Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2000/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2000

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 47/2000/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 9 NĂM 2000 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH SỐ 19/2000/PL-UBTVQH10 NGÀY 14 THÁNG 02 NĂM 2000 SỬA ĐỔI ĐIỀU 21 CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG, LIỆT SĨ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN, NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh ngày 29 tháng 8 năm 1994 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;
Căn cứ Pháp lệnh số 19/2000/PL-UBTVQH10 ngày 14 tháng 02 năm 2000 của ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Người hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp một lần tính theo thâm niên tham gia kháng chiến quy định tại Điều 1 Pháp lệnh số 19/2000/PL-UBTVQH10 ngày 14 tháng 02 năm 2000, là người được Nhà nước khen thưởng thành tích kháng chiến bằng các hình thức Huân chương, Huy chương Chiến thắng hoặc Huân chương, Huy chương Kháng chiến (hoặc cả hai hình thức nếu có) bao gồm :

1. Người chưa được hưởng trợ cấp kháng chiến còn sống hoặc chết sau ngày 01 tháng 01 năm 1995.

2. Người đang hưởng trợ cấp kháng chiến hàng tháng.

Đối với người chưa được hưởng trợ cấp kháng chiến, chết sau ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì gia đình của đối tượng được nhận trợ cấp.

Điều 2.

1. Thâm niên tham gia kháng chiến là số năm thực tế tham gia kháng chiến kể từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. Trường hợp sau khi tính thâm niên còn có tháng lẻ thì từ 06 tháng trở lên được tính là 01 năm, dưới 06 tháng được tính là 1/2 năm.

2. Đối với đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng chuyển sang hưởng trợ cấp một lần thì thâm niên tham gia kháng chiến để tính hưởng trợ cấp một lần được tính bằng số năm thực tế tham gia kháng chiến trừ đi số năm đã hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trường hợp số năm đã được hưởng trợ cấp hàng tháng vượt quá số năm thực tế tham gia kháng chiến thì không truy hoàn số tiền đã hưởng.

Điều 3. Mức trợ cấp đối với mỗi thâm niên tham gia kháng chiến là 120.000 đồng.

Điều 4. Việc chi trả trợ cấp kháng chiến một lần đối với đối tượng quy định tại Điều 1 của Nghị định này theo trình tự sau :

1. Chi trả trợ cấp kháng chiến một lần kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đối với đối tượng quy định tại Điều 1, chưa được hưởng trợ cấp kháng chiến.

2. Chi trả trợ cấp kháng chiến một lần từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đối với đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng chuyển sang hưởng chế độ trợ cấp 01 lần.

Trong thời gian kể từ ngày Nghị định có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2000, các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này tiếp tục được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Điều 5. Đối với đối tượng quy định tại Điều 1 của Nghị định này mà là người không hưởng lương, lương hưu, trợ cấp mất sức dài hạn thì khi chết, mai táng phí theo quy định sau:

1. Nếu là người cô đơn không nơi nương tựa thì tổ chức, chi phí mai táng theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Nếu gia đình của đối tượng thuộc diện hộ đói, nghèo thì được hỗ trợ mai táng phí từ ngân sách địa phương nơi đối tượng cư trú.

Điều 6.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Nghị định này.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định này đối với đối tượng quy định tại Điều 1 thuộc phạm vi quản lý của mình sau khi thỏa thuận với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

3. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng dự toán chi ngân sách trình cấp có thẩm quyền để thực hiện chi trả trợ cấp kháng chiến một lần theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

4. Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn hoàn thành trong năm 2000 việc tặng thưởng Huân chương, Huy chương về thành tích kháng chiến và kiểm tra công tác khen thưởng liên quan đến việc thực hiện quy định tại Nghị định này.

Điều 7.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ các Điều 57, 58 và khoản 1, 2 của Điều 59 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ và Nghị định số 66/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 47/2000/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh 19/2000/PL-UBTVQH10 sửa đổi Điều 21 của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng

  • Số hiệu: 47/2000/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/09/2000
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 38
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản