Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 425-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN “QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ BIỆN PHÁP TÍNH THUẾ, THU THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC XÃ THỦ CÔNG NGHIỆP” VÀ BẢN “QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ BIỆN PHÁP TÍNH THUẾ, THU THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC CỦA NHỮNG TIỂU THƯƠNG VÀ HÀNG RONG, BUÔN VẶT”.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ quy tắc tổ chức tạm thời của hợp tác xã thủ công nghiệp số 297-TTg ngày 13-6-1958, điều lệ tạm thời về tổ chức hợp tác hay cửa hàng hợp tác của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt số 127-TTg ngày 1 tháng 4 năm 1959;
Căn cứ điều lệ tạm thời về thuế lợi tức doanh nghiệp số 564-TTg ngày 31-7-1955;
Căn cứ đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ nghị quyết của hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành bản “Quy định tạm thời về biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các tổ chức hợp tác hóa thủ công nghiệp” và bản “Quy định tạm thời về biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các tổ chức hợp tác của những tiểu thương và hàng rong, buôn vặt” kèm theo nghị định này.

Điều 2. – Các ông Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Nội thương và Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phạm Hùng

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ BIỆN PHÁP TÍNH THUẾ, THU THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC THỦ CÔNG NGHIỆP

Điều 1. – Bản quy định này ban hành nhằm mục đích: khuyến khích phong trào hợp tác hóa thủ công nghiệp; khuyến khích phát triển sản xuất, cải tiến kỹ thuật; chiếu cố đời sống của người thợ thủ công trong các tổ chức hợp tác hóa, bảo đảm nguồn thu về tài chính.

Điều 2. – Tất cả các tổ chức hợp tác thủ công nghiệp, được cơ quan Quản lý thủ công nghiệp khu, thành phố, tỉnh công nhận, nộp thuế lợi tức doanh nghiệp căn cứ điều lệ thuế lợi tức doanh nghiệp hiện hành và các thể lệ có liên quan, nhưng được ưu đãi theo những quy định dưới đây:

- Các điều 3, 4 và 5: để áp dụng đối với hợp tác xã sản xuất công nghiệp, tổ sản xuất hợp tác thủ công nghiệp, bộ phận sản xuất tập trung của hợp tác xã cung tiêu sản xuất; thủ công nghiệp (gọi tắt là hợp tác xã sản xuất, tổ sản xuất, bộ phận sản xuất tập trung của hợp tác xã cung tiêu)

- Điều 6: để áp dụng đối với hợp tác xã cung tiêu sản xuất thủ công nghiệp (trừ bộ phận sản xuất tập trung) và tổ cung tiêu sản xuất thủ công nghiệp (gọi tắt là hợp tác xã cung tiêu và tổ cung tiêu).

Điều 3. – Đối với mỗi hợp tác xã sản xuất, tổ sản xuất, bộ phận sản xuất tập trung của hợp tác xã cung tiêu, thuế thu theo một tỷ lệ cố định tính căn cứ vào thực lãi bình quân của mỗi xã viên, đối chiếu với thuế biểu thuế lợi tức hiện hành áp dụng cho ngành công nghiệp.

Số thực lãi bình quân của mỗi xã viên nói trên tính căn cứ vào số thực lãi chịu thuế của tổ chức hợp tác trong thời gian 6 tháng kinh doanh, kể từ sau khi tổ chức hợp tác được công nhận; nếu tổ chức hợp tác đã kinh doanh và được chính thức công nhận từ trước năm 1959 thì thời gian 6 tháng nói trên tính từ tháng 1 năm 1959.

Điều 4. – Hợp tác xã sản xuất loại cao được trích 25% số thuế, hợp tác xã sản xuất loại thấp, tổ sản xuất, bộ phận sản xuất tập trung của hợp tác xã cung tiêu được trích 20% số thuế để bỏ vào quỹ tích lũy.

Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể cho tổ chức hợp tác trích một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ nói trên trong hai trường hợp sau đây:

- trường hợp tổ chức hợp tác gặp khó khăn đặc biệt về sản xuất, thu nhập của xã viên còn thấp; trong trường hợp này, Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể cho tổ chức hợp tác dùng một phần số thuế được trích bỏ vào quỹ xã hội;

- trường hợp cần khuyến khích khôi phục những nghề thủ công cổ truyền.

Điều 5. – Trong hợp tác xã sản xuất, tổ sản xuất, bộ phận sản xuất tập trung của hợp tác xã cung tiêu, nếu có xã viên nào thu nhập thấp, nằm trong diện miễn giảm thuế thì xã viên đó vẫn được miễn giảm theo thể lệ hiện hành. Biện pháp cụ thể thi hành việc miễn giảm này do Bộ Tài chính quy định.

Điều 6. – Đối với hợp tác xã cung tiêu (trừ bộ phận sản xuất tập trung) và tổ cung tiêu, số thuế phải nộp là số thuế của tất cả các xã viên, tính theo thể lệ hiện hành, cộng lại; nhưng tổ chức hợp tác được trích 5% số thuế để bỏ vào quỹ tích lũy.

Trường hợp tổ chức hợp tác gặp khó khăn đặc biệt về sản xuất, thu nhập của xã viên còn thấp, Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể cho tổ chức hợp tác dùng một phần số thuế được trích bỏ vào quỹ xã hội.

Điều 7. – Cơ quan quản lý thủ công nghiệp khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ, căn cứ quy tắc tổ chức tạm thời của hợp tác xã sản xuất thủ công nghiệp, xác định tính chất, trình độ tổ chức của các tổ chức hợp tác, để cơ quan thuế dùng làm cơ sở thi hành bản quy định này.

Điều 8. – Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành văn bản này; căn cứ vào tinh thần của văn bản này mà quy định biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các tổ chức hợp tác thuộc các ngành vận tải, kiến trúc, chăn nuôi và thuộc một số nghề phục vụ do Bộ Tài chính định.

Điều 9. – Bản quy định này thi hành kể từ tháng 01-1959.

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ BIỆN PHÁP TÍNH THUẾ, THU THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC HỢP TÁC CỦA NHỮNG NGƯỜI TIỂU THƯƠNG, VÀ HÀNG RONG, BUÔN VẶT

Điều 1. – Bản quy định này ban hành nhằm mục đích: khuyến khích những tiểu thương và hàng rong, buôn vặt tổ chức lại; khuyến khích các tổ chức hợp tác của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt chuyển sang sản xuất; chiếu cố đời sống của người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt trong các tổ chức hợp tác; bảo đảm nguồn thu về tài chính.

Điều 2. – Tất cả các tổ chức hợp tác của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt, được cơ quan Quản lý thủ công nghiệp khu, thành phố, tỉnh công nhận, nộp thuế lợi tức doanh nghiệp căn cứ điều lệ thuế lợi tức doanh nghiệp hiện hành nhưng được ưu đãi theo những quy định dưới đây:

- Các điều 3, 4, 5, 6 : để áp dụng đối với tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung.

Điều 7: để áp dụng đối với tổ hợp tác mua chung, bán riêng.

Điều 3. – Tất cả các tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung nộp thuế theo một tỷ lệ cố định là 10% số thực lãi chịu thuế nếu toàn bộ hay đại bộ phận hàng kinh doanh là hàng của mậu dịch quốc doanh hay thuộc loại mậu dịch quốc doanh đã quản lý chặt chẽ.

Nếu toàn bộ hay đại bộ phận kinh doanh là mua ở thị trường tự do thì tổ chức hợp tác nộp thuế theo thuế suất, tính căn cứ thực lãi bình quân của mỗi tổ viên, đối chiếu với thuế biểu thuế lợi tức hiện hành áp dụng cho ngành thương nghiệp.

Điều 4. – Tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung loại cao được trích 25% số thuế, tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung bán chung vừa được trích 15% số thuế để bỏ vào quỹ tích lũy.

Trường hợp tổ chức hợp tác gặp khó khăn đặc biệt về kinh doanh, thu nhập của tổ viên còn thấp, Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể cho tổ chức hợp tác trích một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ nói trên; và trong trường hợp này, Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể cho tổ chức hợp tác dùng một phần số thuế được trích bỏ vào quỹ xã hội.

Điều 5. – Trong tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung, nếu có tổ viên nào thu nhập thấp, nằm trong diện miễn giảm thuế, thì tổ viên đó vẫn được miễn giảm theo thể lệ hiện hành. Biện pháp cụ thể thi hành việc miễn giảm này do Bộ Tài chính quy định.

Điều 6. – Bộ phận sản xuất trong các tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác mua chung, bán chung được miễn thuế trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi có sản phẩm bán ra thị trường. Sau thời hạn nói trên, nếu tổ chức hợp tác còn gặp khó khăn trong việc chuyển sang sản xuất, Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể xét duyệt quyết định cho kéo dài thêm thời hạn miễn thuế.

Hết thời hạn miễn thuế, bộ phận sản xuất nói trên nộp thuế lợi tức căn cứ chính sách đối với các tổ chức hợp tác sản xuất thủ công nghiệp.

Điều 7. – Đối với tất cả các tổ hợp tác mua chung, bán riêng, số thuế phải nộp là số thuế của tất cả các tổ viên, tính căn cứ các thể lệ hiện hành, cộng lại; những tổ chức hợp tác được trích 5% số thuế để bỏ vào quỹ tích lũy.

Trường hợp tổ chức hợp tác gặp khó khăn đặc biệt về kinh doanh, thu nhập của tổ viên còn thấp, Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể cho tổ chức hợp tác dùng một phần số thuế được trích để bỏ vào quỹ xã hội.

Điều 8.Cơ quan Quản lý thương nghiệp khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ, căn cứ bản điều lệ tạm thời về tổ chức tổ hợp tác hay cửa hàng hợp tác của những người tiểu thương và hàng rong, buôn vặt, xác định tính chất, trình độ tổ chức của các tổ chức hợp tác, để cơ quan thuế dùng làm cơ sở thi hành bản quy định này.

Điều 9. – Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thi hành văn bản này, căn cứ vào tinh thần của văn bản này mà quy định biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các tổ chức hợp tác thuộc các ngành ăn uống, phục vụ (trừ đối với một số nghề phục vụ được chiếu cố áp dụng biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp như đối với tổ chức hợp tác sản xuất thủ công nghiệp và do Bộ Tài chính định).

Điều 10. – Bản quy định này thi hành kể từ tháng 12 năm 1959.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 425-TTg năm 1959 về bản Quy định tạm thời về biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các tổ chức hợp tác xã thủ công nghiệp và bản Quy định tạm thời về biện pháp tính thuế, thu thuế lợi tức doanh nghiệp đối với các tổ chức hợp tác của những tiểu thương và hàng rong, buôn vặt do Thủ Tướng ban hành.

  • Số hiệu: 425-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/12/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 48
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản