Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ47-CP NGÀY 26-6-1993VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI BẰNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tại công văn số 758-UB/LTVTHH/KTĐN ngày 17 tháng 4 năm 1993,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế tạm thời về trả nợ nước ngoài bằng hàng hoá xuất khẩu.

Điều 2.- Quy chế kèm theo Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế cho Điều 12 của Nghị định số 114-HĐBT ngày 7-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Quy chế kèm theo Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

QUY CHẾ TẠM THỜI
VỀ TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI BẰNG HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU
(Kèm theo Nghị định số 47-CP ngày 26-6-1993 của Chính phủ).

I. CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1.- Tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu trả nợ nước ngoài hàng năm là một phần của kế hoạch trả nợ nước ngoài đã được Chính phủ phê duyệt trong kế hoạch ngân sách hàng năm.

Điều 2.- Bộ Tài chính chủ trì cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại xây dựng kế hoạch trả nợ nước ngoài hàng năm đối với từng nước (từng đối tượng riêng), trên cơ sở khả năng thu, chi của ngân sách, cán cân thương mại, đồng thời có tính đến quan hệ thương mại với từng nước.

Điều 3.- Căn cứ kế hoạch trả nợ nước ngoài được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính thông báo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại và các ngành có liên quan về hạn mức trả nợ cụ thể đối với từng nước (từng đối tượng riêng). Trên cơ sở đó, Bộ Thương mại và các ngành được giao nhiệm vụ thực hiện việc đàm phán, ký kết các thoả thuận liên quan với phía nước ngoài về hàng hoá xuất khẩu trong hạn mức trả nợ và cơ cấu hàng xuất khẩu chung của kế hoạch xuất khẩu hàng năm.

Sau khi ký với phía nước ngoài, Bộ Thương mại các ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn kiện, Hiệp định liên quan đã ký kết và đồng gửi Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai kế hoạch trả nợ.

Điều 4.- Căn cứ các thoả thuận đã ký với phía nước ngoài, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chủ trì cùng Bộ Thương mại, Bộ Tài chính lập kế hoạch phân bổ hạn mức trả nợ (theo nguyên tắc và phương thức nêu ở phần II của Quy chế này) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi thông báo chính thức, để các Bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện.

Điều 5.- Trong quá trình thực hiện kế hoạch trả nợ, nếu phía nước ngoài nhất thiết đề nghị thay đổi cơ cấu hàng trả nợ thì Bộ Thương mại, các ngành liên quan phải kịp thời thông báo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để bố trí lại kế hoạch trong hạn mức được duyệt.

Điều 6.- Hàng hoá xuất khẩu theo kế hoạch trả nợ của Chính phủ là hàng sản xuất tại Việt Nam và được thanh toán từ nguồn ngân sách Nhà nước, theo tỷ giá đối với từng nhóm hàng, mặt hàng.

II. NGUYÊN TẮC VÀ PHƯƠNG THỨC PHÂN BỔ HẠN MỨC TRẢ NỢ

A) NGUYÊN TẮC PHÂN BỔ:

Điều 7.- Hàng hoá xuất khẩu trả nợ được phân bổ theo giá trị kim ngạch xuất khẩu (hạn mức trả nợ), không phân theo số lượng; tổng trị giá hàng hoá được phân bổ phải phù hợp với hạn mức trả nợ mà ngân sách đã bố trí.

Điều 8.- Ưu tiên phân bổ cho các ngành, địa phương có sản xuất những mặt hàng trong danh mục trả nợ đã ký kết đồng thời có khó khăn về ngân sách. Trước hết ưu tiên phân bổ cho các đơn vị sản xuất quốc doanh hiện đang có khó khăn về thị trường và có những sản phẩm trong danh mục trả nợ.

B) PHƯƠNG THỨC PHÂN BỔ:

Điều 9.- Đối với những mặt hàng đã nắm chắc được khả năng và năng lực sản xuất của ngành hàng và đơn vị sản xuất thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại phân bổ trực tiếp cho ngành hàng, đơn vị sản xuất trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành và địa phương, phần còn lại giao cho Bộ, ngành và địa phương phân bổ cho các doanh nghiệp trực thuộc và thông báo cho Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Thương mại và Bộ Tài chính biết.

Điều 10.- Bộ Tài chính và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phân bổ hạn mức trả nợ phải trên cơ sở cân đối với khả năng chi của ngân sách cho kế hoạch trả nợ (cả năm và từng quý).

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN VÀ ĐƠN VỊ NHẬN HẠN MỨC TRẢ NỢ

Điều 11.- Trên cơ sở hạn mức trả nợ đã được duyệt và đã thông báo cho các doanh nghiệp, Bộ Thương mại cần phải:

- Thông báo cho nước ngoài những đối tác của phía Việt Nam;

Hướng dẫn chung để các doanh nghiệp ký hợp đồng ngoại; chỉ đạo về giá cả và các điều kiện thương mại khác; cấp giấy phép xuất khẩu (nếu cần), kiểm tra bảo đảm chất lượng hàng hoá đã ký kết;

- Chỉ định các đơn vị có đủ điều kiện làm đầu mối nhận giao hàng trả nợ; kiểm tra việc các đơn vị này bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng và phí nhận đầu mối.

Điều 12.- Bộ Tài chính cần phải:

- Chủ trị cùng Bộ Thương mại, Ban Vật giá Chính Phủ, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước xây dựng và ban hành thông tư xác định các nguyên tắc định tỷ giá thanh toán hàng xuất khẩu trả nợ đối với từng mặt hàng, nhóm hàng;

- Chủ trì tổ công tác định tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các đồng ngoại tệ trả nợ (gồm đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị có hàng xuất khẩu trả nợ) để Bộ quyết định tỷ giá thanh toán cụ thể;

- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, thực hiện việc thanh toán kịp thời tiền hàng cho các doanh nghiệp đã giao hàng trả nợ hoặc có doanh thu dịch vụ trừ nợ nước ngoài của Nhà nước theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, nếu thanh toán chậm từ một tháng trở lên tính từ khi có đầy đủ hồ sơ thanh toán theo quy định, thì phải trả lãi theo lãi xuất tiền vay mà doanh nghiệp vay Ngân hàng.

Điều 13.- Ngân hàng Nhà nước cần phải:

- Theo dõi kim ngạch các doanh nghiệp thực hiện trả nợ để quyết toán với Ngân hàng nhận nợ các nước vào tài khoản của Việt Nam;

- Thông báo kịp thời cho Bộ Tài chính biết khi Ngân hàng nhận nợ các nước báo có (đã nhận nợ) đối với từng lô hàng đã giao.

- Chỉ đạo Ngân hàng Ngoại thương trong việc làm thủ tục thanh toán đối ngoại để trừ nợ Nhà nước đối với phía nước ngoài.

Điều 14.- Các doanh nghiệp giao hàng trả nợ cần phải:

- Bảo đảm thực hiện đúng hạn mức trả nợ được giao; các điều kiện về giá cả, thời gian giao hàng và chất lượng hàng hoá đã ký kết;

- Được quyền chọn doanh nghiệp làm đầu mối cho mình trong số các doanh nghiệp được chỉ định làm đầu mối giao hàng trả nợ theo hạn mức được phân bổ.

Điều 15.- Các doanh nghiệp đầu mối nhận uỷ thác giao hàng trả nợ cần phải:

- Bảo đảm công khai với doanh nghiệp mà mình làm đầu mối về nội dung của hợp đồng ngoại, về chi phí giao dịch, về tỷ giá thanh toán và thực hiện đúng các cam kết khác.

- Chỉ được phép nhận phí đầu mối hợp lý, tối đa không quá 1% trị giá lô hàng Hợp đồng xuất trả nợ (giá FOB).

Điều 16.- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm cùng Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương hữu quan điều hành thực hiện kế hoạch trả nợ. Trong trường hợp có những vấn đề nẩy sinh vượt thẩm quyền, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hàng quý, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kế hoạch trả nợ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 47-CP năm 1993 ban hành quy chế tạm thời về trả nợ nước ngoài bằng hàng hoá xuất khẩu

  • Số hiệu: 47-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/06/1993
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 26/06/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 03/07/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản