. Nghiên cứu, chỉnh lý các quy trình, quy tắc do các Tổng cục soạn và trình Bộ duyệt để ban hành thống nhất trong các ngành.

3. Theo dõi, cung cấp tài liệu nghiên cứu, tập hợp tình hình nghiên cứu của các ban chuyên môn và hàng tuần báo cáo trước Ban thường trực.

4. Chuẩn bị các cuộc hội nghị thường kỳ và bất thường của Hội đồng kỹ thuật.

5. Phân công tham dự các cuộc họp của Ủy ban Khoa học Nhà nước về các vấn đề liên quan đến ngành Giao thông và Bưu điện và đề xuất với Hội đồng kỹ thuật để nghiên cứu.

6. Tập hợp kinh nghiệm, sáng kiến phát minh trong ngành để Hội đồng kỹ thuật xác nhận và kịp thời đề nghị lên Bộ khen thưởng và phổ biến rộng rãi.

7. Sưu tầm những tài liệu kỹ thuật của nước ngoài, dịch, nghiên cứu và phổ biến sau khi đã được Hội đồng kỹ thuật duyệt.

8. Soạn bài cho Tập san kỹ thuật của ngành Giao thông và Bưu điện.

9. Quản lý các hồ sơ, tài liệu, phương tiện phục vụ cho việc nghiên cứu kỹ thuật.

Tổ chức văn phòng Hội đồng kỹ thuật

Văn phòng tổ chức thành 3 nhóm:

1. Nhóm nghiên cứu đồ án thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình và quy trình, quy tắc.

2. Nhóm theo dõi tình hình nghiên cứu của các tiểu ban.

3. Nhóm đúc kết tài liệu, kinh nghiệm, sáng kiến và tập san.

V. LỀ LỐI LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG KỸ THUẬT

Hội đồng kỹ thuật họp toàn thể 6 tháng một lần. Khi cần nghiên cứu hoặc duyệt kịp thời một vấn đề sẽ họp bất thường.

Kỳ họp thường kỳ có mục đích kiểm điểm công tác nửa năm và đề ra chương trình hoạt động nửa năm sau, tổng kết tình hình lãnh đạo kỹ thuật của các ngành để báo cáo lên Bộ.

Trong những buổi họp kỹ thuật chuyên đề, tùy theo tính chất kỹ thuật của vấn đề bàn tại Hội nghị Ban thường trực mà mời các ủy viên Hội đồng đến dự, không nhất thiết cuộc họp nào cũng mời toàn thể Hội đồng.

Nội quy sẽ quy định một cách cụ thể việc chuẩn bị cho Hội đồng làm việc, cách trình duyệt, xét duyệt hoặc nghiên cứu các vấn đề.

Ban hành kèm theo Nghị định số 47/NĐ ngày 18-5-1959.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 47-NĐ năm 1959 về việc thành lập một Hội đồng kỹ thuật tại Bộ Giao thông và Bưu điện do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 47-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/05/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Văn Trân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 02/06/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản